photo: Hoàng Huy Mạnh

 

TRẦN QUÍ PHIỆT

NGHĨ VỀ MỘT CÁI CHẾT *

(trích dịch từ hồi ký In Search of Lost Time

(Đi tìm thời gian đã mất)

 

Đã xong cuộc hành trình ngày hôm nay (22 tháng 11 năm 1975), tôi lên xe buýt  trở về Austin. Bởi vì không có gì để xem nữa và tôi đã mệt nhoài vì cuộc hành trình, tôi nhắm mắt cố ngủ một lát cho lại sức. Chiếc xe buýt Greyhound lướt êm ái trên đường thay vì đưa tôi vào giấc ngủ vẫn không khiến tôi chợp mắt được. Nỗi buồn và mặc cảm tội lỗi tôi đã tạm quên trong suốt thời gian làm việc nay trở về hành hạ tôi dữ dội hơn cả lúc nó bắt đầu sau khi tất cả liên lạc với gia đình tôi bị cắt đứt. Dường như tôi không có giây phút nào được vui. Cái gọi là “thời gian thích thú” ở Phố Tàu New York hai hôm trước, chẳng hạn, chỉ là một tạm quên ngắn ngũi, không phải giải thoát vĩnh viễn, nỗi đau khổ lâu dài của tôi. Cũng một việc ấy đã xảy ra sau khi tôi thi đậu kỳ thi khả năng tiến sĩ và cố gắng tự thưởng một bữa ăn tại một quán ăn. Sau khi ăn vài miếng nước mắt tôi bắt đầu tràn ra, nên tôi vội vàng rời quán ăn, không ăn hết bữa ăn. Tôi không thể vui thú được gì khi nghững người tôi thương yêu đang đói khổ ở quê nhà. Đó là một tội ác đối với những người tôi nói tôi thương yêu.

Tôi về đến Austin trong ngày lễ Tạ Ơn (Thanksgiving Day) khi hầu hết sinh viên đã về nhà và đường phố hầu như không có bóng người. Cái nhà tôi ở cũng trống trơn vì hai người ở chung đã về quê nhân dịp lể.

Sau khi đem hành lý vô nhà tôi ra bưu điện để lấy thơ. Không có thư nhà nhưng tôi có thơ bà Jenkins báo tin dữ. Frances con gái bà đã chết. Nàng quyên sinh bằng cách vào garage, vô xe, khóa cửa kín rồi vặn máy. Bà Jenkins nói việc này xảy ra liền sau khi tôi rời Boston. Ước gi tôi trước khi đi New Haven tôi đến thăm từ giả ông bà Jenkins và Frances hay để địa chỉ chuyển thơ cho họ. Tôi cảm động về tấm lòng tử tế của Frances đối với tôi và tôi cảm thấy gần với nàng mặc dù cuộc viếng thăm của tôi ở Boston quá ngắn ngũi và tôi gặp Frances chỉ có một lần. Tôi có nghĩ đến Frances một đôi lần sau khi rời Boston và định bụng sẽ gọi thăm khi về lại Texas. Frances rất tốt đối với tôi và trong thâm tâm tôi cảm thấy tôi cần hình tượng một người em gái có thể giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn ở Mỹ.

Cái chết của Frances vừa làm tôi xúc động vừa làm tôi khó hiểu. Tôi không thể hình dung tại sao một phụ nữ đang xuân, rất đỗi dễ thương và dịu dàng, lại có thể cắt đứt mạng sống của mình một cách dữ dội như thế. Trong thư bà Jenkins nói bà không thấy dấu hiệu gì báo trước cái chết của con bà. bởi vì không tìm thấy thư tuyệt mạng của Frances và ngày hôm trước trông bình thường. Nhưng cái khủng khiếp và dữ dội của sự quyên sinh của Frances nói với tôi rằng nàng chắc đã sắp đặt một cách có ý thức rồi thực hiện một cách không sợ hãi hành động tự hủy mình vì một lý do riêng tư nào đó ngoại trừ nàng không ai hay biết cả. Đã có nhiều khảo cứu thực nghiệm về vấn đề tự tử, nhưng chỉ trong văn chương trường hợp của Frances thích hợp nhất. Trong The Sound and the Fury Quentin Compson giấu kỹ trong lòng kế hoạch tỉ mĩ tự trầm mình trên sông Charles. “Không ai biết được điều tôi biết,” chàng bảo ông Compson khi ông này thách con mình tiết lộ kế hoạch ấy. Quentin quyết giữ bí mật của chàng—ý nghĩ loạn luân với Caddy, em gái mình—bởi vì không ai hiểu được và thông cảm với chàng ngay nếu chàng tiết lộ sự bí mật ấy. Văn hào Albert Camus (cuộc tử nạn xe hơi của ông được đoán là hành động tự tử) biện minh sự giữ bí mật lý do riêng tư nhất của con người muốn tự hủy mình khi nói đó là một quyết định của con tim. Ông viết: “Một hành động như thế được chuẩn bị trong sự yên lặng của tâm hồn cũng như một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại vậy.”

Quan niệm của Camus về tự tử cho ta thấy rằng tự tử không phải là cái chết bình thường. Tiến trình hủy mình bằng cách trãi qua một nghi thức tỉ mĩ và bằng cách áp đặt lên mình một cách không sợ hãi một sự đau đớn lớn lao như trong trường hợp Frances có nghĩa là cá nhân đặt vào hành động tự hủy thân mình một ý nghĩa quan trọng. Tự tử, như Camus có thể nói, là một cách để cho cá nhân xác định giá trị của mình bằng cái chết của chính mình. Về phương diện này, có sự giống nhau giữa tự tử trong văn hóa Tây phương và nghi lễ tự sát bằng cách mbụng hara-kiri của các hiệp sĩ đạo Nhật bản. Cả hai nền văn hóa quan niệm tự tử như là hành động xác định bản thể của mình, khác nhau là hiệp sĩ Nhật bản tự sát để duy trì một giá trị xã hội và văn hóa và con người Tây phương tự hủy mình vì một mục đích cá nhân mơ hồ. Chịu đau đớn tột độ lúc hủy hoại thân mình, người ta muốn áp đặt đau đớn, buồn khổ, và hối hận trên kẻ thù, người mình thương, và quần chúng để dạy họ một bài học. Như Karl Menninger đã viết, tự tử là một cách cho người ta “duy trì sức mạnh lớn lao, không phải là chết thực sư.”

Những ý nghĩ trên được khơi dậy bởi cái chết của Frances tôi cảm thấy rất gn gũi cũng như kinh nghiệm gần như tự tử của tôi sau s sụp đổ của miền Nam. Trong quá khứ tôi đã thấy nhiều người chết nhưng ý nghĩ tôi sẽ chết chưa đến với tôi. Cái chết của Như Cẩm, em gái nhỏ của tôi, chẳng hạn, làm tôi xúc động mãnh liệt, nhưng tôi không biết rằng một ngày nào đó tôi cũng sẽ trãi qua cơn hấp hối như em tôi. Những đống tử thi Việt Minh với những bộ mặt đầy máu khô đóng cục và mắt trợn trừng ở trong ngôi nhà hoang trên đường chúng tôi đến trường Chơn Phước Phượng ở Đồng Hới làm tôi hoảng sợ, nhưng có lẽ bởi vì tôi còn ở tuổi trẻ con ngây thơ cảnh tượng ấy không làm tôi hiểu được cái chết có ý nghĩa phức tạp như thế. Cũng thế, những cái chết dữ dội, bi thảm tôi chứng kiến trong vụ tấn công Tết Mậu Thân không ám ảnh tôi lâu. Tôi có biết bao nhiêu việc phải làm cho người sống—bản thân tôi và gia đình tôi—nên ý nghĩ về cái chết không liên hệ gì với tôi. Chỉ tám tháng trước đây khi tất cả những gì tôi xây dựng cho tương lai tôi bị sụp đổ hoàn toàn tôi mới bỗng nhiên thấy cái chết hấp dẫn tôi một cách kỳ lạ. Trước hết là ý nghĩ muốn chết biến thành một thôi thúc mù quáng nhào vào dòng xe cộ trên đường Guadalupe. Nhưng nghĩ lại đó không phải là hành động tự tử như Frances và như Camus đã biện minh, bởi vì tôi không làm thế với một ý thức rõ ràng và sau một sự chuẩn bi lâu dài. Nó chỉ là mt phản ứng vô thức trước một hoàn cảnh tuyệt vọng, không đủ sức chịu đựng được nữa, chứ không phải một ý muốn mãnh liệt xác định giá trị cá nhân của tôi, “sức mạnh vô song của tôi,” như đã được phổ thông hóa trong văn học và xã hội phương Tây.

Khi tôi được kéo ra khỏi dòng xe cộ trên đường Guadalupe giữa nhng tiếng còi xe đinh tai nhức óc, tôi như tỉnh dậy từ một cơn mê. Tôi kinh hoảng và sợ hãi khi nghĩ đến những gì sẽ xảy ra nếu tôi bị chết ngày hôm đó. Tôi không sợ chết, nhưng tôi không có quyền gây ra thêm đau buồn cho gia đình yêu quí của tôi bằng cách liều mạng sống một cách dại dột như thế. Tôi chôn mình vào việc học hành để tránh khỏi rơi lại vào trạng thái muốn chết đó. Nhưng tôi cảm thấy như con đà điểu chui đầu vào cát thay vì chạy trốn khi thấy nguy hiểm. Chúng ta không thể giải quyết một vấn đề bằng cách giả vờ vấn đề ấy không có hay tìm cách trốn tránh ở đâu đó. Nhưng ngay nếu chúng ta sẵn sàng muốn trực diện với vấn đề, chúng ta cũng có thể bị đánh bại bởi tầm to lớn của nó. Đó là tình trạng tấn thoái lưỡng nan của tôi bây giờ. Tôi cố gắng sống, hy vọng có cơ hội—dầu manh mong thế nào đi nữa—đoàn tụ với gia đình, nhưng sự chờ đợi triền miên trở nên vô vọng khi thời gian trôi qua. Làm việc quá nhiều, tuyệt vọng, buồn rầu ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của tôi. Mỗi buổi sàng tôi thức dậy với một cảm giác mệt mõi và đau rần trên khắp người tôi. Mới ba mươi tám tuổi không những tôi cảm thấy già nua mà lần đầu tiên cảm thấy rất rõ ám ảnh của cái chết. Sự mệt mõi của cơ thể tôi nếu cách đây mấy tháng tôi chỉ xem là thông thường nay tôi nghĩ có thể là một dấu hiệu tôi không thể gặp lại gia đình trong cuộc đời này nữa.

Tuổi tác không ảnh hưởng nhiều đến cách chúng ta quan niệm về cái chết không ai tránh khỏi. Tôi biết một số người tuổi cao nhưng lòng yêu đời cũng bằng hay cao hơn những người trong lứa tuổi đôi mươi. Chúng ta ý thức được cái chết không ai tránh khỏi ấy khi chúng ta đương đầu không thành công sự tàn bạo của số phận, khi chúng ta biết rằng mặc dù hết sức nỗ lực chúng ta không sao thắng được nhng trở ngại của cuộc đời, khi chúng ta mất đi khả năng hy vọng và ước mơ, khi chúng ta không đạt được kỳ vọng của người khác (trong trường hợp tôi là gia đình của tôi) và của chúng ta. Ý thức về cái chết của chúng ta do đó là một trạng thái tâm lý tạo ra khi chúng ta ý thức rằng chúng ta có món nợ lớn với đời nhưng không đủ sức gánh vác. Khi bị nghiền nát bởi hoàn cảnh, thường là trường hợp của những kẻ có khuynh hướng ưa tự tử, như trường hợp các nhân vật trong bi kịch Shakespeare, chúng ta không có lối thoát nào khác hơn là bỏ cuộc tranh đấu và lựa chọn sự hủy mình.

*Chuyển dịch từ In Search of Lost Time, hồi ký văn chương, chưa xuất bản.

 

TRẦN QUÍ PHIỆT

Tran Qui Phiet is an Emeritus Professor of English at Schreiner University. His publications include a study of William Faulkner’s influence on modern French literature and essays on U.S. literature and Vietnamese American literature in various anthologies and journals. His translations of contemporary Vietnamese literature into English have appeared in VietnamA Traveler’s Literary Companion (Whereabouts, 1995), Of VietnamIdentities in Dialogue (Palgrave MacMillan, 2001), Michigan Quarterly Review (Fall 2004), and elsewhere. Since his retirement in 2002 he has devoted himself to writing and studying Marcel Proust. He has recently completed his literary memoir based on his one-year appointment as a Fulbright scholar in Vietnam in 1999-2000.

 

http://www.gio-o.com/TranQuyPhiet.html

 

 

© gio-o.com 2020