đọc sách vớiii
Đào Trung Đạo

JOHN BANVILLE
và tiểu thuyết mới xuất bản
THE SEA” (Biển Cả)

Năm nay giải văn chương hàng đầu Man Booker Prize của Anh quốc được trao cho nhà văn Ái-Nhĩ-Lan John Banville với tác phẩm “The Sea” (Biển Cả). Trước khi kết quả được công bố, những lời đồn đoán nhắc tới ba nhà văn đang được hâm mộ: Kazuo Ishiguro với tiểu thuyết “We Should Never Meet”, Zadie Smith với quyển “On Beauty” (là những tiểu thuyết chúng tôi đã giới thiệu trong những bài điểm sách trước đây không lâu), và Julian Barnes với tiểu thuyết “Arthur & George”. Nhưng những đồn đoán về các giải văn chương lớn ở Âu-Mỹ thường chỉ tạo thêm sự bất ngờ khi kết quả được công bố. Mặt khác, kết quả chung cuộc khác hẳn với những lời đồn đoán do giới truyền thông đưa ra vốn là trò chơi khuyến mãi của những cơ sở xuất bản chứng tỏ tính độc lập khách quan của Ủy Ban Cứu Xét Giải Thưởng. Nhưng giải thưởng được trao cho một nhà văn nào đó không có nghĩa là nhà văn này “xứng đáng hơn” những nhà văn có tên trong danh sách cứu xét. Tuy vậy vẫn có không ít những  nhà văn, tiêu biểu là J.M. Coetzee Nobel Văn Chương, “rất không ưa xuất hiện” trong những buổi lễ trao giải thưởng văn chương.

John Banville sinh năm 1945 ở Wexford, Ái-Nhĩ-Lan. “The Sea” là tác phẩm thứ 14 của ông. Những tiểu thuyết được chú ý nhiều nhất của John Banville là những cuốn : Birchwood, Doctor Copernicus,  Kepler, The Book of Evidence, và Athena. Hai điểm độc đáo nhất trong văn chương ông là: về hình thức, văn của ông rất tinh chế và có lối tự sự tuy không theo tuyến tính thời gian nhưng rất chặt chẽ; về nội dung, thế giới và nhân vật tiểu thuyết của ông pha trộn sự rõ nét và sự mờ ảo phản ánh cái thực tại đứt lìa vụn nát “mọi thứ  đối với tôi hóa ra lại là một cái gì khác” (Everything for me is something else), theo thế giới và nhân sinh quan của ông. Nói như vậy cũng có nghĩa: Sách của John Banville là thứ sách không thể chỉ đọc một lần mà phải đọc lại để khám phá và thưởng thức .

Nhân vật tự sự  trong “Biển Cả” là Max Morden, chuyên gia lịch sử  hội họa, nay đã lục tuần (tác gia John Banville nay cũng đã 60 tuổi), mới góa vợ (năm ngoái vợ Max chết vì bệnh ung thư dạ dày), cô độc và duy ngã. Truyện mở đầu vào lúc Max trở lại vùng bờ biển Ballyless vào mùa thu là thời gian không có mấy người đến vùng bờ biển này. Năm mươi năm trước chính nơi tại đây nhiều kỷ niệm khó quên   đã ghi đậm trong tâm hồn cậu bé Max. Câu mở đầu quyển sách như một tiếng thở dài “ They departed, the gods, on the day of the strange tide.” (Họ đã ra đi, các thần linh ấy, vào cái ngày thủy triều dâng cao lạ kỳ.” Thuở ấy cậu bé Max quãng 10 hay 11 tuổi gì đó cùng với gia đình thường đến Ballyless nghỉ hè. Gia đình Max không khá giả nên phải thuê một căn nhà gỗ nhỏ, cậu bé cô đơn Max không thích gần gũi cha mẹ là những người không hạnh phúc nên thường qua chơi gia đình nhà Graces nghỉ hè trong  căn biệt thự sang trọng Cedars . Ngay từ phút đầu Max rất quyến luyến  người vợ tên Connie,  rồi sau đó có những kỷ niệm yêu thương với đứa con gái tên Chloe cùng tuổi với Max. Chloe có một đứa em song sinh không biết nói tên Myles. Cậu bé Max đã chứng kiến những biến cố thê thảm xảy ra trong gia đình nhà Graces giữa người chồng Carlo với vợ là Connie và với  cô giáo gia đình trẻ tên Rose cũng như đã trải qua những kinh nghiệm yêu thương đầu đời vừa dịu dàng vừa cay đắng với Chloe. Nhớ lại liên hệ tình cảm xưa cũ này ngày nay Max nhận ra “nơi Chloe tôi đã có cái kinh nghiệm đầu tiên về tính chất người-khác (otherness)  của tha nhân. Nói như vậy có vẻ quá đáng, thật vậy, nhưng tôi vẫn cứ muốn nói là trong Chloe thế giới đã hiện ra với tôi lần đầu tiên như là một thực tại khách quan.” Qua những hồi ức quá khứ này chúng ta thấy được sự hóa thân của nhân vật tự sự từ  cậu bé Max luôn luôn thấy mình bị bỏ rơi, quên lãng biến thành Max trưởng thành lạnh lùng, cô độc, duy ngã.
 
Cũng trong thời gian trở lại sống trong tòa biệt thự Cedars này Max hồi ức về cuộc hôn nhân của mình với Anna, một cuộc hôn nhân giúp Max sống thoải mái về tài chánh nhưng Max không bao giờ thấy được tính chất người-khác ở Connie. Theo Banville, khi chúng ta càng gần gũi nhau bao nhiêu thì ý thức về khoảng ngăn cách giữa ta và người khác và sự việc không-biết-về-nhau càng rõ nét. Vào tuổi lục tuần nay Max nhận ra quá khứ  ảo ảnh khi được hồi ức trong giây phút hiện tại lại trở thành những sự thực cấp bách. Chẳng hạn Max nhớ lại một bữa nọ vào giai đoạn Anna sắp chết “bỗng dưng Anna bắt đầu nói về mẹ của Max dù Max để ý không hề có một điều gì hối thúc Anna phải nói; cuối cùng những diện mạo của quá khứ xa xưa đã trở về, đòi được có phần của chúng.” Câu văn kết thúc “Biển Cả” có lẽ nói lên thật rõ cái nhìn của John Banville (hay Max) về thế giới : Và thực ra chẳng có gì đã xảy ra cả, một cái không-có-gì chính yếu, chẳng qua cũng chỉ là một cái nhún vai lạnh lùng nữa của cái thế giới bao la này.

Biển Cả như tên sách là nơi tình yêu đầu biến đi cà cũng là nơi ta mất hút hôm nay sau khi hồi ức quá khứ. Vì biển cả cũng là ký ức với những đợt thủy triều dâng tràn chôn vùi cả quá khứ lẫn hiện tại. Không khí trong “Biển Cả” của John Banville thấp thoáng hương vị văn chương Nabokov và Beckett. “Biển Cả” củng còn gợi nhớ tới ước vọng của James Joyce, một nhà văn bậc thầy đồng hương của John Banville, sau khi viết xong Finnegan Wake có dự tính viết một cuốn tiểu thuyết về biển cả nhưng Joyce đã không thực hiện được dự tính đó.

Đào Trung Đạo

© 2006 gio-o

đọc các bài viết khác của Đào Trung Đạo