photo: Hoàng Huy Mạnh

 

Trần Quí Phiệt

ĐI TÌM THỜI GIAN ĐÃ MẤT*

 

 

Lòng tôi quặn lại khi xe chúng tôi chạy ngang qua vùng đất cuối cùng của tỉnh Quảng Trị (trước 1975 thuộc về miền Bắc) và bắt đầu địa phận Quảng Bình. Tôi thấy vùng đất và quang cảnh ở đây rất hấp dẫn, nửa quen thuộc, nửa xa lạ. Tôi không thể nhận biết được một cách rõ ràng cái gì ở đây, nhưng thấy rất thân thương một cách kỳ lạ. Tôi đang thở cái không khí tôi đã thở khi cha tôi và tôi ngồi trên chiếc tàu lửa tốc hành chạy từ Dalat ra quê cha tôi hay khi chúng tôi thăm viếng thân nhân và bạn hữu của cha tôi ở đấy. Mặc dù tôi không tài nào nhớ hết những bụi sơn trà, những bụi tre và những cây bạch dương cao vút, tất cả đều như gần gũi với tôi: chúng tôi cùng thở một bầu không khí, cùng được nuôi dưỡng bằng một miền đất quê hương. Và bỗng nhiên những hình ảnh của một quá khứ quá thật, quá vui bùng ra trong trí tôi, không phải xuất hiện theo một diễn tiến lớp lang và trật tự, nhưng chúng tranh nhau gây sự chú ý và thừa nhận của tôi. Dường như chúng nhớ tôi, mong tôi về nhà biết bao nhiêu! Về quê cha tức là về nhà.

 

Tất cả những hình ảnh ấy đều kết tụ tại một nơi đặc biệt: quê nhà của cha tôi nơi tôi lớn lên và trước khi di cư vào Huế. Chúng đến từ đâu tôi không biết, rồi nhanh chóng biến mất để được thay thế bằng những hình ảnh khác xuất hiện rồi biến đi khi nào tôi cũng không hay. Diễn tiến này tiếp tục một lát, rồi chậm lại với sự tái xuất hiện những hình ảnh chính diễn hành trong óc của tôi, chậm rãi và diễn đi diễn lại, giống như hình ảnh trên chiếc đèn mầu nhiệm, dường như giúp cho tôi quan sát và nhớ lại chúng kỹ hơn để tôi có thể tìm lại được quá khứ dễ dàng trong cuộc hành trình sau này. Khi xe chúng tôi chạy về Đồng Hới, tôi cảm thấy như tôi du hành thụt lùi, càng lúc càng gần quá khứ của tôi. Thời gian đã đem đến tôi buồn rầu, đau khổ, bây giờ treo lơ lửng, ngừng trôi, ngừng hẳn

. . .

 

Thay vì ở khách sạn ở Đồng Hới như các du khách, tôi ngủ qua đêm tại nhà cũ của cha tôi ở Văn La bây gìờ có chủ mới là một người bà con. Tôi muốn lợi dụng triệt để cuộc viếng thăm ngắn ngủi này, cố gắng thực hiện được nhiều chừng nào tốt chừng ấy trong một vài hôm trước khi trở về Mỹ cho học kỳ mới. Nhưng tôi cũng muốn ngủ qua đêm ở đây vì một lý do riêng tư nhưng rất quan trọng đối với tôi: tôi muốn tiếp tục cuộc tìm kiếm quá khứ bị bỏ dở bởi đời sống ồn ào, náo nhiệt tôi gặp phải ở Saigon và Huế. Tôi muốn ngủ ở đây trong ngôi nhà cũ này ngày xưa là nhà của tôi, của cha tôi, của em tôi, hy vọng có thể tìm lại được tuổi thơ tôi thoáng thấy trưa nay khi đặt chân trên quê nhà của cha tôi.

 

Một tràng sấm động thức tôi dậy giữa đêm khuya. Bởi vì tiếng sấm không lớn và không có tiếng sét tiếp theo, chắc tiếng sấm đến từ dãy núi Đâu Mâu xa xăm hay từ biển Đông báo hiệu một cơn giông tố đang thành hình. Bỗng nhiên một câu nói (tôi không nhớ lúc nào và ở đâu tôi nghe câu này lần đầu tiên) hiện ra trong trí tôi: “Chớp bể mưa nguồn.” Câu nói này kích động một loạt hình ảnh và âm thanh quen thuộc đến độ làm tôi đau đớn. Một nỗi buồn tràn ngập tâm hồn tôi. Tôi gặp câu nói tiên đoán thời tiết này của người nông dân khi đọc truyện của các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn. Trong tiềm thức của tôi ngôn từ trở thành âm thanh và khêu gợi hoài niệm. Những âm thanh tôi nghe trong hiện tại cũng giống như những âm thanh tôi đã nghe khi đọc sách trong thời thơ ấu và trong quá khứ khiến cho lòng hoài hương của tôi càng thêm sâu sắc và bao la. Tôi đã nghe tiếng sấm này ngày trước trong đêm trong giấc ngủ và ban ngày khi tôi sống ở thôn quê với cha tôi. Tiếng vọng thường xuyên của hồi sấm thường làm tôi sợ hãi và lo âu khi tôi nhìn vào bầu trời xám và biết rằng những cơn mưa lớn và đôi khi lụt lội sẽ xảy ra sau đó. (Cha tôi nói rằng bác tôi bị trầm mình trong một cơn lụt lớn một thế kỷ trước và Cha không bao giờ quên điều đó được.) Nhưng có những lúc khi cuộn mình trong chăn ấm vào ban đêm tiếng ì ầm của cơn sấm trở nên niềm thích thú đối với tôi bởi vì tôi biết rằng cha tôi ở bên cạnh tôi và sẽ bảo vệ cho tôi khỏi bị nguy hiểm. Sau một thời gian tiếng sấm rì rầm trở thành âm thanh mầu nhiệm. Tôi đã mang những âm thanh ấy trong tôi như là tượng trưng cho cha tôi, tuổi ấu thơ của tôi và quê hương của tôi từ khi tôi sống kiếp lưu đày.

 

Tối nay tôi sống lại tuổi thơ hạnh phúc ngắn ngũi của tôi ở Quảng Bình khi nghe lại những âm thanh mầu nhiệm sau nửa thế kỷ bị bứng gốc khỏi quê hương của cha tôi. Khi tôi trôi vào giấc ngủ, cảm giác nao nao đau đớn biến mất và tôi trở thành một đứa bé hạnh phúc trong quá khứ xa xăm. Trong trạng thái nửa thức nửa ngủ khi ý thức chưa hoàn toàn bị gián đoạn nhưng chưa đủ mạnh để kéo tôi trở về hiện tại, những âm thanh mầu nhiệm đó bộc lộ quyền lực ghê gớm của chúng: tôi được đưa vào thế giới mộng mơ của tuổi thơ, được giải phóng khỏi sự buồn bã và gánh nặng của tuổi già. Buổi sáng tôi bị đánh thức lần nữa bởi những âm thanh mầu nhiệm khác của những năm qua – tiếng mưa rơi tí tách trên khung cửa. Trong sự im lặng và yên bình tuyệt đối của đêm về sáng ở thôn quê những tiếng gõ đều đặn, rõ ràng, nhịp nhàng kèm theo tiếng kêu nhỏ của loài côn trùng ở ngoài trời vang động trong cõi sâu thẳm của tâm hồn tôi giống như những nốt nhạc của bài dân ca. Tôi nằm im, thân thể và trí não tôi bập bềnh trên làn sóng âm thanh, cảm thấy như trở về một thời kỳ rất xa xăm nhưng rất gần, rất ấm cúng, rất thích thú.

 

Ở Hoa Kỳ thỉnh thoảng tôi nghe những âm thanh liên hệ với quá khứ của tôi nhưng tôi không coi gọi chúng là huyền diệu. Những âm thanh ấy gợi đau buồn và thương tiếc nhiều hơn vui mừng và hạnh phúc bởi vì tôi, chủ thể, không có gốc rể trong đất mẹ ở đây và bởi vì sự sảng khoái ngắn ngũi của tôi đất Mỹ không thể được nuôi dưỡng bằng đất Mỹ. Những tiếng vọng của quá khứ kích động hoài niệm của tôi về quá khứ, nhưng cùng một lúc chúng gây ra buồn rầu và nhớ nhà. Sau đây là cảm tưởng của tôi về một cơn mưa rào ở vùng núi đồi Texas ghi lại trong nhật ký của tôi:

 

Cơn mưa rào đổ ào xuống từ bầu trời. Cơn thác đổ xuống bất ngờ nhận chìm tôi trong một triều cảm giác sảng khoái và vui thú lâu lắm mới gặp lại, dễ tuồng từ lúc tôi sang Hoa Kỳ đến giờ. Âm thanh của trận mưa rào biến đổi nơi tôi ở gần ba mươi năm nay, nơi tôi cảm thấy như người khách lạ, thành quê nhà tức thì. Quê nhà! Đây là cảnh mưa rào ở Saigon ba mươi năm trước: mưa đổ bất thình lình, không báo trước. Mưa nhận chìm thành phố trong cơn thác ào ào và ngừng thật nhanh như khi tới vậy, không có báo trước. Khác với Huế mưa luôn tầm tã, ở Saigon một cơn mưa không kéo dài quá mười phút, lâu đủ để làm mát chúng ta trong ngày hè nóng bức, nhưng không quá lâu để làm ta cảm thấy buồn nãn. Đây là điều tôi cảm thấy hôm nay về cơn mưa ba mươi năm sau cũng vào một ngày hè ở Texas. Nó khêu gợi trong tôi niềm vui sướng được cảm thấy một cái gì thân yêu và quen thuộc có liên hệ với quê nhà. Nó đem ra ngoài cùng một lúc một mối nhớ mong khôn nguôi về một cái gì không sao đạt được, một mối buồn sâu xa khi nhận biết rằng cái điều quí báu tôi chợt thấy hôm nay sẽ không còn. Cơn mưa sẽ chấm dứt và tiếp theo đó nỗi buồn lưu đày sẽ trở lại, có thể còn mạnh mẽ hơn nữa. Ký ức giữ một vai trò quan trọng khi tạo lại quá khứ, nhưng ký ức không thể lưu giữ quá khứ mãi mãi. Đi tìm Thiên đường không phải chỉ giản dị là một diễn tiến hồi tưởng một cách máy móc. Bởi vì đó là một cố gắng làm tiêu hao năng lực, đi tìm quá khứ nên thực hiện ở quê nhà của người đi tìm để anh ta có thể được tiếp sức và mạnh mẽ trở lại khi anh ta kiệt sức trong cuộc đi tìm.

 

Tôi chấm dứt cuộc viếng thăm ngắn ngũi làng quê của cha tôi sau khi đi thắp hương nơi chôn cất ông bà tôi trên một ngọn đồi xa. Trên đường tôi ghé thăm một người bà con ở gần từ đường họ Trần ở làng Tráng Thiệp. Tôi tình cờ đi qua một con suối nhỏ và tự nhiên cảm thấy nóng lòng muốn nhúng tay vào làn nước trong. Mùa hè trời thật nóng nhưng kỳ lạ nước suối lạnh như băng. Bỗng nhiên tim tôi nhói lại và tức thì một cảnh quen thuộc đến độ làm tôi cảm thấy đau đớn với những hình ảnh rõ ràng, sắc sảo trào dâng lên trong trí tôi. Tôi hầu như không nhớ chi tiết chuyến đi thăm mộ ông bà với cha tôi cho đến hôm nay năm mươi năm sau khi tôi đặt chân lên ngọn đồi này và nhúng tay tôi vào có lẽ cùng một con suối năm xưa. Mặc dù cha hắn rầy la, đứa bé chậm lại phía sau để chơi đùa. Hắn đặc biệt thích bắt bướm, cá nhỏ, và những thứ như thế. Hắn dùng hai tay không tìm cách bắt cá lòng tong chạy tung tăng trong lòng suối. Nước suối quá lạnh nên mấy ngón tay hắn tê cóng và như kim châm. Năm mươi năm sau, tôi vẫn còn nhớ ngày hôm ấy trong quá khứ xa xăm cha tôi mặc chiếc áo lương đen bạc màu và quần dài trắng. Cha cầm trong tay một bó nhang cha sẽ thắp trên mộ tổ tiên của chúng tôi. Ngày hôm ấy tôi mặc chiếc sơ mi màu trắng và quần sọoc màu xanh. Cha luôn bắt tôi đội mũ (đó là chiếc mũ nỉ màu xanh nước biển) khi đi ra ngoài vì mùa hè ở Quảng Bình rất nóng.

 

Vào buổi chiều tôi đi dạo quanh nơi người hướng dẫn bảo tôi lúc trước là nhà thờ họ Trần để có thêm một “cảm giác” nữa về quá khứ. Tôi không nhớ được gì hết ở chỗ này. Thay vì ngôi nhà nhỏ lợp mái tranh là từ đường họ Trần đây là một ngôi nhà gạch to lớn có thêm nhiều nhà phụ dường như để cho nhiều người nhà ở thêm. Sân chung quanh đều lát gạch và không có cây cối gì sót lại. Ngay cả nếu không có gì thay đổi, tôi cũng không thể tả được năm mươi năm về trước quang cảnh như thế nào. Toàn thể cảnh vật làm tôi thất vọng, nên tôi nhờ người hướng dẫn đưa tôi về khách sạn. Nhưng khi tôi quay mình tôi bỗng khựng lại như bởi một cái gì. Liền khi nhận biết cái đó—hai chậu húng chanh trên mỗi phía của cổng trước – một luồng điện chạy khắp cơ thể tôi. Thế giới vật chất quá khứ của tôi không còn nữa, nhưng hai cây húng chanh đó vẫn còn. Chắc chắn hai cây đó không phải là những cây tôi thấy trong quá khứ theo quan điểm của nhà khoa học, nhưng tôi có thể nói rằng không phải đấy là mấy cây húng chanh (coleus) tôi đã sống với trong một thời gian, và chúng đã khô héo, chết đi, và mọc trở lại nhiều lần năm mươi năm nay trên vùng đất của tổ tiên tôi hay sao? Vì nếu những cây này không thuộc về – và biểu hiện – ngôi nhà của tổ tiên tôi và tuổi thơ tôi, đối tượng của cuộc đi tìm của tôi, làm sao tôi có thể cắt nghĩa cái cảm giác run người lan khắp cơ thể tôi khi tình cờ thấy chúng ngày hôm nay? Để tránh quyền lực tai hại của lịch sử và thời gian, linh hồn quá khứ của tôi ẩn mình trong một thế giới của những đồ vật vô nghĩa, tầm thường, chờ đợi tôi về để phục sinh. Mặc dù miền đất của tổ tiên tôi bị tàn phá, miền đất này vẫn còn có thể sản xuất những cây húng chanh này tượng trưng cho sự tồn tại của quá khứ. Ngay tức thì những cây này gợi trong trí tôi một miền nóng cháy, nắng chói chang, làng quê của tổ tiên tôi ở Quảng Bình. Từ lúc rời Văn La đây là lần đầu tiên tôi hiểu được tại sao tuy là một đứa bé con tôi cảm thấy quyến luyến mạnh mẽ những cây húng chanh, đã nhớ nhung chúng dường như tôi không thấy một cái gì yêu dấu trong một thời gian dài. Tôi yêu những cây này vì sự biểu tượng của chúng – quê hương nóng cháy, nắng chói chang của cha tôi. Tôi mang trong người tôi hình ảnh của miền đất ấy và cùng với tuổi thơ và thời thiếu niên hạnh phúc của tôi từ lúc tôi rời Quảng Bình. Ngay cả khi sống đời lưu đày ở xứ Mỹ tôi cảm thấy lòng se thắt lại mỗi khi nhìn thấy mấy cây này trong chợ bán cây cảnh. Chúng khêu gợi nỗi nhớ nhung đau đớn của tôi đối với ngôi làng nhỏ nóng cháy, nắng chói chang theo thời gian trở thành một biểu tượng cho Việt Nam, quê hương đã mất từ lâu của tôi. Sự vui thú nhỏ bé chóng qua khi thấy tượng trưng của quê hương trong kiếp sống lưu đày không sao so sánh được với sự hồi hộp khi được trở về quê nhà và hút sức sống nguyên sơ trong đất đã nuôi dưỡng và bảo vệ quá khứ của chúng ta.

 

Trong sự im lặng tuyệt đối của trưa hè nóng bức, oi ả bỗng có tiếng gà gáy khi tôi bước chân ra ngoài cổng nhà. Những con ve trên những đám cây trước mặt tôi đáp lại tiếng gáy của con gà trống bằng cách phát ra những âm thanh rời rạc dường như để nhẹ nhàng đánh thức thiên nhiên từ giấc ngủ trưa, rồi biến khúc nhạc mở đầu đơn độc thành những làn sóng âm thanh tăng cường độ với sự tham dự của vô số nhạc sĩ tí hon từ các lùm cây xa hơn. Những con ve này ra ngoài để hát vào sớm trưa hay chiều tối vào mùa hè, điệu nhạc buồn bã của chúng (ở Việt Nam người ta gọi chúng là ve sầu) từng đợt đổ xuống người tôi, thấm vào cõi sâu thẳm của tâm hồn tôi. Nỗi buồn của tôi vô tận như không gian quanh tôi. Tôi vui mừng được nghe lại âm thanh ngày cũ, nhưng rất buồn khi thấy rằng đây là miền đất lạ, bầy ve không còn hát cho tôi như ngày xưa, và hoài niệm về quá khứ, dầu êm dịu ngọt ngào, chỉ làm tôi cảm thấy sâu sắc thân phận của tôi. Ngay khi tôi là một đứa trẻ sống ở Quảng Bình, tôi vẫn thấy tiếng ve buồn. Tôi cảm thấy buồn khi nghe chúng hát vào những ngày hè – một nỗi buồn man mác, mơ hồ, không duyên cớ, nhưng tràn ngập người tôi. Trong tuổi thanh niên khi tôi chín chắn hơn, tôi hiểu rõ hơn ý nghĩa của loại âm nhạc buồn này. Nó liên quan đến sự chấm dứt của mùa hè, đến mối tình đầu thất vọng của tôi, sự chia tay với Trang vào cuối mùa hè và nàng sắp ra Hà Nội học. Cuộc biệt ly giữa hai chúng tôi cũng xảy ra vào cuối một mùa hè.

 

Trên đây tôi cố gắng mô tả cuộc đời của tôi trong một ngày hè nóng bức, chói chang cách đây năm mươi năm. Tôi dùng ký ức để diễn tả và nếu ký ức của tôi thất bại tôi thêm trí tưởng tượng vào. Thông tin có thể không chính xác, chắc chắn là như vậy, nhưng hình tượng của cha tôi, của tôi, của xứ sở tôi, và cuộc viếng thăm mồ mả tổ tiên tôi rất rõ, quá rõ đến độ nó làm tôi khóc khi biết rằng đó chính là quá khứ của tôi, thiên đường của tôi, và không phải cái gì khác. Thời gian không ảnh hưởng gì hết đến quá khứ của tôi. Tức thì tôi trở thành cậu bé chín tuổi chơi đùa với những con cá lòng tong trong cùng con suối đó, cùng giòng nước đó và cùng nhiệt độ đó, chỉ khác là cậu bé ấy bây giờ là ông già sáu mươi, vẫn còn yêu cha của ông ta và nay hiểu được rõ hơn ý nghĩa lời dạy của cha mình. Khi giây phút chân lý ấy hiển hiện, cậu bé thấy nó mở rộng thành nơi tọa lạc mộ phần tổ tiên của cậu. Cảnh xưa tái hiện. Cậu bé đuổi bắt châu chấu, hái hạt dẻ hay làm những việc như thế, quá ngây thơ, quá bé dại, quá ham chơi không quan tâm đến nghi thức người đàn ông (cha cậu bé) đang thực hiện để cúng tế tổ tiên và vai trò của ông mà cậu bé (con trai trưởng của người đàn ông) sẽ đảm nhiệm sau khi người đàn ông qua đời. Tôi chia sẻ giây phút chân lý này với nhân vật Pip trong Great Expectations (Kỳ vọng lớn) của nhà văn Anh Charles Dickens khi ngày hôm nay trên con đồi lộng gió của tuổi thơ tôi thấy tủi thân như Pip khi chàng trở về là một người lớn nhưng cảm thấy như một đứa trẻ và bật khóc khi nhận thấy sự “đồng nhất của sự vật” (“identities of things”) – cũng một xứ đầm lầy của quá khứ, sự hiện diện thân nhân của anh trong nghĩa trang miền quê ngày xưa anh từng sống.

 

Khi xảy đến, chiến tranh tàn phá hầu hết mọi thứ. Nhưng giống như xứ đầm lầy và nghĩa trang thôn quê của Pip, thiên nhiên và đất đai của tổ tiên tôi không thay đổi. Hôm nay tôi nhìn thấy chính những cây húng chanh tôi đã thấy năm mươi năm trước tuy lúc bấy giờ tôi không để ý đến chúng. Tôi cũng nghe chính những bầy ve hót trong những lùm cây tôi đã nghe trước chiến tranh Đông Dương. Khác với Pip, mồ mã tổ tiên tôi không còn những cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ, nhưng tôi đang đứng trên mãnh đất của tổ tiên và như cha tôi đã khêu gợi hình ảnh của Bà Nội tôi mặc dù Bà mất đã lâu, tôi cũng có thể nhận biết được sự tồn tại tiếp tục của tổ tiên tôi trên mãnh đất các ngài đã sống và chết. Biểu hiệu của sự bất biến tuyệt đối, quê nhà đem đến cho quá khứ một sự bảo vệ hùng mạnh chống lại sự tấn công của thời gian và sự tàn bạo của chiến tranh. Thiên đường tuổi thơ của tôi không mất. Nó ở đó an lành và không thay đổi cho đến khi tôi trở về về phục hồi nó.

 

*Chuyển dịch từ In Search of Lost Time, hồi ký văn chương, chưa xuất bản.

 

TRẦN QUÍ PHIỆT

Tran Qui Phiet is an Emeritus Professor of English at Schreiner University. His publications include a study of William Faulkner’s influence on modern French literature and essays on U.S. literature and Vietnamese American literature in various anthologies and journals. His translations of contemporary Vietnamese literature into English have appeared in VietnamA Traveler’s Literary Companion (Whereabouts, 1995), Of VietnamIdentities in Dialogue (Palgrave MacMillan, 2001), Michigan Quarterly Review (Fall 2004), and elsewhere. Since his retirement in 2002 he has devoted himself to writing and studying Marcel Proust. He has recently completed his literary memoir based on his one-year appointment as a Fulbright scholar in Vietnam in 1999-2000.

 

http://www.gio-o.com/TranQuyPhiet.html

 

 

© gio-o.com 2018