Đặng Phùng Quân
triết học nào cho thế kỷ 21
- 36 -
Tiếp theo từ các kỳ 1 , kỳ 2 , kỳ 3 , kỳ 4, kỳ 5, kỳ 6, kỳ 7, kỳ 8, , kỳ 9, kỳ 10 , kỳ 11, kỳ 12, kỳ 13, kỳ 14, kỳ 15, kỳ 16, kỳ 17, kỳ 18, kỳ 19, kỳ 20, kỳ 21, kỳ 22, kỳ 23, kỳ 24, kỳ 25, kỳ 26, kỳ 27, kỳ 28, kỳ 29, kỳ 30, kỳ 31, kỳ 32, kỳ 33, kỳ 34, kỳ 35, kỳ 36,
Hữu thể luận có khả hữu?
Tính lưỡng phân trong nhận thức khoa học chỉ điểm chung cho vị thế lưỡng cực trong triết học, từ đối lập chủ thể/khách thể, đạo lý/tín ngưỡng, tự nhiên/sản xuất. Thử liên hệ với thuyết vô nhị/Advaita ở Đông phương, quan niệm bất khu biệt giữa tiểu ngã và đại ngã, tướng/saguna và vô tướng/nirguna. Song đạt tới chỗ vô nhị, có phải chấp nhận 'bất khả tư nghị/acintya' hay rơi vào chỗ vô minh/avidyā, hoặc võng tưởng/mayā
Cả hai nguồn triết học Đông và Tây từ thời cổ đại đến nay vẫn luẩn quẩn trong vòng đi tìm đáp án cho vấn đề nhất thể hay phức thể, quy về Một hay Hai, Thái Cực/Thái Nhất/Thái Hòa, hữu thần, phiếm thần hay vô thần, Có Tuyệt đối hay Không Tuyệt đối. Những song đối như Hữu và Vô, Hữu và Logos, Hữu và Thời, Hữu và (?) - vô số những song luận, tới kỳ cùng cũng chỉ để giả định Triết học và phi triết học, Lý và phản lý, tưởng như khi đi tới Tri thức tuyệt đối, lại rơi vào cái ao của những nghịch lý, hay những nan đề.
Khi hỏi về khởi đầu của triết học, nhiều nhà triết học phải trở lại với vấn nạn cơ bản hay sơ bản: triết học là gì? tưởng chừng như tới cuối đường tìm kiếm là có giải đáp ngay cho vấn tính đó; song quả thật 'hỏi triết lý' có nghĩa là đưa ra một triết lý. Rốt cuộc trong những năm cuối-thế-kỷ, thành tựu hay dị luận của những công trình đó chỉ đem lại suy niệm hay tưởng niệm về cáo chung của triết học: cáo chung cũng có nghĩa như kết cuộc/cứu cánh của triết học?
Để trang bị cho con đường đi vào ma trận triết học, phải mang theo những thiết bị: thiết bị nào? Ngôn ngữ, tượng số, biện chứng, lý luận, phân tích?
Cho đến nay, nhiều nhà triết học bỏ công ra để lý giải/phân tích/tìm kiếm/đáp án cho câu hỏi về “triết học” song diện mạo, nội dung ấy vẫn không hoàn toàn thỏa mãn - bởi, nếu hoàn tất có nghĩa là không còn triết học nữa; ở vào cuối-thế-kỷ nẩy sinh phản đề của trường phái phi triết học. Song, nói đến phi triết học, hay phản triết học đều hàm ngụ tính nhị nguyên hay biện chứng, nghĩa là lại rơi vào vòng luẩn quẩn có/không, nội tại/siêu việt?
[Triết học là gì? Qu'est-ce que la philosophie? Qué es filosofía ? Was ist das - die Philosophie ? What is Philosophy? dường như nhà triết học nào đi vào khoa học/con đường này cũng không cưỡng được sự thôi thúc hỏi chính bản vị của mình/bản thân (vì, đã trói buộc vào một nghề nghiệp (trong chương 2 Cơ sở tư tưởng thời quá độ: câu hỏi đặt ra trong khung cảnh một xã hội đang thực hành giảng dạy triết học: câu hỏi như một thách đố đối với những người bảo vệ việc giảng dạy triết học, với những người chống lại việc giảng dạy triết học, bảo vệ, nhưng bảo vệ cái gì, hoặc chống, nhưng chống cái gì? một bộ môn không cần thiết trong hệ thống giáo dục đang trên đà kỹ thuật hóa toàn diện? Hay một truyền thống những nguyên lý vĩnh viễn không đổi từ thời cổ đại? Cuối cùng, như vậy vấn đề đặt ra là: ai sợ triết học?) từ José Ortega y Gasset, Martin Heidegger, Gilles Deleuze-Guattari đến J.-P. Faye, Michel Meyer, Arthur Danto, Anthony O'Hear v.v... không đáp án nào xác định được thế nào là triết học). Ortega chẳng hạn đứng trước chọn lựa: đời sống hay lịch sử, rốt cuộc lại phải khởi đi từ một thách đố tri thức khác, như người thầy Dilthey, tìm đâu là lý trí lịch sử, để thoát ra khỏi vòng/tầm cương tỏa của trường phái tân-Kant, khai phá một định hướng chủ thể tính mới: không chỉ cái Tôi mà Tôi là Tôi và hoàn cảnh/yo soy yo y mi circunstancia [in Meditaciones del Quijote (Suy niệm về Quijote- Obras Completas/Toàn tập, I] ít ra ảnh hưởng đến một triết gia lừng lẫy Heidegger, cũng bắt đầu từ thông diễn học hiện tượng luận, hỏi triết học là gì? chính là hỏi hữu thể là gì? song hữu có năm bẩy đường lối, rốt cuộc đi tới lưỡng luận, hoặc tìm cho ra ý nghĩa của hữu, hoặc quên hữu, làm sao tách Da-sein, xét cho ra hạt nhân hợp lý của Sein, vượt ra có nghĩa là hủy triệt/Destruktion lại rơi vào một nan đề khác: những cấu thành bộ diện của hữu ở trong đời sống, mô tả hiện tượng luận chúng để thấy, như người tù trong hang động Platon thị kiến sự vật dưới ánh sáng, đó là bản thể hay hiện tượng? Hủy triệt có nghĩa là tháo bỏ những cấu thành, có nghĩa là từ chối/vượt qua đời sống, đến chỗ chết? [hủy triệt là vượt cái cạm bẫy « bản chất hay hiện hữu », không phải ở chỗ nhân bản như J.-P. Sartre hiểu, thế nên Heidegger phủ nhận lối thông diễn của chủ nghĩa hiện sinh kiểu Sartre, như hiểu «hiện hữu có trước bản chất », khác nào đặt ngược lại Aquinas - ai là người đi bằng chân hay bằng đầu?] Để vùng thoát ra khỏi những nghịch lý thông diễn học, phải đi tới bước ngoặt, ở Heidegger lại phải tìm sau cái đã phô diễn ra/công truyền là những cái viết khác/bí truyền: Vom Ereignis và Besinnung, Niệm? Thức? tiếp nối kinh nghiệm của Tư (duy)/Aus der Erfahrung des Denkens? Rốt cuộc phải chọn một lối viết khác: những cách ngôn như Nietzsche, hay những đoạn thiên như Blanchot?
Trong Mu no jikakuteki gentei/Xác định Vô theo tự thức, Nishida Kitarō đã nói đến tự giác của Không tuyệt đối như lý của phương Ðông: nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất, hữu tức vô, vô tức hữu.
Trong Von der Wahrheit/Luận về chân Lý 1947 Karl Jaspers nói đến triết lý là khởi dẫn về hữu thức/Seinsbewußtsein bởi hữu thể chỉ lộ qua tượng/Dasein wird aufgeschlossen durch das Symbol mà tượng cũng là số/Chiffer, là ngôn ngữ/Sprache.
Luận về chân Lý của Jaspers chỉ là quyển đầu của Luận lý triết học chưa hoàn tất. Như đã nói ở trên, xây dựng hay khai phá luận lý của hữu thể cũng là luận lý của thực tại, song trên con đường triết học, như Faye ở cuối Triết học là gì? viết « triết học là lữ hành của tư tưởng/la philosophie est le voyage de la pensée », đâu là định hướng của tư tưởng?
Trong những hành kiện tư tưởng, ít nhất cũng có mươi nhà triết học trải nghiệm con đường đi qua luận lý triết học như Jaspers; phải kể công trình của Emil Lask (1875-1915) Die Logik der Philosophie 1911 và Logique de la philosophie1950 của Eric Weil (1904-1977).
Khi phân biệt hai loại luận lý phân tích và lưu xuất (analytique và émanatiste), Lask khởi đi từ lý luận hai thế giới nhằm đề ra sự thiết yếu giả định một luận lý học và học thuyết những phạm trù tương ứng với nó. Hai thế giới này đã được khu biệt ngay từ thời cổ đại là khả giác và siêu khả giác, αίσθητόν vaø νοητόν, sensibile và intelligibile.
Lask loại bỏ luận lý học lưu xuất vì đặc thị của nó là quan hệ toàn thể/từng phần, để chọn luận lý học phân tích khi ông phân tích « chủ nghĩa Kant và chủ nghĩa Hegel là hai viễn quan về cấu trúc của cái gì tự tại là luận lý », ông biện giải trên trục đối chiếu phổ quát/đặc thù về nguyên lý khu biệt thuần túy mang tính thực nghiệm và nói đến sự vật tri thức, siêu khả giác xác định ý nghĩa đối lập với nguyên lý biện chứng kiểu Hegel. Nhận thức luận, mỹ học, đạo đức học và siêu khả giác theo Lask tuân thủ luận lý học phân tích thực nghiệm và hiện thể trong điều ông gọi là « luận cương Copernic ». Cũng như nhiều nhà triết học vào thời đại này như Dilthey, Rickert, ông quan niệm không có sự thống nhất giữa triết học của những khoa học nhân văn/tinh thần/văn hóa và triết học tự nhiên với nhận thức luận của những khoa học tự nhiên. Ý nghĩa của luận cương Copernic (như ông gọi, động thủ Copernic củaKant) là bao hàm lý luận trong thực tại, kết hợp lý luận và liên lạc nhân quả. Sự tương cận giữa triết học của Lask với Nicolai Hartmann là quan niệm phạm trù như một hình thái xác định dẫn trước vật chất, như ông trình bày trong Luận lý của triết học là « hữu của hiện thể thuộc về cái gì có giá trị, như vậy không là hiện thể », sự khu biệt hữu thể luận (như khu biệt giữa hiện thể và tính thể của N. Hartmann) chỉ ra hữu thể chỉ khả tri qua hiện thể, và không đảo ngược, cũng như có một phần của tính phản lý. Tuy Lask phê phán là « bảng phạm trù của Kant » không đầy đủ, song ông không khai phá hệ thống phạm trù, như Hartmann thực hiện sau này.
Khi quan niệm luận lý của triết học là cơ sở của mọi công trình triết học như hữu thể luận, đạo đức học, tâm lý học , chính trị học v.v... có nghĩa là những công trình này được hiểu do con người tạo ra, Eric Weil trong Luận lý của triết học đã khởi sự đi vào con đường nghiên cứu như Jaspers, đi tìm chân lý, trong những phạm trù không phải là chân lý. Ông nói đến vô-nghĩa/non-sens như một phạm trù cũng phổ quát và trống như phạm trù chân lý.
Thật sự những công trình triết học vào cuối-thế-kỷ XX đều xoay quanh vấn đề như thế, như Poulain, Bouveresse, Nagel, Meyer, Hösle, Odo Marquard đến những dòng ngoại vi của triết học, như Clément Rosset, Baudrillard, Bourdieu, M. Maffesoli, M. Onfray, Slavoj Zizek v.v...]
Khi hỏi: triết học nào cho thế kỷ 21, vấn đề hàm ngụ hành trạng của tư tưởng ắt phải đi vào kỷ nguyên mới, hoặc tới chung cuộc.Vào cuối thế kỷ 19, Franz Brentano từng thuyết trình trước Hội Triết học Áo quốc về tương lai của triết học/Über die Zukunft der Philosophie (1892) mà Jacques Bouveresse trong bài khai giảng tại Collège de France năm 1995 một trăm năm sau vẫn coi có một ý vị đặc biệt để mọi nhà triết học quan tâm vì: để trả lời cho những người chủ trương khoa chính trị học có thể thay thế triết học, triết học vẫn có thế giá và ảnh hưởng, không có sự gián đoạn thực giữa triết học và những khoa học thường nghiệm.
Thực sự, ba năm sau một tiểu phẩm khác nói rõ hơn quan điểm của Brentano: Bốn giai đoạn/thời kỳ triết học và vị thế trực khởi của nó/Die vier Phasen der Philosophie und ihr augenblicklicher Stand (1895) trong đó ông quan niệm tiên khởi con người hướng về nghiên cứu triết học do thuần túy vì ý vị lý luận, mỗi lần nghiên cứu này suy thoái là vì ý vị khoa học ấy bị mạo hóa, bạc nhược. Tương lai triết học dựa vào tự thức của triết học, ở chỗ phải xây dựng trên nguyên lý phương pháp luận là « triết học phải chống lại lối phân chia khoa học ra suy luận và chính xác, từ quyền kháng nghị này chính là quyền hiện hữu của nó (Die Philosophie muß protestieren gegen die Einteilung der Wissenschaften in spelulative und exakte, und die Berechtigung dieses Protestes ist das Recht ihrer Existenz selbst) », mà theo ông « phương pháp thực của triết học không gì khác hơn phương pháp của khoa học tự nhiên (Die wahre Methode der Philosophie ist keine andere als die der Naturwissenschaften) ». Ở đây sự khác biệt giữa trường phái Áo và Dilthey khá rõ rệt vì Dilthey quan niệm những khoa học tinh thần/nhân văn độc lập với những khoa học tự nhiên. Khác biệt ấy ảnh hưởng đến sự phát triển của những phong trào triết học trong thế kỷ XX, từ hiện tượng luận, triết học phân tích đến những khoa học luận và những trường phái lịch sử, nhân văn ở nửa sau thế kỷ.
Trong Chân dung triết gia 1973 đi tìm ý nghĩa của triết học, tác giả đặt vấn đề: triết học chắc chắn chinh phục được người khác nếu họ muốn nghe, nhưng có điều là người khác không muốn nghe thì nhà triết học làm gì?
Trong triết học, như Kant đã viết: không có tác giả cổ điển.
Những ai trong công việc triết lý, hỏi lại lý trí không ngừng nhìn về sự đồ sộ của công trình tư tưởng đến từ nhiều đời, lại không tự hỏi có chối bỏ tính cách cổ điển của sách vở, có thoát khỏi ám ảnh gán cho con người - đang gặp lại tư tưởng của họ trong lúc này, ở đây, bây giờ - một nhãn hiệu tác giả cổ điển, và chính mình, có trở thành tác giả cổ điển?
Lý trí, khởi sự với ngôn ngữ, được canh tác sau những thời gian bỏ hoang đầy hoài vọng.
Câu hỏi nguyên ủy cho mọi tranh luận giữa lý trí và hiện hữu, trong biện chứng hủy triệt và hủy tạo trí năng là: làm thế nào kinh nghiệm khả hữu?
Triết gia chính là người đem lại những khả hữu cho kinh nghiệm, bởi vì với mọi kinh nghiệm cũng như khả hữu của kinh nghiệm thiết yếu là trí năng. Song không phải chỉ có những khả hữu của kinh nghiệm mà có nhiều kinh nghiệm khả hữu. Người phương tây thường nói: có nhiều mái nhà trong tư tưởng của con người. Thế giới đa biệt ngày nay chứng thực: chúng ta không sống cùng dưới mái nhà, nhưng sống trong nhiều căn nhà, điều quan hệ là không phải những ốc đảo cô lập.
Mọi căn nhà đều tọa lạc trên cùng một nền đất/Grundform; trái đất chúng ta như một sinh giới, thế giới của đời sống, cho nhân loại sống thành cộng đồng và ở đó, con người có thể thỏa hiệp trong một niềm thông cảm về mọi sự vật trên đời này.
[Kinh nghiệm tư tưởng, như Husserl đã sớm nhận ra, là ý thức với Hữu thể thực là những loại hữu phối hợp: « Bewußtsein (Erlebnis) und reales Sein nichts weniger als gleichgeordinate Seinsarten sind » Ideen I, §49. Kinh nghiệm ở đây là kinh nghiệm thuần túy, và trong giảm trừ hiện tượng luận, xét đến ý thức tương quan với thực tại tự nhiên (vượt chủ nghĩa Descartes ở chỗ Cogito của Descartes mất liên hệ với thế giới sự vật), hữu tự tại của Husserl do đó bất khả nghi là hữu tuyệt đối theo ý nghĩa là chủ yếu không cần sự vật hiện hữu: « das immanente Sein ist also zweifellos in dem Sinne absolutes Sein, daß es prinzipiell nulla ‘re’ indiget ad existendum » sdt.
Kinh nghiệm thuần túy cũng là cơ sở tư tưởng trong Zen no kenkyū của Nishida Kitarō từ 1911. Mở đầu, ông viết: Kinh nghiệm có nghĩa là biết mọi sự như thể là chúng, diễn tả bản chất của kinh nghiệm, có nghĩa là sở cứ/ba của mọi sự được cho trực tiếp với tri thức, sở cứ của mọi kiện tính trực tiếp [khiến người ta liên tưởng đến hữu thể luận của Heidegger, gọi là thông diễn luận của kiện tính/Hermeneutik der Faktizität]. Nishida lý giải: nếu giờ đây ngườì ta nhắm vào nhận thức chân thực tại và hiểu chân diện của trời, đất và người, người ta ắt phải ngờ vực tối đa, xa rời mọi cấu tạo giả thuyết thường có và khởi sự trên nền tảng của tri thức trực tiếp mà không còn nghi hoặc gì nữa.
Từ kinh nghiệm thuần túy/junsui keiken đến Vô tuyệt đối/zettai mu là một con đường dài trong hành trạng tư tưởng Nishida (kể từ Luận về thiện 1911 qua Từ hành động đến thị kiến 1927,Toàn tập 4 đến Những vấn đề cơ bản của triết học-Thế giới hành động 1933; Thế giới biện chứng pháp 1934, Toàn tập 7), trang bị một trực giác thị kiến, một lý đông phương/tôyôteki risei (như đã nói trong một phần trên) mà Nishida đã trình bày rõ trong di cảo Liên quan đến luận lý học của tôi/ Watakushi no ronri ni tsuite [in trong Toàn tập 12: Zoku shisaku to keiken/Tư tưởng và kinh nghiệm] một tuyên ngôn luận lý triết học, như Lask, Weil. Luận lý đồng nhất mâu thuẫn của ông tất nhiên không là luận lý (đã hoàn tất) của Aristote, luận lý siêu nghiệm của Kant, luận lý biện chứng của Hegel, chỉ có thể làm sáng tỏ qua phản tư về hình thái tư duy của chính mình. Nishida gọi nó là luận lý của phương Đông (tôyôteki ronri): luận lý về trường sở của Vô (Mu no bashoteki ronri) [xem: chương 1 và 3 trong Cơ sở tư tưởng thời quá độ, tôi đã nói đến luận lý Nishida, ở đây tôi chỉ khai triển vấn đề liên hệ đến khả hữu của hữu thể luận tương lai]
Luận lý về trường sở của Vô tuyệt đối có thể được phân giải như sau: Trong Thế giới hành động 1933, Nishida nói đến quá trình biện chứng bao gồm tự xác định của cá thể và phổ quát, cho nên »xác định phổ quát biện chứng thực phải bao gồm xác định cá thể, nghĩa là nó phải là xác định một sở cứ trong đó cá thể được xác định. » Có thể coi Từ hành động đến thị kiến 1927 là bước ngoặt/Kehre trong hành trạng tư tưởng Nishida, ông viết: « ở cơ sở của văn hóa Á châu đã nuôi dưỡng tiền nhân ta từ bảy ngàn năm qua, có một điều có thể gọi là nhìn hình tượng của cái vô hình và nghe âm thanh của cái vô thanh », cho nên trong Thế giới hành động, « hành động thực sự có thể gọi là thị kiến phải như là noesis noeseos [khái niệm của Aristote để chỉ hành vi tri thức thuần túy không có đối tượng nào ngoài chính nó -ĐPQ] ở đây thể trở thành vô ». Nó là hành động không có chủ thể hành động, điều mà Nishida gọi là xác định của vô; noesis noeseos có chức năng tự xác định của Vô. Hai bộ phận « thế giới hành động » và « thế giới biện chứng » có quan hệ hỗ tương, vì thế « thế giới thực tại như thể hiện diện tự xác định có thể nói có mâu thuẫn tự nội và xác định về mặt biện chứng ». Tại sao lại gọi là Vô tuyệt đối? Tuyệt đối mang ý nghĩa: không xác định như một đối lập với với bất kỳ sự vật gì trong thế giới hữu thể. Nếu diễn nghĩa theo luận lý hình thức, có thể phát biểu A=A (tự đồng nhất; A=không-A (tuyệt đối mâu thuẫn), vậy A= A (hư vô hóa). Tuyệt đối hàm ngụ phủ định hỗ tương và tự phủ định. Phủ định hỗ tương hàm ngụ trong nó cái nhất toàn thể (đa tức nhất, nhất tức đa [diễn nghĩa theo thuật ngữ triết tây phương là: cái một siêu việt, như tự đồng nhất (nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất/ichi soku issai, issi soku ichi)]. Luận lý vô của Nishida là luận lý trường sở để tự kỷ đồng/bashoteki jiko dôitsu.
Vô tuyệt đối của Nishida đáp ứng yêu cầu khai phá ý nghĩa của hữu mở đường cho việc xây dựng tân hữu thể luận. Hướng đi của hữu thể luận mới đã vẽ ra trên mọi nẻo đường tìm kiếm/tra hỏi của nhiều nhà triết học từ đầu thế kỷ XX: ở Nicolai Hartmann, mọi hữu thể luận phải đi tới những quyết đoán cơ bản về hiện thể như vậy (In aller Ontologie geht es um die Fundamentalaussagen über das Seiende als solches). Hiện thể, cái thực, cái hiện hữu, hiện sinh v.v... xác định một điều: phân biệt đối tượng của triết học và khoa học, nghĩa là vấn đề hữu thể không là công việc của những khoa học thường nghiệm. Vấn đề hữu thể là tiên quyết trước mọi vấn đề tri thức, có nghĩa là không giản lược vào vấn đề tri thức. Hartmann còn xác định: thực tế không triết học nào lại không cần đến viễn quan cơ bản để định vị hiện thể (Tatsächlich kann keine Philosophie ohne irgendwelche Grundanschauungen über das Seiende bestehen).
Trong chương 7 Cơ sở tư tưởng thời quá độ tác giả đã đề cập « con đường hữu thể luận mới » tiêu biểu nơi triết gia Nicolai Hartmann:
Phản lý và nan đề là hai điểm then chốt trong triết học Hartmann để chỉ ra vị trí ông gọi là bên ngoài chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy thực, dfồng thời là lý chứng để phê phán những học thuyết khác. Trong nỗ lực khai phá và giải đáp những vấn đề thuộc về nhận thức luận này, ông xây dựng một hữu thể luận mới (từ bộ sách gồm bốn quyển: Về nền tảng của Hữu thể luận, Tính khả hữu và thựctại, Cấu trúc thế giới thực, Triết học Tự nhiên nhằm khai triển những phạm trù của hữu/Seinskategorien là cơ sở của hữu thể luận, từ những phạm trù tổng quát đến những phạm trù đặc biệt, đến tập sách Con đường mới của hữu thể luận thâu tóm những điều cơ bản.
Sự gặp gỡ và tranh biện giữa hữu thể luận mới của Hartmann với những triết gia đương đại có thể phát xuất từ những lý giải phạm trù, phản lý và nan đề: chẳng hạn hiện tượng lao động cơ bản không phải thuộc về kinh tế học hay xã hội học mà thuộc về hữu thể luận (nơi Hartmann, Lukács, Habermas, Apel), vấn đề tính phản lý sâu sắc (nơi Nishida, ở nền tảng tính thống nhất cá nhân, ở ý chí, lịch sử).
Triết học là đấu trường tranh biện, phê phán: khi những môn đệ của Husserl (như Roman Ingarden) phê bình xu hướng duy tâm siêu nghiệm của ông, thì lập tức mở ra con đường vượt ra bên ngoài lưỡng phân duy tâm và duy thực; trở về với Kant hay Hegel thì người ta lại đi tìm có khả hữu của một chủ nghĩa duy tâm luận lý (như trường phái Marburg) hay một chủ nghĩa duy tâm khách quan (như Vittorio Hösle); có khả hữu của một hữu thể luận trong truyền thống phân tích (như nhà triết học gốc Tiệp Jan Dejnožka); Vô tuyệt đối của Nishida có hội tụ với khái niệm Nichts của Heidegger hay Sùnyatà của Nishitani Keiji; trường sở/basho của Nishida có không gian mở rộng như bao dung/Umgreifendes của Jaspers; khả hữu của một đạo đức học như ngả nghiên cứu triết học tồn tại bên cạnh khuynh loát độc chuyên của những khoa học tự nhiên và nhân văn, có phải là con đường duy nhất của triết học thế kỷ này?
Ở ngay phần dẫn nhập Cơ sở tư tưởng thời quá độ, tôi đã viết: nếu như trong quá khứ, người ta tự hỏi triết học để làm gì, (một khi đi tới tận cùng của tri thức, nó đã trở thành một khoa học khác), như vậy triết học không thể đứng một mình (những mưu toan như vượt siêu hình học, hủy triệt triết học, biến đổi thế giới, cũng gắn liền với sinh mệnh triết học), triết học vẫn tồn tại trong tương lain gay nơi sự cáo chung của tư tưởng. Tồn tại, có nghĩa là đời sống, bởi có một đời sống của triết học. Trong những góc nhìn muôn vẻ ấy của hành trạng tư tưởng, ghi nhận nơi đối thoại, tranh biện, chứng cớ dưới bất kỳ hình thức thông giao nào.
Habent sua fata philosophiae!Mọi triết học có số phần riêng!
(còn tiếp)
Đặng Phùng Quân
http://www.gio-o.com/DangPhungQuan.html