![]()
Nước Non Nặng Một Lời Thề
ĐọcThe Gangster We Are All Looking For
của lê thị diễm thúy
ĐÀO TRUNG ĐẠO
Trong vòng hai tháng 5 và 6 năm nay người đọc tiểu thuyết cũng
như giới điểm sách và phê bình Mỹ nồng nhiệt đón nhận hai
tác phẩm mới của hai nhà văn nữ Việt Nam: Monique Trương với The
Book of Salt và Lê Thị Diễm Thúy với The Gangster We Are All
Looking For. Cả hai tác phẩm này đều do những nhà xuất bản lớn, uy
tín xuất bản. Những bài điểm sách tốt đồng loạt xuất hiện
trên New York Times Book Review, Vogue, Kirkus, Publishers Book...là
những tờ báo có nhiều độc giả và uy tín. Trước những tin vui
chung và cũng là niềm hãnh diện của cộng đồng chúng ta ở đây
chúng tôi xin mời độc giả cùng chúng tôi vào dự bữa tiệc
văn chương tuần này với cô chủ bếp Lê Thị Diễm Thúy, và tuần
sau với Monique Trương (lối ví von này tôi mượn lại của Monique
Trương “Writers, I suspect, are in this way like cooks” (Book of Salt,
trang 235).
Tôi lấy câu thơ của Tản Đà làm lời mở đầu cho bài viết về
The Gangster We Are All Looking For (GWAALF), Tên Du Đãng Tất Cả
Chúng Ta Đang Lùng Kiếm. Vì ngay sau lời đề tặng của tác giả
“Tặng gia đình tôi, kẻ gần người xa, và để tưởng nhớ Nguyễn Thị
My” ở trang đầu, trang sau tác giả nêu lên cái topoi của quyển
sách “ Trong tiếng Việt, chữ để chỉ nước (water) và chữ để chỉ
một quốc gia (a nation), một xứ sở, và một quê hương đều cùng
một chữ nuớc.” Quyển sách tương đối mỏng, chỉ 158 trang, chia
làm 5 chương : Suh-top! (lối phát âm chữ Stop củ người mới bập
bẹ tiếng Mỹ), Palm (hiểu theo hai nghĩa vừa là cây cọ vừa là
lòng bàn tay), Tên Du Đãng Tất Cả Chúng Ta Đang Lùng Kiếm,
Xương Chim, và chương cuối cùng : Nước (tác giả để nguyên chữ
viết Việt trong sách.)
Chương đầu là lời kể về kinh nghiệm định cư nhiều gian chuân
của tác giả (khi đó mới chừng sáu tuổi) và cha của tác giả
(trong sách giữ nguyên cách gọi “Ba”), bốn ông “chú” chỉ là
những người thanh niên mới quen trên đường vượt biển. Sáu
thuyền nhân này sau những ngày tháng sống chờ đợi lây lất ở trại
tỵ nạn được một người Mỹ hảo tâm nhận bảo lãnh về San Diego,
miền Nam California. Ông già Russell nguyên là một quân nhân
Hải Quân Mỹ hồi hưu, trước những tin tức thê thảm về các
thuyền nhân Việt Nam, sau nhiều đêm mất ngủ đã động từ tâm khi
nghĩ đến những thân người không tên tuổi, không mặt mày nằm
ngổn ngang trong những chiếc thuyền nhỏ bé trôi lênh đênh trên
biển cả. Trong trí óc già nua của ông, những người vượt biển
Việt Nam nào có khác gì những người Okinawans, người Samoans,
người Hawaiians đã chôn xâu thân xác trên biển cả trong kỳ đại
chiến ông đã từng tham dự. Nhưng khi sáu thuyền nhân đặt chân
được đến nơi ông cư ngụ thì ông đã qua đời. Bà Russell quyết
tâm làm trọn ý nguyện của chồng nên cho hai cha con tác giả
và bốn ông chú tạm cư trong nhà của người con trai hai ông bà
tên Mel. Buổi đầu Mel giao việc sơn quét những căn nhà cho thuê
của gia đình Russell, còn bé diễm thúy được cho đi học. Chương
này là chương sách khó thành công nhất vì truyện về những
ngày đầu định cư của những thuyền nhân tỵ nạn trên đất Mỹ đã
được viết nhiều nên khó lôi cuốn người đọc. Hơn nữa chương mở
đầu này rất dễ gây sự hiểu lầm về chủ đích, chủ đề của
quyển sách. Nhiều bài điểm sách Mỹ hời hợt cho rằng tác giả
lại đưa thêm một saga nữa về người tỵ nạn! Thật ra lê thị diễm
thúy có một chủ đích khác:chương này muốn mô tả cái tâm tư chứa chất nhiều đau khổ cay
đắng của một người lính sống sót sau cuộc chiến và sự bơ vơ
của một bé gái thiếu mẹ trên một vùng đất xa lạ. Sau khi
được bà Russell và Mel giúp đỡ chỗ ở lại có công ăn việc làm
ngay cha và bốn ông chú đã tưởng chỗ cuộc sống sớm ổn định
ổn định nhưng tai họa lại xảy đến chỉ vì bé gái diễm thúy quá
phiêu bồng rắn mắt. Một hôm trong lúc người lớn đi vắng cô
bé đã lẻn vào văn phòng của Mel đùa nghịch truyện trò về con
thuyền hai cha con vượt biển với những con vật bằng thủy tinh
để trong một cái tủ kính vốn là của thừa tự ông già Russell
để lại cho Mel, ngắm nghía tò mò suy nghĩ về số phận con bướm
vàng khô xác bị giam hãm trong một khối thủy tinh làm cái chặn
giấy để trtên bàn Mel. Cô bé có hỏi han người cha về sự mất
tự do của con bướm nhưng cha cô không có câu trả lời và cũng
không mấy quan tâm. Sau vài ngáy suy nghĩ cô bé có ý định
giải thoát con bướm.Cô muốn thả con bướm để nó được tự do trở
về với đời sống thiên nhiên bằng cách phóng tay ném khối
thủy tinh có chứa con bướm vàng xuyên thủng tường căn phòng ra
bên ngoài! Nhưng vì không đủ sức mạnh khối thủy tinh này đã
giáng vào cánh tủ đựng những con vật thủy tinh, cánh cửa tủ vỡ
tan nát và làm cho vài con gẫy chân sứt đầu. Và kết quả là
Mel tống khứ cả lũ khỏi nhà anh ta. Tuy biết cuộc sống từ nay
lại tiếp tục lênh đênh bất định nhưng Ba của bé không hề la
rầy hay trừng phạt con gái, ngược lại chấp nhận mọi sự một
cách thản nhiên, cho rằng sự việc không phải do lỗi con mình,
cũng chẳng lỗi phải tại ai. “Ba said these things happen.” (trg 31).
Chỉ một câu nói ngắn ngủi này ta cũng thấy được thái độ
chấp nhận đời sống của một cựu chiến binh tù nhân cải tạo tuy
sống sót nhưng nhiều đêm mất ngủ hay bị ác mộng khua thức đã
bật khóc: khóc chỉ để khóc một mình như người cha của tác giả.
Trong chương này tác giả cũng kể lại sự ngỡ ngàng xa lạ của
một em bé lần đầu vào học trường tiểu học Mỹ, những trang
sách lời văn đẹp và cảm động. Qua lời kể truyện chúng ta
thấy được ngay từ hồi còn nhỏ cô bé diễm thúy đã mang giòng
máu ngang tàng, cứng cỏi của cha mẹ nhưng lại cũng rất nhiều
mộng mơ hư tưởng.
*
Chương hai là cuộc sống buồn vui của gia đình cô bé diễm thúy
từ khi có đủ cả Ba lẫn Má. Hình tượng chủ đạo của chương này
là “cây cọ” “lòng bàn tay”. Sự có mặt của người mẹ tuy chấm
dứt cái cảnh ‘cha con sớm mai’ ( chữ mượn theo tên một truyện
ngắn của Nguyễn Đình Toàn) nhưng cũng tạo ra nhiều căng thẳng
trong gia đình, đặt cô bé trong một hoàn cảnh trao đảo từ một
sự bất bình thường này (một cha một con) sang một sự bất bình
thường khác (sống giữa hai cực giằng co tình yêu một bên là
cha bên kia là mẹ)ï. Tuy mới sang Mỹ sống, chưa từng học lái xe
nhưng bỗng một buổi tối kia má của cô bé đã khơi khơi leo lên
chiếc xe hơi cũ kỹ cồng kềnh lái một vòng từ khu chung cư đang
ở ra phố nhưng khi quay về lung túng đã ủi xiêu một bên cổng
chung cư. Không coi đấy là một tai nạn đáng sợ má của cô bé
lại còn cho rằng lỗi tại cái xe quá lớn! Vì cả gia đình phải
sống trong một apartment chỉ có một phòng tại một khu chung cư
dành cho người nghèo, giường ngủ bé diễm thúy và giường ngủ
ba má chỉ cách nhau một cái bàn nhỏ kê ngăn: người cha sau
những giờ lao động cực nhọc đã tìm quên trong chén rượu và rồi
trong đêm tối mê hoảng hối hả trì ập tìm môi tìm má tìm thân
thể người vợ đang batë thiếp sau một ngày vá may tần tảo cực
nhọc. Tất nhiên trong hoàn cảnh này tình dục đã sớm khuya
thức ám ảnh tâm trí cô bé diễm thúy. Từ ngày có má ở bên má
đã luôn dặn dò hăm he cảnh cáo bé phải phòng thân con gái,
nhưng diễm thúy vốn là một đứa trẻ rất bạo dạn ưa phiêu lưu
nên đã tò mò thử mở cánh cửa luyến ái trong những trò chơi
của trẻ con diễnra trong cái “Phòng Khác” (tên gọi bọn trẻ trong xóm đặt cho
cái thùng giấy rỗng nguyên là cái thùng chứa tủ lạnh người
ta quăng vào thùng rác được chúng lôi ra bê vào khu sân sau
chung cư và cải biến thành một căn phòng nhỏ đặt đối diện một
căn phòng từ lâu bỏ hoang sau một vụ hỏa hoạn xảy ra ở khu
này trước đây. Thế giới của đám trẻ con di dân nghèo trong khu
chung cư này gợi ta nhớ về những xóm lao động ở Saigon năm
xưa. Mùa hè nóng bức khiến cuộc sống trong khu chung cư thật nặng
nề khó thở. Quan hệ vợ chồng của ba má cô bé cũng có nhiều
thay đổi: họ gây gổ cấu xé nhau như cơm bữa bất kể vì một lý
do gì khiến nhiều khi cô bé phải trốn vào phòng tắm, mở nước
trầm mình trong bồn tắm để chạy trốn tiếng cha mẹ gây lộn.
Sau mỗi trận như vậy cha mẹ cô bé lại tìm cách lấy lòng đứa
con gái yêu bằng cách mua quà cho bé, má một bọc cam hay vài
tấm mía, ba một thỏi kẹo gương. Rồi một biến cố xảy đến làm
buồn lòng mẹ con cô bé: nguyên trong khu chung cư có một cái hồ
tắm công cộng là nơi bọn trẻ con rất thích bơi lội đùa nghịch
nhưng bỗng nhiên một ngày đẹp trời kia chủ phố cho người đến
lấp đi rồi trồng vào chỗ đó một cây cọ xấu xí. Không còn
cái hồ bơi khu chung cư vào mùa hè vốn nóng bức nay càng oi
nồng hơn. Trong những đêm hè nồng nực cô bé cô đơn diễm thúy
buồn tình một mình ngắm nghía và chơi với bàn tay mình, dùng ngón
tay làm thành những hình dạng đủ kiểu đủ hướng biến đổi tùy
thích bóng chiếu trên tường: khi thì một nắm đấm, khi thì một
mỏ chim đói ăn, khi thì một cái kéo. Nếu để bàn tay trước
mặt, cô bé có một trang sách, một bức tranh. Rút cổ tay vào
lòng rồi lật đi lật lại, cô bé có một trang sách khác, một bức
tranh khác. Hai bàn tay cũng có thể làm thành một cái cửa,
cô bé tùy ý mở ra đóng vào. Tưởng tượng như thể cái bản lề
kẽo kẹt cô bé liền dùng lưỡi liếm ngón út thế là cửa khép
mở êm ru. Nếu dùng hai ngón tay cô sẽ tạo được đôi chân đang
chạy lên đồi. Chụp năm ngón kéo cả bàn tay lùi vào lòng cô
tưởng tượng ra một thân hình nhào sâu xuống nước. Trong bóng
tối cô bé cũng lần sờ những đường chỉ tay trên hai lòng bàn
tay và tưởng tượng ra một con sông, một cái hầm không người
trú ẩn, một giao thông hào không biết dẫn về ngả nào, những
rễ cây hay một thân cây trần trụi không lá không quả, một
con sông không biết sẽ đổ ra biển hướng nào. Đường chỉ tay này
có phải trôi tuốt khỏi lòng bàn tay hay quay chọc thẳng vào
mình? Đôi khi cô bé không thể sờ thấy được ‘một đường chỉ tay
duy nhất trong lòng bàn tay mình khi đó cô tưởng tượng hai lòng
bàn tay mình tòan là cát, sa mạc; không cây, không sông,
không hầm, không hố; không gì hết giữa cát và bầu trời mà chỉ
có một khoảng không gian mượt mà.’ Trò chơi ảo hóa của trẻ con
chắp cánh cho trí tưởng tượng mở ra một thế giới mông lung,
Cùng với người bạn gái trẻ cô bé cũng chiếm cứ những tòa
tháp ngôi nhà thờ bên xóm làm chốn riêng tư thơ thẩn: hai đứa
con gái trong chốn vắng lặng trò truyện khám phá kinh nghiệm
lần đầu đớn đau về thân thể con gái mới lớn, về những đụng
chạm chà xát cận kề luyến ái đồng tính, nhưng cô bé lại làm
bộ nhún vai khi bạn cảnh báo về những đau đớn thân xác sẽ
xảy ra trong tương lai. Cô bé nhiều khi muốn mở toang thân xác
để được tan biến đi. Rồi một biến cố thật quan trọng bất ngờ
xảy đến: khi ba má cô bé mở một party đãi bạn bè má sai bé
đi mua nước đá và trên đường về khi ngẩng nhìn lên những tòa
tháp nhà thờ cô bé bỗng tưởng như mình đang nhìn thấy một hình
người đứng trên một tòa tháp phía xa. Trong không khí đêm hè
oi nồng cô bé vừa bước đi vừa nhìn thấy trên vỉa hè có tên
một đứa trẻ vạch sâu trên nền xi măng RAMONE 1980. Chân bước
đi nhưng đầu óc miên man suy nghĩ cô bé bỗng như cảm thấy phía
sau mình có ngưới lầm lũi bước theo và đúng người theo mình là
người anh của cô bé năm nào đã chết đuối ngoài bãi biển
quê nhà. Cô bỗng cảm nhận được một sự ấm cúng ruột thịt anh em
ngày nào. Cô bé muốn ôm choàng lấy cổ anh rồi đẩy anh ra xa,
hỏi anh: Anh đi biệt đâu vậy? Sao anh không đưa em đivới? Nơi đó có lạnh không? Cô bé vừa bước đi vừa chờ đợi
người anh tiến lên ngang hàng với mình, cô chờ thật lâu nhưng
hình như có một cái gì đó ngăn giữ cô đến với người anh. Đến
một khúc rẽ trên đường về nhà cô chậm bước chới với và nghe
thấy tiếng mình nói ‘Em không thể. Em không thể. Em không thể.
Má đang chờ em và hai tuần lễ nữa em sẽ đi học lại và – Em
không thể.’ Rồi cô bé tuột tay đánh rớt bọc nước đá, khi cúi
xuống nhặt lên liềnø cảm thấy có hơi thở người anh phà trên
mình, nhưng đó không phải hơi thở ấm mà là một luồng khí lạnh
chạy xuốt sương sống khiến cô hoảng sợ tháo chạy hụt hơi và
lao mình vào nhà khiến má hốt hoảng la hỏi chuyện gì đã xảy
ra .Cô bé run rẩy trả lời “Anh con--“ “Anh ta là... anh con.” “Anh
ấy muốn con đi...con cũng muốn đi nhưng--“ khiến má cô phải
một tay dằn mạnh lắc vai cô miệng la “Thôi ngay! Thôi ngay đi!”
Trong giây phút chớp nhoáng cô bé rơi vào trạng thái ngây bặt
hồi lâu, đứng trân trối, tuy vẫn nghe được tiếng người kêu
tên mình nhưng không trả lời được, cảm thấy có ai đó sờ lên
thân thể mình và mình dơ tay lên che mặt. “Tôi đứng trong căn
phòng nhỏ đó và đổ lệ vào sa mạc hai lòng bàn tay mình”
*
Chương ba mang tựa đề cuốn sách “Tay Du Đãng Tất Cả Chúng Ta
Đang Lùng Kiếm” là giọng kể pha trộn quá khứ hiện tại về
thân thế người cha, cuộc tình của cha mẹ, đêm má sanh cô bé,
những lần dọn nhà liên tiếp ở San Diego, lòng nhớ thương cha mẹ
đến điên cuồng mất trí của má, Nhưng cái nền của chương này
là khuôn mặt và đời sống thực, rõ nét, không bôi xóa sửa
đổi biến dạng của Ba một người lính trong Quân lực Miền Nam
trước 75. Đó không phải là một hình ảnh điển hình lý tưởng đẹp
đẽ hào hùng. Nhưng là hình ảnh của một con người có thực, pha
trộn cả xấu lẫn tốt. Chúng tôi cho rằng đây là chương chính,
cái sườn của quyển sách. Chương này có chủ đích xóa bỏ những
hình ảnh thiên lệch méo mó được vẽ ra với dụng ý không tốt
của những quyền lực đang trị vì nhằm che lấp sự thực về cuộc
chiến tranh trên ahi mươi năm xảy ra trên quê hương cô bé và
về số phận một người lính quốc gia sống sót, khác hẳn với
chân dung một kẻ thất trận do cả hai phía người Mỹ lẫn cọng sản
đưa ra. Truyện tình và cuộc hôn nhân của ba má diễm thúy cũng
nhiều bất ngờ như những bất ngờ của giông tố biển động, của
chiến tranh tàn phá quê hương. Tràn ngập hạnh phúc và bất
hạnh như tương lai không tương lai của một “nước” Việt Nam rách
nát đạn bom khi con người bị đẩy vào tình cảnh tuy cùng chung máu
mủ nhưng vẫn lăn xả vào nhau chém giết. Trong tâm trí tuổi thơ
của người kể chuyện, “Việt Nam là một tấm hình trắng đen
chụp ông ngoại bà ngoại ngồi trên một tấm ghế tre trước sân
nhà...Khi tôi nghĩ về tấm hình ngoại tôi chụp lúc đã về già,
tôi thường hình dung ra một sự khởi đầu. Khởi đầu cho hay về
một cái gì, điều đó tôi chẳng biết, nhưng luôn luôn là một sự
khởi đầu.” Theo lời kể của cô bé, ba của cô vốn là một “tay
du đãng theo Phật giáo” gốc Miền Bắc, khi gặp và yêu má cô
bé ông đang ở trong quân đội Miền Nam. Má cô một nữ sinh ngây
thơ theo thiên-chúa-giáo mới biết yêu lần đầu khi gặp ba cô,
táo tợn hẹn hò nhau trong rạp chiếu bóng tối tăm, nàng tâm
sự với người yêu về những giấc mơ , sự ước muốn đơn giản của
nàng một mai khi cuộc chiến chấm dứt. Nàng say sưa uống cạn
bình rượu tình yêu tuổi trẻ nồng nàn trên khuôn mặt trên hai
bàn tay người tình, trong khi quê hương đang mịt mù khói lửa đạn
bom. Má đã lao mình vào tình yêu Ba bất kể sự cản ngăn của cha
mẹ. Trong một lần hẹn hò cô nữ sinh đang yêu có hỏi người
yêu về tông tích của anh ta sau khi thoáng thấy trong bóng tối
trên cằm anh hằn một vết xẹo. Cô liền được nghe anh kể một
câu chuyện giống như truyện cổ tích, anh thêu dệt về tông tích quá khứ
của mình, rằng anh vốn gốc gác thuộc một gia đình nửa phần quí
phái Miền Bắc, anh cũng lại còn tuột giầy giơ cho nàng xem bàn
chân anh ngón thứ nhì dài hơn những ngón kia và giải thích đấy
là chứng cớ chỉ có người quí phái mới có bàn chân như thế.
Thêm nữa sống mũi anh cao như thế này vì mẹ anh là người Pháp,
bà là một trong nhiều người tình bố anh dấu diếm từ lâu. Khi
biết được sự thực này vừa dịp anh tròn mười sáu tuổi anh
liền bỏ nhà ra đi trôi dạt vào Nam. Nàng nghe chàng nói vậy, đôi
lúc muốn cũng kiểm chứng lời anh nhưng nào có thể. Hỏi má
về cái ngón chân thứ hai dài hơn những ngón kia cô lại được
nghe một lời giải thích khác tuy có vẻ đáng tin hơn nhưng cô
cũng vẫn tin người yêu hơn. Bất chấp sự cản ngăn của cha mẹ, hai
người lấy nhau, nàng trở thành vợ một người lính hiện đang lao
mình trong lửa đạn. Hình ảnh về người cha trong ký ức cô bé
là một khuôn mặt lồng trong những vòng rào kẽm gai quanh cổng
trại lính nơi ba cô đồn trú và má thường dắt bé theo khi đi
thăm chồng. Má sinh hạ bé vào ba giờ sáng trên con hẻm nhỏ
phía sau căn nhà nhà ông bà ngoại. Trong cơn đau đẻ má lê lết
trong con hẻm tối vắng, ôm cái bụng đau đẻ băng qua khoảng sân
chơi trường học, cuối cùng chui vào một cái ống cống bằng kim
loại nằm chềnh ềnh trước sân trường vốn là nơi trẻ con chui
ra chui vào đùa nghịch. Má đã sinh bé trong cái ống cống đó.
“Khi tôi sinh ra đời, má khóc vì biết tôi đang hít thở chính cuộc
chiến tranh ấy, và bà đã không có cách gì rũ sạch nó ra
khỏi tôi đươc...Má nói nếu như bà có thể quăng tôi đập vào
tường cho đến khi tôi vỡ vụn ra hay ói mửa cuộc chiến tranh đang
giết hại chúng ta đó thì bà cũng đã làm. Nếu có thể bà sẽ
dẫm đạp nát nó trong vùng tối thẳm, và nhảy múa trên xác nó
giống như một mụ điên nhảy múa trên mộ chí. Nếu có thể má
muốn giựt xập nó xuống cho thành đống bụi và nhổ nước miếng
trên nó, tôi có biết như vậy không? Chiến tranh không có sự
khởi đầu cũng chẳng có sự chấm dứt. Nó băng ngang những đại
dương giống như một con thuyền oan hồn chứa đầy những mạng
người đang cất tiếng ca một bài ca buồn thảm.” Nay sống trên đất
Mỹ vì hoàn cảnh không được khấm khá gia đình cô bé phải dọn
nhà vòng vòng hết từ căn nhà này sang căn nhà khác nên ba
má bé càng ngày càng trở thành điên loạn cãi cọ nhau nhiều
hơn. Cho đến một hôm tấm hình ông bà ngoại được người em gái
má gửi sang ba má đã gây gổ nhau một trận kịch liệt, ba tức
giận quăng cái hồ cá ra khỏi cửa còn má thì má đập phá chén
đĩa tan tành rồi khóc nức nở vừa khóc vừa la “Con ơi là con!”
– ý bà không than khóc vì con mình nhưng chính vì thân mình khiến
ba phải bảo má thôi đừng khóc nữa, cha mẹ đã tha thứ cho má
rồi nhưng má vẫn khóc và bảo ba đừng có dùng hai bàn tay một
tên du đãng đụng vào người má nữa. Ba điên lên nắm chặt hai
tay thành hai nắm đấm đấm lia lịa vào tường đến bật máu miệng
hét lớn “ Bàn tay nào?! Bàn tay nào?! Cho tao thấy mặt thằng
du đãng đi! Cho tao xem hai bàn tay nó!” Sau đó ba nhảy lên chiếc
xe truck lái vụt đi. “Khi tôi lớn lên tôi sẽ trở thành một
tay du đãng tất cả chúng ta đang lùng kiếm.” Sau đó rồi ba má
cũng làm hòa và tấm hình ông bà ngoại được đưa lên ‘ở’ trên
gác mái.. Nhưng nỗi nhớ biển rộng quê nhà nhớ cha nhớ mẹ
khôn nguôi trong lòng má. Những khi quẫn bách má thường nổi điên
với ba. Nhất là khi gia đình vì không chú ý tới lời khuyến
cáo của chủ nhà bị trục xuất khỏi căn nhà có ông bà ngoại
trên gác xép nên không kịp dọn dẹp đồ đạc đến nỗi sau đó trong
đêm tối ba má phải trèo qua hàng rào quanh nhà lén vào lấy
lại tấm hình ông bà ngoại. Chứng kiến cảnh này cô bé nghe
thấy tiếng má thầm thì “Má/Ba, Má/Ba.” Và cả thế giới này khi
đó giống như hai cánh bướm đang vỗ đập vào tai cô bé. “Không
có nơi nào có vết tích máu ngoại trừ ở chính nơi đây, trong cổ
họng tôi, là nơi tôi đang kể cho mọi người nghe tất cả chuyện
này.”
*
Chương bốn “Xương Chim” là những hồi ức của người kể truyện
về những ngày còn sống chung với cha mẹ trước khi bỏ nhà ra đi
tìm tương lai. Những kỷ niệm buồn vui khó phai mờ về người cha:
một kẻ không biết sợ hãi trước kẻ thù, luôn tìm đường tiến
tới không lùi bưóc, không đầu hàng. Thiếu thời nghe đâu ba
là một đứa trẻ bụi đời nghiện hút, bán thuốc lá Mỹ chợ đen,
bỏ nhà ra đi, đăng lính vào một đơn vị lực lượng đặc biệt
được Mỹ huấn luyện, nhảy dù xuống những vùng rừng rậm và những
tỉnh nhỏ trên cao nguyên, đã chứng kiến bạn bè ngã xuống
quanh mình trong cuộc chiến và sau cuộc chiến nhưng rồi cuối cùng
vẫn cứ may mắn lết được về nơi đây, lết về cuộc sống. Kỷ
niệm thời thơ ấu đậm nét nhất về người cha của cô bé là sự ra
đi của ông. Là một biệt kích, ba chỉ về thăm nhà như lời má
nói với hai anh em cô bé. Cô bé thấy diện mạo tính tình mình
giống cha hơn cả người anh cô. Cũng hai con mắt đó, sống mũi cao
đó, nước da ngăm ngăm đó, tính tình thinh lặng đó. Khi giận dữ
dễ thành dữ tợn, nhưng khi vui vẻ lại thật duyên dáng. Hồi
ức về người cha trở về không theo trật tự thời gian đường
thẳng: đêm vượt biên chới với những tiếng gọi kêu cứu có phải
tiếng gọi người vợ yêu thất lạc phút chót rời bến? Mãi
nhiều năm sau đó ngay cả khi đã đoàn tụ ba vẫn không thể nguôi
quên những tiếng kêu cứu đó, ba mường tượng những tiếng kêu
này hoặc giống như một bức tường biển ngăn cách giữa Việt Nam
và Mỹ hoặc giống như một tấm lưới nổi lềnh bềnh trong đó
mỗi tiếng kêu trước nối chặt vào tiếng kêu sau như một nút
thắt tiếc thương. Thời gian sống trong trại tỵ nạn cô bé đã từng
thấy ba khóc một mình trong đêm vắng làm cô thấy thời gian như
ngừng lại. Cha con sớm mai trên đất Mỹ ba mưu sinh đủ nghề
nuôi con, những khi rảnh rỗi hai cha con lang thang trong những phố
thị, sau nửa đêm còn quanh quẩn trong Safeway Supermarket chỉ để
ngó quanh cầm lên đặt xuống ngắm nghía những món hàng vặt
vãnh. Hai cha con có khi lang thang thâu đêm để rồi trên chuyến xe
bus trở về nhà mặt trời mớ chớm ửng hồng rạng đông. Càng
lớn tuổi ba càng khắc khoải u buồn chậm chạp lãng đãng hơn nhưng
đôi khi cũng gàn bướng dễ nổi đóa hơn. Với đứa con gái độc
nhất ông hết lòng yêu thương trong sự bất lực tận cùng. Khi
con bỏ nhà ra đi ba từng ngày ngóng trông con gọi điện thoại về
thăm ba má, vì ba đã nhiều lần tìm cách đi tìm con, tìm cách
liên lạc với con. Khi gặp lại người cha mình, nhìn thân hình ba qua
khung cửa sổ mở rộng cô bé sáu tuổi ngày nào nay đã trưởng
thành đã thiếu nữ đã đàn bà thấy thân hình ba nhỏ bé đi
không như ngày nào. Cô nghĩ đến những khúc xương chim. Cô nắm
chặt bàn tay thành một nắm đấm rồiø ép mạnh vào thân thể mình.
*
Chương sách cuối cùng “Nước” mô tả lại cảnh người anh chết
đuối năm xưa. Cái chết của người anh vẫn là nỗi ám ảnh khôn
nguôi trong tâm trí diễm thúy. Xen lẫn những hình ảnh về cái
chết của người anh là những khúc phim cuộc sống lãng đãng của
ba nay đã về già bạn bè trò truyện cùng cây cỏ vườn hoa,
tấm lòng hoài hương tĩnh lặng. Trong cố gắng xóa bỏ nỗi ám ảnh
về cái chết của người anh, diễm thúy trưởng thành trở về
quê nhà sau hơn hai mươi năm cách biệt. Cô trở về lòng vẫn mong
ngóng người anh sẽ từ dưới nước bước ra gặp cô. Tuy ngay từ
ngày đầu tiên trở về xóm cũ cô đã đi viếng mộ người anh
nhưng cô vẫn không chịu tin anh mình đã chết. Mất ngủ, tuy mới
tảng sáng hay nửa đêm cô tìm ra biển ngâm mình dưới nước, xoải
tay bơi miết ra tận ngoài xa hay lang thang trên bãi ngó mênh
biển trời.
*
Một vài nhận định kết thúc về Tay Du Đãng Chúng Ta Đang Lùng
Kiếm: Trước hết là về thể loại văn chương. Nhà xuất bản cho
in trên bìa sách: a novel, tiểu thuyết. Chúng tôi cho rằng làm
như thế là không chỉnh nhưng có in trên bìa rằng đó là một
tiểu thuyết thì mới hy vọng có nhiều người mua. Cũng có người
cho rằng cuốn sách này thuộc loại hồi ký (mémoire) giống như
The Woman Warrior của Maxine Hong-Kingston. Chúng tôi lại nghĩ khác
và xếp cuốn sách này vào loại tiểu thuyết tự truyện luận
đề (autobiographical novel à clef). Ở đây chúng tôi cũng muốn
cải chính một ngộ nhận về tiểu thuyết luận đề. Từ trước tới
nay chữ này bị hiểu sai, cho rằng một cuốn tiểu thuyết luận đề
là một cuốn truyện tác giả viết ra để trình bày bênh vực
một ý kiến, quan điểm hay lý thuyết gì đó. Thực ra chữ này là
để chỉ những tiểu thuyết hư cấu hóa người thực việc thực để
trình bày quan điểm của tác giả. Tay Du Đãng Tất Cả Chúng Ta
Đang Lùng Kiếm viết về người thực việc thực và trình bày cái
nhìn của tác giả về cuộc chiến tranh Việt Nam và người lính
trong quân đội Miền Nam từ lâu đã bị bôi bác. Tự truyện qua tâm
tưởng thơ dại của một cô bé di dân về gia đình quê mới quê
cũ: những mô tả những tình cảm những suy nghĩ bày tỏ trong
sách có tính thuyết phục cao vì đó là những thứ từ nguyên chất
tuổi thơ chứ không như những bức tranh những thước phim những
trang sách giả tạo về cuộc chiến tranh này bấy vẫn được lưu
hành. Còn nhớ trước đây vào những năm 90 đã có một thời một
số người trẻ Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước cổ võ cho một
thái độ nếu thoạt nhìn tưởng là tích cực bằng cách tuyên bố
họ chọn thái độ quay lưng lại cuộc chiến tranh đã gây ra nhiều
tranh cãi nhất và cũng hao tổn nhiều xương máu nhất trong lịch
sử Việt Nam lời để tiến về tương lai. Chúng tôi cho rằng đó
là một thái độ ấu trĩ, thiếu can đảm và không trung thực với
nòi giống. Trong lịch sử không có một cuộc chiến tranh nào
gây nên nhiều tang tóc mất mát đau khổ lại có thể được xếp
lại, quên đi. Lê Thị Diễm Thúy tuy thuộc thế hệ di dân thứ hai
nhưng không thể chấp nhận thái độ thiếu phải quay với những
con người kể cả kẻ sống còn hay người đã khuất trong cuộc
chiến đó nên đã viết ra quyển sách này. Nhắm tới độc giả đọc
được tiếng Anh (người Mỹ và người trẻ Việt?). Chúng tôi hy
vọng những người trẻ trước đây đã chọn thái độ quay lưng lại
quá khứ nên đọc quyển sách này, Về phần cộng đồng chúng ta ở
đây cũng nên tìm đọc để ủng hộ, hậu thuẫn tác giả, một
người trẻ Việt Nam di dân không những trung thực, can đảm mà còn
tài năng đã nói lên tiếng nói tự bản thân, gia đình, trái
tim mình về chiến tranh, về người lính Miền Nam, và về “nước”
Việt Nam. Về kỹ thuật viết, vì lê thị diễm thúy chính yếu là
một nghệ sĩ trình diễn và cũng là lần đầu viết trọn một cuốn
sách nên cô chưa thể có tay nghề của một nhà tiểu thuyết
được học hỏi huấn luyện chính qui. Nhưng cô đã viết ra những trang
sách đẹp, đọc dễ dàng, gây xúc động mạnh. Điểm cuối cùng
và cũng là điểm son của lê thị diễm thúy: sách tuy viết bằng
Anh văn nhưng ở nhiều chỗ cô vẫn để nguyên một số từ tiếng
Việt. Tại sao vậy? Trước hết, về mặt ngữ học, ngôn ngữ
nhiều khi không thể có những từ song sinh, nghĩa là một từ trong
một ngôn ngữ này khi chuyển dịch sang một ngôn ngữ khác có thể
chuyên chở toàn vẹn ý nghĩa nguyên thủy. Chẳng hạn chữ
“nước” lê thị diễm thúy đã nhắc tới. Và còn những từ con cái xưng
hô với cha mẹ: Từ ngọt ngào gọi mẹ là “Má” của người Miền
Nam, từ gọi cha là “Ba” đầy kính yêu của người Miền Bắc, phở
để nguyên từ tiếng Việt, vân vân và vân vân. Khi đọc The
Book of Salt chúng ta cũng thấy Monique Trương đã để nguyên những
từ như Má, áo dài, phở, Anh ...trong cuốn sách viết bằng Anh
văn này. Ta hãy thử đọc lướt một trang cuốn tiểu thuyết mới
nhất Caramelo của Sandra Cisneros:”To write is to ask questions. It
doesn’t matter if the answers are true or puro cuento.” ( Viết có nghĩa
là hỏi. Thật không phải là điều quan trọng nếu như những câu
trả lời là đúng hay puro cuento.) Độc giả tất nhiên thoạt đầu
thấy hơi khó chịu (nhưng có khó chịu cũng phải ráng chịu!) nhưng
rồi khi đọc tiếp thấy sẽ puro cuento dùng ở chỗ này cũng
không khó đoán ra ý nghĩa, hơn nữa nó có vẻ mang một âm hưởng
rất văn chương, thích đáng làm nhẹ tính chất quá nghiêm trang khi
một nhà văn phát biểu về “viết”. Lý do thứ hai sâu xa hơn:
Từ hơn hai thập niên vừa qua, rõ ràng nhất là từ sau khi Gloria
Anzaldúa cho xuất bản Borderlands – La Frontera (1987) thì những
người sống trên đất Mỹ không phải dân bản xứ khi dùng Anh văn
để viết tiểu thuyết đã kiên trì mang vào những trang sách Anh
ngữ của họ những từ gốc, không chuyển sang tiếng Anh. Mặc
dù làm như thế họ biết chắc sẽ gây trở ngại cho người đọc
không biết nghĩa của những từ nguyên gốc đó nhưng nếu tinh ý
đọc những giòng kế tiếp độc giả cũng có thể đoán ra nghĩa từ
đó. Chẳng đặng đừng họ đã phải làm như vậy vì họ muốn mở ra
những khả tính mới cho ngôn từ tiểu thuyết : càng du nhập và
đồng hóa nhiều ngôn ngữ đa văn hóa bao nhiêu thì sẽ càng trở
nên phong phú bấy nhiêu. Chúng ta cũng không thể quên rằng
phần đông những nhà văn di dân nổi tiếng ngày nay tuy họ sử
dụng Anh văn để sáng tác nhưng đa số không bao giờ nhận mình là
một nhà văn Mỹ hay một nhà văn Anh. Toni Morison, giải thưởng
Nobel Văn Chương luôn luôn chính danh mình là một nhà văn Mỹ
gốc Phi châu (African-American writer), Salman Rushdie không bao giờ
chấp nhận người ta gọi mình là một nhà văn Anh hay một nhà
văn thuộc nhóm Thị Trường Chung Âu châu. Văn chương Mỹ hiện đại
đã phải chấp nhận một thứ Spanglish mới cũng như đã phải
chấp nhậân một thứ Anh văn của người da đen từ hơn nửa thế kỷ
nay. Mười năm trở lại đây những nhà văn thuộc thế hệ mới như
Sandra Cisneros, Julia Alvarez, Denise Chavez...đã mạnh dạn tiếp
tục bước theo lớp những nhà văn di dân tiên phong thế hệ
trước, đem vào tiểu thuyết mới những sắc thái văn hóa đa chủng
trong đối thoại, trong văn phong, trong xây dựng nhân vật...và
sách của họ đã được đông đảo quần chúng độc giả cũng như
những nhà phê bình văn học mến mộ và cũng đã được đưa vào những
cuốn văn tuyển dùng trong các trường trung và đại học. Hơn
nữa trong thời đại toàn cầu hóa và trong trào lưu dân chủ của
thiên niên kỷ mới này hướng phát triển ảnh hưởng văn hóa
kinh tế chính trị ngày nay không phải từ nước Mỹ tỏa rộng ra thế
giới như trong 50 năm trước nữa mà nay ảnh hưởng này có xu
hướng đi ngược lại: chính từ những di dân đến đây đã mang vào
ngay trong lòng nước Mỹ những nét văn hóa bản xứ. Họ đã đóng
góp tài năng trí tuệ vào nền văn hóa kỹ thuật tạp chủng
của Mỹ, biến nền văn hóa mở này có tính cách toàn cầu hơn. Đó
là một điều không thể tránh được, cũng không thể ngăn cản
hay khư khư bảo thủ tính chất quốc gia nữa. Sang thiên niên kỷ
này Văn Chương Tư Tưởng đã trở thành toàn cầu, không biên
giới. Đi hàng đầu là nền Văn Chương Di Dân đã phát triển vững
mạnh và trở thành trào lưu văn chương chính yếu trên thế giới
từ hơn hai thập niên gần đây. Làm được như vậy, những nhà văn
gốc Việt Nam dùng Anh văn để sáng tác đồng thời cũng còn có
thể xóa bỏ được cái ý tưởng từ lâu mọc rễ trong đầu óc
nhiều người Việt nhất là trong giới viết lách khi thấy một
người viết văn bằng Anh văn vì từ nhỏ hay vốn sinh trưởng trên
đất Mỹ liền có nhận định phủ đầu: như thế thì họ đâu còn là
một nhà văn Việt Nam nữa! Điều đó có thể đúng trong một vài
trường hợp những người viết không tài năng. Nhưng như trường
hợp Monique Trương và lê thị diễm thúy ( và còn nhiều nữa trong
tương lai?) nếu ta đọc kỹ tác phẩm của họ ta sẽ thấy đích
thực họ là những nhà văn di dân gốc Việt!ĐÀO TRUNG ĐẠO