đọc sách vớiii
Đào Trung ĐạoMircea Cartarescu
và tác phẩm
NOSTALGIA (Hoài Niệm)
Tuy là nhà văn hậu hiện đại nổi tiếng hàng đầu của Roumania và sách của Mircea Cartarescu đã được người đọc tiếng Pháp, tiếng Đức, và tiếng Tây Ban Nha đọc từ thập niên 90, nhưng mới đây người đọc tiếng Anh Mỹ mới có dịp đọc Mircea Cartarescu qua bản dịch của Julian Semilian quyển Visul (Nostalgia/Hoài Niệm), tác phẩm nổi tiếng nhất của ông viết năm 1989.
Mircea Cartarescu sinh ngày 1 tháng 6, 1956 ở Bucharest, tốt nghiệp tiến sĩ văn chương tại Đại Học Bucharest năm 1980, dạy Ngôn Ngữ và Văn Chương Roumania, làm thơ, viết truyện và phê bình văn học. Mircea Cartrescu là tác giả 7 tập thơ, 3 tiểu thuyết, và 2 tập biên khảo. Nostalgia (Hoài Niệm) tuy được ghi là tiểu thuyết nhưng thực ra là một tập hợp 3 truyện ngắn và 2 truyện vừa. Cartarescu viết những truyện này trong thời gian chế độ độc tài cọng sản Ceaucescu đang sụp đổ, nhưng mãi đến năm 1989 sách mới được xuất bản và được cả độc giả lẫn giới phê bình nồng nhiệt đón nhận. Tuy không hẳn có cấu trúc của một tiểu thuyết theo lối cổ điển nhưng Cartarescu cho rằng đó là một tiểu thuyết qua lời một nhân vật “Dù rằng quyển sách này gồm năm truyện riêng rẽ họp lại, mỗi truyện có một thế giới riêng, nhưng có thể nói ở đây rằng cái mà chúng ta đang liên hệ là một Quyển Sách hiểu theo nghĩa cổ xưa và quí báu của chữ này. Các truyện ngầm nối kết với nhau, nắm bắt trọng một mạng lưới giống nhau của tư tưởng ma thuật và tượng trưng, của cùng một phong cách viết chữ.”Hai truyện ngắn được đặt ở phần đầu và phần cuối sách. Truyện ngắn đầu “Tay Chơi Roulette” với nhân vật tự sự ngôi ba thuật chuyện một tay chơi Roulette kiểu Nga vô địch nhưng thắng mãi cũng chán nên tự thách thức sẽ làm sao vừa chơi vừa nạp đạn vào khẩu súng lục để tự bắn vào đầu mình. Cuộc thách đố hấp dẫn này thu hút được rất đông người xem và cá độ khá nhiều tiền. Dù thắng hay bại trong cuộc cá độ này, nhân vật tự sự sau khi đặt ra cho người đọc nhiều câu hỏi về rất nhiều thứ, kể cả câu hỏi đọc sách là gì, đã đi tới kết luận “Tay đánh Roulette này là một nhân vật truyện, nhưng như vậy thì cả tôi đây cũng là một nhân vật, và vì vậy tôi không thể nào ngăn được mình cực kỳ vui thú. Bởi vì nhân vật chẳng bao giờ chết đi, họ còn sống mỗi khi thế giới của họ được đọc." Truyện ngắn cuối sách “Kiến trúc sư”: Tuy là một kiến trúc sư nhưng anh chàng này phải dành dụm chờ đợi mấy năm mới có thể mua được một chiếc xe hơi tầm tầm. Nhưng vì sơ ý, mua xe về rồi một hôm anh ta mới thử xem cái còi xe hơi có kêu không nhưng khi nhận còi thì anh hết sức kinh hoàng vì còi rú lên inh ỏi không thể nhận tắt đi được. Kết quả là anh nhận được một cơn mưa khoai thối và những lời xỉ vả từ trên những căn hộ trên lầu khu anh ở. Sau tai nạn này “vi” kỹ sư nghĩ đến chuyện thay cái còi. Nhưng thay vì mua một cái còi khác, anh ta lại đi mua một cây đàn ống (organ) ở một tiệm bán nhạc khí để lắp vào xe. Kỳ lạ thay khi bấm còi xe hơi, nhạc khí này phát ra một điệu nhạc mới mẻ ai nghe cũng khen hay. Dưới ngọn bút của Cartarescu, tay kiến trúc sư này biến thành một nghệ sĩ vĩ đại của Roumania và kết luận câu chuyện bằng mộ viễn ảnh bừng nở phô bay Trái Đất rơi vào “trạng thái cực kỳ loãng khí, đặc cứng lại trong một khoảng thời gian không thể so sánh được, mất đi tính chất bean vững và trở thành những mảnh vụn tinh thể độ nhiên nảy lửa trong bầu vũ trụ tối tăm và trống trải. Ở vị trí trái đất trước đây nay có một giải thiên hà rung động rộn ràng mới xuấ hiện.”
Truyện ngắn “Mentardy” và 2 truyện vừa “The Twins” và “REM” đặt giữa sách dưới tên chương sách Nostalgia (Hoài Niệm) chiếm vị trí chủ yếu. Mentardy kể lại ký ức hồi thơ ấu của nhân vật tự sự về sự xuất hiện của một thằng nhỏ kỳ quặc. Trong khi cả lũ đang nghịch phá trong khu xóm nhà cửa đổ nát đầy những hầm hố thì thằng kỳ khôi xuất hiện và tìm cách nhử những thằng nhóc khác bỏ những trò chơi thông thường để nghe nó kể những truyện rất ly kỳ nó đọc được trong sách. “Nó kể cho bọn tôi nghe, tôi (nhân vật tự sự) còn nhớ rõ nào là truyện Bàn Tròn, truyện Hoàng đế Charlemagne và Arthur, truyện bọn theo tà giáo kinh tởm, và truyện một cây kiếm có một cái tên...Cứ đang kể giữa câu chuyện là nó ngưng lại và nói rằng nơi này không phải đúng là chỗ để kể truyện. Nó bảo những cái hố , những mô đất bẩn thỉu, những cái ống nước loang lổ keo gắn khiến đầu óc nó không thể tập trung được. Nó nói ‘Tao biết có một chỗ khác tốt hơn’, miệng nó cười mỉm.”
Truyện vừa The Twins là câu truyện về hai học sinh trung học cấp 3 tên Andrei và Gina. Điểm lạ kỳ là chúng cùng “cảm thấy chúng là song sinh sống trong một cái dạ con ảo không có lối thoát ra.” Chúng làm tình và trao đổi thân xác với nhau khi thì là trai khi là gái. REM là chuyện tình của Nana, một phụ nữ trung niên, với một sinh viên vụng về thô lậu hai mươi tư tuổi. Hồi 12 tuổi Nana đã chạm mặt với hai bộ xương khổng lồ sống trong một cái tháp canh. Đó là hai bộ xương hai mẹ con, người con trai tên Egor là kẻ điều khiển những giấc mộng của Nana và cũng vì vậy Nana khám phá ra REM là một cái chìa khóa mở vũ trụ. Vì Nana đã lớn tuổi người sinh viên cảm thấy ngượng ngập nên hắn lén lút đem Nana về nhà để làm tình. Đó là một căn nhà tăm tối ở thủ đô Bucharest. Các phòng trong căn nhà này chứa ngập những sách về ung thư, toàn bộ tác phẩm của Rimbaud, “Bản Thảo Saragossa”, một quyển tiểu thuyết của Julio Cortázar, một cuốn tiểu thuyết của Garcia Marquez rách tã tơi. Tay sinh viên vụng về thô lậu này “hiện tạm sống bám cha mẹ, chỉ biết đọc, đọc, và đọc. Nghề ngỗng của hắn là nghề làm kẻ nhiệt thành. Hắn cũng có viết lách chút đỉnh. Chẳng hạn, hắn sẽ viết văn, hai năm nữa kể từ hôm nay.”Thế giới tiểu thuyết của Mircea Cartarescu là một thế giới hư hư thực thực chập choạng giữa ánh sáng và bóng tối. Thế giới đó tương tự thế giới trong tranh của Dali, truyện của Kafka. Đọc Cartarescu chúng ta cũng có thể biết được cuộc sống của người dân ở thủ đô Bucharest trong giai đoạn lịch sử tăm tối chế độ độc tài cọng sản Ceasescu cai trị Roumania.
Đào Trung Đạo
© 2006 gio-o