ĐÀO TRUNG ĐẠO

Michel Foucault

(1926-1984)

parrêsia = dũng cảm chân thành nói lên sự thật

kỳ 3 (tiếp theo)

kỳ 1, kỳ 2

Dân Việt (miền Bắc từ 1955, miền nam từ 1975) bị tước đoạt quyền nói lên Sự Thật. Tâm đắc với bài thuyết/giáo trình của Michel Foucault vào cuối đời tôi thấy nên tóm lược tư tưởng của Foucault về vấn đề này nhằm đặt cơ sở cho những vận động trí thức trong tương lai. Mong lắm thay!

   Một cách tóm lược Foucault cho rằng chiều/hướng đi của ý thức và những yếu tố cấu thành (élément constitutifs) của parrêsia liên hệ rõ rệt với âu lo bản thân, với askesis/thao dượt, với nịnh hót và đối lập với tức giận. Qua hai bản văn đã được dùng để xem xét parrêsia Foucault nêu vấn đề ta có thể nghiên cứu parrêsia không phải như đức hạnh hay kỹ thuật, hay một cách sống với câu hỏi: Người ta có thể nói gì về parrêsia trong việc thực hành hướng đi của ý thức, hay đúng hơn thực hành chăm/âu lo bản thân? Để trả lời câu hỏi này, trước hết là parrêsia đối nghịch với xu nịnh. Trong L’herméneutque du sujet Foucault coi sự giận dữ vừa như cái ngược lại vừa như cái đi kèm (complémentaire) xu nịnh. Trong bản văn của Sénèque và Pluttarque ta thấy sự giận dữ luôn là sự nóng vội, mất tự chủ (emportement) của kẻ có nhiều quyền lực áp đặt lên kẻ yếu, vượt qua những giới hạn hữu lý và có thể được chấp nhận trong khi xu nịnh/hót ngược lại là hành xử của kẻ yếu tìm kiếm ân huệ nơi kẻ mạnh. Ta có một tập hợp khá phức tạp của sự nổi giận: nổi giận đối nghịch với dung thứ (clémence), xu nịnh là cái đi kèm giận dữ, đối nghịch với xu nịnh là parrêsia. Cả parrêsia lẫn dung thứ có những điểm tương đồng: đối nghịch với xu nịnh, với giới hạn, và với đáp trả (contrebat).

   Foucault cho rằng parrêsia trái ngược với giận dữ dưới ba hình thức: Trước tiên, nên nhớ parrêsia có liên hệ trực tiếp tới lời răn sấm truyền (précept delphique), với gnothi seauton. Plutarque trong quyển Comment distinguer le flatteur du véritable ami/Làm thế nào để phân biệt kẻ nịnh hót với người bạn thực sự không đối nghịch xu nịnh với bạn đích thực mà với parrêsia vì bạn đích thực là người luôn nói sự thật. Plutarque cho rằng kẻ nịnh hót là kẻ đi ngược lời sấm truyền, ngăn cản việc hãy biết chính mình. Như vậy parrêsia sẽ là dụng cụ thiết yếu của việc biết chính mình. Galien trong phần đầu quyển Traité sur la guérison des passions/Khảo về việc chữa lành những đam mê kể lại khi còn trẻ ông không coi trọng gnôthi seauton mãi cho tới sau này khi hiểu ra sự nguy hại của việc tự yêu mình và để cho kẻ nịnh hót xu nịnh mình [1] Theo đó parrêsia là phản-nhịnh hót và trong chừng mực này là tác nhân của gnôthi seauton. Điều này không nhất thiết parrêsia phải nói về chính mình, parrèsiaste/người nói sự thật không phải là người nói về tính cách của mình với người khác. Foucault nêu chức năng của parrèsiaste là chỉ ra vị trí của mình trong thế giới, là người luận giải về con người nói chung, về trật tự thế giới, và về sự thiết yếu của các sự vật. Những bản văn của Epictète nói rất rõ rằng parrèsiaste là người nói ra, trong mỗi hoàn cảnh và tùy lúc đâu là những yếu tố tùy theo hay không tùy theo người này khi người ta cần đến. Người nói sự thật như vậy là nắm giữ tiêu chí của sự phân định giữa cái tùy thuộc chúng ta hay không. Tiêu chí này đồng thời cũng khiến người nói sự thật là tác nhân (agent) của gnôthi seauton. So với cấu trúc Platon nêu ra thì gnôthi seauton được thực hiện bởi một chuyển vận quay trở lại của chủ thể trên chính mình trong hình thức hồi ức: nếu ngươi muốn biết ngươi là ai, ngươi hãy nhớ lại xem trước đây ngươi như thế nào và điều này trái ngược hẳn với việc cần có người khác nắm giữ parresia như đã thấy ở trên.

   Thứ đến, parrêsia như trong trình bầy của Arrien được định tính bởi một sự tự do của hình thức: Người nói sự thật là kẻ không phải xét tới không những qui luật của thuật hùng biện hay chứng minh triết học mà còn chống lại cái gì bó buộc cá nhân nhìn nhận rằng cái này là sự thật còn cái kia không là sự thật. “Vậy nên parrêsia, trên quan điểm này, là một hình thức diễn ngôn khác với hùng biện, cũng thực sự khác với chứng minh triết học.”[2] Foucault nêu câu hỏi: có phải parrêsia sẽ chẳng phải là thứ điều biến xúc động (modulation affective), nhấn mạnh và tùy lúc của diễn ngôn như người ta thấy trong văn chương phê phán trầm trọng (la littéréture diatribique): việc chặn một người nào đó đang đi, trong đám đông để tra vấn, hay bước lên sân khấu như Épictète, và nói với đám đông điều phải nói ra, bằng cách thuyế phục đám đông bằng một thứ diễn ngôn dằn giọng? Chúng ta thấy trong nhiều thư từ của Sénèque có những chỉ dấu của thứ văn chương đam mê, bạo động, chặn ngang này và Sénèque cho rằng người ta thấy ở đó những hiệu ứng thuộc loại phụ thuộc vượt qua tư tưởng và không có sự chừng mực thiết yếu để nhận được những hiệu ứng trên tâm hồn mà người ta muốn có. Vì thế Sénèque ưa hoặc viết thư hay đàm đạo với cá nhân hơn. Chính nghệ thuật đàm đạo là hình thức tức thời nhất ứng hợp với sự đòi hỏi của parrêsia: nói như phải nói thế, nói trong một hình thức sao cho có thể trực tiếp tác động trên tâm hồn người khác, nói không vướng bận về những hình thức hùng biện, cũng không nói quá về những hiệu ứng muốn có. Ta dễ nhận thấy quan niệm của Sénèque khác biệt với lối tra vấn kiểu Socrate.

   Trước câu hỏi: Tại sao parrêsia cần có hình thức không phải hùng biện, cũng chẳng phải tranh biện triết học hay phê phán gay gắt Foucault cho rằng vì parrêsia thiết yếu cần có điểm móc vào (point d’accrochage), kairos (cơ hội) nếu parrêsia muốn tác động lên tâm hồn. Thực ra đây không phải là một hành vi của ký ức để chủ thể có thể tìm lại mình đã là gì, cũng không do sự cần thiết của lý luận cưỡng chế chủ thể mà là cơ hội để chủ thể để phải nói ra. Cơ hội này cần xét đến hai điều: trước hết là xét xem người mình nói với là gì, là người như thế nào, sau đó là làm như thế nào, làm sao can thiệp vào vì ta không thể nói cùng một điều với một kẻ nào đó trong một hoàn cảnh nào đó. Foucault thuật lại câu chuyện Plutarque kể: Cratès tay khuyển nho (le cynique) đích thực là người của parrêsia, gạt bó bỏ hùng biện, nhất là những quan hệ với Démetrius Poliorcède. Khi Démetrius Poliorcède chiếm lĩnh được Athène, là kẻ quyền uy, Cratès chứng minh cho Démetrius Poliorcède thấy quyền hành chẳng là gì. Khi Démetrius Poliorcède mất quyền hành Cratès đến gặp và giảng giải cho Démetrius Poliorcède chủ đề về lưu đầy, về sự mất quyền hành không phải là những điều xấu xa tệ hại và an ủi Démetrius Poliorcède. Do đó parrêsia thực sự của Cratès không phải là luôn luôn làm tổn thương kẻ mình nói với, nhưng là nắm bắt cơ hội và hoàn cảnh để có thể nói. Plutarque viết: “Đó cũng lại là một lý do để người ta cũng phải tinh xảo trong việc nói thật, việc nói thật này chính trong chừng mực ở trường hợp với tư cách thân hữu là bài thuốc càng mạnh mẽ và càng hữu hiệu, luôn đòi hỏi và ở cấp độ cao nhất của tinh thần khi nói và một tính khí thật tiết chế.”[3] Như vậy parrêsia là một nghệ thuật của kairos (cơ hội) giống như trong y khoa, cách phi cơ hạ cánh bằng dụng cụ (pilotage), cũng tương tự như nghệ thuật cai trị và hành động chính trị. Và parrêsia đúng là cái cách của kẻ định hướng ý thức người khác là phải nắm bắt đúng cơ hội để nói.

   Tóm lược các tính chất của parrêsia: thứ nhất, đối nghịch với nịnh hót; thứ nhì, có tính chất của một hình thức tự do; và thứ ba, tác hoạt theo chức năng của cơ hội cho nên giống như một kỹ thuật, kỹ thuật nắm bắt cơ hội. Nhưng Foucault nhấn mạnh: parrêsia không chỉ là một đức tính cá nhân hay một kỹ thuật, nhưng parrêsia luôn luôn là một thao tác với hai thành phần, là cuộc chơi parrêsia chuyển từ người này sang người kia, và mỗi người có vai trò riêng của mình. Câu hỏi: có phải cả hai người trong cuộc chơi đều phải có parrêsia hay chỉ cần một trong hai người có parrêsia? Trong trường hợp một người không có parrêsia muốn chăm lo tâm hồn mình, có âu lo về mình, cần một parrèsiaste nhưng hắn phải tỏ ra sẵn sàng và có thể đón nhận sự thật. Galien khuyên: khi bạn nghĩ rằng mình đã tìm được một parrèsiaste, nghĩa là một kẻ có dấu hiệu không nịnh bợ, bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi thấy người này không muốn làm parrèsiaste của bạn: hắn lẩn tránh hay hắn khen bạn và bảo bạn rằng thực ra bạn có nhiều phẩm tính, không có khuyết điểm gì nên bạn chẳng cần chăm/âu lo về mình. Điều này chỉ ra: theo Épictète muốn parrèsiaste giúp mình ta cần phải là người biết/có khả năng (compétent) nghe. Thế nào là có khả năng nghe? Có phải người có khả năng nghe là người chững chạc, mở rộng tai mắt, hướng tia nhìn, biết ghi chép, nhớ rõ những gì parrèsiaste nói? Épictète không diễn giải khả năng nghe như trên nhưng lại chỉ ra người nghe phải hiểu biết một số điều nào đó và chứng tỏ mình hiểu những điều này, và những điều này lại chính là những vấn đề cốt tủy của triết học của Epictete. Điều này đơn giản có nghĩa chính tùy ở khả năng và sự hiểu biết của người nghe để có thể chờ đợi từ parrèsiaste cho biết điều gì để tạo nên sự hoàn thiện của đời sống.

   Trong Le courage de la Verité (giáo trình ở Collège de France) Foucault diễn giải tường tận hơn về ba dạng thức (modalité) nói sự thật của parrêsia: nhà tiên tri (prophète), hiền nhân (le sage), và kỹ thuật gia (technicien hiểu theo nghĩa rộng là người có hiểu biết về kỹ thuật như nhà giáo, nhà y sĩ, nhạc sĩ, v.v…) để so sánh với parrèsiaste. Trước hết, khác với parrèsiate nhà tiên tri giữ vị trí trung gian, không phát ngôn nhân danh chính mình mà phát ngôn thay cho một tiếng nói khác, chuyển lời của Thượng đế tới mọi người. Địa vị trung gian của nhà tiên tri còn có nghĩa thứ hai: nhà tiên tri đứng giữa hiện tại và tương lai: ông phơi lộ những điều người trần mắt thịt không thể thấy nhưng lời ông nói ra tối tăm, bí ẩn. Hậu quả là lời tiên tri không sáng tỏ, đơn giản, không bảo ta phải làm gì nhưng người đời phải tự tìm hiểu, xét xem có thực sự hiểu lời tiên tri không, liệu mình có vẫn còn mù quáng không. Nhà parrèsiate đối nghịch với nhà tiên tri ở chỗ nhà tiên tri không nhân danh chính mình, lời ông ta phát biểu không phải của ông ta trong khi parrèsiate theo định nghĩa phát biểu nhân danh chính mình, phát biểu chính ý tưởng của ông ta và ông ta tin tưởng lời mình nói. Nhà tiên tri không cần phải thành thực ngay cả khi ông ta nói sự thật. Thứ đến, parrèsiate không nói về tương lai, ông phơi mở tấm màn phủ trên cái đang là. Ông ta một cách nào đó cũng không giúp người đời vượt qua cái gì ngăn cách họ với tương lai theo chức năng của cấu trúc hữu thể luận của nhân hữu và của thời gian. “Ông ta giúp họ trong sự mù lòa của họ, nhưng trong sự mù lòa của họ về cái họ là, về chính họ, và do đó không phải vè một cấu trúc hữu thể luận, nhưng về lỗi lầm nào đó, chẳng hạn về sự sao lãng hay phí hoài đạo đức, về hậu quả của một sự không chú tâm, ân cần dễ dãi, của một sự hèn hạ.”[4] Nói gọn: Vai trò của parrèsiate khác xa với nhà tiên tri là người phát biểu về tính chất hữ hạn của con người và về cấu trúc thời gian. Thêm nữa parrèsiate không nói bằng những bí ẩn, mà nói về những sự việc rõ ràng, càng trực tiếp càng tốt, không dấu diếm, không dùng lời lẽ hoa mỹ với mục đích lời nói ra tức khắc có giá trị hướng dẫn. Tuy lời của parrèsiate không cần diễn giải nhưng ông ta buộc người nghe phải có can đảm chấp nhận sự thật ông ta chỉ ra, hiểu biết và coi đó là một nguyên tắc xử thế.

_________________________________

[1] Henri-Paul Frucchaud và Danielle Lorenini hai người biên tập bài thuyết trìnhLa Parrêsia của Foucault để in thành sách cho biết tên đầy đủ quyển sách của Galien là Du diagnostic et du traitement des passions propres de l’âme de chacun và trích dẫn nguyên văn đoạn văn Foucault nói tới: “Ainsi, ce qu’en tant qu’adolescent je considérais comme faisant l’objet de vaines louanges (il s’agissait de la sentence pythique exhortant à se connaître soi-même, qui à mes yeux n’étant pas très sévère) me parut par la suite digne d’être loué.”

[2] Michel Foucault, La parrêsia trang 43: La parrêsia est donc, de ce point de vue, une forme de discours différente de la rhétorique, différente aussi de la démonstration philosophique proprement dite.

[3] Trích dẫn theo Henri-Paul Fruchaud và Danielle Lorenzini trong La parrêsia trang 71.

[4] Michel Foucault, Le courage de la verité trang 16-17.

 

(còn tiếp)

đào trung đạo