photo:https://frieze.com



ĐÀO TRUNG ĐẠO

gilles deleuze: triết học & không triết học

(Kỳ 32)


kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3, kỳ 4, kỳ 5, kỳ 6, kỳ 7, kỳ 8, kỳ 9, kỳ 10,  kỳ 11,  kỳ 12, kỳ 13, kỳ 14, kỳ 15, kỳ 16, kỳ 17, kỳ 18, kỳ 19, kỳ 20, kỳ 21, kỳ 22, kỳ 23, kỳ 24, kỳ 25, kỳ 26, kỳ 27, kỳ 28, kỳ 29, kỳ 30, kỳ 31,

 

Chương VI

KHÁC BIỆT và LẬP LẠI

   Ảo tưởng thứ ba: liên quan tới cái phủ định (le négatif) và cách cái phủ định làm sự khác biệt tùy thuộc vào nó dưới hình thức của sự giới hạn cũng như của sự đối nghịch. Phê phán ảo tưởng này của Deleuze cũng là phản bác biện chứng Hegel. Ảo tưởng thứ nhì đã chuẩn bị cho sự xuất hiện bí ẩn của cái phủ định: cường độ đảo chiều trong phẩm tính và trương độ, khả năng xác định sự khác biệt của nó bị phản bội bởi những dạng thức của sự giới hạn và sự đối nghịch về phẩm và lượng. Những giới hạn và những đối nghịch chỉ trên bề mặt và chỉ ở chiều kích thứ nhất và thứ nhì trong khi cái chiều sâu sống động, cái đường chéo ngang lại được những khác biệt cư ngụ mà không có sự phủ định. Theo Deleuze, nguồn gốc của ảo tưởng đặt khác biệt dưới sức mạnh giả tạo của phủ định phải được truy tìm không phải ở chính thế giới hữu cảm mà trong cái tác động bên dưới chiều sâu và nhập vào thế giới hữu cảm. Deleuze nhắc lại như đã trình bày quan niệm về “Ý niệm-vấn đề” trong chương Synthèse idéelle de la Différence/Tổng hợp ý niệm của Khác biệt để phi bác phủ định: Những Ý niệm (Idées) là những khách quan tính thực sự và có một kiểu riêng là “khả vấn” (problématique.) Deleuze có quan niệm khá độc đáo và khá phức tạp về “vấn đề - sự khả vấn” cần thiết để hiểu  triết học Deleuze. Deleuze giải thích: “Những vấn đề có một giá trị khách quan, những Ý niệm theo một nghĩa nào đó có một đối tượng. “Khả vấn” không chỉ có nghĩa một loại quan trọng đặc biệt của những hành vi có tính chủ quan, nhưng là một chiều kích  của khách quan tính như thế, nó được những hành vi này đầu tư. Một đối tượng bên ngoài kinh nghiệm chỉ thể được hình dung dưới một hình thức khả vấn; điều này không có nghĩa Ý niệm không có đối tượng có thực, nhưng có nghĩa rằng vấn đề như vấn đề là đối tượng có thực của Ý niệm. Đối tượng của Ý niệm, như Kant nhắc nhở, không phải là một sự hư cấu, cũng không là một giả thiết, không là một hữu của lý trí: đó là một đối tượng không thể được cho sẵn cũng chẳng thể được biết, nhưng nó phải được hình dung mà không thể xác định một cách trực tiếp. Kant ưa nói rằng Ý niệm như vấn đề có một giá trị vừa khách quan vừa không được xác định.”[10]  Từ diễn giải này có thể rút ra hệ quả: “Vấn đề như được định nghĩa như thế không chỉ ra sự bất tri trong chủ thể tư tưởng, nó cũng không biểu lộ một sự xung đột, nhưng định rõ đặc điểm một cách khách quan bản chất có tính cách [của] ý niệm như thế. […] Những Ý niệm-vấn đề là những đa phức bản dương, những khẳng định đầy và được làm thành khác biệt, được mô tả bởi diễn trình của sự xác định thuận nghịch và đầy đủ đặt vấn đề vào những điều kiện của vấn đề. Chính sự kiện được “đặt ra” (do vậy được đặt tương quan với những vấn đề của nó, được xác định hoàn toàn) tạo nên tính xác định của vấn đề.”[11] Vấn đề làm nảy sinh những mệnh đề (propositions) tạo nên những câu trả lời hay những giải đáp có đối tượng là những sự khác biệt tương ứng với những tương quan và những cá biệt (singularités) của trường khác biệt (champ différentiel). Chính theo nghĩa này chúng ta có thể lập nên sự phân biệt giữa cái xác nhận (le positif) và cái khẳng định (l’affirmatif) nghĩa là giữa tính dương bản (la positivité) của Khái niệm như vị thế khác biệt và những khẳng/xác định nó đưa ra nhập vào và giải quyết nó. Những xác định này không chỉ là những xác định khác biệt (affirmations différentielles) nhưng chính là những xác định về những khác biệt (affirmations de différences) theo chức năng riêng của từng Ý niệm. “Sự xác định, như xác định về khác biệt, được sản xuất bởi tính dương bản của vấn đề, như vị trí khác biệt; đa xác định được sản sinh ra do đa phức tính khả vấn. Nhiệm vụ của yếu tính của sự khẳng định chính nó phải là đa phức, và khẳng định sự khác biệt. Về phần cái phủ định, nó chỉ là bóng phủ trên những khẳng định được sản xuất; bên cạnh sự khẳng định, sự phủ nhận giữ vị trí như một thứ bất lực kép, nhưng nó lại chứng kiến một sức mạnh khác, sức mạnh của vấn đề có hiệu quả và bền vững.”[12]

   François Zourabichvili cho rằng “Deleuze soạn thảo một lý thuyết về vấn đề đầy khả năng cứu xét sự đa hóa khái niệm chân lý. Thoạt nhìn lý thuyết này là nghịch lý , bởi trước tiên nó được đặt nền tảng trên một việc làm mất giá trị vai trò của truy vấn triết học. Cùng lúc bị cáo buộc, nhân danh cùng một ảo tưởng, cùng một sự không hiểu biết một vấn đề thực sự là cái gì, phương cách truy vấn như một thủ tục tập tành giả, bởi nó tổ chức tương lai của học sinh theo chức năng đã thủ đắc từ trước của thày giáo; và ý tưởng cho rằng triết học sẽ là nghệ thuật tuyệt vời của việc đặt vấn đề, thay vì của câu hỏi. “Một vấn đề đúng như sự sáng tạo của tư tưởng chẳng dính dáng gì tới một sự truy vấn chỉ là một mệnh để treo lửng, một sự hai lần mất máu của một mệnh đề xác định được coi như giúp nó có một câu trả lời. (QPh?, 132)”[13]

   Theo Deleuze, tất cả sẽ đảo ngược nếu ta đi từ những mệnh đề biểu trưng cho những khẳng định này trong ý thức. Bởi vì Ý niệm-vấn đề vốn có bản chất vô thức: nó là ngoại-mệnh đề (extra-propositionelle), thay thế hình dung (sub-répresentative) không giống như những mệnh để đại diện những khẳng định nó sinh sản ra. Chính vì người ta cố tái tạo vấn đề theo hình ảnh và theo sự giống nhau của những mệnh đề của ý thức nên bóng tối trở thành sinh động và như thể có một đời sống tự lập. Hệ quả là người ta sẽ nói rằng mỗi khẳng định sẽ dẫn về cái phủ định nó, khẳng định chỉ có “ý nghĩa” do sự phủ định nó, đồng thời một phủ nhận được tổng quát hóa chiếm chỗ của vấn đề. Deleuze cho rằng đỉnh điểm của việc làm cho biện chứng mất bản chất bởi Hegel trong việc thay thế việc làm của cái phủ định cho trò chơi của khác biệt và sự khác biệt. “Thay vì được định nghĩa bởi một (vô)-hữu như hữu của những vấn đề và những câu hỏi, khâu biện chứng nay được định nghĩa bằng một -hữu như hữu của cái phủ định. Nguyên ủy giả mạo của khẳng định được sản xuất bởi cái phủ định và như phủ định của phủ định được thay thế cho tính chất phụ thuộc của cái khẳng định và cái xác định, của vị thế khác biệt và sự khẳng định khác biệt. “Và, nói cho ngay, tất cả điều này sẽ chẳng lả gì cả nếu không có những ám chỉ thực hành và những giả định luân lý của một việc làm mất bản chất như thế. Chúng ta đã thấy tất cả việc đánh giá cái phủ định có ý nghĩa ra sao, tinh thần bảo thủ của một công trình như vậy, sự tầm thường của những khẳng định người ta có ý sản xuất, cách thế chúng ta bị quay khỏi nhiệm vụ cao cả nhất như thế –  nhiệm vụ bao gồm việc qui định những vấn đề và nhận ra khả năng cương quyết và sáng tạo của chúng ta. Chính vì lẽ đó những xung đột, những đối nghịch, những mâu thuẫn đã hiện ra với chúng ta như những hậu quả bề mặt, những hiện tượng phụ của ý thức, trong khi đó cái vô thức sống nhờ vào những vấn đề và vào sự khác biệt. Lịch sử diễn ra không bởi sự phủ định, và bởi phủ định của phủ định, nhưng bởi sự quyết định những vấn đề và sự khẳng định những khác biệt.”[13] Theo Deleuze, triết học chừng nào còn ở trong những giới hạn của hình dung, triết học vẫn là miếng mồi của những đối nghịch lý thuyết của ý thức. Phục hưng sự khác nhau (le différential) trong Ý niệm, và sự khác biệt trong khẳng định từ đó mà ra, chính là dứt bỏ sợi dây bất chính làm khác biệt phụ thuộc vào cái phủ định.

Ảo tưởng thứ tư: đặt khác biệt phụ thuộc vào loại suy của phán đoán (l’analogie du jugement). Nhất tính của khái niệm không cho chúng ta một qui luật qui định cụ thể mà nó chỉ cho thấy như nhất tính của khái niệm không được qui định, chẳng hạn Hữu hay Tôi là (Je suis) thế nên những khái niệm tối hậu (concepts ultimes) hay những thuộc từ tiên khởi, nguyên ủy (prédicats premiers, originaires) phải được đặt ra như có thể được qui định. Chúng được nhận biết do sự kiện chúng đều duy trì một tương quan bên trong (rapport intérieur) với hữu và vì vậy những khái niệm này là tương tự hay Hữu là tương tự với chúng và có được vừa nhất tính của ý nghĩa chung phân phối vừa của lương năng có thứ tự (loại suy có hai hình thức không phải đặt trên tính chất bằng nhau nhưng trên nội giới tính của tương quan phán đoán). Theo Deleuze, là chưa đủ việc hình dung được đặt trên nhất tính của một khái niệm không được qui định mà chính nhất tính phải được hình dung mỗi lần trong một số những khái niệm có thể qui định nào đó. “Những khái niệm nguyên ủy này, trong tương quan với chúng Hữu là phân bổ và có thứ tự, được gọi là những loại hữu hay phạm trù. Nghĩa là, dưới điều kiện của chúng, những khái niệm tùy thuộc chuyên biệt có thể, đến lượt chúng, được qui định bởi một phương pháp phân chia, nghĩa là bởi trò chơi của những thuộc từ đối nghịch trong mỗi loại. Như thế, sự khác biệt được chỉ định hai giới hạn, dưới hai dạng thức không thể thu giảm vào nhau nhưng bổ túc nhau, chúng chỉ ra thật chính xác sự phụ thuộc của nó vào hình dung (cái Lớn và cái Nhỏ): những phạm trù như những khái niệm tiên thiên và những khái niệm có tính chất kinh nghiệm; những khái niệm khả qui nguyên ủy và những khái niệm phụ thuộc đã được qui định; những tương tự và những đối nghịch; những loại lớnnhững hạng. Việc phân phối sự khác biệt này, hoàn toàn tương quan với những bó buộc của hình dung, thiết yếu tùy thuộc vào nhãn quan loại suy. Nhưng hình thức phân phối được điều khiển bởi những phạm trù này đối với chúng ta là phản bội bản chất của Hữu (như khái niệm thu tập và chủ yếu), bản chất của ngay cả những phân phối (như những phân phối du cư, và không là bất di dịch hay cố định), và bản chất của khác biệt (như khác biệt tạo cá biệt). Bởi vì cá nhân chỉ là và chỉ được tư tưởng như một kẻ mang vác những khác biệt nói chung, đồng thời Hữu tự nó phân phối trong những hình thức cố định của những khác biệt này và được cho là cái nó là bằng cách loại suy.”[14]

   Bốn ảo tưởng nói trên của hình dung cũng làm cho sự lặp lại bị bóp méo về một số mặt cũng giống  như hình dung đã làm cho sự khác biệt mất bản chất với những lý do tương tự. Trước hết, hình dung không sẵn có một tiêu chí trực tiếp và tích cực nào để phân biệt sự lặp lại và thứ tự của tổng quát tính của sự lập lại với sự giống nhau (ressemblance) và sự tương đương (équivalence) vì thế sự lập lại được coi như một sự hoàn toàn giống nhau hay tương đồng cực độ. Thứ nhì, hình dung cũng viện dẫn nhất tính của khái niệm để giải nghĩa sự lập lại như đã làm với sự khác biệt. Nếu sự khác biệt được hình dung trong khái niệm đồng nhất (concept identique) thì ngược lại sự lập lại được hình dung ngoài khái niệm, như một sự khác biệt không khái niệm, nhưng luôn luôn dưới giả định của một khái niệm đồng nhất, nghĩa là có sự lập lại khi nào các sự vật phân biệt nhau theo con số, trong không và thời gian, những sự vật này có cùng một khái niệm. Như vậy bằng cùng một chuyển động nhất tính của khái niệm trong sự hình dung bao gồm sự khác biệt được dùng cho sự lập lại. Thứ ba, sự lập lại chỉ thể nhận sự giải thích tiêu cực. Lập lại chỉ được giải thích theo chức năng của một sự giới hạn tương đối của sự hình dung của khái niệm và chính vì thế đã bỏ đi mọi phương tiện để phân biệt lặp lại với giống nhau đơn giản. Thứ tư, rằng sự lập lại không chỉ được định nghĩa trong tương quan với nhất tính tuyệt đối của khái niệm mà sự lập lại còn, theo một cách nào đó, chính nó phải đại diện cho khái niệm đồng nhất này. Thế nên ở đây có một hiện tượng tương ứng với sự loại suy của phán đoán. “Sự lập lại không hài lòng với việc nhân lên những thí dụ dưới cùng một khái niệm, nó đặt khái niệm ra khỏi khái niệm và làm khái niệm hiện hữu cũng ngang bằng những thí dụ, ở đây và bây giờ.”[15]  

   Deuleuze chỉ ra lý luận quẩn quanh, vòng luẩn quẩn, của quan niệm xét sự khác biệt và lập lại bằng phép loại suy. Lập lại chặt khúc nhất tính thành những đoạn rời cũng giống như Démocrite đã chặt vụn và bội nhân cái Hữu-Một (Être-Un) của Parménide thành những nguyên tử.Việc bội nhân những sự vật dưới một khái niệm tuyệt đối đồng nhất có hậu quả là sự phân chia khái niệm thành những sự vật cũng đồng nhất tuyệt đối. Chính vật chất thực hiện đặt trạng thái khái niệm ra ngoài chính nó như yếu tố lập lại một cách bất tận nên kiểu mẫu của sự lập lại trùng hợp với vật chất thuần túy như một sự chặt nhỏ của cái đồng nhất: trên điểm nhìn của hình dung sự lập lại có một ý nghĩa thứ nhất, ý nghĩa của một sự lập lại vật chất và trần trụi (répétition materiélle et nue), sự lập lại của của cái cũng như (répétition du même) chứ không chỉ dưới cùng khái niệm. “Mọi ý nghĩa khác sẽ là từ kiểu mẫu ở ngoài (modèle extrinsèque) này. Điều này có nghĩa mỗi khi chúng ta gặp một biến thiên, một sự khác biệt, một giả hình (un déguisement) chúng ta sẽ nói rằng đó là do sự lập lại, nhưng chỉ một cách tùy vào và do “loại suy.” Tuy vậy cái kiểu mẫu vật chất ở bên ngoài này lấy sự lập lại đã hoàn thành, đưa ra cho một người quan sát ở bên ngoài xem. Nó tước bỏ bề dầy trong đó sự lập lại xảy ra và tự tạo. “Trái lại, từ đó có khuynh hướng hình dung giả hình và chuyển vị trí như những yếu tố tạo thành của lập lại nhưng với điều kiện sự lập lại trùng hợp với chính sự loại suy. Nhất tính không còn là nhất tính của yếu tố nữa, nhưng đúng theo ý nghĩa truyền thống, nhất tính của một tương quan giữa những yếu tố phân biệt, hay của một tương quan giữa những tương quan. Hồi nãy, vật chất vật lý ban cho sự lập lại ý nghĩa đầu tiên của nó, và những ý nghĩa khác (sinh học, tâm linh, siêu hình…) do loại suy nói ra. Giờ thì, chính loại suy là vật chất luận lý của sự lập lại, và cho nó một ý nghĩa phân phối. Tuy nhiên luôn luôn vẫn là đối với một nhất tính được tư tưởng, với một tương đương được hình dung, sao cho sự lập lại vẫn là một khái niệm của phản tư, phản tư này đảm bảo sự phân phối và sự chuyển vị của những hạn từ, sự chuyên chở yếu tố, nhưng chỉ trong sự hình dung cho một người quan sát vẫn ở bên ngoài.”[16]

_____________________________________________

[10] DR trang 219: Les problèmes ont une valeur objective, les Idées ont en quelque manière un objet. “Problématique” ne signifie pas seulement une espèce particulièrement importante d’actes subjectifs, mais une dimension de l’objectivité  comme telle, investie par ces actes. Un objet hors de l’expérience ne peut être représenté que sous une forme problématique; ce qui ne signifie pas que l’Idée n’a pas d’objet réel, mais que le problème en tant que problème est l’objet réel de l’Idée. L’objet de l’Idée, rappelle Kant, n’est ni une fiction, ni une hypothèse, ni un être de raison: c’est un objet qui ne peut être donné ni connu, mais qui doit être représenté sans pouvoir être determiné directement. Kant aime à dire que l’Idée comme problème a une valeur à la fois objective et indeterminée.

[11] Sđd trang 343: Le problème ainsi défini ne désigne aucune ignorance dans le sujet pensant, pas plus qu’il n’exprime un conflit, mais caractérise objectivement la nature idéelle en tant que telle.[…] Les Idées-problèmes sont les multiplicités positives, des positivités pleines et differentiées, décrites par le problème de la détermination réciproque et complète qui rapport le problème à ses conditions. C’est le fait d’être “posé” (et par là d’être rapporté à ses conditions, d’être pleinement déterminé) qui constitue la positivité du problème.

[12] Sđd trang 343: L’affirmation, comme l’affirmation de différence, est produite par la positivité du problème, comme position différentielle; l’affirmation multiple est engendrée par la multiplicité problématique. Il appartient à l’essence de l’affirmation d’être en elle-même multiple, et d’affirmer la différence. Quant au négatif, il est seulement l’ombre du problème sur les affirmations produites; à côté de l’affirmation, la négation se tient comme un double impuissant, mais qui témoigne pour une autre puissance, celle du problème efficace et persistant.

[13] François Zourabichvili, La Philosophie de Deleuze, PUF trang 32: Deleuze élabore une théorie du problème apte à rendre compte de cette pluralisation du concept de verité. Elle est à première vue paradoxale, puisqu’elle se fonde d’abord sur une dévaluation du rôle de l’interrogation en philosophie. Sont denouncés à la fois, au nom de la même illusion, de la même incompréhension de ce qu’est réellement un problème, le procedé interrogative comme fausse procedure d’apprentissage, puisqu’il organise le devenir de l’élève en fonction d’un resultat acquis d’avance par le maître; et l’idée que la philosophie serait art par excellence de la question plutôt que de la réponse. “Un problème en tant que création de pensée n’a rien à voir avec une interrogation, qui n’est qu’une proposition suspendue, le double exsangue d’une proposition affirmative censée lui servir de reponse” (QPh?,132)

[14] Sđd trang 344: Et, à vrai dire, tout ceci ne serait rien sans les implications pratiques et les présupposés moraux d’une telle dénaturation. Nous avons vu tout ce que signifiait cette valorisation du négatif, l’esprit conservateur d’une telle entreprise, la platitude des affirmations qu’on prétend ainsi engendrer, la manière dont nous sommes alors détournés de la plus haute tâche – celle qui consiste à déterminer les problèmes, à porter en eux notre pouvoir décisoire et créateur. C’est pourquoi les conflits, les oppositions, les contradictions nous ont paru être des effets de surface, des épiphénomènes de la conscience tandis que l’insconcient vit de problèmes et de  différences. L’histoire ne passe pas par la négation, et la négation de la négation, mais par la décision des problèmes et l’affirmation des différences.

[15] Ces concepts originaires, par rapport auxquels l’Être est distributif et ordinal, s’appellent genres d’être ou catégories. Or, sous leur condition, des concepts derivés spécifiques peuvent, à leur tour, être determinés par une méthode de division, c’est-à-dire par le jeu de prédicats contraires dans chaque genre. Ainsi la différence se voit assigner deux limites, sous deux figures irréductibles mais complémentaires, qui marquent très précisement son appartenance à la réprésentation (le Grand et le Petit): les catégories comme concepts a priori et les conceps empiriques; les concepts déterminables originaires et les concpts derivés déterminés; les analogues et les opposés; les grands genres et les espèces. Cette distribution de la différence, toute relative aux exigences de la représentation, appartient essentiellement à la vision analogique. Mais cette forme de distribution commandée par les catégories nous a paru trahir la nature de l’Être (comme concept collectif et cardinal) et la nature des distributions mêmes (comme distributions nomades, et non pas sédentaires ou fixes, et la nature de la différence comme différence individuante). Car l’individu n’est et n’est plus pensé que comme ce qui porte des différences en géneral, en même temps que l’Être se repartit lui-même dans les formes fixes de ces différences et se dit analogiquement de ce qui est.

[15] Sđd trang 348: La répétition ne se sontente pas de multiplier les exemplaires sous le même concept, elle met le concept hors de soi et le fait exister en autant d’exemplaires, hic et nunc.

[16] Sđd trang 348-349: D’où la tentative, au contraire, de représenter le déguisement et le déplacement comme élements constituants de la répétition. Mais alors, c’est à condition de confondre la répétition avec l’analogie elle-même. L’identité n’est plus celle de l’élément, mais conformement à la signification traditionnelle, celle d’un rapport entre rapports. Tout à l’heure, la matière physique donnait à la répétition son sens premier, et les autres sens (biologique, psychique, métphysique…) se disaient par analogie. Maintenant, l’analogie par elle-même est la matière logique de la répétition, et lui donne un sens distributif. Mais c’est toujours par rapport à une identité pensée, à une egalité représentée, si bien que la répétition reste un concept de la réflexion, qui assure la distribution et le déplacement des termes, le transport de l’élément, mais seulement dans la représentation pour un spectateur encore extrinsèque.

(còn tiếp)

đào trung đạo

2020