TRẦN QUÍ PHIỆT

QUÊ CŨ TÌM VỀ *

 

(trích dịch từ hồi ký In Search of Lost Time

(Đi tìm thời gian đã mất)

 

 

Theo chương trình hoạt động mùa hè năm 1960 của Đại học Huế, các sinh viên tốt nghiệp được cho đi Dalat tham dự sinh hoạt và hội thảo tại viện Đại học Dalat. Tôi rất vui mừng có dịp thăm viếng thành phố nơi tôi sinh ra lần đầu tiên sau khi tôi về Quảng Bình năm 1947. Cha tôi cũng muốn tôi thăm cô Hoa, em gái kết nghĩa của cha. Tôi chỉ thấy cô Hoa một lẩn vào lúc tôi khoảng bảy, tám tuổi. Cô đến nhà chúng tôi ở Dalat thăm cha tôi lúc cha ốm nặng rồi sau đó không bao giờ thấy lại cô nữa. Cha tôi không bao giờ kể tôi nghe về bản chất sự liên hệ giữa cha với cô Hoa nhưng thỉnh thoảng cha nhắc tên cô bằng một giọng rất thân ái, do đó tôi đoán cha tôi phải gặp cô Hoa trước khi kết hôn với mẹ tôi. Dường như sau khi kết hôn với mẹ tôi và về Quảng Bình cha tôi không còn liên lạc với cô Hoa nữa. May thay, cha tôi có địa chỉ của bác Gia, bạn của cha tôi lúc ở Dalat, cũng quen biết cô Hoa và biết nhà cô Hoa. Vì cha tôi khuyến khích tôi tìm thăm cô Hoa và vì tò mò muốn biết chuyện gì xảy ra giữa cha tôi và cô Hoa, tôi quyết định tìm thăm hai người bạn cũ của cha tôi. Cảm thấy như chàng lãng tử trở về nhà sau một thời gian dài phiêu bạt, tôi nóng lòng muốn tìm hiểu “quá khứ” của cha tôi, mơ hồ cảm thấy rằng mặc dù tôi còn trẻ tuổi quá khứ của tôi không tách rời quá khứ của cha tôi.

 

Mười ngày ở Dalat là một trong những thời kỳ đáng nhớ nhất trong đời tôi. Tôi bỏ qua hầu hết các sinh hoạt để thăm viếng lại nơi tôi sinh ra thành phố xưa của tôi trước chiến tranh Đông dương. Hai bác Gia đón tiếp tôi rất nhiệt tình. Mấy người con của hai bác, kể cả đứa con gái năm tuổi sinh ra sau khi tôi rời Dalat, không những biết tôi rất nhiều còn đối xử tôi như là tôi gần gũi với chúng hơn bất cứ ai trong gia đình. Bé Hiền đặc biệt rất quyến luyến tôi. Thoạt đầu con bé không cho tôi ôm nó nhưng chỉ sau một hai hôm là không rời tôi. Bác Gia gái nấu nhưng món ngon nhất cho tôi ăn. Bác Gia trai luôn dồn dập hỏi tôi về cha tôi, mấy em tôi ở Huế và tên mới của tôi. “Kìa, kìa,” Bác trêu tôi. “Đó không phải là tên con. Con đổi tên lúc nào vậy? Bác còn nhớ tên móc nôi của con khi hai bác đến thăm nhà ba má con ở đây.” Bác Gia trai rất hãnh diện về tôi, khen ngợi tôi mãi về chuyện tôi mới ngoài hai mươi mà đã thành giáo sư trung học! Mấy em con bác thay phiên đưa tôi đi xem hàng xóm của chúng lúc trước cũng là hàng xóm của tôi.

 

Chúng tôi nói chuyện liên miên và tôi sửng sốt khi thấy rằng giọng Dalat của tôi trở lại thật nhanh chóng. Người tôi run lên một niềm vui được về nhà. Chỉ có con cái của những gia đình tan vỡ mới cảm nhận được cái diễm phúc ấy. Sống trong may mắn, chắc chắn con cái bác Gia không hiểu được những giọt nước mắt của tôi khi tôi bước vào nhà chúng.

 

Đêm đầu tiên ngủ tại nhà bác Gia thật hạnh phúc đối với tôi. Tôi cuộn mình trong chăn, cố xua đuổi cơn buồn ngủ để tận hưởng khoảnh khắc êm đềm còn lưu lại của buổi chiều và chỉ ngủ thiếp lúc quá nửa đêm. Nằm trên chiếc giường ấm áp trong căn phòng tuyệt đối im lặng, tôi sống lại thời thơ ấu ngay tại chỗ này, trong thành phố này. Khi giấc ngủ từ từ đến và hữu thức ngừng lại, những giọt mưa rơi trên mái nhà và tiếng kêu của loài côn trùng bên ngoài bỗng trở nên quen thuộc với tôi đến độ tôi cảm thấy bàng hoàng. Tôi đã nghe những âm thanh này ngày xưa đêm nay tôi nghe chúng trở lại. Nhưng trong lúc tôi hoàn toàn không chú ý gì những tiếng động này trong quá khứ, bây giờ nghe lại làm tôi tràn ngập niềm vui bao la dường như những âm thanh này không bao giờ mất nhưng nằm ở đâu đó và bây giờ bùng dậy cho tôi thưởng thức nhận biết được sự quan trọng của quá khứ.

 

Tôi thức dậy trong sự chói lọi của một buổi sáng đầy nắng trong. Ngoài kia một dãy rừng thông xa bao bọc trong đám sương lam. Dưới kia là đồn đìền của bác Gia với những vườn rau xanh mướt. Tôi mở cửa sổ để “cảm” thấy được thành phố tuổi thơ sau bao năm xa cách. Mưa đã tạnh nhưng trời vẫn còn ướt lạnh. Bỗng nhiên lòng tôi se lại. Tôi thấy những cái này trước đây rồi. Gia đình chúng tôi lúc trước sở hữu ngôi nhà hai tầng và những khoảnh đất như thế này. Mỗi buổi sáng khi thức dậy tôi cũng thấy những đỉnh đồi sương lam bao phủ như thế này. Chị Ngành, hơn tôi vài tuổi, thường ghé nhà tôi và chúng tôi cùng đi đến trường. Ký ức của tôi về trường lúc tôi học lớp năm (lớp một bây giờ) rất mơ hồ: có thể mẹ tôi dẫn tôi đến trường. Nhưng bắt đầu lớp tư (lớp hai bây giờ) phi đồng minh oanh tạc thường xuyên mẹ tôi nhờ Ngành lo cho tôi ở trường. Khi không đi học, tôi thường suốt ngày đọc sách và mơ mộng với các nhân vật của tôi hay đi lang thang trong rừng gần nhà. Những ngọn núi Lâm Viên huyền bí lúc nào trông cũng như ngủ đã làm cho tôi trầm tư và lãng mạn quá sớm trong tuổi

thơ. Cá tính này của tôi ngày nay vẫn còn và là lý do tại sao tôi thích sống ở đồng quê hay gần núi rừng. Nếp sống thành phố ồn ào náo nhiệt không thích hợp con người tôi.

 

Nhìn qua cửa sổ cảnh vật trãi dài trước mắt, lòng tôi bỗng dâng lên một sự say đắm pha lẫn buồn rầu. Quá khứ của tôi sống lại với những hồn ma được tái sinh: chị Ngành, em gái tôi Như Cẩm, con rùa huyền vị sư trụ trì già chùa Linh Sơn, tôi bọn trẻ con cùng lớp tham dự vào việc đuổi đánh bọn Tây con ở trường tiểu học Dalat, người anh cùng mẹ khác cha của tôi trong bộ đồng phục Vệ Quốc Quân, và vô số sự việc và biến cố khác, tất cả đều tranh nhau hiện ra từ mọi ngõ ngách của ký ức tôi. Bởi vì những hồn ma của quá khứ xuất hiện và tan biến đi rất nhanh (toàn thể quá khứ của tôi được cô đọng lại thành vài giờ đồng hồ) và ký ức của tôi quá yếu ớt, những sự kiện quá khứ được tạo dựng lại, những vật và người nhanh chóng biến vào khoảng trống không. Bởi vì mọi vật vĩnh viễn tách rời khỏi tôi, tôi không còn nắm bắt được chúng như lúc tôi còn thơ ấu, không thể tạo dựng chúng và giữ lại trong trí tôi hoàn toàn. Thiên đường tôi đang tìm cách nắm bắt luôn vụt khỏi tầm tay của tôi bởi vì sự can thiệp của của ý thức và bởi ký ức của tôi yếu kém, thất thường, không đáng tin cậy.

 

Tôi thăm viếng hai nơi nữa của thời thơ ấu trước khi chào từ giã gia đình hai bác Gia. Bác Gia gái đưa tôi đi thăm nhà cũ của chúng tôi lúc trước. Biết rằng tôi cần yên tĩnh một mình để sống lại kỷ niệm xưa, bác trở về nhà. Tôi không tin nỗi thời thơ ấu tôi đã sống đây. Ngôi nhà hai tầng rộng lớn của chúng tôi nay chỉ là một cái trại nhỏ bé tồi tàn. Cỏ dại mọc khắp nơi chỗ ngày trước là đồn điền xanh tươi. Sau xúc động ban đầu, tôi nhận biết được toàn cảnh nơi tôi sinh ra. Gần sát cái trại nhỏ là một hàng thông cao vút tôi thường thấy trước mặt nhà tôi.

Xa hơn về phía trái nơi tôi đang đứng là con suối uốn khúc nơi tôi và em tôi chơi thả thuyền giấy. Bên kia hàng rào và hướng về ngọn đồi thoai thoải là con đường vòng bỏ hoang nơi đây thỉnh thoảng tôi thấy một đoàn đồng bào thượng lưng mang gùi yên lặng đi xuống chợ Dalat mua bán đổi chác với người thành phố. Bên kia ngọn đồi thứ hai trước mặt tôi là nghĩa địa thành phố, những mộ bia lấp lánh trong nắng xế chiều. Em gái nhỏ của tôi nằm đây. Hai mươi năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ thương Như Cẩm. Lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến cái chết của một người thân trong gia đình và biết đau khổ như thế nào. Tôi cảm thấy hình như một cái gì trong thân thể tôi bị mất đi (cha tôi thường so sánh anh em như thể tay chân của mình) và từ đó tôi luôn cảm thấy nhu cầu phải có hình bóng một người em gái trong tôi. Đó có thể do tại sao tôi quyến luyến Trang xem nàng không những người yêu, một người bạn thuở ấu thời một người em gái nữa.

 

Khác với khoảng thời gian ngắn ngũi nhưng đầy hạnh phúc tôi trãi qua đêm trước, những hình bóng quá khứ tôi tìm cách khêu gợi bây giờ làm tôi cảm thấy đau đớn. Cảnh vật không thay đổi, nhưng những người liên quan mật thiết với tôi và đã sống cùng tôi đã đi mất rồi và tôi cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Trong quá khứ tôi chưa bao giờ phải dùng đến ký ức vì những người này là bản thể của tôi và tôi không cần phải nhớ họ. Tôi được lòng yêu thương, niềm vui thú và hạnh phúc che chở mà không hay biết, làm sao tôi có thể tỏ lòng biết ơn họ được? Bây giờ chính vì tôi đã đánh mất ngây thơ tôi mới ý thức được sự cần thiết của người thân và nỗi đau buồn khi họ không còn nữa. Bây giờ họ là những hồn ma nhưng tôi vẫn cảm thấy nhu cầu tìm đến họ để được tiếp tục nuôi dưỡng. Họ không cần phải là thành phần gia đình tôi hoàn toàn. Những người đồng bào thượng trên đường đi đến chợ Dalat không phải bà con với tôi, nhưng họ đã tham dự vào tiến trình lớn lên trong hạnh phúc và vô tư của tôi. Họ là một phần không thể thiếu của thời kỳ tôi chỉ hiểu được ý nghĩa của nó sau khi bị bứng gốc ra khỏi nơi tôi sinh ra chiến tranh sự tan vỡ của gia đình.

 

Trở về nơi tôi sinh ra đời khiến tôi có thể chiêu hồn quá khứ thần tiên trong giây lát. Thân thể tôi như chiếc phong linh chỉ một làn gió thoảng cũng rung động. Nhưng tôi cảm thấy buồn rầu khi nhận ra điều này: những “khoảng thời gian hạnh phúc” (privileged moments) này không những ngắn ngũi mà thực chất cũng không thuần túy hạnh phúc. Chưa vui mừng đủ khi tìm được thiên đường đã mất tôi đã mơ hồ cảm thấy buồn bã và bất an. Tôi có thể tìm được quá khứ êm đềm này lần sau trở lại không? Khoảng thời gian quí báu này có phải chỉ có một lần trong đời không? Tôi có cơ hội trở về tìm lại thiên đường khi đời sống tôi mọc rễ nơi khác sau cuộc thăm viếng thăm này hay tôi sẽ quên Dalat tôi không cần đi tìm quá khứ nữa?

 

Chuyện sau cùng trong chương trình của tôi là đi thăm cô Hoa. Thành, con bác Gia, chở tôi trên xe Honda và để tôi xuống trước một biệt thự nhỏ trên đồi thông cuối con đường nơi tọa lạc đồn điền của chúng tôi lúc trước. Một phụ nữ tuổi trông hơi lớn hơn mẹ tôi, nhưng trông rất quí phái và xinh đẹp so với tuổi tác của bà, mở cửa khi tôi bấm chuông. Tự nhiên tôi biết đó là cô Hoa, bạn cha tôi.

 

Tôi hơi hồi hộp lần đầu tiên gặp cô Hoa. Ấn tượng của tôi đối với cô là trông cô xa cách, hơi lạnh lùng dường như không quen gặp người lạ. Bác Gia bảo tôi từ ngày chồng cô Hoa qua đời cô ấy sống với một đứa con gái, nữ sinh trường Couvent des Oiseaux ở Dalat. Khi tôi tự giới thiệu và nói tên cha tôi, mắt cô Hoa lóe lên sự vui mừng. Tức thì cô tiếp đón tôi một cách rất chân tình. Cô bảo tôi: “Con trông giống má con hơn. Cô thấy con một lần ở nhà con. Lúc ấy con độ tám tuổi. Cô đến thăm khi Ba con bệnh nặng. Khi bệnh viện cho Ba con về nhà, Ba con tự biên phái bổ thuốc trị bệnh. Cám ơn Trời, Ba con bình phục nhanh sau đó. Chuyện sau cùng biết Ba con đem con em con về Quảng Bình năm 1941. Từ đó cô không được tin gì về Ba con nữa.” Cô Hoa nói một hơi không ngừng, dường như cô nhắc lại điều cô tự lập đi lập lại nhiều lần cho cô nghe một mình. Rõ ràng cô muốn tránh nói cho tôi (con của bạn cô) biết điều bất hạnh đã xảy ra cho gia đình tôi mà tôi chắc chắn cô biết rất rõ. Việc cha tôi ốm nặng cô chứng kiến khi cô đến thăm mười ba năm trước cũng như việc cha rời Dalat nhất định còn hằn trong trí cô. Tôi thấy rất rõ sự quan tâm của cô đến sức khỏe và hạnh phúc của cha tôi vì sau đó cô dồn dập hỏi tôi thêm về cha: “Ba con khỏe không? Ba đang làm gì? Ba còn làm thuốc không? Đang ở với ai? Với con hả? Cô nói đúng không?” Đoạn chuyển sự chú ý của cô sang tôi, cô hỏi: “Cô đoán Ba con ở với con. Nhưng con lập gia đình chưa? Con mấy tuổi rồi? Tên con là gì? Chúng tôi gọi con là Ty Anh, nhưng hồi ấy con còn nhỏ lắm. Bác Gia nói với cô con được bổ nhiệm làm giáo sư trung học ở Nha Trang. Cô rất mừng cho Ba con.” Suốt cuộc “độc thoại” Cô Hoa hỏi không ngừng về cha tôi, hỏi về tôi rất ngắn và hầu như không nhắc gì đến mẹ tôi. Lòng tôi ấm áp khi cô Hoa gọi mãi tôi bằng con. Từ lúc tôi lớn khôn đến giờ không ai gọi tôi như thế ngoại trừ cha tôi. Chao ơi! sao âm thanh thần tiên ấy từ miệng cô Hoa tôi muốn nghe đến thế! Giọng Quảng Bình của cô nhẹ hơn cha tôi vì cô sống ở Dalat khá lâu. Tôi rất thích mùi vị của quê cha tôi hòa lẫn với mùi vị nơi tôi sinh trưởng trong giọng nói của cô Hoa. Bỗng nhiên tôi ước cô là mẹ tôi!

 

Vừa lúc tôi sắp chào từ giã cô Hoa, cửa phòng bên mở nhẹ, một người con gái bước ra. Ăn vận theo kiểu Tây phương rất lịch sự, cô gái dường như có hẹn đi chơi với ai hay làm điều gì đó. Cô Hoa bảo con gái cô gọi tôi là anh họ. Trên khuôn mặt xinh đẹp Hoàng lộ vẻ ngạc nhiên, nhưng nhanh chóng nàng mĩm cười thân thiện chào tôi. Tôi bối rối quên chào lại. So sánh với Trang, Hoàng thật bạo dạn và bặt thiệp khiến tôi không hiểu tại sao cha tôi định chọn Hoàng cho tôi. Một lát sau, tiếng ai bấm chuông. Tôi hơi sững sốt người đó Quang thủ vai nho sĩ trong vở kịch trình diễn cách đây bốn năm trong lễ kỷ niệm 60 năm tại trường Quốc Học do Tổng thống Diệm chủ tọa. Tôi thấy Quang một vài lần sau đó ở trường. Sau đó không biết hắn đi đâu.

 

Quang người lanh lẹ, hoạt bát, rất được lòng học trò con gái. Cái gì đã khiến hắn ta vượt hơn 830 cây số vào đây đi chơi với Hoàng Hoàng trước đó có quen hắn không? Tại sao cô Hoa dễ dãi như vây? Mặt cô Hoa trông thoáng buồn. Có phải là cô thấy đã quá chậm để kết nối tình bạn của cô với cha tôi qua sự tác hợp con gái của cô với con trai của bạn? Nhưng ngay cả Hoàng không có bạn trai tôi cũng không muốn thuận theo kế hoạch của cô Hoa. Hoàng không phải là mẫu người lý tưởng của tôi. Nữ sinh trường Couvent des Oiseaux, Hoàng quá “đầm” đối với một tên nhà quê như tôi. Cha tôi chắc cũng đồng ý với tôi. Cha không muốn một con dâu quá tân thời. Bỗng nhiên tôi cảm thấy buồn rầu hết sức. Tôi đã tìm cô Hoa cho cha tôi, tôi đã “nếm” thử dù ngắn ngũi hương vị của thiên đường khi thăm viếng gia đình bác Gia và nơi tôi sinh ra. Nhưng chỉ có thế thôi. Tôi không thể giúp cha tôi và cô Hoa nối lại tình xưa. Bốn mươi năm sau, khi tôi từ Hoa Kỳ trở về thăm Dalat lần nữa, mọi sự đã quá trễ. Tất cả chứng nhân của quá khứ−−cha tôi, cô Hoa, vợ chồng bác Gia—đều qua đời. Hoàng cũng không biết phiêu bạt phương nào. Nơi duy nhất tôi quen thuộc còn sót lại là nghĩa địa Dalat, chỗ Như Cẩm nằm yên nghỉ đâu đây, nhưng nấm mồ của em tôi không bao giờ tìm thấy bia mộ đã không còn.

______

*Trích dịch từ bản tiếng Anh In Search of Lost Time. Sắp xuất bản

                            Trần Quí Phiệt