ĐÀO TRUNG ĐẠO

Michel Foucault

(1926-1984)

parrêsia = dũng cảm chân thành nói lên sự thật

 

 

Dân Việt (miền Bắc từ 1955, miền nam từ 1975) bị tước đoạt quyền nói lên Sự Thật. Tâm đắc với bài thuyết/giáo trình của Michel Foucault vào cuối đời tôi thấy nên tóm lược tư tưởng của Foucault về vấn đề này nhằm đặt cơ sở cho những vận động trí thức trong tương lai. Mong lắm thay!

 

Vào năm1982 Foucault có buổi thuyết trình La parrêsia tại đại học Grenoble (ngày 18 tháng 5, 1982)[1] và hai buổi thyết trình về  Dire vrai sur soi-même/Nói thực về chính mình tại đại học Victoria ở Toronto (ngày 31 tháng 5 và 26 tháng 6, 1982). Sau đó trong niên khóa 1983-1984 Foucault quảng diễn khái niệm parrêsia trong giáo trình Le Courage de la Vérité ở Collège de France [2]

 

   Một cách vắn gọn: Parrêsia là một từ Hy Lạp có nghĩa “nói hết,” “tout-dire”. Nhưng như thế không có nghĩa nói về bất cứ cái gì, nói tràn lan, nhưng đúng ra có nghĩa nói ra điều vì sự hèn hạ hay xấu hổ khiến người ta không dám nói ra: thành thực nói ra, không ngần ngại hay sợ hãi. Những nghĩa này có thể khiến ta cho rằng đây là một khái niệm có tính chất tâm lý. Nhưng ngược lại, trong các giáo trình kể trên Foucault diễn giải và đánh giá lại khái niệm này về ba mặt: chính trị (politique) của mối tương quan giữa dân chủ và chân lý/sự thật, như giá trị đạo đức (éthique) để đánh giá mối tương quan giữa chủ thể và chân lý, sau cùng như một giá trị triết lý (valeur philosophique) nhằm phác họa một phả hệ luận (généalogie) của thái độ triết lý. Thật dễ nhận ra mặt chính trị của khái niệm này với Foucault tương ứng với những cách dùng từ này trong những bi kịch của Euripide, nhất là trong Ion, nhằm nói đến đặc quyền dành riêng của công dân đô thị Athène có ngay từ khi sinh ra: sống trong một nền dân chủ người dân có quyền phát biểu tự do, điều này cũng có nghĩa chế độ dân chủ phải cho phép và bảo đảm quyền này cho người dân. Cũng vì thế người dân có quyền bình đẳng trước pháp tuật, nhân danh chính mình tự do nói lên những tin tưởng về cái thiện chung. Điểm quan trọng cần chú ý là hành động này khác hẳn kiểu than vãn tuân phục của kẻ nô lệ, nó cũng đối nghịch với lời lẽ của những kẻ su nịnh. Chân dung người dũng cảm thành thực “nói hết sự thật” (parrêsiaste/parrhesiast) trong thời cổ hy lạp được Isocrate phác họa trong Sur la paix/Bàn về hòa bình là người đối nghịch với những kẻ mỵ dân. Platon trong République/Nhà Nước Cộng Hòa (quyển VII) đưa ra sự khác biệt giữa người dũng cảm nói lên sự thực thực sự với kẻ giả mạo nói lên sự thực thường được nền dân chủ giả mạo ủng hộ.

 

   Trong buổi thuyết trình ở đại học Grenoble sau khi cám ơn Henry Joly của viện đại học này đã mời mình đến thuyết trình Foucault cho biết ông đến đây với tư cách người gợi vấn đề (solliciteur) vì trong bốn năm năm qua ông không đụng tới triết học cổ đại (philosophie antique), nhưng rồi tiếp sau những lộ trình dường chữ chi (zigzags) [3] hay đi ngược thời gian Foucault tự nhủ việc quay lại với triết học cổ đại cũng rất thú vị. Chính vì vậy Foucault không ngần ngại cho rằng bài thuyết trình của mình không hoàn hảo và đề nghị người nghe lên tiếng khi ông có vẻ già nua lẩm cẩm (Foucault vốn có óc khôi hài tinh ranh), ngắt lời ông khi không hiểu rõ và sau hết cho ông biết cảm nghĩ của mình. Tiếp theo Foucault cũng cho biết vấn đề parrêsia từ khá lâu Foucault đã nghiên cứu vấn đề về sự bó buộc phải nói [sự] thật (dire-vrai) và nêu câu hỏi: cái gì làm cho cấu trúc đạo đức nội tại của việc nói thật, không kể những thiết yếu về cấu trúc của diễn ngôn (structure du discours) hay sự qui chiếu của diễn ngôn, và mối liên hệ nào buộc một người ở một thời điểm nhất định nào đó phải nói thật. Foucault cho biết đã gặp vấn đề này nhân xem xét vấn đề nói thật về bản thân trong thực hành y khoa và bệnh học tâm thần hồi đầu thế kỷ XIX. Và sau hết Foucault cũng gặp vấn đề này khi khảo sát dục tính (sexualité), chính xác hơn trong những vấn đề về ham muốn trần tục (concupiscence) và về thân xác trong Cơ đốc giáo, nhất là thực hành ăn năn (xám hối) vốn là sự bó buộc phải nói ra sự thật về chính mình.

 

   Từ lịch sử của việc “nói hết,” chính sự bó buộc phải nói hết Foucault chú ý tới chuyển động này và muốn viết một lịch sử để tìm xem nó xuất phát từ đâu. Foucault cho rằng ta có thể tìm ra sự bắt rễ này trong triết học hy lạp-la mã (philosophie greco-roamaine) đứng về mặt thực hành chứ không coi triết học như chỉ hướng của ý thức. Theo Foucault, từ thực hành triết học này người ta có thể nhận ra những hình thức và những khái niệm và hiểu được sự triển khai và coi thực hành này như toàn bộ những nguyên lý triết học, những châm ngôn thực hành và những phương cách kỹ thuật (procédures techniques) dẫn ta đến epimeleia heautou/sự âu lo về bản thân (souci de soi). “Chính dưới góc độ này tôi cứu xét triết học giai đoạn hy lạp và trên hết giai đoạn la mã ở hai thế kỷ Đế chế. Thế nên chính trong khuôn khổ này tôi đã thử coi vấn đề về sự bó buộc phải nói hết [sự thật] này.”[4] Đó cũng là lời giải đáp tại sao Foucault trở lại với triết học la-hy cổ đại.

 

   Sau khi giải nghĩa khái niệm parrêsia theo từ nguyên có nghĩa “nói hết” (tout-dire) Foucault chỉ ra sự khác biệt chính yếu nghĩa của từ này theo triết học la-hy cổ đại so với tinh thần cơ đốc là: theo tinh thần cơ đốc parrêsia không phải là sự bắt buộc với con chiên mà ngược lại là sự bắt buộc đặt trên chủ chiên. Đối với triết học la-hy người ta quan tâm nhiều hơn tới việc đặt sự im lặng trên người đệ tử. Việc qui định thái độ của sự im lặng, tuy có từ chủ thuyết Pythagore và sau đó, việc ra lệnh cho đệ tử phải có thái độ im lặng này là thiết yếu như ta thấy trong bản văn De audiendo/Phải nghe làm sao của Plutarque hay trong quyển De vita contemplativa/Cuộc sống chiêm ngưỡng của Philon d’Alexandrie. “Người đệ tử [trong triết học la-hy cổ đại] , thiết yếu là kẻ ngậm miệng, còn trong cơ đốc giáo, trong tinh thần cơ đốc, tín hữu là kẻ phải nói ra. Parrésia, sự bắt buộc phải nói hết, coi như một mệnh, lệnh trái lại được áp dụng cho ông thầy, cho người hướng đạo, cho người điều hành, việc nói với “kẻ khác” này vốn là thiết yếu trong sự âu lo về bản thân; thực vậy người ta chỉ thể thực sự âu lo về bản thân, người ta chỉ thể suy nghĩ về bản thân, người ta chỉ thể lo âu về bản thân, với điều kiện người ta được một người khác nào đó giúp đỡ, người khác này trong sự lo âu về bản thân, kẻ chịu parrêsia đè nặng.”[5] Foucault cho biết muốn xem xét tất cả những hình thức và nội dung của sự “đảo ngược trách vụ” này.

 

   Ban đầu Foucault đã chọn những bản văn triết học cổ đại ở hai thế kỷ đầu thời Đế Chế của Philodème vào khởi đầu thời này và Galien ở giai đoạn cuối nhưng Foucault cũng muốn xét đến vài tác gia trước đó. Về từ parrêsia bản văn nổi tiếng của Polybe đã có nói đến những người dân bao vây thành Troy (les Achéens) có chế độ với ba đặc tính: dêmokratia/dân chủ, isêgoria/bình đẳng và parrêsia. Ngoài ra còn Euripide và Platon nữa. Foucault nêu ra ba đoạn văn: trước hết  Euripide (khoảng 669-675 trước công nguyên) dùng từ parrêsia trong Ion cho rằng parrêsia là một quyền có từ khi sinh ra liên hệ tới tính chất công dân, kế tới quyền này có được là từ người mẹ; kế tiếp là Platon trong Phedre nhắc tới nhân vật nữ Hippolite mà Phedre thú nhận đã say mê nhưng Hippolite lại nhắc đến việc những phụ nữ đã bí mật làm mất danh giá chồng con và Phedre cho rằng những đứa con sinh ra là những người tự do nói thật và vinh danh ngừi mẹ; và sau hết trong bi kịch Pheniciennes của Euripide (khoảng năm 387 trước công nguyên) ta đọc được cuộc đối thoại giữa Jocaste và Polynice trong đó Jocaste hỏi Polynice về những nỗi đớn đau và những bất hạnh của lưu đầy. Jocaste thay vì trả lời lại đặt câu hỏi “Bị mất quê hương phải chăng là một bất hạnh lớn?” và Polyce trả lời: “Rất lớn. Từ (mot/word) vẫn thấp hơn sự vật.” Jocaste: “Sự bất hạnh này do đâu? Cái gì làm lưu đầy tệ hại?” Polynice: “Cái tệ hại nhất là ouk echei parrêsian/không có parrêsia.” Và Jocaste đáp lời: Đó là một kẻ nô lệ không nói tư tưởng mình ra (mê legein ha tis phronei).” Polynice nói: “Vậy về phần sư phụ phải biết hỗ trợ những sự ngu xuẩn.” Jocaste trả lời: “Lại là một đau khổ nữa, phải điên khùng với những kẻ điên khùng.” Foucault cho rằng bản văn này thật thú vị vì quyền phát biểu có liên hệ với sự kiện là công dân trong đô thị. “Khi người ta cư ngụ đô thị của chính mình, người ta có thể nói;  khi người ta không ở trong đô thị của mình, người ta không có parrêsia. Nô lệ không có parrêsia , bởi hắn không có tính chất công dân. Nhưng kẻ nào không có parrêsia đồng thời cũng bị đặt dưới sự ngu xuẩn của chủ nhân, sự điên khủng của chủ nhân, nghĩa là bạn thấy hiện ra cái ý tưởng rằng parrêsia không chỉ là một cái quyền từ cơ sở và trong nguồn gốc của nó, nhưng nó cũng có chức năng của cái quyền nói một cái gì đó như lý do và như sự thật đối diện với những kẻ sai lầm, nắm được sự thật, và có đầu óc của kẻ có sự ngu xuẩn hay sự điên khùng.”[6]

______________________________________

[1] Michel Foucault, Discours et Vérité précédé de La parrésia, nxb Vrin 2016 từ trang 21-75.

[2] Michel Foucault Le Courage de la Verité, Le gouvernement de soi et des autres II, nxb Gallimard/Seuil 2009. 351 trang.

[3] Như chúng ta biết trong những năm cuối đời việc Foucault quay trở lại với triết học cổ đại la-hy một phần do ảnh hưởng những công trình nghiên cứu của Pierre Hadot (đồng nghiệp của Foucault ở Collège de France) là người coi triết học cổ đại như một cách sống có mục tiêu diễn tác biến đổi cách thế hiện hữu nhờ hàng loạt thực tập tinh thần như được trình bày trong quyển Exercices spirituels et philosophie antique (nxb Albin Michel). Trong Avant Propos/Bài Nói Đầu quyển Qu’est-ce que la philosophie antique (trang 24) Hadot viết “Par ailleurs, je crois que mon article intitulé “Exercices spirituels et philosophie antique”, paru en 1977, a exercé une influence sur l’idée que M. Foucault se faisait de la “culture de soi”.

[4] Michel Foucault, Discours et Vérité précédé de La parrêsia trang 24: C’est sous cet angle-là que j’envisagerai la philosophie de l’époque hellénistique et surtout de l’époque romaine des deux premiers siècles de l’Empire. C’est dans ce cadre donc que j’ai essayé de regarder ce problem de l’obligation de tout dire.

[5] Sđd trang 25: Le disciple, c’est essentiellement celui qui se tait, alors que dans le christialisme, dans la spiritualité chrétienne, le disciple sera celui qui aura à parler. En revanche la parrêsia, l’obligation de tout dire, apparaît comme un précept qui s’applique au maître, au guide, au directeur, disons à cet “autre” qui est nécessaire dans le souci de soi, on ne peut en effet se soucier de soi, on ne peut s’occuper de soi, on ne peut epimeleisthai heautou, qu’à condition que l’on soit aidé par quelqu’un, et c’est ce quelqu’un, cet autre dans le souci de soi, sur qui pèse l’obligation de la parrêsia.

đào trung đạo

(còn tiếp)