cõi ngoài

truyện kể
          
ĐÀO TRUNG ĐẠO


“Có thể mai đây tôi sẽ tái xuất hiện tại một khuôn viên đại học khác, 
 như một kẻ tuy đã già nhưng còn  tráng kiện...một nhà văn lưu đầy, 
 không danh tiếng, không tương lai, không độc giả, không còn có gì
 khác ngoài nghệ thuật của mình.”
 Vladimir Nabokov,  Pale Fire


Tất cả những sự việc này, “nói cách khác” cũng là biến cố ấy,  đã xảy đến với tôi vào khoảng cuối năm 1980. Khoảng cuối năm?  Xác định thời gian như vậy không được chặt chẽ rõ ràng lắm, hơn nữa hóa ra lại vô tình cho quá khứ có một chiều dài lấn sang chỗ của tương lai, làm cho những sự việc xảy ra trước đó và sau đó phải tuân theo một trật tự luận lý không phải là quỹ đạo của lời người kể chuyện. Để có một điểm qui chiếu thời gian tương đối dễ tiếp cận, tôi thấy cần nói rõ hơn, là biến cố đã xảy ra vào hai tháng cuối năm.  Đây không biết là lần thứ mấây mươi tôi muốn nói về sự bí mật nằm đằng sau tất cả những gì đã xảy ra, một lần cho xong. Xong chuyện, xong tôi. Hết bề cứu chữa. Nhưng lần nào khi bắt đầu tôi cũng bị khựng lại trước câu hỏi ‘viết có phải là nói?’, Hỏi rồi tôi lại tự trách mình cứ hay lẩn thẩn, nhiễu sự. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy mình được an ủi rất nhiều khi nhận ra rằng, đứng đằng trước cả viết lẫn nói , cả kinh nghiệm cá nhân lẫn lịch sử, là sự im lặng. Và sự im lặng cũng đứng chờ sẵn khi cả viết lẫn nói ngừng lại: bản án đã được tuyên bố.  Tôi cũng thấy được an ủi vì một lý do khác quan trọng không kém: từ bấy lâu nay tôi đã chẳng im lặng trước sự ẩn mật đó sao? Và dù cho bây giờ có phải nói ra, có muốn nói ra, chung cuộc khi sự  im lặng trở lại những chữ tôi viết ra cũng sẽ là những dấu chỉ, những vết tích giúp cho H. sau này có thể phăng ra hoặc đầu mối hoặc cái kết cuộc. Tôi quên nói ngay từ đầu là trong quá khứ tôi đã thử nhiều cách để tạo ra một mối liên hệ trung thực với những gì đã xảy ra trong khoảng thời gian đó. Mối liên hệ giữa khoảng thời gian lịch sử ung thư ở giai đoạn cuối của quê hương tôi với cuộc đời riêng của chúng tôi. Tôi còn nhớ rõ đó là vào những tháng đầu năm 1975, căng nhất là vào hai tuần lễ cuối tháng Tư, khi cơn bệnh của D. bỗng trở nên ngặt nghèo làm cho tôi không biết phải ra đi hay ở lại. Dạo đó buổi tối tôi thường đến thăm D. trong bệnh viện vào lúc thân nhân bạn bè của D. đã ra về hết. Tuy trong tình trạng thập tử nhất sinh như vậy nhưng D. nhất định đòi gia đình đưa D. về nhà. Tuy D. không yêu cầu tôi làm việc này, nhưng khi nói chuyện với vị bác sĩ người Pháp trong vài ngày nữa sẽ cùng gia đình rời khỏi Saigon, bác sĩ Peltier bảo tôi “nhiều lắm là chỉ ba bốn tuần lễ nữa thôi.” Tôi suy nghĩ về câu nói này của ông ta, suy nghĩ về tình trạng của D., suy nghĩ về những biến động đang xảy ra chung quanh chúng tôi. Tôi rất muốn nhắc lại ý kiến của bác sĩ Peltier với D. nhưng nghĩ lại thấy không nên. Vả lại cũng không cần thiết vì mấy tuần nay D. không muốn sống nữa, bảo bác sĩ Peltier ngưng chích thuốc. Tuy lúc đầu phản đối, nhưng cuối cùng ông ta cũng phải làm theo ý D. Trong một  đêm khuya khoắt D. đòi tôi ngồi nán lại thật khuya, D. nắm chặt bàn tay tôi sau đó nhìn thẳng vào mắt tôi và nói “Viens!” “ Có anh ở bên em thấy sợ hãi.” Tôi không nghĩ là D. có ý khuyên tôi hãy ra đi. Sau buổi tối đó, tôi tuy chưa quyết định đi hay ở nhưng dằn lòng tránh vào thăm D., đêm khuya đi hoang la cà uống rượu trong những quán đã vắng khách từ gần một tháng nay với những người bạn từ miền Trung và Cao nguyên chạy dạït về thủ đô. Những người bạn này chỉ muốn được trở thành điên khùng, nhưng khi uống say lại lầm lỳ như những pho tượng đóng băng. Không đến với D. gần một tuần lễ, tôi nghĩ D. cho rằng tôi hoặc đã ra đi, hoặc đã chết. Còn phần mình, lang thang trong cái thành phố hấp hối, rồi tự mình bước chân vào trại tù cải tạo một tháng sau đó, tôi tin chắc là D. đã chết. Nhưng rồi khoảng gần cuối năm 1979, trong khi còn ở trong một trại tù cải tạo ở Phước Long, tôi gặp chị của D. vào thăm nuôi chồng là bạn tù cùng trại với tôi, chị cho biết  D. nay không những không chết mà sau khi bỏ nhà thương về nhà, chị còn nhớ rõ, vào một tối chủ nhật tuần lễ cuối cùng của tháng Tư, lúc đó hầu hết các bác sĩ đã di tản gần hết. Hai tuần sau khi mùi xăng Liên xô khét lẹt đã biến thành một  chướng khí bám chặt trên mặt đường phố thủ đô, D.  đột nhiên khỏe mạnh trở lại. Tính tình D. trở thành thinh lặng, vui buồn bất chợt nhưng D. đẹp hơn trước đây. Chị vừa nói câu này vừa nhìn tôi, cặp mắt tươi cười ranh mãnh. Ghé tai tôi, chị nói tiếp: D. vẫn còn độc thân,  và cũng đang tìm đường vượt biên. D. cũng tình cờ có lần nói với chị là D. cũng có ý chờ tôi nếu được sẽ cùng đi. Nhưng khi ra khỏi trại tù cải tạo tôi không có ý tìm gặp D., vả lại nhà D. cũng không còn ở địa chỉ cũ. Bà chị của D. trong lúc vội vã cũng quên không cho tôi địa chỉ mới của D. Nhưng rồi tình cờ chúng tôi đã gặp lại nhau vào tháng 10 năm 1980. Và không đầày ba tháng sau, chúng tôi lại chia tay, mỗi người đi mỗi ngả. Cái biến cố tôi nhắc qua ở trên thật ra đã gói trọn sự bí mật về những gì đã xảy ra trong khoảng hai tháng cuối năm đó, không phải là đang xảy ra lúc này.

    Không bao lâu sau khi tôi đặt chân đến Virginia vào đầu thu năm 1981, tuy thời gian xa cách D. mới không đầy bốn tháng, để lấp đầy sự trống trải ghê rợn sau những giờ lao động mệt mỏi ê chề của một di dân chân ướt chân ráo, trong những đêm khuya mất ngủ tôi đã thử viết truyện này ra. Càng đi sâu vào ý nghĩa những con chữ vô hồn trên trang giấy, càng cố đi tìm một ánh sáng đích thực làm cho đêm khuya có thể thực sự là đêm khuya,  làm cho mình có được cái quyết định sẽ đi tìm D., dù dưới địa ngục tăm tối, bất chấp điều ngăn cấm của thần linh, sẽ quay lại nhìn D. để được thấy khuôn mặt đó, ánh mắt đó, tôi đã  không tin được khối chữ nghĩa viết ra trên trang giấy có một ý nghĩa hay một sức mạnh nào nào, cái ý nghĩa xô đẩy bạo động tôi muốn nó xuất hiện giữa những con chữ, trong nhịp hành ngôn văn chương xuyên thủng một sự  khả hữu nào đó để đưa tôi cập bến cõi ngoài gặp D. Tôi muốn chết trong khoảng không gian cõi ngoài ẩn mật của văn chương đó. Sau khi đã thử vài lối khác nhau không thành công trong những trang đầu, tôi đã thử  lối viết tiểu thuyết nhưng rồiø thấy giọng kể của mình đã bất lực, không thể đạt được điều mong muốn, không tiếc nuối tôi quyết định chuyển sang hướng khác,  Trong nhiều trường hợp, văn chương tiểu thuyết có thể tái tạo những gì xảy ra đằng sau cánh cửa ngăn cách những kẻ xa lạ, ngăn cách giữa lịch sử và đời sống cá nhân, nhưng trong trường hợp giữa tôi và D. những con chữ trên trang giấy tôi thấy cứ thu nhỏ lại dần trước sự thực. Nếu cứ tiếp tục cách này hóa ra tôi sợ sự thực, tìm cách che đậy sự thực, có thái độ ngụy tín. Tôi cũng đã thử cách của Nabokov, hóa trang đội lốt một nhà thơ cổ điển, (trước đây tôi có đi dạy môn này gần hai niên học ở một đại học  Cao nguyên) sẽ viết không phải là 999 câu thơ đông đặc ẩn nghĩa như trong quyển ‘Pale Fire’ nhưng có thể sẽ là 2002 câu thơ thủ vỹ liên hoàn, và dành phần cuối sách  cho một luận văn bàn về “thời gian trong truyện kể.”å  Nhưng trong suốt gần nửa năm, dù cố gắng cách gì tôi vẫn thấy những câu thơ viết ra nhằm gợi lại ánh mắt của D. khi chúng tôi chia tay mỗi người mỗi ngả, trong phần mở đầu quyển sách không những đã không cho người đọc thấy được ánh mắt đó đẹp như thế nào, ẩn hiện tình yêu và sâu thẳm nỗi chết như thế nào mà còn tạo ra những ấn tượng phản nghịch không những xóa bỏ phút hiện tại chớp nhoáng của quá khứ mà còn làm cho khoảng cách giữa tôi và D. quá cận kề số mệnh. Vì vậy tôi đã hủy tập bản thảo này đi, sau vài lần đọc lại xem có nên tiếp tục hay không, cách đây có đến hơn mưới năm rồi. Giờ đây khi cố gắng nhớ lại lõm bõm những trang tiểu thuyết hay những giòng thơ đã bị thiêu rụi, tôi hiểu được rằng những con chữ dù đã bị thiêu đốt hay dập xóa đó, tuy trên thực tế không còn nữa, nhưng chúng vẫn dai dẳng lẩn khuất trong cái không gian vắng bóng D. vây bủa đời sống tôi hôm nay, trong những đêm khuya khoắt cất tiếng gọi tên một sự thực không thể đặt tên (tình yêu, nỗi chết, sự hủy diệt cuối cùng trong giòng thời gian...tất cả những thứ đó trong thể tính phơi lộ, hay chỉ là cái vô-thường-danh ngay từ khởi đầu có phải?)


   Tôi cũng có nghĩ tới việc có lẽ mình có thể chỉ cần nhìn lại ánh mắt ấy của D., mỉm cười với D. thay vì cúi đầu lặng lẽ lúc chia tay, rồi sau đó sẽ viết cho H. một cái thư ngắn là mọi chuyện xong xuôi. Nếu cần H. có thể tìm gặp Tươi. Tôi tin chắc chỉ có Tươi là nhân chứng duy nhất có thể phần nào biết được sự thực. Nhưng khổ nỗi cuộc tình của tôi và Tươi đã đi tới mức không đường cứu chữa ngay sau tôi tạm cư ở Virginia ba tuần lễ nên sự hy vọng Tươi sẽ gặp H. và nói cho H. biết  thật không thể có một chút hy vọng nào, ít nhất là  trong kiếp này.


   Dạo đó trong trại tỵ nạn cũng có một số người loáng thoáng có biết về hoàn cảnh của D. và tôi. Nhưng giờ đây mỗi người mỗi ngả, dù tôi có gặp lại đôi ba người quen cũ cùng trại và có lân la gợi lại chuyện cũ thì  chắc họ cũng chẳng còn nhớ được gì mấy về câu truyện của chúng tôi trong quãng đời trại đảo tạm bợ, mọi ngườiï ngày ngày trông ngóng giờ phút được lên đường định cư. Sau khi chia tay nhau, tôn trọng ý muốn của Tươi tôi đã không tìm cách tin tức hay gặp lại nhau  đã gần hai mươi năm nay (còn liên lạc với nhau làm gì cho thêm khổ – trong bức thư cuối gửi cho tôi từ Miền Đông, Tươi đã viết thế. Tôi biết Tươi đã viết những giòng này khi khóc một mình, rồi sau đó sẽ ngồi dạo khúc dương cầm đêm xưa chúng tôi đã cùng nghe trong một buổi hòa nhạc ngoài trời tại một công viên ở thủ đô Hoa-Thịnh-Đốn, ngay đêm thứ nhì tôi có mặt trên đất Mỹ.)  Cũng còn hai người nữa biết chuyện, nhưng hai người này lại có hai thái độ trái ngược nhau về mối liên hệ giữa tôi và D. nên tôi nghĩ họ sẽ từ chối nếu được hỏi, dù người hỏi là chị của D. hay là H.  Người thứ nhất là Minh, bạn học cũ của tôi, tình cờ chúng tôi đã gặp lại nhau ở trại tỵ nạn sau hơn hai mươi năm xa cách. Hồi đó Minh là bác sĩ, đại diện cho chính phủ Đức đến trại tỵ nạn để giúp đỡ nhóm thuyền nhân được tàu Đức vớt trên biển Đông và sẽ được định cư ở Đức. Minh đem theo cả vợ là Kim và hai đứa con trai sang trại. Theo lời Minh nói là để cho mấy đứa con vốn ra đời và lớn lên ở Đức có cơ hội tiếp xúc với đồng hương, cũng đồng nghĩa với quê hương. Kim, vợ của Minh,  trước đây có một thời ca hát ở Saigon, đến trại để dạy chút đỉnh tiếng Đức cho nhóm thuyền nhân sẽ định cư ở Đức, và trong những dịp tiếp tân, lễ lạc hay lửa trại, hát cho mọi người trong trại nghe những bài ca hướng về quê hương đang chìm ngập trong đàn áp, ngục tù. Trong một bữa ăn tối ở nhà vợ chồng bạn, tôi nói với Minh là những lý lẽ đưa ra để chứng minh sự có mặt của Kim và hai đứa nhỏ là những lý do không thể tin được. Theo tôi, Kim đem theo hai con sang đây ở với Minh vì sợ Minh sẽ không trở lại Đức nữa. Nghe tôi nói thế, không hẹn mà nên, cả Minh lẫn Kim đều thốt lên;”rất có thể!” Kim là ‘cô giáo’ của D. , thân thiết với D. trong những ngày đầu mới gặp nhau nhưng từ sau khi đoán biết D. yêu tôi Kim đã ‘bỏ mặc’ chúng tôi, theo cách nói của Kim. Minh thì không ‘bỏ mặc’ mà là ‘mặc xác tụi bay,’  một kiểu nói vừa thân thiết dỗi hờn vừa mắng nhiếc đe dọa. Phải chăng cả hai cách hành xử của Minh và Kim cùng là dấu ấn của đời sống của những di dân lìa xa quê hương quá lâu, đã tây-âu-hóa, tôi nghĩ vậy.
 
   Tuy không còn có thể cầu viện các nhân chứng cho câu chuyện này nhưng tôi vẫn còn giữ được một chứng cớ từ chính tay D.  Nhưng tôi đã nhất quyết sống để bụng chết đem theo (tuy biết khi chết không thể đem theo một thứ gì), và từ lâu nay tôi đã cất giữ chứng cớ này ở một nơi bí mật và bảo đảm sau này dù ai có tài thám tử cách mấy cũng khó mà tìm ra được. Mà dù có tìm thấy chứng cớ nhưng không có tôi giải mã thì cũng bằng vô ích. Ở phần sau, nếu có dịp tôi sẽ hé mở chìa khóa giải mã bí mật đó.

   Vào khoảng nửa đêm chừng ba tháng trước ngày cả D. lẫn Thông (Thông là người đàn ông đã mê say D. và đã giúp D. vượt biên với hy vọng hai người sẽ chung sống hạnh phúc sau này.) chính thức lên đường định cư thì tôi được Minh gọi gấp lên bệnh viện trong trại để gặp D. Từ mấy tháng nay tôi vẫn sợ thế nào chuyện này rồi cũng có ngày sẽ xảy đến vì tôi biết bệnh đau tim của D. có thể tái phát bất kỳ lúc nào. Trong những đêm có trăng trong trại tỵ nạn, ngồi với nhau trên đồi sát bìa rừng, nhìn về những đỉnh núi xa tắp mờ nhạt dưới bầu trời xanh màu biển đậm thưa thớt ánh sao, đôi khi tôi có bày tỏ với D. nỗi lo lắng của tôi về bịnh tình của D. thì D.  dịu dàng khép nhẹ bờ mi, thả hồn mình chìm biệt mất hút theo nhịp thời gian đứt nối của nhịp thở môi hôn  cánh hồng ngậm sương hững hờ chờ đợi. Tôi biết trong những giờ phút đó D. rất sợ hãi, nhưng lại dùng hết năng lực chống lại sự sợ hãi tràn ngập xô đẩy, để cho tôi thấy và tự cảm thấy mình can đảm. Cũng có lần D. giả bộ giận dỗi nói ‘anh phải hứa với em là sẽ không bao giờ hỏi em câu đó nữa!’ Có phải đêm nay chuyện đó đang xảy ra không? Khi tôi lên tới khu bệnh viện, tôi ngạc nhiên vì D. đang đứng đợi tôi dưới tàng cổ thụ cách cửa chính vào bệnh viện một khoảng xa. Chúng tôi sững sờ nhìn nhau, không ai cất tiếng trước. Rồi D. đột nhiên choàng hai cánh tay trần ôm xiết tôi, kiễng chân chuyển hết sức nặng bán thân lên cơ thể tôi trong một thoáng vội vã, mệt mỏi buông thõng hai tay khi lùi ra xa một chút, hai mắt bỗng lóe lên lạnh lùng, nói: “Buổi chiều nay Thông tự tử, nhưng khi đưa vào nhà thương đã được cứu sống.” Tôi đưa mắt nhìn về con đường dẫn vào nhà thương, D. dõi theo ánh mắt tôi, thản nhiên nói “Anh không cần vào làm gì.” Tôi hỏi “Minh đâu?” D. lơ đãng nói:”Trong lúc các y tá của nhà thương cấp cứu Thông, Minh vào ngay sau khoảng mười phút  sau khi được trại báo tin, nhưng khi thấy mình không cần thiết có mặt nên cũng đã bỏ về ngay sau đó.” Trong hơn một tiếng đồng hồ bên nhau đêm đó, tôi thấy D. lạnh băng, không lộ một xúc cảm nào trước việc Thông tự tử. Khi chia tay nhau tôi nghe D. lẩm bẩm nói một mình “Chết đi cho xong.” Tôi không hiểu câu nói này D. nói về mình hay nói về Thông, nhưng dù trong trường hợp nào đi nữa, câu nói cũng làm tôi cực kỳ chấn động. Chỉ còn biết ngó sững vào màn đêm. Hết thuốc chữa. Viens. Tôi không hiểu lúc này trong tâm hồn D. là ban ngày hay là ban đêm. Là sự sống hay là cái chết. Tôi không có thể nói được gì về điều này nữa. Viens.

   Chúng tôi không gặp mặt nhau trong hơn một tuần lễ. Trong suốt khoảng thời gian này Tươi bỗng trở nên hết sức nồng nàn trong những lúc làm tình. Vả lại ngày đi của Tươi cũng gần kề. Tôi chưa biết ngày nào mình sẽ rời trại, có thể tôi sẽ sang Chomburi cách thủ đô Thái lan chừng trăm cây số làm việc với Scott hoặc đến một trại giam đào binh Việt cộng gần biên giới Thái-Cambodia làm việc trong một thời gian trước khi qua Virginia. Tôi để mặc mọi việc đưa đẩy, giữ thái độ thản nhiên. Trong những ngày này tôi thường đến ngôi chùa ven suối do một nhà sư người Anh dựng lên trong trại, đọc lại mấy cuốn tiểu thuyết của Milan Kundera (bản dịch Pháp văn do Elizabeth trước khi hết thời hạn làm việc với Hồng Thập Tự Quốc Tế trở về Thụy Sĩ đã tặng tôi) một cách lơ đãng. Tôi đã gặp Liz vào một buổi xế chiều ngay sau khi vừa thoát qua biên giới Cambodia bước vào lãnh thổ Thái và được Liz đưa vào trại tỵ nạn NW9 ngay ngày hôm sau. Hôm Liz rời Thái lan, vì không có thời giờ vào trại nên nhắn Léon, trưởng toán thiện nguyện, Liz sẽ liên lạc khi về tới Thụy Sĩ và nếu tôi vẫn còn ở lại trại. Dạo đó tình trạng pháp lý những người đến NW9 không được chính phủ Thái chấp thuận qui chế tỵ nạn nên mọi người sống trong lo âu, thất vọng. Một thời gian ngắn sau đó khi Léon cũng hết hạn làm việc và trở về Paris, tuy tôi có địa chỉ của Liz nhưng cũng không muốn liên lạc.
 
   D. và tôi gặp lại nhau một tuần trước Lễ Phật Đản năm đó. D. một mình đứng chờ tôi ở sân chùa. Sau hơn một tiếng đồng hồ họp với vị sư trụ trì, nhận lời viết một bài nói chuyện nhân dịp lễ Phật Đản. Trong câu chuyện trên đường từ chùa về lại khu nhà trại D. không hề đả động gì về Thông nên tôi cũng không tiện nhắc đến. D. hỏi tôi về chủ đề bài nói chuyện sẽ viết. Đầu óc trống rỗng quái đản tôi trả lời: về Sống và Chết. D. nói em muốn có một một bản, chữ anh viết, nếu có thể trước khi cho vị sư trụ trì đọc. Tôi nói tôi và vị sư người Anh đã đồng ý việc ai người ấy làm, vả lại hôm làm lễ ông ta có thể đi Manilla sẽ không về kịp. Buổi tối hôm đó Tươi cho tôi biết D. cả tuần nay xem chừng rất cạn kiệt, mệt mỏi, lơ đãng. Không muốn gặp mặt hay nói năng gì với Thông. Thông sợ D. sẽ giận dữ tàn nhẫn với mình nên bỏ sang ở với mấy người bạn trước đây cùng đơn vị trực thăng hiện đang ở khu 6. Gia đình người ở chung nhà với D. tuy không tỏ ra thân thiết tận tình nhưng cũng để tâm chăm sóc tình trạng D. khi cần. Minh và Kim dạo đó bận rộn với công việc hoàn tất thủ tục định cư cho những thuyền nhân sẽ đi Đức, và phải lo việc đưa hai con về lại Đức cho kịp ngày khai trường, thường có mặt ở  Manilla hơn ở trong trại nên cũng ít có dịp gặp tôi và D. Tươi nói với tôi là D. có ý định sẽ không đi Đức mà sẽ ở lại trại chờ thân nhân ở Mỹ bảo lãnh. Nghe vậy tôi giữ im lặng, vì thực sự tôi không biết nói gì với Tươi. Đêm hôm đó Tươi muốn tôi sang ngủ bên căn nhà Tươi ở với mấy người bạn cùng thuyền vượt biên nhưng tối nay các bạn Tươi được thân nhân ở Mỹ sang đón lên Manilla chơi và ở lại hôm sau mới về trại lại. Chúng tôi làm tình khi ngoài trời đột nhiên ào ạt mưa núi. Tuy Tươi vẫn nồng nàn nhưng tôi không tìm thấy khoái lạc. Sau khi để tôi hôn nhẹ lên cổ lên môi, Tươi quay lưng úp mặt xuống gối chập sau ngủ thiếp. Tôi nằm trơ mắt nhìn bóng đêm. Thỉnh thoảng quay nhìn bờ vai Tươi tôi biết Tươi đã cố ngăn những tiếng nức nở. Tôi bất động, tê liệt, câm nín. Nửa đêm thức giấc, tôi bỗng thấy cơn ham muốn thân thể Tươi bùng lên mãnh liệt. Nhưng tôi đã không ôm xiết thân thể Tươi, hôn đôi môi hé mở trong giấc ngủ dịu dàng để đánh thức Tươi dậy. Buổi sáng hôm sau, thức giấc sớm, một mình tản bộ trên con đường ven thung lũng vòng quanh sau lưng khu trại, tôi thấy buổi sáng hôm đó thật tuyệt vời.

   Một tuần lễ sau ngày Phật Đản, D. nhờ người con gái của hai vợ chồng ở chung nhà đem sang cho tôi một bức thư ngắn. Cô bé này rất mê mái tóc và đôi mắt D. khi đưa lá thư của D có nói:”Đêm qua cô ấy mệt nhiều, mãi khuya không chợp mắt được, nhân tiện cháu còn thức, cô gọi vào nhờ cháu viết thư cho chú vì cô ấy không ngồi dậy nổi. Nhưng khi vừa đọc cho cháu viết được không đầy một hàng chữ, cô ấy choàng ngồi dậy đòi cháu đưa bút tự tay viết cho chú va bảo cháu tìm chú đưa ngay sáng nay. Rõ khổ.” Tôi nhét tờ thư vào   giữa lòng cuốn sách đang đọc, cám ơn cô gái, sang ngồi ăn sáng với Tươi vì có thể chiều nay hoặc sáng mai Tươi sẽ rời trại đi dịnh cư.  Tươi nói trước khi đi sẽ sang chuyện trò với D. Tươi cũng nhắc lời D. bảo tôi phải lo cho Tươi khi hai người sang Virginia, dù chưa ổn định cũng nên lo một cuộc sống chung cho xong. Tôi hỏi Tươi nghĩ sao về lời D., Tươi nói cái đó còn tùy. Gia đình Tươi Thiên Chúa Giáo thuần thành, mẹ Tươi qua đời ba tháng sau ngày 30 tháng Tư, cha Tươi vượt biên cùng bốn người em của Tươi từ năm 1978, nhưng hiện gia đình Tươi đang có chuyện khó xử. Buổi tối tôi mở thư của D. đọc mấy giòng  D. cố gắng viết vội “Anh có nói với em chúng mình đang sống trong một thời đại cạn kiệt, phá sản. Chắc em sẽ chết. Còn anh, xin anh đừng cạn kiệt. Tình yêu có làm thời gian cạn kiệt không nhỉ? Em không nghĩ cái chết có thể hủy hoại tình yêu. Em sẽ gặp anh kiếp sau. Viens.”

   Buổi sáng hôm Tươi rời trại, D. và tôi cùng tiễn đưa Tươi. D. và Tươi quấn quít thân thiết cảm động. Hai người cùng nhau dạo bước một quãng ngắn không xa đoàn xe đến đón những người hôm nay rời trại. Nét mặt D. bình thản lạ thường, ngó qua không ai nghĩ D. ốm liệt cả tuần trước đó. Khi hai người quay trở lại chỗ tôi đang đứng với mấy người học trò cũ sẽ đi cùng chuyến với Tươiõ, ánh mắt D. thoáng nét tinh nghịch khi nói với Tươi “Anh ấy ở lại một mình không mấy chốc sẽ phá sản!” khiến Tươi hiểu lầm là tôi cần tiền tiêu nên trước khi lên xe đã vội vàng nhét vào túi áo tôi một cái phong bì nhưng tôi đã trả lại Tươi ngay khi xe vừa chuyển bánh, nói nhanh với Tươi “Cám ơn em, anh không cần.” Khi Tươi đi rồi, nghĩ lại tôi thấy mình đã quá vội vàng. Biết đâu cái phong bì Tươi đưa cho tôi không phải là phong bì tiền mà là một lá thư Tươi viết cho tôi thì sao?  Nhưng khi gặp nhau lại ở Virginia,  và chỉ hai ngày trước khi tôi rời Virginia để sang California theo lời khuyên của những người bạn thân bảo tôi nên sang đây vì bên này có nhiều cơ hội, và sau khi đã làm tình với Tươi tôi chợt nhớ vụ cái phong bì và nêu điều tôi thắc mắc bấy lâu, câu trả lời của Tươi đã làm tôi hết áy náy. Nhưng liệu có đúng là Tươi đã nói thật không? Tôi không thể biết được. Tôi cũng có kể cho Tươi nghe buổi D. rời trại đi Đức. Tươi trầm ngâm giây lâu rồi hỏi tôi “Có phải D. muốn anh làm cho D. chết đi thêm một lần nữa không?”

   Một tuần lễ trước ngày lên đường sắc diện D. bỗng  khỏe khoắn lạ thường. Đấy là điều tôi không thể nào hiểu được. Tuy giữ thái độ bình thản khi gặp tôi sau ngày Tươi đi rồi, nhưng tôi đọc được trong ánh mắt D. là D. đang trầm mình cố gắng không rơi vào hoàn cảnh gần gụi tôi. Điều này đã một lần xảy ra hồi D. nằm trong bệnh viện ở Saigon trong khi thành phố này hấp hối, khi hỏi tôi đã quyết định chuyện ra đi hay ở lại chưa, và khi thấy tôi im lặng D. đã nói “Viens!” Khi nghe D. nói vậy tôi bỗng thấy D. xinh đẹp lạ thường và tôi cúi xuống cho D. quàng tay ôm cổ tôi, đôi môi bông hồng ngậm sương hé mở chờ đợi. Nhưng sau khi rút hai cánh về đặt trên mặt nệm trắng, D. bỗng trở thành xa vắng, trốn chạy, bất lực, cùng đường. Nhưng tôi biết không bao giờ D. chịu đầu hàng. Điều này thì tôi có thể tin mình nghĩ đúng, vì tôi đã cùng D. sống qua những lần thử thách đó. Cũng như D. đã không đầu hàng sự chết, dù cho cơ thể D. đã cạn tuyệt, chờ đợi phút giây được đầu hàng. Có lẽ đây là điểm chung định mệnh của tôi và D. Mười lăm năm trước đây, D. ở tuổi đôi mươi và tôi ba mươi tràn đầy sức sống, khi  quấn chặt lấy nhau, D. đã không để tôi đầu hàng. D. muốn cùng tôi đi đến tận cùng, đến cuối đường, cùng nhau tung mình tới đặt chân tới chỗ đó. Một cõi ngoài không tên, nơi sự chết ngừng lại, Nhưng nơi ấy không phải là chốn bất tử. Nơi ấy đời sống vẫn vươn lên, xô đẩy bóng tối, xô đẩy sự hủy diệt, vượt qua mọi giới hạn. D. bảo tôi: “ Hãy đẩy hết sức mạnh của phút giây này, cong vút bắn về hướng đó, cho đến khi tới nơi rồi, sau một thoáng phút giây bùng vỡ, tất cả sẽ biến đi, biến đi cùng với ngày tháng.”

   Nhưng điều bất hạnh chút nữa đã xảy ra. Buổi sáng trước giờ lên đường D. lên cơn đau tim kịch liệt. Thông kinh hoảng đi tìm tôi. D. để tôi dìu lên xe. Tôi nói thầm bên tai D. trong lúc cặp mắt D. mỏi mệt khép lại “Anh sẽ đợi em ở chỗ đó, như ngày nào anh và em đã cố gắng đi đến cuối đường.” Khi xe chở D. chuyển bánh, tôi thấy D. dướn người quay nhìn tôi, vẫy tay mỉm cười. Nụ cười đóa hồng ngậm sương.
   
15/11/ 03

ĐÀO TRUNG ĐẠO

Cựu giáo sư trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam và Đại Học Đà Lạt. Thơ, đoản văn (bút hiệu Thạch Trân) đăng trên Sáng Tạo 1957-1958. Tiểu luận, truyện dịch, phê bình văn học, lý thuyết phê bình văn học, thơ, đăng trên Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21. Tác phẩm sẽ xuất bản: Văn Chương Di Dân (2004). Cõi Ngoài (truyện kể) và Mặt Phẳng Độ Không (Lý Thuyết Phê Bình Văn Học)