TRẦN QUÍ PHIỆT
ÁM ẢNH, THỜI GIAN VÀ HOÀI NIỆM:
NHỮNG NĂM ĐỌC PROUST VÀ FAULKNER
trích đoạn hồi ký văn
chương
Bây giờ ai muốn viết về hoài niệm, thời gian, khắc khoải và ám ảnh trong tâm hồn đều phải đọc À la recherche du temps perdu của Marcel Proust. Tôi đã đọc tác phẩm cổ điền này trước khi bắt đầu viết sách của tôi. Phyllis Rose trong tác phẩm The Year of Reading Proust nói rằng bà ta “bắt đầu thấy một đề tài lớn cho tiểu thuyết của tôi về la belle époque lúc đọc Proust.” Rose giãi thích sự hấp dẫn của Proust như sau: “Proust dường như có nhiều điều muốn nói, đúng hơn là giãi thích, về đặc tính của con người và tôi muốn lắng nghe Proust nói” và “điều tôi mong đợi nhất là thấy được những biểu lộ về bản thân tôi [khi đọc Proust]” (trang 190, 240). André Aciman cũng nói như thế trong một cuộc phỏng vấn: “Đọc Proust tức là tự đọc chính mình” (“Sáu nhà văn nói về thiên tài Proust,” Literary Hub, ngày 11 tháng 7 năm 2016). Proust hết sức am tường về những khía cạnh của thế giới loài người và thân phận con người. Proust đặc biệt quan trọng với tôi bởi vì tôi đang viết cuốn hồi ký văn chương/tự truyện về lưu đày và quê nhà và tôi muốn học hỏi cách viết về những đề tài liên hệ với cuốn sách của tôi như là quá khứ, hoài niệm, thời gian và sự ám ảnh. Giống như các độc giả của Proust, tôi chỉ hiểu những vấn đề này một cách mù mờ hay máy móc nhưng không biết diễn đạt một cách rõ ràng và tự tin trước khi đọc kỹ Proust.
Điều đầu tiên khiến tôi đặc biệt lưu ý về tác phẩm của Proust là sự liên hệ giữa hoài niệm và ám ảnh. Nhân vật của Proust biểu hiện đề tài này là Albertine, người tình bí ẩn nhất của Marcel. Mặc dù tình cảm của Marcel đối với Albertine lúc nàng còn sống không rõ ràng và bất thường, Albertine trở thành một mối ảm ảnh thường trực đối với Marcel sau khi nàng qua đời. Lúc về già Marcel vẫn không sao quên được Albertine. Vào cuối truyện Temps retrouvé/ Thời gian tìm lại Proust viết, “xác thân con người chứa đựng những thời khắc của quá khứ nên có quyền làm đau đớn những kẻ yêu đương những xác thân ấy. Xác thân còn mang hoài niệm về những biết bao niềm vui, biết bao ước muốn đã bị xóa nhòa nhưng còn tàn bạo với người yêu vì chàng còn muốn chiêm ngưỡng, còn muốn kéo dài trong phạm vi của Thời Gian cái xác thân yêu dấu ấy để ghen tuông, ghen tuông đến độ muốn thấy xác thân ấy triệt tiêu đi cho rồi”(Time Regained, C.K. Moncrieff dịch, trang 1106; tất cả những chữ, câu in nghiêng thêm vào để nhấn mạnh). Đoạn văn trích dẫn này cho ta thấy quyền lực khủng khiếp “xác thân yêu dấu” của người yêu đã mất khi nó trở thành một ám ảnh thường trực. Khác với sự mô tả của Proust về việc sử dụng ký ức tự nhiên để chiêu hồi những khoảnh khắc vui sướng của quá khứ trong phần đầu cuốn tiểu thuyết, trong những trang cuối cùng của Temps retrouvé Proust tập trung vào sự liên hệ giữa hoài hiệm và ám ảnh. Marcel đau khổ không phải vì buồn nhớ Albertine sau cái chết của nàng mà bị ám ảnh bởi “thân xác yêu dấu” của nàng. Thân xác Albertine có gì khiến Marcel ghen tuông đến thế? Tôi nghĩ rằng điều này có liên quan đến sự tự do của Albertine bởi vì sau khi chết thân xác nàng không còn thuộc về Marcel nữa. Có điều Marcel không muốn thân xác Albertine thuộc về ai hay thuộc về cái gì. Cũng như thế, sau khi Albertine chết, những kỷ niệm về nàng được chuyển đến Marcel để chàng chịu đựng và đau khổ một mình.
Hình bóng quyến rũ của Albertine và đám con gái dạo chơi trên bờ biển Balbec trong À l’ombre des jeunes filles en fleurs/ Dưới bóng các cô thiếu nữ tuổi hoa hiện lên như là một ám ảnh thường xuyên trong tâm trí người thuật chuyện của tác phẩm tôi trong cảnh lưu vong và ngay cả tuổi già của ông: “Trang và bọn con gái tay trong tay rão bước về hướng đường nhà tôi. Bọn họ vừa đi vừa cười nói ríu rít, những tà áo trắng phấp phới như đàn bướm trắng bay lượn trong ánh mặt trời mùa hè. Đàn bướm trắng bay lượn trong trí tôi một lát nữa như những hình bóng trên chiếc đèn mầu nhiệm. Xoay theo chiều đèn nhưng những hình bóng ấy đứng im lìm không lay động và biến mất khỏi trí tôi nhanh chóng như khi chúng xuất hiện” (Đi tìm thời gian đã mất).* Đây là những “hóa thân” của nhân vật Lena Grove Faulkner nói đến trong tác phẩm Light in August, “chuyển động nhưng không tiến triễn trên chiếc bình hoa” của John Keats. Bởi vì thời gian đông cứng hay ngừng trôi, hình bóng của Trang và đám con gái bạn nàng không hòa lẫn với thời gian vật lý nhưng biến thành một hiện hữu ám ảnh vì những hình bóng này xuất hiện trở lại không ngừng. Nỗi nhớ liên tục qua thời gian có thể biến thành một nỗi ám ảnh bạo tàn chỉ ngừng sau khi chúng ta chết. Mặc dù người kể chuyện trong sách tôi buồn giận và ghen tuông khi thấy tấm hình Trang và chồng nàng trên bàn thờ khi trở về thăm nhà cũ của người yêu, nhưng vẻ mặt buồn bã của Trang đã ám ảnh chàng từ lúc biệt ly bùng dậy trong lòng ông một làn sóng những kỷ niệm êm đềm khiến ông bị hồi hận dày vò vì đã bạc đãi linh hồn nàng.
Thời gian là một đề tài quan trọng khác trong sách của tôi. Bất cứ tác phẩm nào viết về đi tìm thời gian đã mất sẽ thiếu sót nếu không nhắc tới lý thuyết thời gian và hồi ức của Henri Bergson và Marcel Proust. Bởi vì triết lý của Bergson hết sức quan trọng không thể chỉ nói trong vài giòng, tôi sẽ chỉ bàn về sự ứng dụng của Bergson trong văn chương. Bergson gọi durée/thời gian đích thực là thời gian có thể phục hồi bằng ký ức tự nhiên (involuntary memory). Loại thời gian tâm lý này gồm bằng một chuỗi liên tục những trạng thái dị biệt, xen lẫn nhau và có thể phục hồi bằng trực giác. Proust muốn phục hồi quá khứ nhưng ông chỉ quan tâm đến việc kiểm soát thời gian, chỉ muốn giải thoát khỏi sự vô thường của thời gian thay vì tìm hiểu đặc tính và vai trò của thời gian như Bergson. Trong cuốn tiểu thuyết sau cùng Temps retrouvé Marcel nay là một người lớn tuổi bảo rằng ông muốn phục hồi thời gian vào thời kỳ vui thú ngày xưa “để trở về lại lúc tôi đôi khi nhận thức trong cuộc sống của tôi, trong những ánh chớp ngắn ngũi. . . những khoảnh khắc của nhận thức đã làm cho tôi nghĩ rằng đời thật đáng sống” (trang 1088). Proust đã biến quan niệm của Bergson về durée như là những trạng thái riêng lẻ chồng chéo thành những ánh chớp ngắn ngũi Proust gọi là moments bienheureux (khoảnh khắc vui sướng tuyệt vời) khi thời gian được “hồi phục về trạng thái nguyên sơ” do sự kích hoạt của ký ức tự nhiên. Howard Moss trong cuốn The Magic Lantern of Marcel Proust tìm thấy Marcel trãi qua mười một lần hồi ức chính do sự kích thích của những giác quan khác nhau. Hai khoảnh khắc nỗi tiếng nhất là lúc Marcel ăn miếng bánh madeleine nhúng vào tách nước trà toàn thể làng quê Combray của Marcel sống dậy và lúc chàng vấp chân vào mấy bậc đá không bằng phẳng trên sân biệt thự của gia tộc Guermantes khiến chàng hồi tưởng toàn thể cuộc viếng thăm Venice. Nhưng tiếng động tạo ra sự kích thích mạnh mẽ nhất bởi vì nó đánh thẳng vào tim con người. Tiếng chuông rung ở cổng vườn nhà Marcel báo hiệu Swann, “người đem đau khổ đến cho Marcel,” đang tới thăm và làm chậm việc mẹ cậu lên phòng cậu. Tiếng chuông rung cũng làm Marcel hồi hộp vì nó có nghĩa là Swann đang ra về và Marcel sẽ gặp mẹ sớm. Đối với Marcel tiếng chuông không tạo ra một cái gì khác hơn là một phản ứng tình cảm trẻ con đối với một sự kiện thông thường trong mắt chúng ta. Nhưng khi ông già Marcel nghe tiếng chuông về sau này nó khêu gợi một ý nghĩa triết lý về nguồn gốc và bản chất của sự việc. “Khi tôi nghe tiếng chuông ở ngoài cổng vườn nhà tôi, tôi đã hiện hữu trên cõi đời rồi. Kể từ lúc đó không có lúc nào trôi qua tôi không ngừng hiện hữu, không ngừng suy tưởng, không ngừng ý thức. . . rằng tôi có thể tìm lại được vết chân đưa tôi về (khoảnh khắc ấy) bằng cách bước sâu xuống trong lòng tôi” (trang 1105-06). Tiếng chuông rung không ngừng trong lòng Marcel có nghĩa là quá khứ không mất, bản thể con người không thay đổi và thời gian không vô thường bởi vì thời gian chuyển biến nhưng không trôi chảy về phía trước và thay đổi như thời gian vật lý.
Ở phần đầu cuốn truyện những khoảnh khắc vui thú của Marcel được hồi phục nhờ sự kích thích của các giác quan như vị giác, khứu giác và xúc giác. Những cảm giác vui thích Marcel trãi qua được mô tả như “thích thú vô cùng,” “sảng khoái,” “thoải mái,” “ấn tượng không mô tả được,” vân, vân. Chỉ khi được khêu gợi bởi tiếng âm nhạc hay hồi chuông rung, sự hồi phục của quá khứ mới mang một ý nghĩa đặc sắc và phức tạp. Có một lúc trong tiểu thuyết của Proust âm thanh khêu gợi đau buồn thay vì hạnh phúc. Nghe tiểu tấu khúc (la petite phrase) trong tấu khúc của Vinteuil sau khi bị nàng Odette ruồng bỏ, Swann cứ tưởng người vợ cũ đang trở về. “Sự xuất hiện của nàng khiến Swann đau đớn đến độ tự nhiên Swann đưa tay ôm con tim” (trang 264). Swann nhớ từng chi tiết của “thời gian trong đó tôi được hạnh phúc, được yêu” (trang 265). Âm nhạc có thể khêu gợi những phản ứng tình cảm khác nhau ở những con người khác nhau. Đối với Marcel, một nhà văn, tấu khúc của Vinteuil kích động những vấn đề mỹ thuật như là bản chất và vai trò của nghệ thuật. Đối với Swann, không phải là một nghệ sĩ, tiểu tấu khúc Swann nghe trong thời gian dan díu với Odette là một biểu hiệu cho ái tình. Nhưng sau khi bị Odette phản bội cũng một khúc nhạc ấy khêu gợi trong Swann một nguồn sầu muộn khôn nguôi.
Giống như Proust, tôi dùng âm thanh để khêu gợi những hoài niệm quá khứ đau buồn. Kinh nghiệm của nhân vật của tôi với sức mạnh của âm thanh xảy ra trước khi anh rời quê hương và ly biệt với người yêu. “Trong đêm tối hoàn toàn im ắng tôi nghe tiếng côn trùng yếu ớt, buồn bã, nĩ non quanh nhà bên ngoài. Tôi nghe tiếng chó sủa ở xa, tiếng tru không ngừng của chúng rõ mồn một, nhức nhối, buồn thảm, nghe như xé lòng. Bỗng nhiên, tất cả những âm thanh liên quan đến quê nhà và người yêu của tôi im bặt sau tiếng còi của chiếc tàu thủy” (Đi tìm thời gian đã mất ). Thời gian đích thực theo định nghĩa của Bergson người kể chuyện của tôi vừa trãi qua bỗng ngưng bặt bởi những còi tàu inh ỏi của chiếc tàu thủy của Thủy quân Pháp đang chờ đưa nhân vật của tôi và các người di cư vào Nam.
Vào buổi tối trước cuộc hành trình đi tìm quá khứ ở Dalat, thành phố thời thơ ấu của nhân vật tôi, anh thăm viếng một phần của phố đông người ở Saigon vào lúc tan sở. Anh choáng ngợp bởi cảnh ồn ào xe cộ và âm thanh của một cơn mưa nhỏ. Anh cảm thấy lần đầu tiên một cảm giác vui sướng giống như cảm giác moment bienheureux của Proust. Anh viết ký như sau trong nhật ký: “Tôi rão bước về nhà trọ, tận hưởng cái thú vị của cơn mưa rơi trên vai tôi cũng như tiếng động nén lại của giòng xe cộ ban tối. Tiếng ồn kích động một sự tổng hợp các thứ--âm thanh, hình ảnh, cảm giác, tình cảm—ào ạt túa ra từ tôi và từ sâu thẳm trong tôi, mơ hồ, hỗn độn, mạnh mẽ, tràn đầy, đè nén trên người tôi nhưng thanh thoát và dịu dàng” (Đi tìm thời gian đã mất). Cái cảm giác vui sướng thích thú hiếm có này người kể chuyện của tôi có được khi đi tìm thời gian đã mất xảy ra khi qua khứ và hiện tại cô đọng lại làm thành một hiện tại tràn đầy. Trong Temps retrouvé của Proust chúng ta đã thấy hiện tại vĩnh viễn này, dấu kín trong con người Marcel, thức dậy khi một tràng tiếng chuông vang lên nơi cổng vườn nhà Marcel thời thơ ấu.
Marcel thành công trong việc tìm lại được thời gian đã mất vào cuối truyện Temps retrouvé khiến ông muốn viết một cuốn sách về cuộc đi tìm này. Nhưng niềm vui ngắn ngũi tan biến khi Marcel nghĩ đến những khó khăn to lớn của dự án. Cảm thấy “cái chết gần đến” vì đau ốm và vì tuổi già, Marcel hoảng hốt thốt lên: “Tôi còn kịp chăng? Tôi còn đủ sức không?” Trong cảnh sau cùng của cuốn truyện Proust tả cảnh nhân vật chính của mình đứng trên đôi nạng, cảm thấy chóng mặt khi nhìn xuống phía dưới. Thực ra, cảnh này xảy ra trong chính con người Marcel. “trong người tôi, dường như nhìn xuống từ trên cao, chiều cao của con người tôi, chiều dài của những dặm đường, nhìn xuống những năm dài đằng đẵng” (Time Regained, trang 1196). Chúng ta đau khổ vì sự tàn bạo của thời gian và sự giam hãm của không gian. Thân phận mong manh giống như vua Lear trong tuổi già khiến tôi nhớ đến nhân vật trong cuốn sách của tôi. Khi nhân vật của tôi, lúc này đã già, tìm cách trèo lên ngọn đồi gần ngôi nhà thời thơ ấu và nhìn xuống thành phố, ông ta tự nhiên cảm thấy lặng người bởi “một cảm giác chóng mặt, kiệt sức và sợ hãi.” Giống như Marcel, ông ta lo sợ không có đủ thời gian và sức khỏe để hoàn tất cuộc đi tìm, đừng nói gì viết cuốn sách về cuộc đi tìm ấy trong cuộc đời này.
Một nhà văn khác ảnh hưởng sâu đậm nghệ thuật viết văn của tôi là William Faulkner. Để được tiện lợi, tôi sẽ chỉ chú trọng vào The Sound and the Fury, tác phẩm quan trọng nhất của Faulkner về ám ảnh và thời gian. Trong tiểu thuyết này ta thấy sự ám ảnh của Quentin đối với cô em gái Caddy, gia đình và quá khứ mạnh mẽ đến độ Quentin không màng gì đến những chuyện đang xảy ra, trong hiện tại. Quentin đã chết rồi. Chính sự ám ảnh của Quentin đối với quá khứ, hay quá khứ đã giết Quentin.
Quá khứ nhân vật của tôi đi tìm không luôn xuất hiện trong hình dạng nguyên sơ của nó. Nhân vật tôi dồn nén sự mong ước lâu ngày đến độ nó bùng nỗ vào hiện tại và biến thành hiện tại. Thí dụ, ta có thể thấy điều này khi người kể chuyện của tôi trong một ảo tưởng thấy người yêu và các bạn của nàng trong một cuộc dạo chơi mùa hè ở quê nhà tái xuất hiện trong ngày lễ hội đầu năm mới ở vùng đất mới của chàng. Cái ảo tưởng này xuất hiện một cách tự nhiên, không rõ từ đâu đến, không do bởi một giác quan nào bị kích thích như trong Proust. Theo nhà phê bình Jean Pouillon trong nghiên cứu của ông về Faulkner, loại quá khứ này “là thực, đã có sẵn ở đấy, và chính là quá khứ trở thành hiện tại” (Pouillon, Temps et roman, trang 211; Trần Quí Phiệt dịch).
Quá khứ được hồi phục theo kiểu Proust gồm có những khoảnh khắc hạnh phúc tuyệt vời ít thấy ở các nhà văn hiện đại. Theo truyền thống Faulkner, các nhà văn viết về hồi ức và thời gian trong bối cảnh lịch sử thường khai tìm một quá khứ tối tăm, ngoắt nguéo, ám ảnh, một quá khứ được nhớ lại một cách tự nhiên, không do giác quan bị kích thích. Thí dụ, trong tiểu thuyết La bataille de Pharsale của Claude Simon các nhân vật đã chết diễn lại cuộc chiến đấu anh dũng nhưng thất bại chống lại quân đội Phát xít. Quá khứ không chết nhưng tồn tại trong tâm hồn kẻ sống sót/người kể chuyện qua những chiến công tưởng tượng kể lại trong quan điểm mới. Cũng thế, người kể chuyện của sách tôi trong cuộc du hành xuyên Việt tưởng tượng viếng thăm lại những biến cố lịch sử quan trọng đã tạo dựng số phận của đất nước ông ta. Những chiến binh ma của quân đội miền Nam vẫn còn ám ảnh với quá khứ oai hùng của họ trước khi miền Nam sụp đổ. Dù họ đã chết và được tự do khỏi thời gian, họ vẫn không thoát được hồi ức. Hàng đêm, họ tập hợp và diễn lại những lễ nghi quân cách—chào quốc kỳ miền Nam, ca không thành tiếng quốc ca miền Nam—lúc nào cũng đúng giờ, không sai chạy, rât thành tâm và cảm động. Mặc dù không bị lệ thuộc vào thời gian vật lý, họ vẫn bị lệ thuộc vào một quá khứ Pouillon trong nghiên cứu về Faulkner gọi là “phi thời gian,” nghĩa là một thời gian không triệt bỏ được vì đó là số phận của họ.
Quá khứ “phi thời gian” đầy ám ảnh này không thể quan niệm được nếu không có không gian làm bối cảnh. Các nhân vật ma trong sách tôi tập hợp ở một địa điểm không thay đổi trên Đèo Rù Rì, nơi chứng kiến biết bao nhiêu biến cố bi thương trong lịch sử Việt Nam, trong đó biến cố quan trọng nhất là sự bại trận của quân đội miền Nam trước quân đội cộng sản miền Bắc. Nhà lý thuyết văn học người Nga Mikhail Bakhtin sáng tạo ra một ý niệm gọi là chronotope để chỉ sự “liên hệ mật thiết giữa những tương quan thời gian và không gian trong văn chương.” Trong chronotope ký ức lệ thuộc vào không gian hơn là thời gian. Không gian, vốn không thay đổi hay ít thay đổi, kích động ký ức rất mạnh mẽ. Sự dày đặc của ký ức khiến thời gian trở nên “đậm đặc” và “kéo dài lê thê trong không gian.” Không có nơi nào điều này rõ ràng bằng văn chương chiến tranh trong đó quá khứ ám ảnh được nhớ lại hay hồi phục trong một không gian không thay đổi. Trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, có lẽ tiểu thuyết hay nhất về chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh, nhân vật Kiên cảm thấy như “đi lùi vào thời gian” và “quá khứ “đè nặng trên người anh.” Không những cuốn tiểu thuyết này biểu hiện định nghĩa của Pouillon về tiểu thuyết định mệnh ttheo truyền thống Faulkner; nó còn diễn tả được quan niệm của Bakhtin về chronotope bằng cách “cụ thể hóa thời gian trong không gian.” Thời gian trong Nỗi buồn chiến tranh “dày và cụ thể thay vì kéo dài, nhạt nhòa và diễn tiến thẳng tắp như thời gian lịch sử và tự truyện” (Qui-Phiet Tran, “The Chronotope pf Memory and Time in Bảo Ninh’s Nỗi buồn chiến tranh The Sorow of War, Journal of Vietnamese Studies, 2019, p. 51).
*
Sự tương quan giữa thời gian và không gian trinh bày ở trên đem chúng ta đến ý niệm “một chỗ trong Thời Gian” Proust đề cập đến vào cuối truyện Temps retrouvé. Chiếm một chỗ trong thời gian có nghĩa là hiện hữu trong không gian và thời gian nhưng bởi vì sức khỏe suy kém Marcel sợ rằng không thể “giữ được quá khứ bây giờ đã chìm xuống quá xa.” Ước muốn của Marcel là có đủ sức khỏe để viết về những người chiếm “một vị trí đáng kể so với vị trí giới hạn . . . họ được hưởng trong không gian” (Time Regained, trang 1107). Theo Proust, những kẻ ông gọi là “những người khổng lồ” có thể “nhảy vào những năm dài và tiếp xúc với những khoảng thời gian cách xa nhau vô tận.” Rõ ràng là Proust nói đến chính bản thân mình hay những nhà văn viết về thời gian và hồi ức. Thật lạ kỳ cuốn tiểu thuyết dài 4000 trang này chỉ là phần nhập đề của một dự án chính về thời gian và hồi ức người kể chuyện của Proust nói “sẽ nhất định” thực hiện “nếu có đủ sức khỏe hoàn thành tác phẩm của tôi” (trang 1107). Mặc dù cuộc đi tìm thời gian là công việc của những “người khổng lồ,” cuộc đi tìm phải diễn ra “trong phạm vi của Thời Gian.” Điều này có nghĩa nhà văn là một người có khả năng như một “kẻ khổng lồ” nhưng hèn mọn như một con người bình thường giữ “một vị trí nhỏ bé trong Thời Gian.” Mặc dù Proust viết rằng nhân vật Marcel đã tìm lại được thời gian, nhưng thực ra thời gian không bao giờ mất. Marcel khắc khoải với thời gian vì tâm hồn chàng nặng chĩu mối quan tâm về trách nhiệm đối với đời sống con người. Proust viết: “Và tôi cảm thấy . . . một sự mệt mõi gần như kinh hoàng khi nghĩ rằng trong suốt thời gian ấy không những tôi không ngừng sống, kinh qua, tiết ra thời gian ấy mà thời gian ấy là sự sống của tôi, thực sự chính là tôi.Tôi còn nghĩ rằng tôi phải buộc chặt thời gian ấy vào người tôi bao lâu tôi còn sống . . .”(Tỉme Regained, trang 1106). Ngược lại, những chiến sĩ quân đội miền Nam đã chết tập họp trên đèo Rù Rì sau cuộc biểu diễn tưởng tượng thường lệ trò chơi lịch sử bị “đẩy vào nơi Thời Gian bắt đầu, chốn quá khứ thăm thẳm, hòa lẫn với các chiến binh vô danh thuở xa xưa.” Thời gian mịt mờ thăm thẵm ấy khác hẵn với thời gian Proust bắt được sau cuộc đi tìm, theo lý thuyết về thời gian của Maurice Blanchot, là thời gian không thời gian (L’Espace littéraire). Theo Blanchot, đây là căn nguyên của “oubli, souvenir de l’immémoriel, sans mémoire” (lãng quên, hoài niệm của thời xa xưa, không ký ức). Đây là số phận của các tử sĩ quân đội miền Nam sau cuộc chiến. Ngay cả người chết cũng không thoát được sự hành hạ của thời gian và hoài niệm.
_________
*Chuyển dịch từ In Search of Lost Time, Đi tìm thời gian đã mất, hồi ký văn chương, chưa xuất bản.
TRẦN QUÍ PHIỆT
Tran Qui Phiet is an Emeritus Professor of English at Schreiner University. His publications include a study of William Faulkner’s influence on modern French literature and essays on U.S. literature and Vietnamese American literature in various anthologies and journals. His translations of contemporary Vietnamese literature into English have appeared in Vietnam: A Traveler’s Literary Companion (Whereabouts, 1995), Of Vietnam: Identities in Dialogue (Palgrave MacMillan, 2001), Michigan Quarterly Review (Fall 2004), and elsewhere. Since his retirement in 2002 he has devoted himself to writing and studying Marcel Proust. He has recently completed his literary memoir based on his one-year appointment as a Fulbright scholar in Vietnam in 1999-2000.