![]()
ĐÀO TRUNG ĐẠO
quê hương trong ta
đọc ‘Sur place’ của Kim Doan*
Nếu hiểu quá khứ là cố quận nơi con người từ đó “di dân” đến một hiện tại nơi này thì sự mất mát (quê hương/quá khứ) trở thành một mảnh vỡ không thể tái tạo trong toàn thể nhân tính của chúng ta. Mất quá khứ gắn liền mất quê hương : đó là sự mất mát nhân đôi một di dân phải gánh chịu, chưa kể cái chết chực chờ phía trước (mất mát cuối cùng của đời người, có phải?): cuốn sổ tay lữ thứ đã thất lạc những trang mở đầu, những giòng chữ viết trong quá khứ đã bị nhòa lệ xót xa. Cái bản ngã thương tích của một di dân, và nếu hắn lại là một nhà văn di dân, hắn mang theo trong một hoàn cảnh không thể còn nhận quê hương quá khứ bỏ lại sau lưng vì bất cứ một lý do gì, cũng không thể nhìn nhận nơi mình đang sống hôm nay là quê hương hiện tại. Cố quận không còn hiện hữu với kẻ di dân và cũng không thể có một quê hương thứ hai. Kinh nghiệm về sự mất mát này là một kinh nghiệm vừa phổ quát vừa độc đáo trong thế hệ chúng ta, có tính cách lịch sử và là một chủ đề chính của Văn Chương Vô Xứ (Literarure of Displacement, Littérature Déplacée), trong ba thập niên cuối thế kỷ 20, và những thập niên kế tiếp bước sang thế kỷ 21.
Trong không gian văn chương đó Kim Doan viết ‘Sur place’ (SP:Tại Chỗ) nhằm giải quyết sự đối nghịch hành hạ tình cảm và trí não của Loan, một phụ nữ lìa xa đất nước từ khi còn thơ ấu đã hơn hai mươi năm sau khi cộng sản lên nắm chính quyền ở Miền Nam, trong cuộc hành trình trở về/tìm lại quê nhà. Ý tưởng dẫn đạo của Tại Chỗ là một câu nói của Soren Kierkegaard (triết gia hiện sinh thiên chúa giáo Đan Mạch) Kim Doan trích từ tác phẩm La Maladie à la mort: “ Trở thành (biến dịch), là một chuyển động có một khởi điểm; nhưng trở thành chính mình (biến dịch bản ngã) lại là một chuyển động tại chỗ.” Với một di dân đời sống là một hành trình liên tục, không có điểm khởi hành cũng không có điểm tới, cho nên bất kỳ một trở về (un retour) nào cũng là một khởi hành (un départ), và ngược lại.
Nhân vật chính Loan, một phụ nữ ngoài ba mươi, hiện sống ở Paris với chồng là Basil, tình yêu chồng vợ nồng thắm nhưng Loan không cảm thấy hạnh phúc. Loan từ hồi tấm bé đã bị coi là một “đứa trẻ có trái tim bằng đá” (SP, p.169), phần vì mẹ Loan – một người đàn bà xinh đẹp cao sang nhưng lại rất nghiêm khắc với con - đã bỏ con thơ dại ra đi theo người tình, còn cha Loan là một trí thức lạnh lùng khép kín trốn lánh khi bị gọi nhập ngũ, phần vì cuộc sống cô đơn lủi thủi bên bà ngoại, và trên hết thảy, vì tấn thảm kịch cậu Vinh đã trì dập trên thân xác, trên cuộc đời đứa cháu gái chưa đầy mười tuổi là Loan. Tình yêu ngoại dành cho Loan không thể bù đắp sự thiếu vắng tình yêu cha mẹ, hố thẳm cậu Vinh mở toang xé nát thân xác tâm hồn trẻ thơ khiến Loan cho đến khi trưởng thành, lập gia đình nhưng vẫn ngộp thở sợ hãi một khoảng trống, một hố thẳm vô hình ngập tràn bóng tối. Tưởng mình đã chôn chặt được quá khứ, sống trong một xã hội tự do, đời sống vật chất đầy đủ, Loan hy vọng có một cuộc sống hạnh phúc sau khi làm đám cưới với Basil. Nhưng giữa Loan và Basil từ giây phút khởi đầu cuộc sống chung đã có một bức tường im lặng vô hình ngăn cách: cả hai cùng biết rõ điều đó, run sợ khi phải đối diện sự thực này, nhưng không ai chịu là người bước đi bước trước để san bằng, phá thủng bức tường ngăn cách. Ngay như việc Loan trở về Việt Nam, Basil khuyến khích thúc dục Loan về thăm quê nhà, Loan từ lâu không thể tự quyết định nhưng lại muốn Basil ngăn cản cho nên khi thấy chồng không ngăn cản chuyến đi (vì sao đã sợ chia cách, rời bỏ lại không ngăn cản?) nên vì thế Loan đã quyết định mà không cần đắn đo suy nghĩ. Ngay cả khi máy bay sắp hạ cánh xuông phi trường Tân Sơn Nhất Loan cũng chưa biết rõ ý nghĩa của chuyến đi. Loan là một phụ nữ phức tạp, năng lượng tình cảm tràn đầy đẩy lý trí có những quyết định hành động vượt thắng bản thân kéo theo những hậu quả đớn đau, nội tâm giằng co đối nghịch, thích được cô đơn giây phút nhưng cũng thầm khát khao (trong kiêu hãnh bản thân) sự có mặt của tha nhân : một lò thuốc nổ chờ được châm ngòi.
Tại Chỗ tuy là một tiểu thuyết nhưng lại mang nhiều dấu vết của một tự truyện. Đọc tác phẩm này của Kim Doan cũng khiến người đọc liên tưởng tới quyển du ký Catfish and Mandala của Andrew X. Pham (nxb Farrar, Straus and Giroux/ New York, 1999.) vì cả hai cùng có chủ đề “trở về quê nhà”, nhất là cả hai cùng ‘khốn khổ” trên cố hương chỉ vì là một Việt kiều. Về cấu trúc cả hai quyển sách này khá giống nhau: cứ một chương viết về hiện tại chương sau lại là hồi ức quá khứ. Trùng hợp tình cờ hay cố ý? Trong 10 chương sách, Kim Doan kể lại những diễn biến, những tình tiết, cả ở ngoại giới (cảnh, người ở Hà Nội, Hoa Lư, Sapa, Huế, Nha Trang, Saigon) lẫn nội giới Loan trong chuyến đi ba tuần lễ. Xen kẽ đều đặn lời kể chuyện về mỗi nơi đặt chân tới, về những người gặp mặt đụng đầu là những hồi ức (flash-back): Loan nhìn quê nhà qua lăng kính kỷ niệm tuổi thơ đau buồn và tình cảnh “không quê hương” “không quốc tịch/bản ngã” hiện tại. Chủ đề “quê nhà” gắn liền với vấn đề bản ngã. Trong 10 chương sách thì 8 chương đầu tràn ngập những ác cảm buộc Loan phải có với đất Việt người Việt. Thực tại Việt Nam ngày Loan trở về trái ngược hẳn với một Việt Nam trong trí tưởng tưởng, sự hiểu biết qua sách vở báo chí, một xứ sở trong quá khứ, của Loan. Trong toan tính khi trở về Loan định sẽ ở lại Saigon, nơi chôn rau cắt rốn, để thăm bà ngoại.
Nhưng ngay từ khi đặt chân xuống phi cảng Tân Sơn Nhất Loan đã bị trấn ngộp, xô đẩy, lạc lõng, hành hạ vì mình là một Việt kiều: sự nhốn nháo hỗn độn ở phi trường, những ánh mắt ác cảm lạnh nhạt, hành vi trấn lột tinh thần vật chất của các loại người từ nhân viên hải quan tới những thân nhân hành khách, những người phu xích lô, tài xế taxi, những kẻ bán hàng rong. Từ phút đầu tiên đặt chân lên quê cũ, Loan liên tiếp chỉ ngừng lại giây lát để thở dốc (cô đơn xa lánh) để rồi lại cắm đầu chạy/trốn trong sự kinh hoàng: định vào Nhà Thờ Lớn để tìm lại những giây phút an bình nhưng vừa tới cổng chính đã bị dội ngược lại vì một đám tang ồn ào đang diễn ra nơi chính điện, toan lách vào cửa ngang hông để lọt vào bên trong giáo đường lại bị một lão bà hành khất từ lâu ngồi núp trong xó tối rít giọng đòi hỏi Loan bố thí, bước qua nhà bưu điện tính gọi điện thoại báo tin cho Ngoại biết mình đã trở về thì người trả lời điện thoại lại là cậu Vinh (sau khi báo tin ngoại đi Cần Thơ tuần sau mới về, ngon ngọt dụ dỗ Loan về ở với cậu) Kinh nghiệm đau buồn về cái giọng nói kinh tởm ám ảnh ấy hồi sáu bảy tuổi đã nghe lời cậu để rồi bị dụ dỗ cưỡng ép khiến Loan ngộp thở tê dại điên cuồng không còn làm chủ được hành vi mình nữa nên khi thoát ra khỏi nhà bưu điện toan mua vé máy bay tức khắc trở lại Paris. Về cảnh ( đường Lê Lợi, Catinat vốn rất quen thuộc xưa kia) Loan thấy “ con đường này tuy không khác gì mấy con đường trong kỷ niệm, nhưng khi Loan đứng lại ngắm kỹ nàng ngạc nhiên thấy lòng mình tịnh không, không mảy may có một xúc động nào giống như những xúc động Loan từng đợi chờ mình sẽ cảm thấy.’ (SP, I, 25). Về người, sự cư xử của con người ở đây, tiêu biểu trong thái độ một đưá bé gái bán nước ngọt, đối với Loan “ Phải chăng Loan đã trở thành khác hẳn so với người ở đây cho nên ngay cả một đứa bé cũng dùng Anh ngữ để nói năng với nàng...tuy Loan đã nói tiếng Việt giọng Saigon chính cống với con bé.” (SP, I, 26). Có thật sự Loan đã trở về quê nhà không? “Ngừng chân quay nhìn thêm một lần nữa cái chốn thân quen này. Mình đã trở về, đúng vậy. Mình đã thật sự trở về. Nhưng, khi nàng lập lại câu nói đó, Loan không khám phá ra được nơi lòng mình có cái tình cảm thân thiết, ruột thịt, của sự trở về.” (SP, I, 29). Khi bình tĩnh trở lại Loan đổi y,ù nhân thể vì phải chờ Ngoại trở về nên mua vé máy bay đi Hà Nội với ý định từ đó sẽ đi thăm những thắng cảnh trên đường trở lại Saigon thăm Ngoại vào tuần lễ cuối cùng. Từ nhiều năm nay Loan đã hứa với ngoại sẽ về thăm nhưng không hiểu vì sao Loan luôn thất hứa. Lần này đã có mặt ở đây,chưa phải thăm Ngoại, Loan thấy như mình tạm thời thoát cảnh phải đụng đầu với sự thực câm nín. Đến Hà Nội Loan vẫn thấy cực kỳ cô đơn lạc lõng, thấy người thấy cảnh nơi này vô hồn, lạnh lùng, ác cảm với mình. Về người dân ở đây Loan cảm thấy “ hình như họ nhìn mình không những chỉ vì tò mò tọc mạch mà còm thêm vào đó là sự ngờ vực nữa, như thể Loan không những chỉ là một kẻ xa lạ trong thành phố của họ, trong vùng của họ, mà còn là một kẻ không cùng giòng giống.” (SP, I, 37). [flash back] Loan hồi tưởng lại đám cưới của mình và Basil ở Pháp, trong tiệc vui nhưng Phương vẫn cảm thấy không trọn vẹn “Loan cảm thấy một niềm u uất, một thứ u uất thật sâu đậm đến nỗi trái tim Loan thắt lại khi nghe tiếng rung của một nốt đàn vĩ cầm, khi nhìn ánh sáng chập chờn của một bóng đèn trong chùm đèn treo lơ lửng trên những cành cây.” (SP, I, 41)
Nhưng rồi Loan gặp được Phương, một Việt kiều như Loan. Phương già dặn, từng trải, hiện đang hùn hạp với một số bạn mở dịch vụ thông dịch ở Hà Nội, hứa sẽ là người hướng dẫn Loan thăm thú Hà Nội ba mươi sáu phố phường. Dáng điệu, cử chỉ, phong cách của Phương gợi Loan nhớ tới mẹ. Vì có cảm giác một kẻ xa lạ ngay trên quê hương, Loan hỏi Phương là người đã ở đây lâu xem Phương có cảm thấy mình đang ở trên quê nhà không thì Phương trả lới:” Chẳng bao giờ chị có thể cảm thấy nơi đây là quê hương mình cả...Nhưng em nghĩ với thời gian...(Loan nói) Thời gian chẳng có ăn nhằm gì. Ở đây, chị cũng là một kẻ xa lạ như em vậy. Cái xứ sở này không phải là xứ sở của mình, em cũng biết rõ điều đó như chị mà.” (SP, I, 47). Hai người đi thăm Hoa Lư, nơi duy nhất Phương ưa tìm đến vì “chỉ có ở nơi này chứ không còn ở bất cứ một nơi nào khác chị mới cảm thấy được an bình. Từ khi lần đầu khám phá ra nơi này hai năm trước, chị thường trở lại đây. Có thể việc chị trở về Việt Nam sống cũng là chỉ cốt được gần gũi nơi này thôi.”(SP, I, 62) Nghe Phương nói vậy nhưng khi đứng trên một ngọn đồi cao ở Hoa Lư, tuy Loan mắt thấy cảnh thiên nhiên có đẹp thật đấy nhưng vẫn không cảm thấy mình gắn bó thân thiết nơi này như Phương. Sự thân thiết, thuộc về, giữa nơi chúng ta sống và bản thân chúng ta là một tương quan thuộc về nhau hai chiều: ta có cư ngụ trong chốn này và chốn này có cư ngụ ta không. Nghĩa là giữa hai bên không có một khoảng cách, là một sự gắn liền, có sự hòa nhập hai chiều giữa bản ngã và thế giới, không thấy mình là kẻ đứng ngoài cuộc đời mình “giống như ta mặc bộ quần áo may vừa vặn.” (SP, II, 65) Không có mối liên hệ hai chiều này thì ta chỉ là một kẻ xa lạ.Với Phương, ít ra Phương còn có một góc để cư ngụ, và cái góc này cũng ở trong Phương. Với Loan, ngay cả khi đứng giữa Hoa Lư, trên chính quê hương cũ cũng như hơn hai mươi năm nay sống ở Paris Loan vẫn cảm thức mình là một kẻ xa lạ.[flash-back] Loan hồi ức cảnh hai năm trước đây ở Paris một buổi chiều trong lúc chờ Basil đi làm về Loan cảm thấy cực kỳ cô đơ. Loan tủi thân lặng lẽ khóc một mình. Khi Basil về Loan đề nghị chồng dọn qua New York sống xem có tìm thấy hạnh phúc không. Mười hai năm trước đó khi Loan và bà ngoại sống trong một căn chung cư ngoại ô Paris ngoại đã định thuyết phục Loan cùng Ngoại sang sống với thân nhân ruột thịt ở Mỹ vì theo ngoại “khi ta không còn có xứ sở nữa thì ta chỉ còn có gia đình thôi’ nhưng Loan khuyên ngoại cứ qua Los Angeles một mình đi, Loan tự lo thân được vì đã lớn, đã được học bổng và muốn học đại học ở Paris.
Chương III kể lại chuyến đi Sapa của Loan, xe cộ đường xá lầm than, anh chàng tài xế tọc mạch sống sượng chú tâm đến Loan (vì biết Loan là Việt kiều!) tỏ ra chăm sóc một cách khả nghi (Loan luôn luôn ở trong thế đề phòng đối với đàn ông vì nỗi bất hạnh thời thơ ấu một phần, phần khác thường bị đẩy vào những hoàn cảnh rủi ro, lường gạt, bất an, xách nhiễu) [flash-back] Loan hồi tưởng cảnh cô bé Loan sáu tuổi trong buổi trưa hè vắng vẻ năm xưa chỉ có một mình với cậu Vinh trong khu vườn nhà trước bãi biển, lủi thủi tò mò mải mê quan sát cảnh hai con bọ ngựa đực cái sau cuộc ái ân con cái ăn thịt con đực, cô bé hạ sát bọ ngựa cái bằng cách vặt từng cái chân con vật sau cùng là thủ cấp. Nhưng dù mải chơi cô bé vẫn luôn cảm thấy cặp mắt cậu Vinh như dán chẳt vào mình. Sắp đến màn hấp dẫn nhất là vặt đầu con bọ ngựa thì cậu Vinh vừa ra lệnh vừa dụ dỗ cho đồ chơi buộc cô bé ngồi lên lòng mình để vuốt ve khắp thân thể đứa cháu gái thơ dại. Đến nơi vào lúc mười một rưỡu đêm, mệt mỏi kiệt lực Loan chỉ còn kịp tuông ngay vào một quán trọ gần bến xe, đóng cửa căn phòng trọ tồi tàn ngủ vùi. Tinh sương hôm sau trở dậy ngó ra bên ngoài tuy trời đất mù mịt mưa bay nhưng vẫn cố lần mò vào một quán cà phê bên đường mong kiếm một ly cà phê sữa. Vừa ngồi vào một bàn cuối phòng lập tức bị một người đàn ông hành khất đang chìa tay xin tiền một cặp du khách Mỹ nhưng bị từ chối liền lăn xả bám lấy Loan vừa kèo nài vừa bày trước mắt Loan một thân thể đầy thương tật, kể lể dài dòng lịch sử từng vết tích tàn phế nào là do bom bi của Mỹ, do đạn quân Tàu năm 79, do đạn quân Pháp bắn thời xa xưa, và đây nữa do mảnh mìn quân nhật gài lại gây ra (đúng bài bản kiểu ‘ Đảng và nhân dân ta đã anh dũng liên tiếp đánh thắng đế quốc Mỹ, thực dân Pháp, xâm lược Nhật và nay bọn bành trướng Trung quốc! Chú giải intertextual ĐTĐ) xách nhiễu đòi bố thí. Không còn sức chịu đựng cảnh này, Loan móc một nắm tiền, không cần đếm, nhét vào tay người đàn ông hành khất lải nhải lỳ lợm rồi vội vàng thoát ra cửa “như một con ăn cắp.”(SP, III, 92) Đi loanh quanh trong những khu phố chợ ở Sapa, Loan quan sát trang phục, sinh hoạt của cư dân người thiểu số, lòng buồn bã bất lực trước sự đối xử kỳ thị thô bạo của công an cọng sản đối với dân bản xứ, cố nén giận không nghĩ ngợi cho đầu óc được trống không thanh thản, bước lang thang lên phía những đỉnh cao đồi núi. Sau gần ba tiếng đồng hồ leo núi, đặt chân tới một đỉnh cao ngang tầm mây, Loan như kẻ say độ cao, cảm thấy choáng váng “đong đưa giữa đất và trời quanh những đỉnh núi cao lơ lửng giữa không trung...thả trí tưởng vượt qua những lớp sương mù..., lần thứ nhất trong đời nàng có ấn tượng hòa nhập hoàn toàn với bức tranh tâm tưởng...không những chỉ thấy mình cảm thông với thế giới vây quanh mà còn thấy mình gắn chặt vào đó với toàn thể thân xác toàn thế giác quan. Trong khoảnh khắc này nàng là phiến đá là mặt đất... nàng nhận ra rằng mình đã từ lâu mang theo nơi nàng những cảnh trí này...Nàng từ một nơi cách đây rất xa, từ đầu bên kia thế giới, đến đây để nhận biết được...rằng cái nước Việt Nam mình đi tìm kiếm, cái nước Việt Nam của nguồn cội mình, từ bao lâu đã ở ngay chỗ đó, ẩn kín trong chốn sâu thẳm nhất của nàng. Đó là một Việt Nam nội giới, một Việt Nam riêng tư, và chính cái nuớc Việt Nam của trí tưởng tượng và của niềm hoài niệm này của nàng, Loan mập mờ cảm nhận, mình thuôc về cái Việt Nam đó chứ không phải thuộc về cái nuớc Việt Nam sờ sờ trước mắt kia.”(SP,III, 99-100) Đây là một trang sách đẹp nhất trong toàn thể quyển tiểu thuyết của Kim Doan. Nhưng Loan/Kim Doan cũng là kẻ phải hứng chịu những hành hạ không ngừng xảy ra: từ trên đồi núi cao trở xuống, dừng chân bên một cổng gạch nghỉ mệt, Loan rút gói thuốc lá bật lửa châm một điếu, còn đang ngây ngất thả hồn trong những cảm nghĩ vu vơ thì đụng đầu một phụ nữ bản xứ chừng năm chục tuổi gay đét chống nạnh trước mặt. Sau khi hỏi Loan có phải người Việt Nam không, hạch sách tại sao là đàn bà Việt Nam mà lại hút thuốc lá, “chỉ có đồ đĩ mới hút thuốc,” mặc cho Loan lung túng kinh hoàng không nói lên tiếng. Rồi một thằng nhóc con nhảy tới hành hung Loan, giật thuốc lá, đá vung cái bật lửa rớt trên mặt đất. Tiếp đến là cảnh Loan bị đám đông tứ bề xô tới phỉ nhổ, hạ nhục. Loan chỉ còn biết cắm cổ điên loạn chạy trốn không còn biết đường nào dẫn về quán trọ. Đến lúc chạy về được tới cổng quán trọ thì đã thấy hai phụ nữ Hmong đứng trước cửa chào mời khách trọ mua những vòng xuyến trang phục dân thiểu số, Loan gạt mạnh họ sang bên, lao mình vào phòng lập tức thu hành lý lên xe trở về Hà Nội.
Để cho Loan nức nở gào khóc hồi lâu, Phương an ủi vỗ về bạn rồi nói “Có lẽ em chẳng nên nói với họ mình là người Việt Nam...” (SP, III, 105) Sau đó Phương kể lại chuyến vượt biển của hai vợ chồng Phương trong một đêm tối mịt mùng hơn hai mươi năm trước. Từng toán người vượt biên tản mát trong đồng lầy chờ đợi được dẫn ra điểm hẹn. Chuyến đi bị “bể”, công an cọng sản nổ súng bắn giết rồi sau đó săn đuổi lùa bắt những người vượt biên về nơi giam giữ. Khi đó Phương đang mang bầu tám tháng, chồng bị bắn chết, mình bị hoài thai khi đưa vào trại giam. “Tiếng Phương lặng tắt. Quì trước đầu gối Phương, Loan nhìn sững Phương. Nét mặt Phương phẳng lặng. Hai mắt nhắm nghiền, Phương có vẻ đang nhìn về một vùng nào đó rất xa xôi trong quá khứ, như thể muốn đi suốt tới tận đáy kỷ niệm, để cuối cùng được buông xả .” (SP, III, 112) [flash-back] Loan hồi ức về chuyến đi xa lìa dất nước của mình trước đây. Chín tháng sau ngày Saigon xụp đổ, ngoại Loan xoay sở được giấy xuất cảnh chính thức đi Pháp cho hai bà cháu với giá 300 cây vàng, cô bé Loan vui mừng sung sướng được đi khỏi nước trong khi những người đi cùng chuyến bay bùi ngùi nhỏ lệ. Giờ đây so sánh chuyến đi của mình với cảnh vượt biên của Phương, Loan thấy xấu hổ.
Sau chuyến đi Sapa Loan chán chường nằm lỳ trong khách sạn suốt ba ngày, nghĩ đến định quay về Paris. Cho mãi tới buổi tối ngày thứ ba, Loan hẹn Phương đến một tiệm nhậu có đủ thứ thịt rắn rết chó mèo...vì Loan muốn tận mắt nhìn những ‘tên đàn ông’ say sưa cười nói. Bước tới cửa tiệm Loan còn đang e ngại ngần ngừ nhưng khi Phương tới, cả hai bước thẳng vào hầm nhậu. Ban đầu Loan còn kinh tởm món rắn hổ nhưng rồi thấy Phương ăn và uống rượu mạnh tỉnh bơ, thúc dục khuyến khích, Loan nhắm mắt nuốt mọi món nguời chủ đón rước mời mọc long trọng hai nữ Việt kiều. Cả Phương lẫn Loan đêm đó uống xả láng. [flash-bach] Loan hồi ức về kinh nghiệm đớn đau hồi thơ ấu khi mẹ bắt buộc mình tập bơi: ngay từ khi còn bé Loan đã vượt thắng được sự sơ hãi tột cùng, và Loan giờ đây vẫn là Loan...Nhờ chất rượu hai người bạn tự nhiên tỏ bầy. Sau khi nói với Loan “Em có nghe thấy bọn đàn ông cười ở phòng bên không?...Đã nhiều lần rồi chị không thể chịu được khi nghe bọn chúng cười kiểu đó...Nghe chúng cười chị không thể không nghĩ lại về cái ngày hôm đó, không thể không nhớ đến việc mình đang ở trên con tầu khốn khổ ấy, sống lại sự chờ đợi đằng đẵng...” (SP, IV, 135). Phương kể lại chuyến vượt biển lần thứ hai, tầu đắm, Phương vịn vào một xác chết trôi bơi mê sảng không biết trong bao lâu để rồi cuối cùng được tàu dầu Indonesia vớt. Ăn nhậu bí tỉ xong Loan chia tay Phương nhưng vì quá say Loan không tìm ngay ra được đường về, lạc lõng lang thang run sợ trên những con đường mù mờ xa lạ. Cuối cùng không hiểu sao mình lần mò về được tới khách sạn”...một mình đứng trong hành lang sáng đèn...nàng khóc, với một nỗi mãn nguyện thực sự, được an ủi vỗ về giống như một đứa bé vừa nhận ra được con đường dẫn về nhà.” (SP, IV, 143)
Chương V là chuyến đi Huế thăm lăng tẩm của Loan. Trên chuyến tàu hỏa Hà Nội-Huế một người đàn ông bảnh bao săn sóc làm quen Loan. Rất Tây phương thẳng thắn Loan không coi việc gặp gỡ làm quen với một người đàn ông trên một chuyến xe lửa là điều phải quan tâm nhiều. Vả lại người đàn ông này có những nét gợi Loan nhớ đến hình ảnh cha mình. [flash-back] Cha Loan bỏ con ra đi lúc Loan mới bốn tuổi và Loan chỉ có một tấm hình duy nhất của ông. Cho mãi hai tháng sau khi đã sang ở Paris với Ngoại cha Loan mới tới thăm con. Ông nay đã đứng tuổi, buồn bã khô héo thinh lặng, không vồn vã niềm nở khi gặp lại con, Loan thất vọng nhưng vẫn chấp nhận người đó là cha mình, lần đầu được cất tiếng chào ‘Cha”. Đến thăm con và mẹ vợ giây lát ông đã vội từ giã, tuy hứa sẽ sớm trở lại thăm nhưng Loan không tin ông sẽ trở lại, không tin ông yêu thương mình vì ông không chuyện trò, không mỉm cườiø với con, không gọi tên con, trong ánh mắt nhìn con không một chút trìu mến mà còn cho rằng “nó giống mẹ nó như đúc” khiến Loan cảm thấy như thể ông trút lên Loan nỗi căm hờn bấy lâu chất chứa. Khi tiễn cha xuống thang máy, nhìn hình ảnh ông lần cuối Loan biết từ nay hình ảnh đó sẽ hoàn toàn biến mất. Sau những cử chỉ lời lẽ săn sóc khéo léo, anh chàng này tự giới thiệu tên mình là Tuấn, kể cho Loan nghe cuộc đời mình từ hồi mười ba tuổi bỏ gia đình gốc tư sản thủ cựu ở Huế trốn theo cách mạng từ 1965, gia đình chết hết trong bom đạn dịp Mậu Thân mà mãi sau này anh mới biết, trở về căn nhà cũ sau ngày giải phóng anh ta mất niềm tin, ảo tưởng tan vỡ nên bỏ Đảng đã hai năm nay, xoay ra làm ăn kinh doanh xuất nhập cảng với bạn bè và nay trông có vẻ giầu có.[flash-back] Loan hồi ức về đám tang mẹ Loan. Mới chín tuổi đầu, sống với Ngoại, khi nghe tin mẹ chết Loan kinh ngạc vì mình không buồn khổ khóc lóc mà lại cảm thấy được an ủi, giải thoát, tuy có thấy một sự trống rỗng tràn ngập lòng mình. Sau này Loan được biết mẹ đã tuyệt vọng quyên sinh trong một căn phòng khách sạn và Loan nghĩ bà tự sát để tự trừng phạt. Đám tang mẹ chỉ có anh em bà con thân thuộc phía mẹ. Đi theo quan tài mẹ ra nghĩa trang Loan không khóc, không hề khóc.
Chương VI kể tiếp sự săn sóc ân cần anh chàng Tuấn đặc biệt dành cho Loan. Tuấn không những càng lúc càng tò mò cật vấn mà còn sống sượng tấn công xấn xổ để chiếm đoạt Loan hơn. [flash back] Loan hồi ức về cậu Vinh mùa hè năm đó đã đánh lừa Loan chơi trò “ai-chịu-được-lâu”, nghĩa là trong lúc bé Loan xem sách hình cậu sẽ sờ soạng thọc lét, nếu Loan không ngừng xem sách thì sẽ thắng và được cậu thưởng. Lợi dụng sự thơ dại của cháu, trong lúc nhà vắng vẻ, cậu Vinh thực hiện trò nhơ bẩn đồi bại. Gần đến nhà ga Huế anh chàng này quyết nài ép đưa Loan về nhà mình, lấy cớ sẽ tự tay nấu ăn mời Loan, tự ý mang hành ly ùcho Loan để Loan hết bề từ chối. Trên lối ra khỏi nhà ga may sao Loan chợt nghe thấy một nguơi đàn bà đang nói tiếng Pháp với người chồng đứng bên, lập tức đánh liều chạy đến bên người đàn bà này dùng tiếng Pháp nói cho người đàn bà này biết mình đang bị Tuấn cưỡng ép và nhờ bà ta giải thoát mình. Thoáng ngạc nhiên nhưng người đàn bà thông minh này (Emma) giả bộ mừng rỡ chào hỏi Loan như hai người bạn thân tình cờ gặp nhau ở đây và rủ Loan cùng đến lấy khách sạn với vợ chồng mình. Tuấn giận dữ, tuy không làm gì được dù biết Loan nói dối. Loan lịch sự xin lỗi Tuấn, lấy lại hành lý để đi với bạn. Thoát nạn, nhìn lại Tuấn Loan mới thấy anh chàng này đúng là kẻ có “nhân cách vô duyên, dáng dấp tầm thường của một anh nhà buôn tỉnh lẻû”(SP, VI, 189) Loan cùng với Emma và Paul về ở khách sạn Bông Hồng trên bờ sông Hương. Trong chương này Kim Doan cho ta thấy một mẫu người mới ở Việt Nam: những cựu đảng viên cọng sản nay trở thành những tên cơ hội, giầu có nhưng vẫn lộ nguyên hình là một kẻ tuy quê mùa nhưng rất giỏi lừa lọng chụp giựt. Đấy là người Việt trên đất Việt hiện nay. Emma và Paul đến Việt Nam để kiếm một đứa trẻ đem về làm con nuôi theo ý muốn của Emma. Từ phòng bên này trong khách sạn Loan nghe vọng tiếng cãi nhaũ giữa Emma và Paul về vụ đi thăm một viện mồ côi khiến Loan...[flash back] hồi ức về những ngày Loan và Basil dọn sang sống ở New York, Loan vẫn không hạnh phúc. Từ khách sạn Bông Hồng Loan muốn đi thăm phố xá Huế, sung sướng khi nghe một người phu xích lô mời mình đi xe bằng tiếng Việt. Loan nhận ra ở Huế đa số mọi người đều nói tiếng Việt với mình chứ không dùng tiếng Mỹ hoặc tiếng Pháp như ở Hà Nội. Tản bộ một lát, Loan ngẫm nghĩ ở đây nếu mình nói tiếng Mỹ có thể sẽ không bị coi là Việt kiều nên vẫy một chiếc xích lô và hỏi giá cuốc xe bằng tiếng Mỹ khiến người phu xích lô ngạc nhiên còn Loan cảm thấy khoan khoái tự nhiên được trả giá cuốc xe. Nhưng khi vừa lên ngồi trên xe người phu xe đã hỏi xuất xứ của Loan. Loan nói mình là người Nhật, người phu xe không thắc mắc gì thêm khiến Loan thấy dễ chịu nên gợi chuyện với anh ta nhưng người phu xe rất thận trọng trong những câu trả lời. Chở Loan vòng vòng hồi lâu để Loan ngắm cảnh, khi quay trở về khách sạn Loan nghĩ giá một cuốc xe như thế phải đắt hơn nhiều ở Paris nên khi trả tiền xe đã nhét thêm một dollar. Khi trao tiền cho anh ta, người phu xe đột nhiên hỏi Loan bằng tiếng Việt “Cô là Việt kiều, đúng không?” Loan sửng sốt. nghĩ bụng “Tại sao anh ta đoán được? Có cái gì trong dáng vẻ mình, trong lời ăn tiếng nói mình chắc đã tố cáo mình? Anh ta ngó nàng và trong ánh mắt anh ta đầy sự khôi hài riễu cợt...”(SP, VI, 203) Khi dùng tiếng Mỹ để bảo với anh ta rằng anh lầm rồi, Loan cảm thấy mình thật ngu xuẩn, thà câm miệng còn hơn, vì nếu như không phải là người Việt làm sao Loan lại hiểu được câu hỏi của anh ta.
Viết tiếp chuyến đi thăm lăng tẩm ở cố đô Huế trong chương VII Kim Doan cho người bên ngoài thấy thêm những bộ mặt xảo trá lừa lọc ở “cố quận”: một anh chàng tên Bảo hướng dẫn viên du lịch thêu dệt số phận cuộc đời mình, một người trong quân đội Miền Nam trước đây để dễ gây thiện cảm với Loan, nói tiếng Việt với Loan, than vãn cuộc sống nghèo kho hiện tại,uất hận vì mình đã không đi thoát ra khỏi nước trong ngày cuối cùng tuy đến được Tòa Đại Sứ Mỹ ở Saigon theo lời hẹn của một sĩ quan cố vấn nhưng Bảo cùng chung số phận những người không may mắn bị bỏ lại (một câu truyện, một đoạn phim, một ác mộng được lặp đi lặp lại hàng vạn hàng ngàn lần trên những màn ảnh vô tuyến thế giới, trong ác mộng và lời kể của vô số những kẻ thật/giả trong cuộc!) Tuy vậy câu chuyện của Bảo cũng nhắc nhớ Loan [flash back] hình ảnh cô bé mười tuổi cùng gia đình có mặt trong đám đông xô đẩy nhau mong được thoát đi đó đã ghi sâu trong ký ức Loan. Nhiều năm sau đó mỗi khi xem lại những hình ảnh tấn thảm kịch này Loan vẫn thử cố tìm kiếm xem trong những hình ảnh đó có khuôn mặt bé nhỏ của mình và bà ngoại trong không. Gia đình Loan không được trực thăng bốc, cậu Hoàng bảo mọi người lên xe chạy ra Vũng Tàu chờ tầu Mỹ đón nhưng chờ qua đêm sớm hôm sau cũng chẳng thấy bóng tầu Mỹ đâu mà chỉ thấy bộ đội cọng sản nên cả gia đình đành buồn bã lên xe trở về. Dù đã quá quen thuộc với câu chuyện này Loan vẫn miễn cưỡng để Bảo kể lại. Được thể, Bảo thêu dệt, bi thảm hóa cuộc đời mình, nào là thời gian trong trại tù, ra tù, rồi được phép nộp đơn đi Mỹ theo diện quân đội Miền Nam nhưng hồ sơ lý lịch đã thiêu hủy nên mất hai năm thu thập chứng cớ nộp cho Sở Di trú Mỹ, hối lộ cán bộ nhận đơn không biết bao nhiêu chặng bằng đồng tiền suốt trong năm năm đạp xích lô, đến khi khám sức khỏe lại bị hoãn chuyến đi vì lao phổi, lại vay mượn để chạy chọt một tên bác sỹ trưởng bệnh viện, một tuần sau đến nhà thương lấy giấy chứng nhận thì được biết tên bác sĩ cầm tiền của mình đã lẳng lặng đi đoàn tụ với người chị ở Los Angeles, tuyệt vọng về Huế làm hướng dẫn viên, cay cú nguyền rủa những tên du khách bần tiện ngụ ý bòn tiền Loan khiến Loan tự hỏi “Không biết mình phải trả cho màn hài kịch hắn vừa diễn cho mình xem bao nhiêu đây?”(SP, VII, 225) Vừa rời khỏi chiếc đò, bước theo đoàn du khách đi thăm lăng Loan lại bị người đàn ông chèo đò chạy theo nài nỉ trì kéo, xin Loan làm ơn đòi lại số tiền tám nghìn đồng Bảo đã ăn chặn của anh ta, và nếu Loan không chịu can thiệp thì anh ta xin Loan bồi thường số tiền đó. Tuy phải thí cho hắn một tờ 20 dollars nhưng Loan nổi khùng thét lên “Nhưng tại sao luôn luôn cứ tôi là người phải trả tiền, có phải chỉ vì tôi là Việt kiều phải không? Mặc dù tôi đã phải trả gấp ba gấp bốn lần nhiều hơn dân chúng ở đây khi đi một cuốc xích lô, khi vào thăm bảo tàng viện, khi mướn phòng khách sạn!” (SP, VII, 228) Đến khi bắt kịp Emma và Paul trông Loan có nét mặt vô cùng giận dữ. Nàng không những hận tên hướng dẫn và tên lái đò mà Loan còn hận mình không kém. Loan không tiếc tờ giấy 20 dollars đã thí cho chúng, điều làm Loan tức giận nhất là vì mình đã để chúng sai khiến. Nổi điên bất chấp mọi sự, Loan la hét chửi bới cục cằn. Emma và Paul không hiểu duyên cớ nào khiến Loan nổi điên như vậy, đến khi hiểu chuyện muốn ngăn Loan không nên hành hung đám con nít bu quanh nhưng Loan bất chấp lời can ngăn khiến Emma và Paul bực mình bỏ đi. Đứng lại một mình, giây lát sau Loan nức nở khóc, che mặt ấp úng “Xin thứ lỗi! Xin thứ lỗi! Xin thứ lỗi! Và trong cái khoảnh khắc sau cùng nàng để cho những giọt nước mắt mình tuôn trào lã chã suốt gò má, nàng không biết, cả lần này cũng vậy, ai là người nàng xin thứ lỗi, có phải nàng xin Emma và Paul thứ lỗi không, có phải nàng xin những đứa trẻ con mình vô cớ hành hung chúng, hay nàng xin những đồng bào của mình hãy tha thứ vì bao lâu nay nàng chất chứa trong lòng cả mối hận lẫn lòng thương yêu họ, cả sự sợ lảng tránh hãi lẫn lòng ham muốn đến với họ, hay có phải trên hết lời cầu xin tha thứ là hướng đến ngoại mình, người mà mình đã quên bẵng trên con đường Hà Nội-Huế, trong khi mình quay trở vế cái xứ sở này chính là để gặp lại ngoại.” (SP, VII, 233)
Trên chuyến xe sớm trở về Saigon băng ngang Đà Nẵng vào thị xã Nha Trang Loan đã cạn kiệt, ban đầu còn ngắm cảnh đẹp hai bên đường nhưng đến trưa khi xe vào đến vụng biển Nha Trang lúc trăng vừa lên, đêm xuống nhanh Loan không còn thiết để ý đến cảnh vật nữa. Thoáng đọc thấy những cọc cây số hai bên quốc lộ Nha Trang: 10 km, Phan Rang 104 km, Phan Thiết: 225km, Hồ-Chí-Minh Ville: 448km, Loan ngạc nhiên thấy mình còn cách xa Saigon quá đỗi, nếu sớm tinh sương ngày mai mình có ra lấy xe bus thì ít nhất phải năm giờ chiều mới tới Saigon, hôm sau sẽø đi gặp Ngoại. Nhưng kỳ lạ thay, Loan thấy lòng mình vừa vui mừng vừa lấn quấn, thêm nỗi chán nản lo âu đè nặng trên ngực. Loan thầm tự hỏi không biết vì sao. Vào khách sạn ở Nha Trang, không bật đèn trong phòng, Loan cố gắng xua đuổi mọi suy nghĩ lo lắng cho đầu óc trống rỗng tìm giấc ngủ nhưng chỉ chợp mắt giữa những tiếng động dội vào từ cầu thang khách sạn, từ những cánh cửa mở khép...[flash back] Loan hồi ức về một đêm xưa cô bé Loan nằm trong phòng trơ mắt sợ hãi lắng nghe những tiếng động quanh nhà. Quá nửa đêm, những tiếng động trong nhà ngưng bặt khiến bé Loan càng sợ hãi hơn, Hai rưỡi, rồi hai giờ ba mươi lăm...bé Loan lắng tai nghe tiếng mở đóng cửa thật thận trọng căn phòng trên lầu hai, tiếng chân bước rón rén xuống nhà dưới, ngừng lại trước cửa phòng Loan, không mở cửa phòng ngay mà chờ mấy phút sau mới từ từ mơ rả, rồi khép kín lại. Bé Loan chỉ còn kịp nghiến chặt hai hàm răng, chỉ còn kịp nghe tiếng kéo xoẹt tấm drap phủ ngang chân mình và tiếng những chiếc lò xo cọt kẹt trong khi sức nặng của cậu trì dập lên mình. Nhiều năm sau đó, kể cả khi đã lấy Basil, Loan luôn luôn bị ác mộng hành hạ không bình thản thức giấc được. Từ ác mộng sang ảo giác, nhìn thấy mặt giường nàotrải drap trắng toát là Loan lại nhìn thấy Ngoại nằm chết, trên đó.
Hai chương cuối của Tại Chỗ đậm kịch tính. Về đến Saigon Loan không đến gặp ngoại ngay mà lại lang thang đến thăm ngôi trường cũ, thơ thẩn trong nghĩa trang đến bên mộ mẹ đặt bàn tay lên tấm mộ bia nóng hừng hực, đưa ngón tay lần theo những chữ khắc tên mẹ, tản bộ trên những thông lộ còn hâm hấp nóng vào lúc mặt trời sắp lặn, tự hỏi về sự cần thiết của chuyến hành hương, tại sao mình cứ chần chờ trì hoãn việc đến thăm ngoại, ngay cả việc điện thoại cho ngoại cũng vẫn cứ nghĩ mình còn dư thì giờ để làm, cảm thấy mình thật tội lỗi.Nhưng khi vừa định bước vào nhà bưu điện thì có một chiếc xích lô lướt tới đón, thế là Loan lại nhảy lên xe về khách sạn. Tắm gội, nằm nghỉ, nghe chuông nhà thờ điểm sáu rưỡu, rồi sáu giớ bốn lăm nhưng Loan vẫn ù lỳ, vơ vẩn mở quyển tiểu thuyết mang theo trong chuyến đi ra đọc nhưng không đọc nổi.Những kỷ niệm về ngoại chồng lấp lên trang chữ. Quanh quẩn mãi đến chin giờ tối mới hốt hoảng mặc vội chiếc quần jeans, cái T-shirt, quàng quai ví lên vai nhảy từng ba bậc xuống cầu thang khách sạn. Khi đến tầng một tuy vội vã nhưng Loan cũng nhận ra người đi phía trước mình là một người đàn ông có thân hình mảnh khảnh, tóc hoe vàng, sau khi vội ngoái cổ nhìn mình, cũng ba chân bốn cẳng bước nhanh xuống cầu thang. Từ phía trên nhìn theo, Loan đoán đây hẳn là một người Mỹ. Mấy phút sau Loan gặp lại người đàn ông này ở khu tiếp tân, nhận ra nhau hai người cùng mỉm cười nhưng chàng ta không tìm cách gợi chuyện với Loan. Trong một thoáng hai người bối rối nhìn nhau khi cùng chờ cô nhân viên tiếp tân. Tuy đến trước nhưng chàng ta lịch sự đưa tay nhường Loan, trong lúc vội vàng lùi nhanh lánh mình dành chỗ cho Loan bước tới, vô tình hai người đụng nhẹ nhau ngang hông. Liền sau đó cả hai tình cờ lại cùng đi về phía phòng điện thoại chờ đến phiên mình. Khi đối diện nhau hai người im lặng mỉm cười, bắt tay nhau tự giới thiệu: Tom, Loan, đồng thời cả hai cùng liếc nhìn về phía phòng điện thoại tỏ ý sốt ruột vì lúc đó có đến bốn người đang chờ. Như thể cùng tiếc nuối phải buông tay nhau, hai người cùng đến ngồi trên hai chiếc ghế bành cách đó không xa để chờ. Vừa ngồi xuống, Tom nói với nàng chắc Loan không phải dân xứ này vì không thấy Loan nói tiếng Việt, rồi thong thả đưa mắt ngắm Loan, ánh mắt mơn trớn những đường nét trên khuôn mặt nàng. Tom mở đầu câu chuyện bằng những nhận xét rất từng trải hiểu biết về những nét độc đáo trên khuôn mặt và nước da phụ nữ thuộc các chủng tộc Á đông khác nhau để xem Loan có vô ý tiết lộ cho anh ta biết gốc gác chủng tộc của mình không. Cuộc đối thoại tìm hiểu lý lịch nhau giữa Loan và Tom là một trò chơi trốn-bắt giữa hai đối thủ thông minh duyên dáng xen kẽ là những khoảng thời gian đóng băng có ý nghĩa và ngôn ngữ trở thành bất lực trước niềm im lặng. Ngồi bên nhau mãi tới khi người cuối cùng trong bốn ngươiø xếp hàng đã dùng xong điện thoại mà cả Loan lẫn Tom hầu như quên việc gọi điện thoại. Đến khi có hàng chục người đổ đến chờ gọi điện thoại hai người mới nhớ ra việc mình muốn làm thì đã lỡ nên Tom rủ Loan qua bên khách sạn Continental chắc không phải chờ như ở đây. Khi băng ngang đuờng, hai người đi qua một cái bar còn mở cửa, bất chợt đưa mắt nhìn nhau rồi cùng bước vào gọi rượu mạnh vừa nhâm nhi vừa nghe nhạc. Cuộc đối thoại không còn trong trò chơi cút bắt nữa mà trở thành tâm sự thân thiết. Loan nói thật cho Tom biết hết về nỗi chán chường, sợ hãi trong chuyến trở về quê hương của mình, nhưng thấy xấu hổ không nhắc đến vụ nổi điên ở Huế. Tom lặng lẽ ngồi nghe, chốc chốc đưa tay vuốt ve những ngón tay Loan bằng một cử chỉ xót thương. Cuối cùng Loan thú thực với Tom về tấn hài kịch phi lý mình đã đóng trong những ngày vừa qua. Nghe vậy Tom không mỉm cười mà thật nhẹ nhàng, đặt bàn tay mình phủ trên bàn tay Loan, thoáng mơn man lòng bàn taynàng rồi khép trọn tay Loan trong lòng bàn tay ấm áp của mình. Thoáng sau Tom lại buông tay Loan để nắm chặt ly rượu. Tom lầm lì gọi rượu liên tục, mời Loan uống thêm nhưng Loan từ chối. Tom nói: “Tôi biết thật là phi lý khi vừa làm cuộc hành hương về đây lại vừa bào chữa cho việc mình là một GI đã ở Việt Nam.” Giây lâu thấy Tom im lặng không tiếp lời, Loan tiếp lời : “...một kẻ quay về nơi chôn nhau cắt rốn mà lại bị coi như một kẻ xa lạ” (SP, IX, 264) cũng chẳng phải là điều quá phi lý. Nghe Loan nói thế Tom “chỉ thoáng mỉm cười buồn bã, đến lượt Loan với tay đụng vào tay Tom, ghé mặt sát gần Tom, gần đủ để môi hai người chỉ cần nhích lại một chút là đụng nhau, nhưng Tom không lợi dụng sự gần gũi này. Tom có vẻ như không cảm thấy chính anh ta đã hít vào miệng hơi thở từ miệng nàng thoát ra, rằng hơi thở của hai người đã hòa vào nhau, đã cuộn trôi vào nhau.”(SP, IX, 264) Tom trở nên xa vắng hơn, nên Loan sợ Tom sẽ mất hút trong quên lãng bằng những ly rượu mạnh, liền hỏi Tom hồi xưa có ở Khe Sanh không, rồi châm một điếu thuốc lá, nhả khói lên phía trần nhà, gợi ý “Hình như giờ đây ở đó vẫn còn sặc mùi tử khí” “Hình như vậy” Tom đáp gọn lỏn rồi lặng thinh, tròng mắt trống không, ánh mắt vừa xa vắng vừa chăm chú. Loan hỏi Tom đã trở lại thăm Khe Sanh chưa và Tom trả lời “không”, nhưng trước câu hỏi “tại sao” của Loan Tom lại tránh giải thích và trở thành khép kín trong im lặng khiến Loan bỗng trở nên càng lúc càng bực tức truy lùng “Anh không trở lại có phải vì anh sợ hãi?”,” “Anh sợ lại thấy bóng mình nơi đó hay anh sợ sẽ gặp phải bóng ma những người đàn ông đàn bà anh đã giết chetá?” (SP, IX, 266) Sau khi nói thế, Loan hiểu được rằng trong phút giây này mình cần “khạc nhổ” sự cuồng nộ của mình ra, sự cuồng nộ từ khi ở Huế cứ từng chập tràn dâng trong lòng mình. Trước những câu hỏi dồn dập của Loan: “Anh đã giết bao nhiêu người, một trăm, hai trăm, nhiều hơn thế phải không?”, Tom đột nhiên chộp chặt bàn tay Loan nói “Em câm miệng lại” khiến Loan sửng sốt nhưng không gỡ tay mình ra. Nàng cảm thấy có một lạc thú tàn bạo trong hành vi dữ dội của Tom. Loan cũng sợ Tom sẽ thả tay mình ra nên tiếp tục tấn công bằng những câu hỏi độc ác dữ dội hơn, nhưng phản ứng của Tom dịu dần, như thể cầu xin. Cho đến khi Tom tan nát, nức nở khóc trước cơn giận dữ của Loan, nàng thở dài, vươn mình ôm cổ Tom, hôn dữ dội, “...nàng cảm giác được vị những giọt nước mắt của Tom trong cổ họng mình, một vị mạnh gắt, thoạt như vị muối, thấm đậm nỗi cay đắng, như thể sự tội lỗi của một cựu chiến binh đang len lách vào nàng.” (SP, IX, 270) Đêm đó hai người ngủ với nhau nhưng không làm tình, trần truồng quấn vào nhau, cuồng nộ xô đẩy cào xé nhau. Thức dậy sớm hôm sau Loan muốn ói mửa, nàng biết không phải vì hai ly rượu mạnh uống đêm qua khiến mình buồn nôn, mà là vì sự tủi hổ đang dâng lên trong lòng, Y hệt như sau trận nổi khùng ở Huế vậy. Thực ra nàng thấy buồn nôn bản thân mình, nàng bịnh hoạn vì sự bạo động của mình khi buông ra những lời lẽ ghê rợn. Loan muốn vào phòng tắm oẹ tống tháo hết ra nhưng không được. Sự buồn bã, trống rỗng xâm lấn ngập tràn, một nỗi buồn Loan thường cảm thấy sau phút hoan lạc thân xác. “Cái cảm giác vắng mặt, ở bên ngoài chính bản thân nàng, nàng cảm nhận được phút này khi dơ cao đùi lên...Khoảnh khắc sau đó, khi nàng ngó mình trong gương, nàng ngạc nhiên nhận ra đó là một thân thân thể của một đứa trẻ, đấy là cái mu của một bé gái, nhẵn nhụi và dễ dàng bị tổn thương.” (SP, IX, 272) Khi chia tay nhau, không cần một nụ hôn từ biệt, Loan cảm thấy mình và Tom đã tha thứ nhau.
Gọi điện thoại cho Ngoại nhưng dù tiếng trả lời đúng là tiếng Ngoại đấy nhưng vẳng phía sau Loan cũng nghe thấy tiếng cậu Vinh nên gác máy. “ Từ giây phút này trở đi, Loan có cái cảm giác mình hóa thành hai người. Trong cái phòng điện thoại này, nàng không còn là một nhưng là hai, nàng là một đứa trẻ đầy ứ những tiếng gào thét và những nhu cầu ấy, và nàng cũng là người đàn bà thinh lặng, cạn khô tình cảm này.” (SP, IX, 277) Loan thinh lặng vì hình như đối với nàng, ở nơi những câu nói đã thành bất lực, nơi mà ngôn ngữ thất bại, chính đó là nơi sự im lặng cất tiếng. Loan hận ngoại, nàng không nghi ngờ gì nữa khi phải thú nhận như thế. Vì ngoại là người đã tắm rửa, giặt rũ chiếc quần lót dính máu đào của Loan sau khi Loan bị cậu Vinh hãm hại, nhưng mấy chục năm nay ngoại vẫn câm lặng, không hé môi về chuyện đó.
Trở về Paris ngày mai. Stop. Chuyến bay AF số 169. Stop. 6 giờ 30 Roisy 2. Stop. Hôn. Đó là tấm điện báo Loan định gửi cho Basil nhưng rồi lại xé vụn, bước sang phòng điện thoại gọi cho chồng. Loan hình dung ra tư thế Basil cầm điện thoại nói chuyện với mình, thoải mái, gần gũi trìu mến, nhưng Loan lại thấy mình hao hụt cạn kiệt. Nàng tự hỏi không biết Basil có sợ mình sẽ không trở lại không tuy chính người bỏ Basil ở lại là Loan. Loan biết Basil không bao giờ có ý định bỏ nàng “Không phải tại Basil, mà chính mọi sự là do mình cả, do sự mình không thể có mặt ở đời nên mình thành khốn khổ...Chính nàng là kẻ không thể mọc rễ được ở bất cứ nơi nào, chính nàng là kẻ di chuyển hết chỗ này sang chỗ khác, không thể cố định một chỗ được, không thể cố định trên một xứ sở, trên một nghề nghiệp, đến ngay trong cái gia đình cả hai đã cùng xây dựng nên nàng cũng không thể ở yên đấy được.” (SP, X, 286) Khi Loan tỏ ý có điều muốn nói với Basil trên điện thoại Basil thân yêu thầm thì “Em không cần phải nói với anh bất cứ một điều gì cả.” Như vậy, tự mình Basil đã hiểu được hết thảy.””Nhưng giữa chúng ta có sự hiểu lầm,” Loan cố nài. Nhưng Basil vẫn đằm thắm “Giữa chúng mình không có một sự hiểu lầm nào cả em ạ. Anh yêu em” “Em cũng yêu anh.” Loan nhẹ tay khép cửa phòng điện thoại bươc ra, không như lần đầu bước vào nơi đây. Đến ngồi trên một chiếc băng trước cửa nhà bưu điện, Loan nhắm mắt lắng sâu trí tưởng, như ngửi thấy mùi hương quen thuộc tản mát từ hơi thở mình quyện trong mùi hương trầm quen thuộc của ngoại, đẩy trí tưởng xa về một vùng quá khứ tuổi thơ vừa được tái tạo, không phải chỉ toàn những giai đoạn khổ cực đớn đau mà có cả những thời yêu dấu, những cảm giác trân quí nữa. Loan đã làm hòa với bản thân. Loan tuy không thấy mình hòa nhập hoàn toàn với cảnh trí xứ sở nhưng ít ra nàng không còn cảm thấy mình bị đẩy ra khỏi xứ sở này, không còn thấy mọi người ở đây ác cảm ruồng bỏ mình, thản nhiên chấp nhận hai chữ Việ kiều. Loan như người vừa khỏi bệnh.Vào một tiệm bán đồ kỷ niệm, mua không cần trả giá cho mình một chiếc áo dài đỏ đậm vừa vặn Loan rất ưng ý. Khi mặc thử áo, ngắm mình trong gương, Loan thấy mình thật giống mẹ “Người mẹ quên lãng đã bỏ con ra đi theo người tình bà yêu say đắm, nay Loan không còn phán xét bà theo cặp mắt của một đứa trẻ nữa, mà bằng cặp mắt của một người đàn bà.” (SP, X, 295) Loan cũng biết rằng bên cạnh sự đứt lìa với thời thơ ấu còn có sự đứt lìa với xứ sở của mình nữa, cho nên khi nối lại được với cái này mình cùng lúc nối lại được với cái kia. Nhưng dù sao Loan cũng đã bị mất mát, và dĩ nhiên nàng trở lại đây chỉ để nhìn nhận sự mất mát đó. Loan cũng hiểu được rằng sự trở lại này không thuần chỉ là một trở lại mà cũng là một khởi hành, một lên đường.” Bản ngã của mình không còn hiện ra như một sự đối nghịch đớn đau, nhưng như một thế giới giầu có và đa dạng và việc ở trọn được trong thế giới đó hay không là tùy ở nơi Loan mà thôi. Và, nay nàng đã biết và chấp nhận, nàng thấu hiểu rằng rốt cuộc, chính là ở nơi mình, chứ không phải ở Việt Nam hay ở Pháp. Ở chính nàng, nghĩa là ở trong chính làn da mình.” (SP, X, 304) Trên chuyến bay trở về Paris, Loan rút phong bì đựng những tấm hình mình chụp trong chuyến đi định xem lại những phong cảnh đã chụp, nhưng rồi lại nhét chúng vào phong bì. Loan điều chỉnh ghế ngồi, kéo tam chăn đơn phủ lên lòng, tắt ngọn đèn nhỏ trước mặt. Trước khi chìm rơi vào một giấc ngủ êm đềm, nàng biết rằng trong chuyến đi ba tuần lễ vừa qua, không phải những bức ảnh chụp này sẽ ghi sâu nơi nàng, ngay cả kỷ niệm trong chuyến đi chưa chắc mình sẽ còn nhớ lại, nhưng chính những hình ảnh mãi mãi mang trong nàng, trong những năm tháng tới đây Loan sẽ không ngừng tái tạo chúng.
Viết Tại Chỗ Kim Doan đã núp dưới làn da, độn nhập trái tim bộ óc Loan để mô tả bày tỏ đậm đà những tình cảm và phân tích sắc xảo những ý tưởng. Những tình cảm những ý tưởng khá tiêu biểu của một di dân về quê nhà về bản ngã. Ngoài ra Kim Doan cũng rất hiện/trung thực trong mô tả người, mô tả cảnh: diễn ngôn tiểu thuyết xóa bỏ diễn ngôn chính trị tuyên truyền của quyền lực đang trị vì. Kim Doan là một người viết tiểu thuyết có nhiều kinh nghiệm về điện ảnh cho nên, cũng như Manuel Puig trước đây, đã khá thành công đưa khi điện ảnh vào tiểu thuyết. Nhưng việc sử dụng flash-back của Kim Doan dù ghép nối rất hợp lý, tự nhiên nhưng không khỏi tạo ra nơi người đọc một kiểu mẫu lập lại nhiều lần, vì vậy giảm đi khả năng buộc người đọc phải hồi hộp chờ đợi, Một ưu điểm khi quá tận dụng dễ hóa thành một khuyết điểm. Lối viết Tại Chỗ của Kim Doan rất Pháp, nhưng là Pháp cổ điển. Nặng mô tả, phân tích tâm lý. Chữ nghĩa Kim Doan đơn giản nhẹ nhàng, không phải như diễn ngôn văn chưong trí tuệ của Linda Lê. Có lẽ chính vì vậy độc giả bình thường dễ rung động, cảm nhận khi đọc Kim Doan. Vấn đề cuối cùng đặt ra cho Kim Doan nói riêng, và nói chung cho tất cả những tác giả viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên : đề tài, ngôn ngữ, nhân vật trong quyển sách khởi đầu nếu chỉ là một loại tự truyện đơn giản, sẽ là một vòng khép chặt nhà văn lại, khó xoay trở, phát triển, để viết những tiểu thuyết khác trong tương lai. Trường hợp Marcel Proust là một ngoại lệ vì Jean Santeuil không đơn giản là một tự truyện theo nghĩa thông thường. Và nếu một nhà văn lớn là kẻ suốt đời chỉ có một điều duy nhất muốn nói ra trong tất cả các tác phẩm, thì viết tiểu thuyết trên cơ sở kinh nghiệm, xây dựng nhân vật, tình cảm, thế giới, ngôn ngữ, kiến thức cá nhân riêng tư e rằng không phải là một điểm khởi hành đáng khích lệ.
ĐÀO TRUNG ĐẠO
http://www.gio-o.com/DaoTrungDao
* Kim Doan sinh năm 1965 tại Saigon, định cư ở Paris từ 1976, làm nhiều công việc khác nhau trong lãnh vực phim ảnh trước khi bước vào văn chương. Tác phẩm đầu tay “Sur place” do Plon xuất bản tháng 6, 2003.