J.M. Coetzee: Kẻ Ngoại Cuộc

 

Đào Trung Đạo

Ngày 7 tháng 10, 2003 Hàn Lâm Viện Thụy Điển chính thức tuyên bố trao tặng giải Nobel Văn Chương 2003 cho nhà văn Nam Phi John Maxwell Coetzee. Theo thiên kiến của giới truyền thông Mỹ, các ông hàn Thụy Điển có khuynh hướng chủ-Âu (Eurocentric) trong việc trao giải văn chương, nhưng trong khoảng mười năm gần đây kết quả giải thưởng này phần nào đã chứng minh các ông hàn đã nhìn văn chương ngày nay là văn chương toàn cầu, biên giới quốc gia đang bị chính văn chương xóa mờ đi. Trước J.M. Coetzee,  giải thưởng này cũng đã từng  được trao tặng cho một nhà văn nữ thuộc Nam Phi Nadine Gordimer năm 1991. Trong bản tuyên bố trao tặng giải thưởng Hàn Lâm Viện Thụy Điển đánh giá “Những tiểu tuyết của J.M. Coetzee có đặc tính là đã được kết cấu rất chặt chẽ, đối thoại tinh kết (pregnant dialogue) và óc phân tích chói sáng. Nhưng đồng thời ông cũng là một kẻ nghi hoặc đầy cẩn trọng, không nương tay khi phê bình chủ nghĩa duy lý tàn bạo và cái đạo đức  chỉ có vỏ ngoài tốt đẹp của nền văn minh tây phương.”

            J.M. Coetzee sinh ngày 9 tháng 2, 1940 ở Cape Town, Nam Phi. Tốt nghiệp cử nhân Toán và Anh văn tại Đại Hoc Cape Town, tự nghiên cứu thêm về ngữ học cấu trúc trong khi đi làm việc trong ngành điện toán. Sang Texas làm phụ giảng tại UT Austin trong khi theo học chương trình Cao học tại trường này, trình luận án tiến sĩ văn chương năm 1969. Trở về Nam Phi dạy Đại Học Cape Town hơn 10 năm, đến 1984 được Đại Học Texas bổ nhiệm chức giáo sư Văn chương Tổng quát. Qua năm 2002 J.M. Coetzee rời Texas sang dạy tại Đại Học Adelaide bên Úc. Hai lần được trao tặng giải Booker Prize, lần đầu năm 1983 cho tiểu thuyết ‘Life and Times of Michael K’ và lần thứ nhì năm 1999 cho quyển ‘Disgrace’, nhưng cả hai lần ông đều vắng mặt trong buổi lễ phát giải thưởng. Tác giả của 9 tiểu thuyết, 2 tự truyện và 6 cuốn biên khảo, J.M. Coetzee được coi là một trong những nhà văn viết tiếng Anh đáng chú ý của Nam Phi từ trước khi được trao tặng giải Nobel Văn Chương 2003. Tuy là một nhà văn luôn lánh xa đám đông và các cơ quan truyền thông nhưng tác phẩm của ông thường gây ra nhiều sự chú ý và tranh cãi. Báo chí bảo thủ ở Anh Quốc không mấy có cảm tình với J.M. Coetzee, và tuy là một nhà văn chống chủ nghĩa apartheid, được giới văn nghệ trí thức Nam Phi ngưỡng mộ nhưng khi tiểu thuyết ‘Disgrace” (Thất Sủng) ra đời năm 1999 thì giới này lại phẫn nộ đối với cái nhìn của ông về người Nam Phi sau khi đã thoát ra khỏi được sự khống chế kỳ thị của người da trắng.

Về văn chương, J.M. Coetzee chịu ảnh hưởng của Kafka, Dostoiewsky, và Beckett.

Tuy lịch sử đã sang trang, nhân loại bước vào thiên niên kỷ mới nhưng những tồn tại xấu xa của những thế kỷ trước không phải đã được loại bỏ. Chẳng hạn việc nhà nước sử dụng bạo lực để hành hạ, tra tấn, đàn áp những công dân hoặc không đứng về phía quyền lực, bất đồng chính kiến, hoặc có thái độ hay tư tưởng chống đối. Một nhận xét rất phổ quát: Tại bất kỳ một xứ sở nào khi bạo lực lên nắm quyền hành việc đầu tiên cấp thiết nhất là kiếm đất để xây nghĩa trang, nhà tù, và ban hành luật cấm chụp hình, quay phim tài liệu, hay viết phóng sự về những “cấm địa” này. Chính vì hiện tượng rất phổ quát này mà trong hơn nửa thế kỷ nay “căn phòng tối” nơi giam giữ và tra tấn con người có sức thu hút mãnh liệt trí tưởng tượng của nhà văn: mảng văn chương tù ngục, văn chương gulag, văn chương tù đày tra tấn chiếm một khoảng khá lớn trong toàn bộ văn chương thế kỷ 20. Nhìn lại mảng văn chương này chúng ta thấy một vùng tối thẳm của tâm hồn con người, càng đọc nhiều càng cảm thấy chất tiêu cực của loại văn chương đó, và tuy nhiều sự thực vô nhân tính đã được phơi bày nhưng các nhà nước độc tài, cai trị bằng bạo lực giáo điều vẫn tiếp tục xây thêm những căn phòng tối, con người vẫn bị tiếp tục tra tấn dưới hình thức sự tra tấn không có kẻ tra tấn (torture without torturer) qua guồng máy trấn áp vô hình của nhà nước. Ta không thể nói ngôn từ nhà văn khi đứng trước cánh cửa căn phòng tối đã bất lực.

Nhưng thực tại con người bị hành hạ vẫn tiếp diễn, và còn diễn ra một cách tinh vi hơn trước, điều này buộc một kẻ có tâm thức là nhà văn phải đặt lại vấn đề: nếu như quả thực văn chương không có chức năng thay đổi thực tại đồng thời nhà văn cũng không thể nhắm mắt hay quay lưng bỏ mặc những gì diễn ra đằng sau cánh cửa căn phòng tối mà hắn bị cấm không được bước vào, vậy hắn, với tư cách nhà văn (kẻ muôn thuở không đồng lõa với quyền lực) có thể làm được gì? Một là hắn muốn sống trung thực với trí tuệ và tâm thức, bẻ bút không còn là nhà văn nữa, hai là những tiếng la thét đau đớn, những vết thương không kịp lành, những cái chết tủi hờn trong bóng tối của kẻ bị hành hạ đã trở thành một ám ảnh khôn nguôi trên tâm hồn hắn, hắn phải viết gì?   Không hiện thực, không lãng mạn trong sự mô tả sự đớn đau của kẻ bị hành ha, không bị mắc bẫy cuộc chơi trốn tìm của bộ máy nhà nước điều khiển các cơ quan mật vụ, J.M. Coetzee xác định chỗ đứng hiện tại của mình để bày tỏ một thái độ: nếu quả thực thế giới này con người sau khi là kẻ bị hành hạ đã dửng dưng hay lại trở thành kẻ đi hành hạ người khác hoặc con người đã miễn nhiễm trước cảnh tha nhân bị hành hạ thì điều đó có nghĩa là thế giới này đã trở thành vô nhân tính, dù cho có một cuộc cách mạng xảy ra thì  cách mạng không những không chấm dứt sự tàn bạo và sự đau khổ mà còn gia tăng sự tàn bạo và đau khổ lên thêm một mức như kinh nghiệm lịch sử thế kỷ này cho thấy.  Chỉ còn một con đường thoát duy nhất: chính con người, trước hết là nhà văn phải có một phán đoán đạo đức (moral judgment), phán đoán này cất tiếng kêu gọi nhân loại nỗ lực đưa thế giới ra khỏi tình trạng vô nhân tính. Và chỉ khi đó, khi mà thế giới không còn là một thế giới vô nhân tính thì tiểu thuyết trong việc mô tả toàn thể cuộc đời mới có thể dành cho “căn phòng tra tấn” một chỗ đứng.

Câu hỏi về cái gì xảy ra đằng sau cánh cửa khép kín chính là khởi điểm văn chương của J.M. Coetzee. Trường hợp tương tự cũng đã xảy ra với William Faulkner: “Chính bởi vì (hắn) đứng bên ngoài cánh cửa tăm tối, tuy muốn bước vào trong căn phòng tối nhưng không thể được, và vì hắn là một người viết tiểu thuyết, hắn phải tưởng tượng ra cái gì đã xảy ra đằng sau cánh cửa đó. Thực vậy, chính cái sức căng hướng về cái cánh cửa mà hắn không thể bước qua đó đã khiến cho cái căn phòng này ấy trở thành nguồn cội của tất cả những gì hắn tưởng tượng ra – cõi cưu mang của nghệ thuật.” (John T. Irwin, Doubling and Incest/Repetition and Revenge: A Speculative Reading of Faulkner.)

Nhưng J.M. Coetzee khác với những nhà văn viết về sự hành hạ con người đằng sau cánh cửa căn phòng tối ở chỗ ông chỉ nhìn cái căn phòng tối đó như một hoán/phúng dụ (allegory): đó là một cánh cửa khép kín có mặt cùng khắp trên mọi nơi khi có sự chia cách giữa con người với con người: cánh cửa trại, cánh cửa các trung tâm, cánh cửa các khu lao động, cánh cửa màu da, cánh cửa chủng tộc, cánh cửa ngôn ngữ, và cánh cửa tâm hồn... Nếu Salman Rushdie là một nhà văn băng ngang tất cả mọi biên giới, nhà văn “ở giữa hai bên”,  thì J.M. Coetzee là một nhà văn đứng bên ngoài tất cả  mọi cánh cửa, mọi ngăn cách: một kẻ ngoại cuộc.

*

Ba vấn đề chính một nhà văn khi viết tiểu thuyết phải giải quyết là: viết trong môi trường văn hoá, xã hội, chính trị, kinh tế nào, sử dụng kỹ thuật, ngôn ngữ văn chương ra sao, và thái độ tinh thần của mình đối với thời đại mình sống như thế nào? Văn chương, nhất là tiểu thuyết, là ngôn từ bày tỏ kinh nghiệm lịch sử của cá nhân trong những nghịch cảnh: lộ trình và hành động của nhân vật tiểu thuyết dẫn đến những số phận khôn lường ở một cuối đường mất hút trong mê cung đời sống xô đẩy, tung cao rồi nhận chìm, xóa bỏ con người. Tiểu thuyết là trò chơi mê hoặc tạo ra/xóa bỏ nhân vật. Nhân vật tiểu thuyết chỉ có thực trong quyển sách, giống như Thượng đế và Vùng đất hứa hay một quê hương tìm đến của những tín đồ Do thái giáo chỉ có trong lời, trong quyển sách. Đọc tiểu thuyết của J.M. Coetzee chúng ta thấy nhà văn này đã tiếp cận những vấn đề nêu trên một cách rất thông minh, coi trọng sự trung thực trí thức (probité intellectuelle) là điều kiện không thể thiếu của nhà văn, và luôn luôn giữ quan điểm phê phán triệt để, dù sự phê phán có là chủ quan hay khách quan nhưng không thể không phê phán.

Tiểu thuyết củaJ.M. Coetzee viết về những hoàn cảnh trong đó ta không còn có thể biết thế nào là phải, thế nào là trái; và nếu như có chọn lấy một thái độ rõ rệt thì thái độ này cũng chẳng đưa đến một kết thúc nào. Bối cảnh chính trong phần lớn những quyển tiểu thuyết được ca ngợi của Coetzee là những vùng đất Nam Phi, nơi con người và con người, con người và lịch sử đối đầu để xóa bỏ nhau. Là nhà văn, J.M. Coetzee không để mình vướng trong hoàn cảnh này: Nhu trên đã nói, ông luôn luôn là một kẻ ngoại cuộc. Để đuợc khách quan hơn?  Chưa chắc. Để không phải quyết định nên hành động ra sao? Điều này phần nào đúng vì các nhân vật của ông luôn luôn tự đứng đằng sau lưng chính mình, bất động, mất hẳn khả năng dự phần vào chính hành động của mình. Chính việc biến mình thành thụ động, cách thế hiện hữu cuối cùng để thoát ra khỏi sự áp che,á theo ông là đốm sáng thánh thiện cuối cùng của con người.

Thái độ ngoại cuộc của J.M. Coetzee được thể hiện rõ nhất trong việc xây dựng nhân vật Michael K trong cuốn tiểu thuyết ’Life & Times of Michael K’ –viết tắt LTMK- (nên chú ý: đằng sau chữ K không có dấu chấm, nghĩa là đó không phải là một cái tên viết tắt như nhân vật Josept K. trong tiểu thuyết của Kafka): Cuộc đời của K là cuộc đời của một kẻ đứng bên lề, thời đại của K là thời chiến tranh giữa những người cầm quyền da trắng và quân du kích đấu tranh lật đổ chính quyền độc tài apartheid.  Micheal K là một người Phi châu vô danh tiểu tốt nào đó, mang khuyết tật bẩm sinh cả về thể xác lẫn tinh thần, có một đời sống như cây cỏ. Khi người mẹ độc nhất của K mang trọng bệnh và ngỏ ý muốn trở về sống nốt những ngày còn lại ở một vùng quê xa nơi bà sống suốt thời thanh xuân. K muốn bà mẹ toại nguyện nhưng khốn nỗi nay bà không còn di chuyển được và hơn nữa muốn đi từ vùng này sang vùng kia K phải xin được tấm giấy phép di chuyển. Dù đã cố gắng và hết sức kiên nhẫn nhưng tấm giấy phép này chẳng bao giờ đến tay mẹ con K. Vì vậy K đánh liều tự đóng một cái xe kéo, chính anh làm phu xe để đưa mẹ về quê cũ. Lần khởi hành thứ nhất thất bại vì K kéo xe trên trục lộ giao thông chính nên bị quân đội và cảnh sát đuổi về. Lần thứ hai K không theo trục lộ chính mà kéo xe quanh co xuyên những con đường nhỏ, hai mẹ con ăn bờ ngủ bụi, bị cướp bóc. Đi chưa được nửa đường thì mẹ của K ngã bệnh, khi đưa vào nhà thương dù bà đang hấp hối nhưng vì nhà thương không đủ chỗ cho số bệnh nhân quá đông nên mẹ K đành nằm chờ chết. Cuối cùng bà cũng được vào nằm chữa bệnh và K chỉ còn biết quanh quẩn vào ra khu nhà thương để trông chừng thương trao cho anh gói tro hài cốt của mẹ anh và chi61c va ly của bà. Tuy mẹ đã chết nhưng K không biết mình sẽ đi về bà mẹ nay đã kiệt lực, hôn mê. Không đầy một ngày sau đó khi K trở lại tìm mẹ thì được nhân viên trong nhà dâu nên anh sổng lẩn khuất lang thang quẩn ngủ đường ngủ chợ quanh vùng phụ cận khu nhà thương, bất chấp lệnh giới nghiêm của thành phố. Một buổi sáng nọ tình cờ có một ông lão đánh xe ngựa nhìn thấy K và cho anh quá giang một đoạn đường. Bước đường tìm về một chốn quê mẹ của Micheal K cũng là tuyến đường đời của một kẻ luôn muốn tránh xa con người tránh xa cuộc đời nhưng không thể nên phải trải qua những cửa ải phù đồ: K hết bị ném vào trại này lại đến trung tâm kia nhưng vẫn một lòng trốn chạy để được xa lánh. Có điều trước những khổ nạn phải gánh chịu trong lòng K không chút oán thù, phẫn hận mà ngược lại vẫn thản nhiên tự tại.

Trại cuối cùng K, vào giai đoạn này chỉ còn là một bộ xương bọc da, bị đưa vào là một trại tù và chính ở nơi đây Micheal gặp được một người thực sự là “bạn”: vị y sĩ của trại tù, một người không những hết lòng bảo vệ, cứu chữa mà còn cố sức tìm hiểu Michael. Thời gian ở đây K gần như bất hợp tác với mọi người, không ăn không nói, chỉ nằm trơ trơ khiến vị y sĩ có lòng lo lắng cho anh nhiều khi gần như mất hết kiên nhẫn. Được gặng hỏi hãy kể lại truyện đời mình đôi khi Micheal K cũng có nói đôi câu, nhưng đó chỉ là những câu nói không đầu đuôi khó hiểu, và dường như khi nói K có vẻ như nói để cho chính mình nghe. Một lần kia trong lúc cố thúc dục K nói, vị y sĩ buột miệng:”Nói đi chứ K, chúng ta không còn ngày dài tháng rộng đâu, đang có chiến tranh diễn ra mà!” Nghe vậy Micheal K trả lời:” Tôi có ở trong cuộc chiến này đâu.” (trang 138). Trong suy nghĩ của người y sĩ trẻ này thì K “không thuộc về thế giới chúng ta. Hắn ở trong một thế giới của riêng mình hắn.” (trang  142).  Cuối cùng rồi Micheal K cũng trốn khỏi trại để lại mò mẫm trở về chốn cũ, cái thành phố anh đã ra chào đời, đã trưởng thành ttrước khi lao mình vào cuộc phiêu lưu đi tìm một chốn quê mẹ: điểm đến của K cũng là điểm khởi hành. Một chi tiết nếu người đọc không tinh ý rất dễ bỏ qua: Trong phần II của LTMK ở nhiều chỗ Micheal bị gọi là Micheals (có thêm s, chỉ số nhiều). Theo thiển ý chúng tôi, ngụ ý của Coetzee  khi thêm s vào tên của Micheal K có lẽ ý nói trên đời này có vô số người như Micheal K, và K không có chấm sau chữ viết tắt cũng có thể đọc gần giống chữ C, rất gần với tên tác giả Coetzee!

Ở cuốn tiểu thuyết thứ nhất “Dusklands” J.M. Coetzee đã cho thấy cái khả năng đồng cảm với tha nhân của một người viết tiểu thuyết ẩn núp dưới làn da của kẻ xa lạ để cảm nhận, để nghe ngóng. Chủ đề quyển này nhằm trình bày lòng ganh ghét con người dưới hai hình dạng khác nhau: loại thứ nhất là lòng ganh ghét có tính chất trí thức và hoang tưởng tự cao tự đại, loại thứ hai là lòng ganh ghét có tính cách sống còn và dã man. Quyển này cũng như hai tiểu thuyết ông cho ra đời sau đó  (In the Heart of the Country, Wating for the Barbarians)  tuy không tệ về mặt kết cấu, kỹ thuật viết tiểu thuyết cũng như về văn cách không được coi là độc đáo. Phải chờ tới khi “Life & Times of Micheal K” J.M. Coetzee mới thực sự chứng tỏ có khả năng văn chương để viết những tác phẩm văn chương lớn. Sau quyển này J.M. Coetzee tiến gần đến lối viết tiểu thuyết hậu-hiện-đại hơn với “FOE”, là lời kể của một nhân vật nữ về cuộc sống trên hoang đảo của Robinson Crusoe. Foe là ba chữ cuối của Daniel Defoe, người khai sinh nhân vật Robinson Crusoe. Tuy ngưỡng mộ Dasniel Defoe nhưng J.M. Coetzee cũng nhận ra những giời hạn, những thiếu sót của nhà văn này về nghệ thuật viết tiểu thuyết (Xem Stranger Shores/Literary Essays 1986-1999, chapter 2 “Daniel Defoe, Robinson Crusoe, p.17).

Sau “Foe” J.M. Coetzee quay trở lại chủ đề tình trạng xã hội, văn hóa của Nam Phi trong giai đoạn cuối của chủ nghĩa apartheid. Ông cho rằng Nam Phi đang mắc chứng “ung thư” giống như nhân vật Bà Curren trong “Age of Iron.” Những năm cuối của chủ nghĩa apartheid sự dã man bạo tàn trong đàn áp giết chóc lên đến cực điểm, đó là một thời sắt thép. Bà Curren, một vị giáo sư văn chương cổ điển ở CapeTown bị ung thư đang nằm chờ chết. Bà chỉ có một người con gái duy nhất nhưng cô ta vì kinh tởm chủ nghĩa apartheid nên bỏ sang định cư ở Mỹ. Sống cô độc tuyệt vọng trong những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, bà bỗng động lòng trắc ẩn khi có một người đàn ông vô gia cư nghiện ngập bỗng xuất hiện trước cửa nhà bà và bà cho người này vào tạm trú trong nhà mình. Cũng trong thời gian này đứa con trai của người quản gia của bà tên Bheki có liên hệ với quân nổi loạn bỗng nhiên biệt tích. Trong khi bà Curren giúp đỡ người quản gia đi tìm con, bà được chứng kiến cảnh cả một thành phố của người Phi châu da đen bị thiêu trụi và cũng tìm thấy thi thể của Bheki đầy vết đạn. Một thời gian sau, một đứa bạn của Bheki xin tá túc trốn tránh trong nhà bà bị bọn mật vụ của chính quyền da trắng giết chết. Trong phẫn nộ và tuyệt vọng, bà Curren vẫn phải đối diện với mọi biến cố lịch sử của “thời đại thép” bên cạnh một kẻ đồng hành duy nhất là người đàn ông vô gia cư nghiện ngập, kẻ đã tư nguyện sẽ gửi đi lá thư cuối cùng bà Curren viết cho người con gái trước khi vĩnh biệt cuộc đời.

Trước khi “Disgrace” ra đời (tác phẩm thứ nhì của J.M. Coetzee được trao giải Booker Prize có tầm vóc ngang với LTMK, là hai tiểu thuyết đặc sắc nhất của ông) J.M. Coetzee, vốn rất ngưỡng mộ Dostoiewsky, thử xô đẩy, thay đổi cái khung của tiểu thuyết bằng cách pha trộn giữa văn tiểu sử với văn tiểu thuyết, dùng một phần tiểu sử của Dostoiewsky và thế giới tiểu thuyết của bậc thày tiểu thuyết này để viết “The Master of Petersburg”, pha trộn lý thuyết tin có ma quỉ vào quan niệm về cái ác để mô tả hành vi khủng bố.

Ngày nay với phương tiện truyền thông (TV, báo chí, internet) nhanh chóng và toàn cầu, người viết tiểu thuyết không thể không đặt ra câu hỏi: phải chăng ngôn ngữ truyền thông đã hoàn toàn ngự trị, đè bẹp ngôn ngữ tiểu thuyết trong sự mô tả những biến cố lịch sử quan trọng?  Câu hỏi này đã có lần được đặt ra sau thế chiến II với sự xụp đổ của Đức-quốc-xã khi những nhà văn, thi sĩ Đức cảm thấy ngôn ngữ của họ đã bị chủ nghĩa quốc xã nghiền nát, và từ sự đổ nát đó phong trào “văn chương gạch vụn” đã nỗ lực tái thiết nền văn chương Đức. Tương tự, ta cũng có thể thấy chủ nghĩa cọng sản với giáo điều hiện thực chủ nghĩa, cưỡng bức văn chương phục vụ ý thức hệ chính trị, trong gần nửa thế kỷ cuối 20 đã biến ngôn ngữ văn chương thành những điệp khúc vô nghĩa của loài vẹt, liệu ta có hy vọng nhìn thấy ở những xứ thoát ra khỏi chủ nghĩa cọng sản một dấu hiệu hồi sinh của ngôn ngữ văn chương?

Nếu chúng ta còn có thể nghi ngờ sự khả tín của truyền thông trong việc tường thuật những biến cố lịch sử quan trọng của nhân loại tức là chúng ta còn đặt niềm hy vọng vào sự soi sáng chân lý lịch sử của ngôn ngữ tiểu thuyết. Có lẽ “Disgrace” (Thất Sủng) của J.M. Coetzee nên được xét/đọc trên cái nền đó. Biến cố quan trọng ở đây là những ngày cuối cùng dẫy chết của chủ nghĩa Apartheid (một hình thức cực kỳ tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc)  ở Nam Phi. Nhưng khi apartheid đã được thanh toán, cái gì đã xảy ra? Truyền thông đã quay ống kính về một điểm khác sôi động hơn trên mặt quả địa cầu, những biến cố hậu-apartheid đã bị bỏ quên. J.M. Coetzee viết “Thất Sủng” để lấp vào cái chỗ bị bỏ quên đó.

David Lurie, giáo sư văn chương da trắng Đại học Cape Town Nam Phi, ngoại ngũ tuần, ly dị, giải quyết vấn đề tình dục bản thân rất ổn thỏa bằng cách mỗi chiều thứ năm đến gõ cửa căn phòng số 113 ở Windsor Mansions để gặp Soroya, một phụ nữ “nhảy dù” kiếm sống. Nhưng không biết vì ma đưa lối quỉ dẫn đường hay không, một ngày đẹp trời nọ David rơi vào tình trạng “thất sủng”, mất ghế dạy học vì là kẻ chủ động trong một vụ tình ái gây xôn xao dư luận với một nữ sinh viên tên Mélanie Isaacs mới ngoài đôi mươi. Trong những lần làm tình với Mélanie, David không cảm thấy một chút lạc thú. Trên mặt luật pháp thì David không có tội vì có sự đồng thuận của Mélanie, nhưng hội đồng kỷ luật của nhà trường muốn dàn xếp mọi chuyện bằng cách đề nghị David viết bản thú tội (confession). David nhận tất cả trách nhiệm về việc làm của mình nhưng từ chối thú tội. Vì theo lời David, phút gặp mặt Mélanie, Thần Tình Ái đã nhập vào mình, biến David “thành một người khác , trở thành kẻ tôi tớ cho Thần Tình Ái.” (Disgrace, 52). David cũng không chịu ăn năn vì “Ăn năn thuộc về một thế giới khác, thuộc về một cõi ngôn từ khác.” (Disgrace,58). Mất việc, David sau lần gặp mặt lại với vợ cũ là Rosalind để nghe thêm những lời xỉ vả, quyết định đến tạm trú trong một trang trại nhỏ của Lucy, con gái của David và Rosalind, hy vọng sẽ có cơ hội viết xong một vở nhạc kịch về Byron từ lâu thai nghén trong đầu.

Nhân dịp này David hy vọng hai cha con có cơ hội tìm hiểu nhau hơn, nhưng sự thực cha con càng đối diện, chuyện trò với nhau bao nhiêu thì sự cách xa, đối nghịch lại càng tăng hơn. Lucy vốn là một cô gái đồng tình luyến ái, rất thông minh, tư tưởng và hành động độc lập. Rút ra bài học về những cuộc tình đã qua David nói với Lucy:” Mỗi phụ nữ bố có dịp gần gũi đã dạy cho bố một điều gì đó về bản thân. Trong một chừng mực nào  đó họ đã biến bố thành một người khá hơn.” Lucy đáp lời bố: “Con mong bố không cho rằng vế ngược lại cũng đúng. Rằng việc được biết rõ bố đã khiến những phụ nữ đó trở thành những người khá hơn.”

Lối viết đối thoại của J.M. Coetzee rất tuyệt với, vừa thông minh, dí dỏm nhưng cay đắng, và mang trong từng lời rất nhiều ý nghĩa, một thứ “đối thoại amng bầu”. Tai họa xảy đến: một bữa nọ hai cha con bị ba kẻ lạ gồm hai người đàn ông và một thiếu niên (tất cả đều là người Phi châu) lạ mặt tìm đến trang trại hành hung, hiếp Lucy, đánh David u đầu xứt tai, cướp đi một số hiện vật trong nhà, bắn chết lũ chó Lucy nuôi để canh chừng trang trại, trèo lên chiếc Toyota của David lái đi mất tăm. Sau vụ tấn công này, David bị chấn động và nhìn về thế giới, cuộc đời bi quan hơn: “ Có một cái gì đó là điều nguy hiểm:  một cái xe hơi, một đôi giày, một bao thuốc la.  Không đủ để chia khắp lượt, không  có đủ xe hơi, giày, thuốc lá.  Có quá nhiều người nhưng lại có quá ít đồ vật. Cái gì có phải đi hết vòng luân lưu để cho mỗi người đều có thể có cơ hội được hạnh phúc trong một ngày. …...Đó, người ta phải nhìn cuộc sống ở xứ này, trên đại thể,  là như thế đó. Bằng không thì sẽ nổi điên lên mất. Xe hơi, giày, cả đàn bà nữa.  Hẳn phải có một nơi chốn an ninh nào trong guồng máy cho phụ nữ và những gì xảy đến cho họ chứ.” (Disgrace, 98).

Theo David, cả hai cha con đều hiện đang là những kẻ sống ttrong sự thất sủng. Để tiêu khiển, trong lúc suy nghĩ về vở nhạc kịch bấy lâu chưa thành hình, David đến làm việc thiện nguyện với Bev. Shaw ỏ Nhà Thương Chó của hai vô chồng nhà Shaws, không phải giúp Bev chữa bệnh cho chó mà công việc chính là phụ Bev giết những con chó không được ai nhận đem về nuôi.  David nhận lãnh việc hàng tuần đem những bao xác chó đến lò hỏa thiêu thay cho Bev. Một chuyện chính David cũng không ngờ lại có thể xảy ra: Bev và David làm tình với nhau dưới sàn căn phòng trị bệnh cho chó theo ý muốn của Bev. David không thể chấp nhận được việc Lucy có thể mang thai sau khi bị hiếp, nhưng ngược lại Lucy lại sẵn sàng chấp nhận việc bị cưỡng hiếp như một sự trả thù thiết yếu của lịch sử trong hành vi giải quyết bạo động trên cơ thể mình. Với tư cách một giáo sư văn chương Anh, giờ đây David cho rằng Anh văn không còn đủ khả năng để diễn đạt được cái thực tại ở Nam Phi này nữa.

Văn của J.M. Coetzee trong “Disgrace” (vốn ở trong những quyển tiểu thuyết trước đã)  trở nên trần trụi, trơ khấc hơn, không bao giờ màu mè trang trí làm dáng. Có người cho rằng chữ nghĩa của J.M. Coetzee giống như phong cảnh trơ trụi của Nam Phi. Sự thành công của thứ ngôn từ này là làm cho người đọc phải suy nghĩ xa hơn những gì đọc được trên trang giấy. Thêm vào đấy, những con chữ trơ trụi này chuyên chở một “giọng” kể của một kẻ tách mình khỏi mọi sự việc, biến cố.  Chính ở điểm này Salman Rushdie khi phê bình “Disgrace” của J.M. Coetzee đã cho rằng văn chương của Coetzee đã không cho ngôn ngữ nở hoa, nghĩa là Coetzee không có niềm tin và tình yêu dành cho ngôn ngữ.  Quả thực khi đọc “Disgrace” người đọc có cảm tưởng hụt hẫng vào một thế giới trong đó con người không những không thể hiểu chính bản thân mình chứ chưa nói tới có thể hiểu tha nhân. Và bánh xe lịch sử với những thảm họa đổ xập xuống khiến con người không còn một lối thoát.

Elizabeth Costello”, tác phẩm mới nhất của J.M. Coetzee xuất bản năm nay trước khi được trao giải thưởng Văn chương Nobel 2003 là một quyển sách không hấp dẫn lớp độc giả bình dân. Dưới cái tựa sách chính “Elizabeth Costello” tác giả ghi tựa đề phụ “Eight Lessons” (Tám Bài Giảng): cuốn sách được viết theo lối pha trộn hai thể loại văn chương luận văn và tiểu thuyết. Phần hư cấu tiểu thuyết là nhân vật Elizabeth Costello; theo lời người kể chuyện thì bà là một nhà văn nữ Úc, ngoại lục tuần, tác giả của 9 quyển tiểu thuyết, hai tập thơ, một cuốn biên khảo về đời sống chim chóc, và vô khối các bài báo. Elizabeth Costello lập gia đình hai lần, có hai con một trai một gái, mỗi đứa một cha khác nhau. Người con trai tên John là một giáo sư Vật lý và Thiên văn tại đại học Massachusetts, có vợ cũng là một giáo sư Triết học. Tác phẩm đáng lưu ý của Elizabeth Costello là cuốn “The House on Eccles Street” , trong đó nhân vật chính là Marion Bloom, vợ của Leopold Bloom là nhân vật chính trong quyển tiểu thuyết lừng danh “Ullysses” của James Joyce. Truyện xảy ra khi Elizabeth Costello được Đại học Altona College ở Williamstown, Pennsylvania trao tặng giải thưởng văn chương Stowe Award và làm một chuyến đi xa để dự buổi lễ trao giải thưởng vào đầu xuân 1995 nhân tiện ghé thăm con trai và con dâu.

Trong suốt tám “bài giảng” J.M. Coetzee, qua nhân vật Elizabeth Costello, trình bày rất nhiều vấn đề từ văn chương tới triết học, ngôn ngữ, lịch sử v.v...Với những độc giả đã quen thuộc với J.M. Coetzee thì quyển này rõ ràng là một cuốn tự truyện. Vì hai lần được giải Booker Prize nhưng không đi lãnh giải nên Coetzee bày ra nhân vật Elizabeth Costello để có dịp lên tiếng. Nhưng dù là Elizabeth Costello hay là J.M. Coetzee, cái ngôn từ thông minh sắc xảo, trào lộng cay đắng về con người, về văn chương hay lịch sử vẫn là cái giọng điệu phê phán triệt để của nhà phê bình J.M. Coetzee. Nếu cho rằng Elizabeth Costello là một cuốn sách thất bại về mặt thu hút độc giả thì có lẽï đây là một thất bại cố tình của J.M. Coetzee: kể từ đây ông sẽ không còn viết tiểu thuyết nữa! Nhưng xét cho cùng, ngay cả lời tiên đoán này cũng rất ít hy vọng đúng vì J.M. Coetzee là một kẻ rất khó tiên đoán hành vi, dù cho ta có sử dụng thủ pháp “nhập thể” (embodiment) của ông, một thủ pháp riêng của J.M. Coetzee dùng để nhập vào những nhân vật ông mô tả, cũng không chắc đọc được những ý nghĩ và tình cảm của một con người cô độc đang soi bóng mình trong tấm gương ngôn ngữ đã rạn vỡ.

Halloween, 2003

Đào Trung Đạo