villagevoice.com

 

  đọc sách vớiii
Đào Trung Đạo

AN OBEDIENT FATHER
của
AKHIL SHARMA

 

Trong mảng Văn Chương Di Dân, con số những nhà văn gốc Ấn có lẽ đông nhất. Khởi đầu bằngsự thành công rực rỡ của Salman Rushdie trong thập niên 80 với tiểu thuyết “Midnight Children” (Những Đứa Trẻ Sinh Lúc Nửa Đêm) hai lần nhận giải Booker Prize mở đường cho những nhà văn Ấn được độc giả Âu-Mỹ đón nhận nồng nhiệt hơn  so với những thập niên trước đó. Để đánh dấu hiện tượng văn học này có người gọi thế hệ những nhà văn trẻ Ấn sau Rushdie là “Midnight Grandchildren” (Những Đứa Cháu Sinh Lúc Nửa Đêm). Akhil Sharma là một “cháu” xuất sắc, với chỉ một truyện dài đầu tay, quyển AN OBEDIENT FATHER. Akhil Sharma sinh ở Dehli năm 1971. Năm 8 tuổi cùng với cha mẹ di dân và định cư ở thành phố Edison thuộc tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ. Khi theo học cấp cử nhân ở đại học Princeton Akhil Sharma co ghi danh học lớp sáng tác do Toni Morrison hướng dẫn. Không tiếp tục học văn, ông quay sang học  Luật ở Harvard Law School và tốt nghiệp năm 1998. Akhil Sharma hiện làm chuyên viên đầu tư  cho một ngân hàng lớn ở Wall Street, New York. Trước khi cho ra mắt quyển “An Obedient Father” Akhil đã có truyện ngắn đăng trên The Atlantic MonthlyThe New Yorker và truyện được tuyển chọn vào  The Best American Short Stories và O. Henry Award Winners.

 

Chủ đề của An Obedient Father/Một Người Cha Vâng Lời là mối tương quan giữa cái riêng (personal), cái cá biệt với cái chung (universal), cái phổ quát. Cụ thể hơn, như trong quyển truyện này Akhil Sharma muốn đề cập tới quan hệ hỗ tương giữa một người dân với toàn thể đất nước. Một cá nhân vốn đã có khuynh hướng phạm tội lại sống trong một xã hội mục nát suy đồi về mặt đạo lý thì những hành vi tội ác, vô luân do cá nhân này gây ra, ai là người có trách nhiệm? Trước tình trạng suy đồi về nhiều mặt nhất là về chính trị và văn hóa ở những nước hậu cộng sãn ở Á châu như Trung Hoa, Việt Nam, Cambodia... và những nước chậm phát triển ở Á Phi, có lẽ quyển sách này là một tác phẩm cần đọc. Vì tuy Akhil Sharma viết truyện lấy cảnh thổ và con người Ấn trong thập niên 80, thời nước này có nhiều biến động chính trị nhưng tính qui chiếu, ẩn dụ của quyển sách khiến người đọc liên tưởng, suy diễn sang những xã hội và con người ở những quốc gia đồng dạng khác hiện nay. Nhân vật chính là Ram Karan, một kẻ mặt người dạ thú. Trong gần 300 trang sách Akhil Sharma đan chéo, lồng ghép chân dung và hành động của Ram kẻ đồi bại vào trong/với xã hội đói khổ mục nát và những sinh hoạt chính trị nhơ bẩn ở Ấn trong giai đoạn lịch sử tối tăm ấy. Akhil Sharma dùng hai tuyến tự sự, một dành cho nhân vật chính Ram Karan, một cho nhân vật phụ Anita là con gái của Ram. Hai tuyến tự sự này không nối tiếp theo tuyến tính thời gian mà nhảy vọt, chồng lấp nhau.

 

Truyện bắt đầu bằng lời kể của Ram Karan, nay đã lục tuần, mập ú thô lỗ và sức khỏe đang xuống dốc. Ram hiện là một viên thanh tra của sở giáo dục Dehli. Tuy là thanh tra giáo dục nhưng trách nhiệm của Ram trước thượng cấp Chánh sở Gupta không phải là kiểm tra chất lượng giáo dục của các trường trong vùng mà lại là đi thu tiền hối lộ, tiền bán đất của Sở Giáo dục về  nộp cho chánh sở Gupta để ông này góp cho đảng     dùng vào việc tranh cử. Ram không phải là một tay đi thu tiền hối lộ giỏi như lời hắn tự thú “Trong những cuộc thương thảo nỗi kinh hoảng của tội lộ rõ. Ngay cả những kẻ sẵn lòng hối lộ cũng trở thành oán hận tôi.”  Hiện Ram góa vợ, sống trong một khu phố nghèo nàn cùng với con gái Anita góa chồng và đứa cháu ngoại tên Asha con của Anita. Sở dĩ mẹ con Anita cực chẳng đã phải dọn vào ở với Ram vì quá nghèo.

 

Ram xuất thân từ Beri, một vùng quê đời sống lạc hậu, con người đối xử với nhau thô lậu tàn nhẫn trong niềm tin tôn giáo mù quáng. Từ bé đã lộ bản chất độc ác, thích ăn hiếp kẻ yếu. Học hành không ra gì, lớn lên xin vào hải quân. Sở dĩ Ram xin vào hải quân là để được đi đây đó, vả lại hải quân thời đó là nơi chứa chấp dung dưỡng những phần tử lười biếng, đồi trụy. Suốt trong mấy năm làm lính hải quân Ram mặc sức thỏa mãn tính dâm đãng trong những ổ mại dâm kể cả với gái mại dâm vị thành niên.

 

Hai mưoi hai tuổi, chán đời lính, Ram xin giải ngũ rồi xin được một chân huấn luyện viên thể dục ở sở giáo dục Dehli. Công việc rảnh rỗi, năm tháng sau Ram lấy vợ tên Radha mới 19 tuổi. Radha nhu mì, trầm lặng nên Ram đối xử với vợ rất ích kỷ, coi vợ là kẻ phục dịch mình. Đứa con trai đầu lòng của hai người sinh ra bốn tháng sau bị bệnh chết. Liên tục năm sau Radha sinh Anita, hai năm sau là Kusum, hai năm sau đó là Rajesh. Thật ra chỉ ba năm sau khi lấy nhau tình chồng vợ đã cạn khô và Ram lao đầu vào cuộc sống trụy lạc. Khéo nịnh hót luồn lọt Ram trở thành kẻ thân tín của chánh sở  Gupta. Ram là một kẻ lá mặt lá trái: biết mình có hành vi xấu xa, tự thú tội, khóc lóc nhưng chứng nào vẫn tật ấy. Khi Anita 12 tuổi, Ram tìm cách dụ dỗ và hiếp con nhiều lần. Bị Radha bắt quả tang, đánh đập, Ram bề ngoài tỏ ra ăn năn hối lỗi nhưng chẳng bao lâu lại tiếp tục cuộc sống rượu chè thổ đĩ tuy trong lòng vẫn tự khinh bỉ bản thân. Một lỗi lầm lớn của Radha khi bắt gặp hành vi tồi bại của chồng là cấm con gái không được hé răng cho ai biết chuyện, bắt con gái phải “coi như không có chuyện gì xảy ra.”

 

Anita thù hận cha, lớn lên lấy chồng nhưng không có hạnh phúc trong đời sống chăn gối. Không bao lâu sau khi mẹ chết, chồng của Anita cũng bị tử nạn. Một thân bơ vơ, Anita và con gái phải nương nhờ bố. Tuy ở chung nhưng Anita ghê tởm cha, luôn canh chừng, đề phòng Ram hãm hiếp Asha. Tuy Ram không cưỡng hiếp cháu ngoại nhưng vẫn lén lút khi Anita bất cẩn có những hành vi dâm đãng với cháu. Đời sống chung đụng này là một tấn thảm kịch không có lối thoát. Anita dùng “chuyện tồi bại của cha” làm vũ khí để đe dọa Ram, buộc Ram cho tiền sài và nhiều nhượng bộ khác. Cũng trong thời gian này hoàn cảnh của Ram trở thành ngăt nghèo: Sau khi thủ tướng Rajiv Gandhi, con trai Indira Gandhi bị ám sát, chính trường Ấn càng trở nên hỗn loạn hơn. Trong cơn lốc chính trị, chánh sở Gupta kẻ hoạt đầu toan tính chạy theo đảng Bharatiya Janata đang ở thế mạnh để đắc cử nên càng cần tiền nhiều hơn và Ram là kẻ phải lo việc này.   Như chúng ta biết ở Ấn quyền lực chính trị luân phiên hoặc nằm  trong tay đảng Quốc Đại hay đảng Bharatiya Janata. Ram ở trong thế kẹt: nếu bỏ đảng Bharatiya Janata, chính quyền sẽ về tay đảng Quốc Đại và chắc chắn sau bầu cử  đảng này sẽ đem Ram ra xử tội hối lộ. Nếu như Ram không đổi ngựa thì rất có thể  Ram sẽ mất việcï vì Gupta nay đã theo Bharatiya Janata. Về mặt tinh thần thì như vậy, còn về thể xác Ram lại bị bệnh đau tim cho nên tính mạng của Ram bị đe dọa nặng nề. Những mô tả về tranh chấp chính trị ở Ấn ngày nay đưa ra những sự kiện và những nhận định khá khách quan về thế lực chính trị của giới thượng lưu luôn luôn cảm thấy bất ổn trước sự  lớn mạnh của giới trung lưu và nghèo khổ ttrong khung cảnh một nền kinh tế phát triển bấp bênh. Trong suốt gần 1/3 cuối quyển sách Akhil Sharma dành cho việc thuật lại những diễn biến tranh chấp, mưu hại, và kể cả việc giết nhau giữa những người thuộc hai đảng chính trị.

 

Tất cả những nhân vật người lớn trong An Obedient Father đều có một cuộc đời nặng chĩu quá khứ đau buồn. Ram chết trong tội lỗi. Anita cay đắng, hận đời. Kusum học giỏi, du học , đậu bằng tiến sĩ , lấy chồng và ở lại Mỹ làm việc. Trong một chuyến về thăm quê nhà, Kusum nhận Asha làm con nuôi và đem sang Mỹ. “ Bé Asha đã biết từ bốn tháng trước nó sẽ rời Ấn Độ. Nhưng mấy tuần lễ trước ngày lên đường nó đâm ra bấn loạn, nói và đi trong khi đang ngủ. Khi ở phi trường Indira Gandhi nó cứ nhắc đi nhắc lại “Cháu nói dối đấy. Cháu không muốn đi đâu.” Khi máy bay cất cánh rời không phận Delhi, Asha lấy cái chăn màu đỏ dùng cho hành khách chùm lên đầu và khóc mãi cho đến khi phía dưới máy bay là biển nó mới ngủ thiếp đi.”

 

Nhiều độc giả khi biết Akhil Sharma sống ở Mỹ từ hồi 9 tuổi tự hỏi làm sao ông có thể tường tận về cảnh thổ, đời sống, ngôn ngữ và con người  Ấn đến mức có thể viết được những trang sách hiện thực như vậy trong Một Người Cha Vâng Lời. Thật ra trong nhiều năm liên tiếp ông đã trở về Ấn sống chừng ba tháng vào mùa hè. Trong gia đình tuy ở Mỹ cha mẹ ông vẫn nói tiếng Ấn và giữ những nét văn hóa truyền thống dân tộc. Một điểm đáng lưu ý khi đọc những nhà văn Ấn thế hệ “Midnight Grandchildren” là tiểu thuyết của họ không phải là hiện thực hay ‘hiện thực huyễn ảo’ (magical realism) như tiểu thuyết của thế hệ nhà văn trước nữa vì họ đã nhận ra những hỏng hụt của cả hai lối mô tả thế giới này. Thế giới hôm nay đòi hỏi nhà văn phải có một nhãn quan mới, một lối mô tả mới, một diễn ngôn mới.

 

 Đào Trung Đạo 

 

© 2006 gio-o

đọc các bài viết khác của Đào Trung Đạo