Đặng Phùng Quân
NGƯỜI THỰC HIỆN BẢN THỂ :
NICOLAI HARTMANN
kỳ 21
kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3, kỳ 4, kỳ 5, kỳ 6 , kỳ 7, kỳ 8, kỳ 9, kỳ 10, kỳ 11, kỳ 12, kỳ 13, kỳ 14, kỳ 15, kỳ 16, kỳ 17, kỳ 18, kỳ 19, kỳ 20, kỳ 21,
Luận về nền tảng của một siêu hình học tri thức, ở vị trí cơ bản hữu thể luận nhằm khai phá đối tượng của nhận thức.Trong tác phẩm chúng ta đang bàn đến ở đây, Hartmann xác định biểu ngữ Siêu hình học tri thức là một từ mới để chỉ lý luận của nhân thức, song là một lý luận của nhận thức có cơ sở siêu hình.[38]
Khi xét đến tương quan giữa hệ thống hữu thể với hệ thống triết lý nói ở trên, Hartmann nhận xét : Không có điểm nào gây nhiều tranh luận sôi nổi đến thế trong lý luận nhận thức ở thế kỷ 19 như quan niệm về "sự vật tự tại/Ding an sich".[39]
Phân tích khái niệm này diễn ra nhiều mặt, như những hệ thống duy tâm tìm mọi cách để xóa bỏ khái niệm này, những lý luận duy thực lại cho nó một ý nghĩa tích cực vì nó là điểm tựa căn bản có thể bảo vệ vị thế của chúng. Cho nên những nỗ lực để mang lại một ý nghĩa tích cực cho sự vật tự tại đã hãm những nhà lý luận nói trên vào trong một loạt vô tận những nan đề và những ai muốn tiêu hủy nó phải nhìn nhận là vấn đề sự vật tự tại lại tái xuất hiện bất chính trong những cảnh trạng mới, không thể tránh khỏi cũng như không thể giải quyết, không thể tiêu diệt hay giảm trừ nó vào một dạng đơn giản hơn, mà ý nghĩa siêu hình cũng không thể bị tiêu diệt.
Sự vật tự tại xuất hiện đương nhiên trong vấn đề khách thể, cấu thảnh như thể hậu cảnh của đối tượng nhận thức. Trái với quan niệm duy tâm, sự vật tự tại không đồng nhất với chủ thể, với luận lý hay với ratio - đó là khái niệm cơ bản phê phán , có thể xét về nhiều mặt như :
- khẳng định sự vật tự tại là sự kiện của ý thức tự nhiên, không xem sự vật tự tại như thể vật truyền đạt của phản lý, mà chỉ như một hiện hữu-tự tại hay như một siêu việt thể, chưa thành vấn đề lý tính hay phi lý tính.[40]
Hartmann phê phán quan niệm duy tâm khởi đi từ "nguyên lý ý thức", theo đó chủ thể không thể vượt ra chính nó và chỉ có thể nhận thức những nội dung riêng của nó. Điều này đã vô ý thức bỏ quên vị thế của ý thức tự nhiên, trước tiên là chấp nhận một quan điểm xác quyết, chỉ có thể biện chính ở chung cuộc của chứng minh. Nó làm nẩy sinh xung đột, đưa ý thức tự nhiên để chứng thực luận thuyết của mình, trước tiên đã đề ra một luận thuyết siêu hình không thể biện chính nếu không từ một vòng lẩn quẩn. Bởi một khi đã nhường cho "nguyên lý ý thức", người ta cũng từ sự kiện này đã định đoạt số phận của sự vật tự tại.
Thật sự trong chương 9, Hartmann khi luận về những nan đề của nhận thức, đã xác định nguyên lý của ý thức dự phần trong hiện tượng của nhận thức và vì thế thực sự hiển nhiên không chối cãi. Tuy nhiên nguyên lý này hàm chứa một nan đề, vì có hai ý nghĩa : những ai để nó lên trước, chỉ sử dụng nó chống lại hiện hữu tự tại của khách thể; có một sai lầm ở đó vì người ta có thể có lý do lật nó chống lại chủ thể. Chúng ta không biết chủ thể hơn là biết thực tại của sự vật. Nếu đối với thực tại sự vật, ta chỉ có thể nắm được những biểu hiện mà ta có được, đối với chủ thể cũng vậy.Biểu tượng mà chúng ta tạo cho nó, so với toàn bộ đời sống của chủ thể, cũng chỉ là một phần biểu tượng chúng ta có về những đối tượng, so với sự phong phú về mặt hữu thể của những đối tượng này. Hơn nữa, có nhiều cơ hội là biểu tượng của chúng ta về chủ thể còn kém hoàn toàn như là biểu tượngvề những sự vật, bởi vì rõ ràng là cái nhìn của nhận thức đương nhiên không hướng về chủ thể mà đúng ra là hướng về khách thể.
-------------------------------------
[38] Hartmann, Sdt, Vorwort zur ersten Auflage :
Metaphysik der Erkenntnis - das will ein neuer Name sein fur Erkenntnistheorie ... sondern durchaus nur eine Erkenntnistheorie, deren Grundlage metaphysisch ist.
[39] Hartmann, Sdt. III. Abschnitt Ansichsein und Irrationalitat
30. Kap. Die Aporien des Dinges an sich. a) Das Ding an sich als metaphysischer und kritischer Begriff/Phần III. Hữu tự tại và tính phản lý. Chương 30. Những nan đề về sự vật tự tại.
a) Sự vật tự tại như thể khái niệm siêu hình và phê bình :
Um keinen Punkt ist in der Erkenntnistheorie des 19. Jahrhunderts so leidenschaftlicher Streit gewesen wie um das "Ding an sich".
[40] Hartmann, Sdt
b) Die Beweislast auf Seiten des Idealismus und die Umkehrung des Bewußtseinsatzes/Chứng cứ duy tâm chuyển biến nguyên lý ý thức.
Die These des Dinges an sich gehört also zum natürlichen Bewußtsein - nicht zwar alsVehikel eines Irrationalen, wohl aber als These eines Ansichseienden oder Transzendenten überhaupt, dessen Rationalität oder Irrationalität noch gar nicht in Frage steht.
(còn nữa)
Đặng Phùng Quân
http://www.gio-o.com/DangPhungQuan.html
© gio-o.com 2018