Đặng Phùng Quân
NGƯỜI THỰC HIỆN BẢN THỂ :
NICOLAI HARTMANN
kỳ 2
Nan đề và những tính nan giải trong lịch sử triết học :
Khái niệm nan đề/Aporia có một quá trình lâu đời trong lịch sử triết học tây phương, trong những thiên đối thoại của Platon, cũng như trong tác phẩm Siêu hình học của Aristote.
Trong học thuyết về những hình thái khả niệm của Platon, nan đề và tính nan giải có thể được coi như những bước trung gian để dẫn tới chân tri thức, có nghĩa thiết yếu là phải qua những nan đề để xác quyết được những lý luận chân thực. Paul Natorp (1854-1924) giảng dạy tại đại học Marburg cùng với Cohen, nơi đào tạo Hartmann, trong Học thuyết ý niệm/Platos Ideenlehre (1902) cũng như Gottfried Martin (1901-1972) trong sách mang cùng tên Platons Ideenlehre (1973) như Natorp đều nhận định nan đề là kết quả từ nhiều thiên đối thoại của Platon.và là điểm phát xuất cho những phản tỉnh tiếp nối. Để chứng thực lý luận hay trình bày những chân lý luận, thiết yếu phải thông qua những nan đề và ở chung cuộc, kết thúc nan đề.
Natorp trong tác phẩm dẫn trên viết : Chính qua phát triển gián tiếp của nhận thức xác định ở đây trong thiên Parménides, giải thích trực tiếp, diễn dịch của nó, tất cả rõ ràng, trong thiên Der Sophist/ngụy biện từ ngữ để lại mang ý nghĩa không khiên cưỡng : nghĩa là cơ sở mọi khó khăn biện chứng, mọi nan đề trong những vấn nạn này không là lĩnh hội thực của thống nhất bất đồng, cơ sở của mọi giải pháp những khó khăn này, mọi khoan khoái, là lĩnh hội thực của nó.[5]
Trong Siêu hình học của Aristote, quyển hai (ß) nhằm trình bày những nan đề mang ý nghĩa tầm kiện học/khám phá/heuristisch là những yếu tố cấu thành để luận về nhứng học thuyết đối chọi nhau.
Những nan đề theo Kant chỉ ra sự phân biệt nghiêm nhặt giữa biểu diện và vật tự nội/Noumenon, nhằm giải đáp những tương phản trong triết học của ông - chính phân biệt này mang tính hoài nghi. Với Hegel, những nan đề là những thời khoảng di động lên những quan điểm cao hơn, cho nên một lý luận thoát khỏi những nan đề chỉ khả hữu ở cuối quá trình. Quan niệm của Hegel tương khắc với mọi phát triển đương thời dường như giả định là không có giải đáp lý luận chung cuộc cho những quá trình nan đề.
Trong lý luận của Hartmann ở thế kỷ XX, có những nan đề với chức năng loại bỏ lý luận, những nan đề có chức năng phát sinh lý luận và những nan đề có chức năng đánh dấu giới vực lý luận :
1/ Những nan đề có chức năng loại bỏ lý luận tương ứng với những nan đề được xem là nhân vi, xây dựng trên những luận đề giả tạo.
2/ Những nan đề có chức năng phát sinh lý luận tương ứng với những nan đề mà Hartmann xem là chính đáng và có thể thực hiện đồng thời, do những hiện tượng gây lên; ông gọi chúng là những "nan đề tự nhiên/natürlichen Aporien" vì nguyên ủy của chúng ở ngoài chủ thể, nhằm thúc đẩy sự phát triển của những lý luận triết học tương ứng.
3/ Những nan đề đánh dấu giới vực lý luận đối với Hartmann là những tuyến lực trong công trình của ông : sau khi đã hoàn thành nghiên cứu sâu sắc, đôi khi không thể đẩy mạnh lý luận. Người ta đạt tới những giới hạn không thể vượt qua cho sự phát triển lý luận như thể một hậu quả của phân kỳ giữa những phạm trù của nhận thức với những phạm trù của hữu. Hartmann coi những nan đề kết quả của phân kỳ này là những nan đề công chính. [6]
-----------------------------------
[5] P. Natorp, Platos Ideenlehre. Eine Einführung in den Idealismus/Học thuyết ý niệm của Platon. Một dẫn nhập vào chủ nghĩa (l)ý tưởng :
Selbst auf die indirekte Entwicklung der hier entscheidenden Einsicht im Parmenides, ihre direkte, deduktive Darlegung, die alles klärte, im Sophisten ließe das Wort sich zwanglos deuten : daß der Grund aller dialektischen Schwierigkeiten, aller Aporie in diesen Fragen das nicht richtige Verständnis dieser Einheit des Mannigfaltigen, der Grund aller Lösung dieser Schwierigkeiten, aller Euphorie, ihr richtiges Verständnis sei.
[6] Lý luận về những nan đề được trình bày ở tiểu luận "Systematische Selbstdarstellung/Tự biểu tượng hệ thống" trong Kleinere Schriften/Tiểu luận (1955) và Grundzüge einer Metaphysik der Erkenntnis/Cơ sở siêu hìnhhọc của tri thức (1921) của N. Hartmann.
(còn nữa)
http://www.gio-o.com/DangPhungQuan.html
© gio-o.com 2018