đọc sách vớiii
Đào Trung Đạo

marisha pessl  

SPECIAL TOPICS
IN CALAMITY PHYSICS
 
 

(Những Đề Mục Đặc Biệt
trong Khoa Vật Lý Tai Họa)

 

Khi quyển tiểu thuyết đầu tay Special Topics in Calamity Physics/ Những Đề Mục Đặc Biệt trong Khoa Vật Lý Tai Họa của Marisha Pessl ra mắt độc giả  vào mùa Hè năm nay phản ứng của giới phê bình không những ồn ào mà còn rất đối nghịch. Những tin tức trong giới xuất bản sách ở Mỹ tiết lộ rằng nhà Viking ở Mỹ đã trả trước tác quyền một số tiền rất lớn. Rằng tác giả là một nữ diễn viên kịch trẻ đẹp 27 tuổi, tốt nghiệp cao học ở Barnard College, và cũng còn là một kịch tác gia tài năng. Những người quen biết Marisha Pessl và được đọc quyển sách trước khi xuất bản như nhà văn trẻ Jonathan Safran Foer tác giả quyển Everything Is Illuminated, và Jonathan Franzen tác giả quyển The Corrections được trao giải Pulitzer năm 2003 đều hết lời ca ngợi quyển tiểu thuyết đầu tay này. Nhưng cũng có không ít những bài phê bình nặng lời, tiêu cực. Khi mọi ý kiến khen chê đã lắng xuống, giá trị văn chương của quyển sách này sẽ được xem xét kỹ lưỡng hơn. Sở dĩ có việc khen chê ồn ào một phần vì kỹ thuật tiếp thị của nhà xuất bản, phần khác vì tác giả là một người đẹp. Nhưng có lẽ lý do chính vì Special Topics in Calamity Physics là một quyển sách quá độc đáo, sáng tạo. Thường một tác phẩm có những đặc tính như vậy buổi đầu vẫn gây ra những phản ứng quá độ. Nhất là đối với khẩu vị của những nhà phê bình bảo thủ.

 

Quả thực quyển sách này gây bối rối không ít cho những người đọc tiểu thuyết mục đích trước hết là tìm sự vui thú khi đọc truyện. Ngay cái tựa sách cũng đủ thấy sự khô khan vì nó giống như một quyển sách giáo khoa Vật lý. Vào đến phần Mục Lục thì lại càng ngộ nghĩnh hơn. Tác giả cho người đọc biết đây là một quyển sách ghi Chương Trình Học với 8 trang Nhập Đề sau đó là 3 Phần chia làm nhiều Chương và mỗi Chương mang tựa đế một tác phẩm văn chương thế giới cả cổ điển lẫn hiện đại nổi tiếng mà không một người học chuyên ngành văn không từng phải đọc qua.  Nhưng thực ra Special Topics in Calamity Physics là một quyển tiểu thuyết mang nhiều tham vọng, dày trên 500 trang nhưng Chương cuối lại là một Bài Thi Cuối Khóa vỏn vẹn có 4 trang rưỡu! Bìa sách tuy được thiết kế bắt mắt nhưng trông không khác gì một quyển sách giáo khoa. Tuy vậy, tác phẩm này hiện là một quyển sách được đọc và chú ý nhiều. So sánh với những quyển tiêu thuyết đặc sắc xuất hiện trong 10 năm trở lại đây ở Mỹ, người ta nhắc đến quyển Secret History của Donna Tartt và quyển Everythig Is Illuminated của Jonathan Safran Foer. Sự so sánh này chỉ đúng về trường hợp xuất hiện, thực ra phải nói quyển Special Topics gần với hai tác phẩm nổi danh của Nabokov là LolitaAda hơn.

 

Đây là câu chuyện về giới sinh viên trẻ tuổi ở Mỹ. Những nhân vật chính, ngay trong phần gấp bao bìa (jacket) tác giả đã giới thiệu sơ lược trong những giòng Chú Giải Thuật Ngữ: Blue van Meer, một thiếu nữ đầu óc đầy ắp kiến thức văn chương, khoa học đã cùng với ông bố đi hết từ thành phố này sang thành phố nọ để tìm trường học. Và khi tròn 16 tuổi cuộc đời cô gái này bị một biến cố thay đổi hoàn toàn. Thứ đến là Cô Gái Bay, từ này được hiểu theo nghĩa đó là một phương tiện cổ xưa từng được biết đến nhiều ở Miền Nam nước Mỹ trong giai đọan 1829-1860. Từ này cũng chỉ việc Hannah Scneider đã chết ra sao. Gareth van Meer (cha của Blue), một đấng nam nhi đẹp trai, rất có tài cám dỗ phụ nữ, ưa nói năng kiểu châm ngôn. Bọ Tháng Sáu chỉ phụ nữ độc thân quãng 35-45 tuổi, cứ dính chặt lấy Gareth;  Dục tính Sư tử: sự việc xảy ra trong Phòng 222 Khách sạn Dynasty; và cuối cùng là nhân vật Valerio: một thai đố. Lời tự sự của Blue chạy theo vòng xoắn chuyển đổi đột ngột. Cô gái kể lại khi vào truyện (Chương 1 Othello) việc ông bố Gareth đã quyến rũ Natasha mẹ mình ra sao. Natasha là người mê sưu tầm bướm (rất giống Vladimir Nabokov) nhưng xui xẻo lại chỉ có thể bắt được một lọai bướm tên Blue nên đã lấy tên giống bướm này đặt tên cho con gái. Natasha tử nạn xe hơi khi Blue mới 5 tuổi. Gareth là một giáo su ngành nhân văn, tuy viết lách cũng có chút tiếng tăm nhưng sự nghiêp dạy học lại rất chìm nổi, phải đi dạy dạo từng khóa trên rất nhiều đại học. Gareth là kẻ phát ra những tư tưởng lớn nhưng nếu đem áp dụng vào thực tế thì hậu quả nguy hại khó lường. Và đi dâu Gareth cũng đem Blue theo. Tuy sự nghiệp rất lèo bèo nhưng ông giáo sư tài hoa này có tật quyến rũ phụ nữ, kéo họ  vào những cuộc tình ngăn ngủi. Nhưng trước mặt mọi người ông luôn tuyên bố trong đời ông chỉ có duy nhất một tình yêu, đó là tình dành cho vợ ông Natasha.

 

Vì đi theo cha khắp đây đó và được cha nhồi nhét kiến thức văn học trong những chuyến lái xe xuyên bang nên Blue xem ra rất nhuần nhuyễn văn chương kim cổ. Câu chuyện chuyển đến một khúc rẽ quan trọng khi hai cha con tới Stockton thuộc North Carolina, nơi có Gallway School (một đại học nổi tiếng của tiểu bang) vì Gareth được mời dạy ở đây một mùa học. Chính tại nơi đây Blue đã gặp Hannah Schneider, một nữ giáo sư điện ảnh độc đáo kỳ quặc. Nhưng Blue lại lọt mắt xanh vị nữ giáo sư này ngay từ phút đầu. Gareth không ưa Hannah, đánh giá thấp trình độ bà này, và cũng không muốn con gái mình dính líu nhiều với Hannah và nhóm những đệ tử ruột của bà. Nhưng rồi Blue đâm ra rất hâm mộ Hannah, gia nhập nhóm đệ tử quái đản kỳ quặc mệnh danh là “Nhóm Máu Xanh” gồm những nhân vật rất tiêu biểu của giới trí thức trẻ ở Mỹ gồm Jade, Leullah, Charles, Nigel, và Milto, mỗi người một vẻ. Nhóm này khai mở cho Blue rầt nhiều kinh nghiệm sống, từ rượu chè cho tới cách phục sức và văn chương nghệ thuật khoa học, những thứ thời thượng của giới trí thức của một thế hệ vây quanh bởi sự trống rỗng.Rồi một biến cố thật bất ngờ đã xảy ra: Hannah Schneider treo cổ tự vẫn sau một party quái đản tổ chức kế một vũng nước bên đường với các đệ tử. Không ai biết nguyên do cái chết của bà giáo này. Nhưng vì Blue là đệ tử tín cẩn nhất của Hannah tuy luôn cảm thấy mình là kẻ đứng bên lề của nhóm Máu Xanh nhưng lại nghĩ có lẽ mình phải là kẻ tìm ra sự thực.

 

Câu truyện như thế xem ra tương đối đơn giản nhưng người đọc khi càng đi xâu vào quyển sách càng thấy có nhiều câu hỏi không dễ tìm ra câu trả lời. Trải dài suốt quyển sách, những kiến thức về văn chương được Marisha Pessl dùng rất khéo, không phải để khoa trương hù dọa người đời, nhưng cô đã tài tình dung làm những cái khung tự sự. Lối hành văn của nhà văn nữ trẻ tuổi này cũng rất độc đáo: trực tiếp, ngắn gọn, đối thọai thông minh đôi khi pha chất hài hước trí tuệ. Những vị giáo sư cũng được tả trong sách bằng những từ rất khôi hài. Nhân vật Blue gơi nhớ tới Lolita, và Gareth gơi nhớ tới Humbert-Humbert của Lolita.. Nhưng quyển Special Topics không phải là một tiểu thuyết có những trang mô tả lạc thú tình dục. Trong Chương cuối sách “Bài Thi Mãn Khóa” Marisha Pessl  đã yêu cầu người dự thi (độc giả) trả lời 14 câu hỏi sọan theo cách Đúng/Sai trong Phần I, 7 câu hỏi chọn lựa tùy ý {Multiple Choice) trong Phần II, và viết một bài luận văn trong Phần III. Những câu hỏi này lien quan tới những nhân vật, những sự cố trong sách Special Topics. Riêng bài luận văn có đề tài về văn hóa Mỹ hôm nay, nhất là về những cuốn phim và tác phẩm văn chương so với đời sống thực rất nghèo nàn. Bài thi trong chương cuối này giúp người đọc không những ôn lại quyển sách xem mình đã nắm được nội dung tác phẩn ở mức độ nào, hiểu tác phẩm này ra sao. 100 điểm chấm bài thi được chia ra: 30% cho phần câu hỏi đúng/sai, 20% cho những câu hỏi tự chọn câu trả lời, va 50% cho bài luận văn. Như vậy rõ ràng Marisha Pessl coi nặng bài luận văn hơn phần câu hỏi.

 

Giới trí thức trẻ ở Mỹ hẳn khi đọc quyển sách này sẽ tìm thấy bóng dánh mình hay của những bạn bè mình. Những chân dung này được minh họa theo một kích thước tuy không hẳn là âm hay dương bản của những nhân vật ngòai đời nhưng rất điển hình. Những khuôn mặt này nếu không được văn chương biến thành những thực tại sẽ bị thời gian xóa bỏ. Nhận xét cuối của chúng tôi: Muốn tận hưởng tác phẩm này chúng ta phải đọc ít ra là hai lần. Làm theo lời dặn dò trong bài thi mãn khóa ở cuối sách “Take all the time you need”. 

 

 

Đào Trung Đạo

         

© 2006 gio-o

đọc các bài viết khác của Đào Trung Đạo