photo:https://frieze.com



ĐÀO TRUNG ĐẠO

gilles deleuze: triết học & không triết học

(Kỳ 36)


kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3, kỳ 4, kỳ 5, kỳ 6, kỳ 7, kỳ 8, kỳ 9, kỳ 10,  kỳ 11,  kỳ 12, kỳ 13, kỳ 14, kỳ 15, kỳ 16, kỳ 17, kỳ 18, kỳ 19, kỳ 20, kỳ 21, kỳ 22, kỳ 23, kỳ 24, kỳ 25, kỳ 26, kỳ 27, kỳ 28, kỳ 29, kỳ 30, kỳ 31, kỳ 32, kỳ 33, kỳ 34, kỳ 35, kỳ 36,

 

Chương VI

KHÁC BIỆT và LẬP LẠI

 

Hậu quả thứ nhì: đặt sự lập lại vật chất và trần trụi theo nhất tính và thiếu khái niệm với sự lập lại tâm linh, siêu hình, được che phủ, theo sự khác biệt và sự quá độ của Ý niệm luôn xác định là chưa đủ. Theo Deleuze sự lập lại thứ hai theo chiều thẳng đứng (tung) phải là nguyên nhân của sự lập lại thứ nhất theo chiều ngang (hoành): mỗi khi sự lập lại thứ nhất  là kết quả của sự lập lại thứ nhì sâu thẳm hơn bằng không sự lập lại thứ nhất sẽ mất hết ý nghĩa và khả năng tự sản xuất. “Chính sự lập lại bí mật tự bao quanh nó một sự lập lại cơ học và trần trụi, như một bức chắn cuối cùng đánh dấu nơi đây hay nơi kia cái bờ cực độ của những khác biệt mà nó thông giao trong một hệ thống di động. Và luôn luôn, chính trong cùng một chuyển động sự lập lại bao gồm sự khác biệt (không như một biến thái tình cờ và ngoại tại, nhưng như trái tim của nó, như một biến thái thiết yếu tạo thành nó, sự dời chỗ và sự giả trang tạo thành nó như một khác biệt chính nó là khác đi và bị dời chỗ) và nó phải nhận được một nguyên lý xác định, nguyên lý này cho ra sự lập lại vật chất dưng không (cái vỏ trống rỗng của con rắn, bao trống của cái nó ngầm chứa, biểu bì chỉ sống chết bởi linh hồn hay nội dung ẩn của nó.)[4] Điều này cũng đúng với những khái niệm về tự nhiên (nature): tự nhiên không bao giờ lập lại, những sự lập lại của tự nhiên chỉ là giả thuyết của nhà khoa học vì cái Cùng một (le Même) không phân chia thành những cái tương tự như thế (les pareils) nếu không có sự khác biệt dời chỗ và ngụy trang trong cái cùng một, những chu kỳ, làm cho sự lập lại là nhất thiết.

   Nhận định trên cũng đúng với những khái niệm về tự do và những khái niệm chỉ danh (concepts nominaux). Deleuze cho rằng lời nói và hành động của con người sinh ra những sự lập lại tuy có tính vật chất hay trần trụi nhưng là hậu quả của những lập lại sâu thẳm hơn và có bản chất khác hẳn (“hậu quả hiểu theo cả ba nghĩa nhân quả, quang học và trang phục). Thế nên “Sự lập lại,  chính là cái gây cảm thức (le pathos), triết học về lập lại, chính là bệnh lý học.”[41] Nhưng có nhiều khoa bệnh lý học khác nhau cũng như có nhiều sự lập lại đan chéo nhau. Sự lập lại những yếu tố theo số lần chỉ ra một sự lập lại khác có chiều thẳng đứng (verticale) và có cường độ (intensive) của một cái đã qua  di chuyển và giả trang theo lần và số lần lập lại tương đương với chứng cứ có tính chất vũ trụ trong bệnh lý học: sự kết chuỗi theo chiều ngang (hoành) những nguyên nhân và những hậu quả đòi hỏi một nguyên nhân đầu tiên tổng hợp (totalisante), ngoại thế (extra-mondaine) như một nguyên nhân theo chiều đứng (verticale) những hậu quả và những nguyên nhân. Nói thế khác, có hai sự lập lại đồng thời xảy ra, một sự lập lại có tính chất cơ giới và vật chất, sự lập lại kia có tính chất biểu tượng do giả tượng dưới chiều sâu. “Hai sự lập lại này không diễn ra trong cùng một chiều kích, chúng cùng hiện hữu; một sự lập lại là của những khoảnh khắc, sự lập lại kia, của cái đã qua; cái này là sơ yếu, cái kia là tổng hợp; và sự lập lại sâu thẳm nhất, dĩ nhiên, là cái “sản xuất” không phải là cái nhìn thấy được rõ nhất, hay tạo ra nhiều “hậu quả” nhất. Nói chung, hai sự lập lại đi vào rất nhiều những tương quan khác nhau nên cần phải có một nghiên cứu chẩn đoán thật có hệ thống, chưa được thực hiện, chúng ta tin vậy, để rạch ròi những trường hợp tương ứng với những tổ hợp có thể có.”[42]

   Deleuze dùng quan niệm về lập lại ở trên áp dụng vào những phạm vi không-triết học: nghệ thuật, thi ca và âm nhạc, đưa ra những nhận định khá thú vị. “Lập lại là sức mạnh của ngôn ngữ,” bao hàm một Ý niệm về thi ca luôn có tính cách quá độ. Những cấp độ cùng hiện hữu của một toàn thể tâm linh có thể được coi như được hiện thời hóa trong hững chuỗi được biệt phân (les séries différenciées) tùy theo những cá biệt thể tạo nên những cấp độ này. Và những chuỗi này có thể cộng hưởng nhau bởi một “tiên khởi/khai mào tối tăm” (precurseur sombre) đại diện cho cái toàn thể này trong đó tất cả mọi cấp độ cùng hiện hữu nên chuỗi này cộng hưởng trong chuỗi kia đồng thời đoạn rời khai mào di chuyển từ cấp độ này sang cấp độ kia và giả trang trong tất cả mọi chuỗi nhưng dường như không thuộc về một cấp độ nào cả. Deleuze gọi một từ chỉ định ý nghĩa của từ đứng trước nó là “một từ của cấp độ cao hơn” (un mot d’un degré supérieur) trong những trường hợp của những chuỗi ngôn từ (séries verbales). “Nhưng cái tiên khởi ngữ học, cái từ ẩn mật hay có tính chất thi ca tuyệt  vời (đối tượng=x) vượt lên trên mọi cấp độ trong chừng mực nó nhằm vừa chính nó nói vừa nói ra ý nghĩa của nó, trong khi nó như thể luôn di rời và trá hình như vô nghĩa (cái từ bí ẩn không có nghĩa Snark hay Blitturi…) Do vậy tất cả những chuỗi ngôn từ tạo nên biết bao “những từ đồng nghĩa” tương quan với nó, trong khi chính nó đóng vai trò của một “từ đồng âm” đối với tất cả các chuỗi. Thế nên tùy theo chức năng của sức mạnh tích cực hơn cả và có tính chất ý niệm hơn cả của nó ngôn ngữ tổ chức tất cả hệ thống của nó như một sự lập lại được trang phục. Dĩ nhiên giờ đây hẳn những bài thơ thực sự không cần phải toàn hợp với Ý niệm về thi ca này nữa. Để bài thơ thực sự ra đời, chúng ta phải “nhận diện” cái khai mào tăm tối, phải ban cho nó ít ra một danh tính, nói cho gọn, chúng ta phải cho sự cộng hưởng một thân thể; rồi thì, như trong một khúc ca, những chuỗi được biệt hóa tự tổ chức thành những cặp câu vần điệu với nhau hay đoạn thơ, trong khi cái khai mào nhập thể trong một bài tụng ca hay đồng ca.”[43] Những cặp câu có vần điệu xoay quanh bản đồng ca. Trong những điều kiện này một sự lập lại trần trụi phát sinh vừa như sự quay lại bản đồng ca cừa như những cặp câu vần điệu tiêu biểu cho việc những chuỗi xen vào nhau.

   Tuy vậy sự phân ra hai thứ lập lại như vậy cũng chưa đủ vì sự lập lại thứ nhì vẫn dự phần vào tất cả những sự không rõ rệt của ký ức. Tuy nó có bao gồm sự khác biệt nhưng chỉ bao gồm giữa những cấp độ. Trước hết, nó hiện ra như những hình dạng của những vòng tròn của ký ức tự hiện hữu chung, rồi dưới hình thức của một vòng tròn hiện hữu chung của quá khứ và hiện tại, và sau cùng dưới hình thức của một vòng tròn của tất cả những hiện tại qua đi và cùng hiện hữu tương quan với đối tượng=x. “Vắn tắt, siêu hình học đặt physis, cái vật chất trong vòng tròn. Nhưng làm thế nào để tránh được cái lập lại sâu thẳm này không bị che phủ bởi những lập lại trần trụi nó gây cảm hứng, và không để bị tự nạp mình cho cái ảo tưởng của sự ưu tiên của sự lặp lại trần trụi? Đồng thời với việc cái nền rớt lại trong sự hình dung của cái nó đặt nền tảng, những vòng tròn bắt đầu xoay theo cách của cái Cùng Một. Đó chính là lý do tại sao những vòng tròn hiện ra với chúng ta luôn tự hủy trong một tổng hợp thứ ba, ở đó nền sẽ bị thủ tiêu trong một cái không nền, ở đó những Ý niệm sẽ tách khỏi những hình thức của ký ức, ở đó sự di dời và giả trang của lập lại sẽ kết hôn với sự phân rẽ và sự rời xa trung tâm như những sức mạnh của sự khác biệt.[44] Deleuze cho rằng bên ngoài những vòng tròn là đường thẳng của hình thức trống rỗng của thời gian, bên ngoài ký ức là bản năng của sự chết, bên ngoài sự cộng hưởng là chuyển vận cưỡng bách. Cũng vậy, bên ngoài của lập lại trần trụi và lập lại được trang phục, bên ngoài sự lập lại từ đó khác biệt được rút ra và bên ngoài sự lập lại mà sự khác biệt bao gồm là một sự lập lại “làm thành” sự khác biệt. Thêm nữa, bên ngoài sự lập lại được tạo nền và lập lại đặt nền là một sự lập lại của sự hủy nền (répétition d’effondement) và phụ thuộc vào cái nối kết và cái giải phóng sống chết trong sự lập lại. Thế nhưng có phải bên ngoài sự lập lại vật lý và bên ngoài sự lập lại tâm linh hay siêu hình là một lập lại hữu thể luận (répétition ontologique)? “Sự lập lại này không có chức năng loại trừ hai sự lập lại kia; nhưng, một mặt, lại phân phối cho chúng sự khác biệt (như khác biệt được rút ra hay được bao gồm), mặt khác, nó tự sản xuất ảo tưởng tác động nó, bằng cách ngăn cản chúng phát triển sự sai lầm tương hệ ở đó chúng rớt xuống. Theo một cách nào đó sự lập lại tối hậu, sân khấu tối hậu đón nhận tất cả, và theo một cách khác lại phá hủy hết thảy; và theo một cách khác nữa nó chọn lựa trong tất cả.”[45]

   Deleuze diễn giải bản chất của nghệ thuật: trước hết Deleuze cho rằng đối tượng cao nhất của nghệ thuật là đồng thời sử dụng tất cả những sự lập lại nói trên với sự khác biệt của những lập lại này và sự khác biệt về nhịp điệu, sự chuyển vị di dời sự trá hình riêng, sự phân rẽ và dời khỏi trung tâm của chúng. Nghệ thuật cũng nhồi nhét những thứ nêu trên cái này vào cái kia và bao bọc cái này hay cái kia vào trong những ảo tưởng có hiệu ứng tùy trường hợp. “Nghệ thuật không bắt chước, nhưng chính trước tiên bởi nghệ thuật lập lại, và lập lại tất cả những sự lập lại, bằng một sức mạnh từ bên trong (bắt chước là một bản sao, nhưng nghệ thuật là giả tượng/hình, nó lật ngược bản sao thành giả tượng).”[46] Trong nghệ thuật có rất nhiều thứ lập lại (máy móc, hàng ngày, theo thói quen, rập mẫu…) luôn được dời chỗ đối với những lập lại khác với điều kiện người ta biết cách rút ra một sự khác biệt cho những thứ lập lại này. Theo Deleuze, không có vấn đề thẩm mỹ nào khác ngoài vấn đề đưa nghệ thuật vào đời sống hàng ngày, bởi vì dù đời sống hàng ngày có bị chuẩn hóa, rập mẫu, bị đặt trong một sự sản xuất tăng tốc những đối tượng của sự tiêu thụ thì nghệ thuật càng phải gắn liền vào đời sống hàng ngày để rút ra từ đó sự khác biệt nhỏ nhoi có vai trò đồng thời giữa những cấp độ của sự lập lại này và làm cộng hưởng hai chuỗi thói quen tiêu thụ cùng cực cộng hưởng với những chuỗi có tính chất bản năng của sự hủy diệt và của cái chết, và cũng nối sự tàn bạo với sự ngu xuẩn, phơi bầy bên dưới sự tiêu thụ một cái nghiến răng loạn tâm (hébéphrénique) và dưới những sự hủy hoại nhơ bẩn của chiến tranh còn có nhiều những tiến trình tiêu thụ khác nữa, sản xuất những ảo tưởng và huyền thoại hóa một cách thẩm mỹ, chúng tạo thành yếu tính thực sự của văn minh này để “sau cùng sự Khác biệt được biểu lộ với một sức mạnh của sự giận dữ chính nó là lập lại, có khả năng đưa vào một sự tuyển lựa kỳ lạ, dù cho đó có là một sự co thắt ở đây đó, nghĩa là một sự tự do cho cái chung cuộc của một thế giới. Mỗi nghệ thuật đều có những kỹ thuật lập lại đan chéo của nó, mà sức mạnh phê phán và cách mạng có thể đạt tới một điểm thật cao, để dẫn dắt chúng ta từ những sự lặp lại buồn thảm của thói quen tới những lặp lại sâu xa của ký ức, rồi dẫn tới những lặp lại tối thượng của cái chết ở đó tự do của chúng ta không ngừng lại.”[47] Deleuze đưa ra ba thí dụ: cách thế âm nhạc hiện đại đã cho tất cả những lập lại cùng hiện hữu như trong việc triển khai nét chủ đạo (leitmotiv) trong vở nhạc kịch Wozzeck của Berg, hội họa Pop-Art đã đẩy bản sao, bản sao của bản sao v.v… tới điểm cùng kiệt ở đó nó lật ngược và trở thành giả tượng như trong những chuỗi kết chuỗi (séries “sérigéniques) của Warhol, trong tiểu thuyết những lập lại nhỏ được xé ra từ những lập lại tàn bạo và rồi những lập laị nhỏ này đến lượt chúng lại làm những lập lại của ký ức thành sinh động để cuối cùng đi tới một lập lại trong đó đời sống và cái chết cùng hiện diện như trong tiểu thuyết La Modification của Michel Butor hay trong L’année dernière à Marienbad của Alain Robbe-Grillet.

 

__________________________________________

[40] DR trang 370: C’est la répétition secrète qui s’entoure d’une répétition mécanique et nue, comme d’une dernière barrier qui marque ici ou là le bord extrême des différences qu’elle fait communiquer dans un système mobile. Et toujours, c’est dans un même movement que la répétition comprend la différence (non pas comme une variante accidentelle et extrinsèque, mais comme son cœur, comme la variante essentielle qui la compose, le déplacement et le déguisement qui la constituent pour une différence elle-même divergente et déplacée), et qu’elle doit recevoir un principe positif dont résulte la répétition matérielle indifférente (peau vidée du serpent, envelope vidée de ce qu’elle implique, épiderme qui ne vit et ne meurt que par son âme ou son contenu latents).

[41] DR trang 371: La répétition, c’est le pathos, la philosophie de la répétition, c’est la pathologie.

[42] DR trang 371: Ces deux répétitions ne se font pas dans la même dimension, elles coexistent; l’une, des instants, l’autre, du passé; l’une élémentaire, l’autre totalisante; et la plus profonde, évidemment, la “productrice” n’est pas la plus visible ou qui fait le plus “d’effet”. Les deux répétitions en général entrent en tant que rapports différents qu’il faudrait une étude clinique très systématique, non encore faite, croyons-nous, pour distinguer les cas qui correspondent à leurs combinaisons possibles.

[43] DR trang 373: Mais le précurseur linguistique, le mot ésotérique ou poétique par excellence (objet=x), transcend tous les degrés dans la mesure où il prétend se dire lui-même et son sens, et où il apparaît, come non-sense toujours deplacé et deguisé (le mot secret qui n’a pas de sens, Snark ou Blituri…) Aussi toutes les séries verbales forment-elles autant de “synonymes” par rapport à lui, et lui même joue le rôle d’un “homonyme” par rapport à toutes les séries. C’est donc en fonction de sa puissance le plus positive et la plus idéelle que le langage organise tout son système comme un répétition vêtue. Maintenant, il va de soi que les poèmes effectifs n’ont pas à être adéquats à cette Idée de poésie.

[44] DR trang 374: Bref, la métaphysique met la physis, la physique en cercle. Mais comment éviter que cette profonde répétition ne soit recouverte par les répétitions nues qu’elle inspire, et ne se laisse prendre elle-même à l’illusion d’un primat de la répétition brute? En même temps que le fondement retombe dans la représentation de ce qu’il fonde, les cercles se mettent à tourner à l’allure du Même. C’est pourquoi les cercles nous ont paru toujours défaits dans une troisième synthèse, où le fondement s’abolisait dans un sans fond, où les Idées se dégageaient des formes de mémoire, où le déplacement et le déguisement de la répétition venaient épouser la divergence et le décentrement comme puissance de la différence.

[45] DR trang 374: Celle-ci n’aurait pas pour fonction de supprimer les deux autres; mais, d’une part, de leur distribuer la différence (comme différence soutirée ou comprise), d’autre part, de produire elle-même l’illusion qui les affect, en les empêchant pourtant de déveloper l’erreur attenant où elles tombent. Aussi bien l’ultime répétition, l’ultime théâtre recueille tout d’une certaine manière; et d’une autre manière détruit tout; et d’une autre manière encore il sélectione en tout.

[46] DR trang 375: L’art n’imite pas, mais c’est d’abord parce qu’il répète, et répète toutes les répétitions, de par une puissance interiéure (l’imitation est une copie, mais l’art est simulacre, il renverse les copies en simulacres.)

[47] DR trang 375: […] pour qu’enfin la Différence s’exprime, avec une force elle-même répétitive de colère, capable d’introduire la plus strange séléction, ne serait-ce qu’une contraction ici ou là, c’est-à-dire une liberté pour la fin du monde. Chaque art a ses techniques de répétition imbriquées, dont le pouvoir critique et révolutionnaire peut atteindre au plus haut point, pour nous conduire des mornes répétitions de l’habitude aux répétitions profondes de la mémoire, puis aux répétitions ultimes de la mort où se joue notre liberté.

(còn tiếp)

đào trung đạo