đọc sách vớiii
Đào Trung Đạo

JAVIER MARÍAS

Khuôn Diện Bạn Mai Sau
(Your Face Tomorrow)

 

         Đối với người đọc tiểu thuyết ở Âu châu Javier Marías là một nhà văn Tây Ban Nha hiện nay được đọc nhiều nhất. Ở Mỹ, số tác phẩm của ông mới chỉ được dịch sang Anh văn chừng một phần ba trong số trên 30 tựa sách, trong khi sách của Javier Macías hầu hết đã được dịch ra khoảng 34 ngôn ngữ khác nhau và tổng số sách bán được ở mức gần 5 triệu bản. Có thể độc giả tiểu thuyết Việt Nam cũng còn xa lạ với ông. Nếu vậy quả thực đó là một điều cần bổ khuyết cho nền văn hóa đọc của người Việt bằng cách trước hết là giới thiệu Javier Macías và trong tương lai hy vọng sách của ông sẽ hoặc được tìm đọc, tốt nhất là qua nguyên bản hay ít ra  cũng nên đọc nhà văn này qua những bản dịch.

Từ thập niên 80 người đọc tiểu thuyết khắp thế giới, nhất là độc giả Mỹ, đã được thưởng thức những tiểu thuyết tuyệt vời của những nhà văn Châu Mỹ La tinh. Chính sự hâm mộ nồng nhiệt này của người đọc đã làm mờ nhạt tên tuổi của những nhà văn viết tiếng Tây Ban Nha khác. Nhưng từ những năm 90 trong khi phần lớn những nhà văn nổi tiếng của Châu Mỹ La tinh đã luống tuổi, tác phẩm không còn mấy mới lạ nên độc giả không còn mua sách của họ nhiều như trước, và sách của Javier Macías bắt đầu được đọc nhiều. Hiện nay ông được coi là nhà văn viết tiếng Tây Ban Nha xuất sắc nhất. Trong số những tiểu thuyết đã cho xuất bản có thể nói bộ trường thiên tiểu thuyết Khuôn Diện Bạn Mai Sau (bản dịch Anh văn là Your Face Tomorrow) là tác phẩm quan trọng nhất của ông. Theo tác giả cho biết bộ truyện này gồm 3 tập nhưng hiện mới chỉ có 2 tập đầu được xuất bản.

            Sinh ở Madrid năm 1951 Marías cha mẹ ông là những người tên tuổi trong giới văn học. Đã từng sống dưới chế độ độc tài Franco, ông hiểu được giá trị của tự do đối với nhà văn. Cha của Marías là Julían Marías Aguila vốn là đệ tử của triết gia Ortega y Gasset đã may mắn thoát chết khi bị một người bạn thân tố cáo là làm việc cho Đảng Cọng sản Liên xô. Thóat chết J.M. Aguila và gia đình sang sống lưu đầy ở Mỹ, dạy ở Wellesley College và Yale, nhà ở kế bên nhà của Vladimir Nabokov và thi sĩ Jorge Guilén đều là những nhà văn lưu đầy. Mặc dù thời gian Marías sống nhiều nhất là ở Tây Ban Nha nhưng vì từ nhỏ đã quen thuộc với Văn chương Anh-Mỹ nên ông là dịch giả những tác phẩm nổi tiếng như thơ của John Ashbery, W.H. Auden, Joseph Brodsky, Seamus Heaney, Wallace Stevens, truyện của John Carver, J.D. Salinger, John Updike…Tuy vậy, có thể nói Javier Marías chịu ảnh hưởng sâu đậm nhất của hai nhà văn Pháp là Montaigne và Marcel Proust.

 

          Tập thứ nhất của bộ trường thiên Khuôn Diện Bạn Mai Sau là quyển Sợ Hãi và Giáo Mác. Truyện lấy khung cảnh đại học Oxford bên Anh (phần lớn truyện của ông lấy khung cảnh bên Anh). Truyện mở đầu với lời nhắn nhủ : “Ta không bao giờ nên nói cho một người nào biết một tí gì, hay cho biết tin tức, hoặc  truyền miệng nhau chuyện này chuyện nọ, làm cho người khác nhớ lại về những người chẳng bao giờ  có thực hay đã từng đặt chân trên mặt đất này hoặc đã ngang dọc địa cầu, hay về những người tuy quả thực đã làm những chuyện này nhưng nay hầu như đã sống ẩn danh tương đối an toàn trong quên lãng. Kể truyện hầu như luôn luôn được hoàn thành như một tặng phẩm, ngay cả khi câu chuyện có chứa và chích nọc độc, nhưng việc kể chuyện cũng còn là một mối ràng buộc, một sự bảo đảm việc tin cậy nhau, và thật hiếm có khi nào sự tin cậy hay tín cẩn đó lại không chóng thì chầy bị phản bội.”

 

           Nhân vật chính của Sợ Hãi và Giáo Mác là Jaime Deza, đang trong hoàn cảnh cuộc hôn nhân của anh ở vào giai đọan khó khăn. Hắn tâm sự “sự ly cách giữa tôi và vợ tôi, Luisa, khi tôi sang  Anh sống cốt để không gần vợ tôi nữa trong thời gian cô ấy đang dần dần tìm cách lánh xa tôi.” Sang Anh, sống ở ngay thủ đô London, Jaime nhận làm một chân thông dịch cho đài BBC. Tình cờ anh ta nhận lời đến dự một bữa tiệc ở đại học Oxford do một người bạn cũ là Giáo sư Peter Wheeler mời. Peter vốn là một học giả chuyên về văn chương Tây Ban Nha nay đã về hưu. Tuy nhận lời bạn, trong lòng Jaime cũng nghi ngờ Peter mời mình đến chẳng phải để dự tiệc mà hắn có ý đồ gì khác.”Tôi tuy đã ra vẻ  thích thú nhận lời mời và cũng đã ghi kỹ ngày giờ bữa tiệc rồi thế mà hắn ta vẫn còn nói thêm, điiệu bộ giả vờ ngần ngại (nhưng lại không muốn che dấu  việc giả vờ) nói với tôi ‘Dù sao chăng nữa, hôm đó anh bạn Bertram Tupra cũng sẽ có mặt…’” Tất nhiên Jaime tự hỏi chẳng biết Bertram Turpa là người như thế nào và tại sao Peter lại muốn mình gặp tay này.

Trong bữa tiệc khi gặp mặt Turpra, Jaime không khỏi ngạc nhiên thấy Turpa trông rất thường, có vẻ “chỉ là một nhà ngọai giao đã đi đây đi đó khá nhiều…hoặc nhiều lắm chỉ là một công chức cấp cao thôi.”  Việc Jaime soi mói quan sát Turpa không lọt khỏi mắt Peter. Thực ra Peter Wheeler là một điệp viên, nay chuyển công tác sang việc chiêu mộ nhân viên, và hắn tin chắc Jaime sẽ là một ứng viên xuất sắc của Cơ Quan Tình Báo, còn Turpa là một nhân viên kỳ cựu của cơ quan tình báo. Sau khi khách khứa phần lớn đã ra về, Peter bắt đầu dò ý Jaime về từng người khách đến dự tiệc. “Bạn nghĩ thế nào về Beryl?” hắn hỏi anh về người phụ nữ đi với Turpa đến dự tiệc. Jaime nói: “Tuy hơi nhiều răng và có cái quai hàm bạnh, nhưng nàng ta vẫn cứ xinh đẹp đấy chứ. Mùi hương tóat ra từ cô ta là cái hấp dẫn nhất, đấy là nét đặc sắc nhất của cô ta: một thứ mùi hương bất thường, dễ chịu, và tình lắm.” Nghe vậy Peter trố mắt nhìn Jaime với vẻ “nghiệm xem có đúng thế không pha lẫn sự riễu cợt.” Hai người chuyện vãn tới khuya. Hôm sau cả Peter Wheler lẫn Bertram Turpa đều đồng ý rằng Jaime Deza là người có một khả năng thiên bẩm là có “thiên nhãn”, nghĩa là chỉ cần nhìn mặt hoặc nghe người đó nói là có thể đoán biết được sau này người này sẽ có hành vi và trở thành người như thế nào. Vì vậy Turpa quyết định thu nhận Jaime vào làm cho “nhóm” – nhóm này là một phần của cục M16 – có nhiệm vụ tuy không được qui định trên giấy trắng mực đen là qua thẩm vấn để dự đoán người bị thẩm vấn sẽ có hành động gì trong tương lai.

Cục M16 thẩm vấn đũ hạng người, từ những chính khách, những nhân vật nổi tiếng, kể cả một số thường dân đến ngân hang nộp đơn xin vay tiền. Jaime Deza phục vụ đắc lực cho cơ quan nhưng càng lún xâu xuống công việc này anh càng khiếp đảm về việc mình làm vì thấy người đời chẳng mấy khi để ý đến việc mình nói năng nên đã tự lộ diện mà không biết, hoặc đã phản bội một cách quá nhanh chóng những ý định của mình tuy không hề hở môi tuyên bố gì. Hiểu được như vậy cho nên từ đó Jaime Deza cố gắng càng không hé răng càng tốt. Anh ta cũng tỏ ý phản đối công việc giao cho anh với Peter nhưng chẳng ai nghe anh nữa. Chẳng những không cho Jaime thôi việc, “Sir” Peter Wheeler còn nói “Chẳng thể tính xổ cuộc sống được, và dường như con người còn tiêu phí cả bao nhiêu  thế kỷ  dù chúng ta chẳng hiểu mô tê gì tuy đã tận lực tìm hiểu chỉ để nói ra điều không thể nói ra được.” Nhìn chung, tập 1 của bộ trường thiên của Javier Marías không những rất rất hấp dẫn mà còn cho người đọc thấy được không những nghệ thuất kể truyện của ông mà còn cả quan niệm của ông về ngôn ngữ và văn chương nữa.

           

© 2006 gio-o

đọc các bài viết khác của Đào Trung Đạo