đọc sách vớiii
Đào Trung Đạo

LA POSSIBILITÉ D’UNE ILE

(Có Thể Có Một Hòn Đảo)

của michel houellebecq

 

Từ khi tiểu thuyết Les particules élémentaires (Hạt Cơ Bản) xuất bản năm 1998, Michel Houellebecq không những là nhà văn Pháp có sách bán chạy nhất mà còn là nhà văn gây ra những ý kiến trái nghịch nhau về giá trị tác phẩm và văn tài của ông. Tiểu thuyết của Michel Houellebecq gây được sự chú ý của độc giả các xứ Âu-Mỹ vì nhiều lý do: Michel Houellebecq viết về cái xã hội, văn hóa Tây phương đang xụp đổ, về sự buồn chán vô vọng của cuộc đời con người sống trong cái xã hội đó, về sự kiếm tìm hạnh phúc tuyệt vọng qua ngả tình dục, và cuối cùng là vì giọng điệu cay độc phê phán thẳng thừng những vấn đề đang nổi cộm trên thế giới. Nói chung, người đọc ông chia ra hai phe: những người hâm mộ và những người khinh bỉ. Có lẽ đây là một hiện tượng văn học “rất Pháp”, cứ vài thập niên lại tái diễn. Trong thập niên 40 là Ferdinand Céline, Trong hai thập niên 50-60 là  Jean-Paul Sartre. Nhưng so sánh Houellebecq với Sartre là một điều quá đáng vì tác phẩm của Jean-Paul Sartre gây được ảnh hưởng quan trọng về tưởng một thời còn sách của Michel Houellebecq có thể sẽ rơi vào quên lãng trong một tương lai không xa.

 

Michel Houellebecq sinh năm 1958 ở đảo Réunion, từ nhỏ sống với bà nội, lớn lên đến sống ở Dicy rồi Crecy-la-Chapelle thuộc ngọai ô Paris, nội trú ở ttrường trung học Henri Moissan. Học xong dự bị đại học,  năm 1875 thi vào trường Nông Nghiệp, 1980 tốt nghiệp và lấy vợ, hòan tòan thất nghiệp nên mắc bệnh tâm thần (trầm cảm) phải đưa vào bệnh viện tâm thần. Có một thời gian ngắn ông được nậhn làm một chân hành chánh trong Quốc Hội. Khởi đầu làm thơ khi 20 tuổi, năm 1985 được Michel Bulteau giám đốc tạp chí Nouvelle Revue de Paris cho đăng thơ nhưng phải chờ đến 1994 mới được Maurice Nadeau cho in quyển tiểu thuyết Mở Rộng Phạm Vi Đấu Tranh (Extension du domaine de la lutte) Michel Houellebecq mới được chú ý. Được trao một vài giải văn học nhỏ, năm 1998 nhà Flammarion cho ra mắt Hạt Cơ Bản và quyển này đem lại tiền bạc và danh vọng cho ông. Năm 2002 Michel Houellebecq gây dư luận ồn ào với quyển Plateforme với đề tài kỹ nghệ du lịch tình dục. Ông là một con người lập dị, hay đứ ra những lời tuyên bố cay độc về nhiều vấn đề ( điển hình là lời tuyên bố cho rằng đạo Hồi là “một tôn giáo ngu xuẩn hạng nhất”.) Qua tiểu sử chúng ta thấy Michel Houellebecq không có huấn luyện chính qui về văn chương hay triết học. Ông là một người thích sống xa lánh mọi người, hiện nay sống ở Tô Cách Lan, lý do chính có lẽ là để trốn thuế. Nhân dịp quyển tiểu thuyết La possibilité d’une ile của ông mới được phát hành ở Mỹ (The Possibility of an Island, bản Anh văn của Gavin Bowd, nhà xuất bản Alfred A. Knopt, 2006) đang được nói đến nhiều ở đây, chúng ta thử xét xem tiểu thuyết này có điều gì đáng chú ý về mặt văn chương củng như về tư tưởng.

 

Về cấu trúc, nếu quyển Hạt Cơ Bản chia làm 3 phần theo kiểu cổ điển thì quyển Có Thể Có Một Hòn Đảo có cấu trúc mới lạ hơn theo sự đòi hỏi của đề tài và chủ ý tác giả. Đây là quyển tiểu thuyết có dạng thức một truyện dụ ngôn (fable) gồm phần tự truyện của nhân vật chính Daniel đuợc truyền lại cho hậu thế và phần phẩm bình của hậu thân nhân vật trở thành bất tử này sau khi được sản sinh vô tính (cloned) 2000 năm sau. Michel Houellebecq ghi nhân vật chính là Daniel1 (hiểu là Daniel thế hệ thứnhất), hai hậu thân là Daniel24 và Daniel25. Sách chia ra 3 phần: Phần 1 là lời bình của Daniel24 (Daniel thế hệ thứ 24); Phần 2 là lời bình của Daniel25 (Daniel thế hệ thứ 25) ; Phần 3 là Lời Bạt và cũng là Phẩm Bình Chung Cuộc. Trong mỗi phần, liên tục cứ những trang trước là lời của Daniel1 thì sau đó là lời bình của Daniel24 và Daniel25. Người đọc sau khi đã đọc vài tiết sẽ dễ dàng làm quen với cách sắp đặt này. Trước khi vào các phần chính trong sách, Michel Houellebecq giới thiệu sơ lược vài ý tưởng chủ đạo của quyển sách: con người ham muốn bất tử nhưng ai là kẻ xứng đáng trở thành bất tử sau tận thế, trái đất quay lại Thời Đồ Đá, cuộc sống ngăn ngủi con người chẳng thấy lạc thú cũng chẳng có ẩn mật, sau tận thế con người vô tính hoàn toàn cách biệt chỉ còn liên lạc với nhau bằng viễn liên, những ý nghĩ trái ngược tốt xấu của tác giả về phụ nữ v.v…Quan trọng nhất là “Tôi không muốn để bạn đứng ngoài quyển sách; dù còn sống hay đã chết, bạn là độc giả. Việc đọc sách được thực hiện bên ngoài tôi; và tôi muốn việc đọc sách – theo cách đó, trong sự im lặng.

 

Truyện của Có Thể Có Một Hòn Đảo không phức tạp, chỉ là cái cớ để tác giả trình bầy những quan niệm của ông về thế giới, về con người hiện đại, về nhân sinh và nhất là về tính dục. Truyện mở ra ở hai lớp: lớp ở thời hiện tại do nhân vât Daniel kể lại đời mình và lớp ở thời tương lai cách xa mấy nghìn năm sau đại họa trở về Thời Đồ Đá. Nhân vật chính Daniel ngay từ nhỏ đã rất “hoang”, đặc biệt có tài làm hề. Sauk hi đậu Tú Tài ghi danh học lớp diễn xuất, sau đó trở thành một tay hề nổi danh và được người đời tặng cho danh hiệu “nhà quan sát sắc xảo thực tại hôm nay”nhưng rất ghét và khinh bỉ dư luận cho mình là một “nhà nhân bản” bảo vệ nhân quyền, kiếm rất nhiều tiền. Trong những màn hề Daniel đả kích, đem nếp sống và con người (nhất là phụ nữ) trong xã hội tư bản tiêu thụ ra làm mục tiêu chế riễu sỗ sang cay độc. Daniel có một cuộc đời tình ái khốn khổ tuy anh là kẻ luôn luôn kiếm tìm hạnh phúc trong khoái lạc. Daniel không tìm được tình yêu vì theo anh điều kiện của tình yêu là yêu vô điều kiện, điều Daniel chi có thể tìm thấy nơi con chó Fox tri kỷ của anh.

 

Người đàn bà thứ nhất đến với Daniel là Isabelle, chủ biên một tạp chí hang đầu dành cho thiếu nữ ớ Paris. Isabelle thanh tao, thông minh, trí tuệ nhưng phải cái không nồng cháy về tình dục, cho rằng người có trí tuệ xứng đáng không nên tình dục nhiều (khi làm tình Isabelle luôn nhắm mắt lại) nên Daniel cho rằng Isabelle không giúp mình tìm được hạnh phúc nên chia tay nhau. Người đàn bà thứ nhì là Esther, minh tinh diễn xuất nẩy lửa, kẻ cho rằng quan hệ tình dục chỉ là một cuộc chơi xác thịt, tình yêu chẳng là cái gì hết. Esther cho rằng Daniel là kẻ vớ vẩn nên sau một thời gian lien hệ, tuyên bố chia tay Daniel ngay trong đêm ăn mừng sinh nhật của mình. Daniel kẻ bất toại nguyện về yêu đương vào giai đoạn gần 40 chán nản cho rằng người ta chỉ yêu được khi còn thanh xuân (hai ba mươi tuổi). Daniel cho rằng khi cơ thể đã về già, khi đó với cái cơ thể đã già nua nhưng vẫn căng cứng ham muốn tính dục thì tình yêu chỉ còn là  tình dục. Tuyệt vọng ttrong việc tìm lại Esther, Daniel đã toan tự sát, nhưng nghĩ lại vì lòng ham muốn bất tử nên gia nhập nhóm thần bí Elohim do một danh ca nhạc pop sáng lập. Nhóm Elohim hứa hẹn với các đệ tử: bằng một pháp thuật mầu nhiệm còn hơn cả  kỹ thuật sinh sản vô tính có thể biến con người thành bất tử. Nhưng qua quá trình tái sinh này, con người không còn khoái lạc hay đau khổ nữa, trở thành hòan toàn trí tuệ, sống cô lập và chỉ có thể liên lạc với nhau qua hệ thống điện tử. Trong Phần 3 Lời Phẩm Bình Cuối cũng là bài Bạt cho quyển sách kể lại cuộc lên đường tìm kiếm một xã hôi mới, một chốn thiên thai, một thiên đường chưa ai biết tới. Daniel24 khởi đi từ thành phố New York đổ nát và Daniel25 khởi đi từ một thành phố hoang tàn thuộc miền Nam Tây Ban Nha\ sau khih ai người khám phá ra một bài thơ tình Daniel viết cho Esther trước khi chết, bài thơ kết thúc bằng một hứa hẹn “Nơi đó hiện hữu trong lòng thời gian, Có thể có một hòn đảo.” Cái hòn đảo bồng lai đó dường như ở gần Lanzarote trong vùng quần đảo Canary Islands.

 

Nếu đọc kỹ sách của Michel Houellebecq ta thấy ông sử dụng rất nhiều những hiểu biết khoa học có được trong thời gian theo học trường Nông Nghiệp và do tìm tòi học hỏi sau này cộng thêm những nhận định về tình trạng suy xụp của nền văn hóa Tây Phương bước sang thế kỷ 21. Michel Houellebecq cũng đưa vào tiểu thuyết những nét của tiểu thuyết giả tưởng (science fiction). Nhưng cũng như trong Hạt Cơ Bản, những nét chính của nhân vật Daniel vẫn là những chi tiết chính trong đời của Michel Houellebecq và nhân sinh quan, vũ trụ quan của Daniel cũng là của tác giả ta đã thấy ông đưa ra trong những tác phẩm trước. Những lời nhận xét của ông về văn chương, triết lý, tôn giáo, xã hội, lịch sử  tuy gây được sự chú ý nhưng không có tính thuyết phục, nhiều khi còn cho thấy một căn bản học vấn không vững chắc. Vì vậy nhiều người cho rằng về nội dung Có Thể Có Một Hòn Đảo không có gì mới. Và cái mới nếu có chỉ là có thêm những lời tuyên bố sỗ sàng cay độc của một nhà văn lập dị đã có quá nhiều những lời tương tự. Có điều con người cô độc đau khổ Michel Houellebecq bao lâu nay đã viết tiểu thuyết để vẽ ra bức tranh đen kịt về thế giới Tây Phương hiện đại và cất lời phỉ báng giờ đây trong quyển sách mới đã trở lại với Thơ là niềm đam mê tuổi trẻ của mình, trở lại giấc mơ Từ Thức, hé lộ nét trữ tình bấy lâu ẩn dấu sau mặt nạ chống đối  và gợi ra một hy vọng trong tuyệt vọng về một “Thiên Thai”

 

 

 Đào Trung Đạo

© 2006 gio-o

đọc các bài viết khác của Đào Trung Đạo