Lý Thái Hùng

 

Đông Âu

 

 

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, các đế quốc Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Hòa Lan... đã phải từ bỏ tham vọng đế quốc và những thuộc địa của mình, chính thức thừa nhận nền độc lập của các dân tộc bị trị. Hơn 4 thập niên sau đó, đến lượt đế quốc Liên Xô phải hứng chịu định mệnh này, đầu tiên là tại Đông Âu rồi đến các Cộng hòa trong Liên Bang Xô Viết.

 

Năm 1989, trận bão "Dân Chủ" đã thổi mạnh mẽ đến Đông Âu và Trung Âu, quét sạch "thành trì vô sản chuyên chính" do Stalin xây dựng vào những năm sau Đệ Nhị Thế Chiến. Chiến tranh lạnh đã chấm dứt và các dân tộc của vùng đất này đang được hồi sinh, vươn mình đứng dậy sau hơn 40 năm dài sống trong gọng kềm Cộng sản.

 

Suốt 40 năm bị chi phối bởi khuynh hướng tả phái giáo điều, người dân sống trong các quốc gia Đông Âu vào thời đó không tin là mình được giải phóng hàng loạt. Cuộc cách mạng dân chủ đã xảy ra quá nhanh, quá ngoạn mục, đưa đến sự tan rã dồn dập của các chế độ Cộng sản tại đây, là một loạt những biến động nối kết không ai có thể ngờ, dù đã biết mọi sự trên đời không có gì bất biến.

 

Trước đây người ta thường đơn giản đánh giá sức mạnh của khối Cộng Sản Quốc Tế bằng thành kiến: "khó có thể lật đổ một chế độ cộng sản khi nó đã nắm chính quyền". Nhưng huyền thoại đó đã không còn nữa, nó lần lượt bị đánh ngã bởi áp lực đấu tranh của quần chúng vì khát vọng tự do, dân chủ và muốn có một đời sống cơm no, áo ấm với đầy đủ quyền làm người.

 

                                                                                *

 

Tình hình Đông Âu vào năm 1989 là kết quả của một chuỗi biến cố xảy ra từ những sự kiện trước đó đưa đến Thế Chiến Thứ Nhất, rồi sự xuất hiện của chế độ Xô Viết tại nước Nga, sự hình thành và bành trướng của Đức Quốc Xã, rồi Thế Chiến Thứ Hai, và vai trò của Stalin trong việc phát triển vòng đai đỏ chung quanh đế quốc Xô Viết, đưa đến cuộc chiến tranh lạnh giữa hai cực Cộng sản-Tự do kéo dài nhiều thập niên.

 

Ngược dòng lịch sử lên đến khoảng đầu thế kỷ 20, các đế quốc Đức-Áo-Hung tại giữa Âu Châu phát triển thế lực trong lục địa, đe dọa các nước lân bang. Phản ứng của Âu Châu là thế liên hợp tay ba giữa Pháp-Nga-Anh làm hàng rào ngăn chận. Sự bùng vỡ của những tranh chấp cục bộ tại Trung Âu (khi đó ý niệm Đông Âu chưa ra đời) sau chiến tranh Balkans (1912-1913) và giữa các sắc dân vùng Trung Âu (sau này kết hợp thành các nước Ba Lan, Tiệp Khắc, Nam Tư, Romania,...) đã châm ngòi cho Thế Chiến Thứ Nhất. Liên Minh tay ba (Triple Alliance) là Đức-Áo-Hung ở giữa lục địa Âu Châu bung ra tấn công Liên Hợp Tay Ba (Triple Entente) là Pháp-Nga-Anh tại vùng ngoại biên.

 

Tháng 3 năm 1917, Nga Hoàng Nicolas II không còn điều khiển được tình hình trong nước đành phải thoái vị và một chính phủ lâm thời được lập ra, nhưng cũng không lật ngược được tình thế vì dân và lính Nga không còn muốn tham chiến nữa. Lợi dụng tình hình này, phe Bolchevik của Lênin tung khẩu hiệu "hòa bình và cơm áo" làm cuộc đảo chánh mà sau này những người Cộng sản gọi là Cách mạng tháng Mười, cướp chính quyền và rút khỏi cuộc chiến. Nga trở thành Liên Bang Xô Viết từ đó. Trong khi chính phủ lâm thời của Nga được thành lập thì Hoa Kỳ cũng bắt đầu bị lôi vào cuộc chiến, và kịp thời tham dự bên Anh, Pháp (tháng 4 năm 1917) trước khi Nga rút.

 

Việc Hoa Kỳ tham chiến làm tình hình thay đổi khá bất ngờ cho phe Liên Minh Đức-Áo-Hung, và chiến tranh kết thúc với sự bại trận của Liên Minh này. Sau Thế Chiến Thứ Nhất, các nước dân chủ lập kế hoạch phân hóa các đế quốc Đức-Áo-Hung và ngăn ngừa sự tái phát của chủ nghĩa bành trướng Đức bằng nhiều thỏa ước đặt nền móng địa dư chính trị cho một loạt các nước Trung Âu như Romania, Tiệp Khắc, Nam Tư, Ba Lan, Hung Gia Lợi, Áo, và cả các nước vùng Baltic như Lithuania, Estonia và Latvia. Bản đồ Trung Âu bắt đầu giống bản đồ Đông Âu cho đến năm 1990, kể từ thời đó. Nhưng, tình trạng liệt cường xâu xé các nước bại trận cũng gieo mầm mống bất mãn và phẫn hận tại Trung Âu, kết trái thành những biến động đưa tới chiến tranh thế giới lần thứ hai, năm 1939.

 

Song song, trong khi Hoa Kỳ lớn mạnh từ Thế Chiến Thứ Nhất mà lại không muốn can dự vào chuyện thế giới (vì sự chống đối của Thượng Viện Hoa Kỳ không cho Tổng Thống Wilson đưa Mỹ vào Hội Quốc Liên, do chính Wilson đề xướng làm cơ chế cân bằng tương quan thế giới), thì một đế quốc khác xuất hiện: Liên Xô. Trong lúc Hoa Kỳ là nước thắng trận nhưng lại tự cô lập, thì ngược lại, Liên Xô dồn nỗ lực bành trướng, kết hợp với nước Đức từ đầu thập niên 1920.

 

Sau Thế Chiến Thứ Nhất, nước Đức bị thua, bị Âu Châu phong tỏa và kiềm chế bằng Thỏa Ước Versailles. Mối nguy của Âu Châu thời đó chưa là Liên Xô mà là nước Đức. Trong thập niên 1920, Âu Châu cũng thành công vượt bực về kinh tế. Thời đó, tinh thần cầu hòa cũng trở thành trào lưu thịnh hành trong quần chúng Âu Châu. "Kẻ thù" là nước Đức đã bị đánh quỵ và thất bại về mọi mặt, nên trở thành ngoan ngoãn hơn. Thời đó, chính những khuynh hướng bảo thủ của Âu Châu mới tung ra đường lối "hòa dịu", những tuyên bố của Thủ tướng Anh Chamberlain, hay Tổng thống Hoa Kỳ Herbert Hoover... trong những hội nghị thượng đỉnh sôi nổi đã lấn át quan điểm dè dặt nghi ngờ của Ngoại trưởng Pháp Aristide Briand. Nước Pháp không quên hai trận chiến 1870 và 1914 đều xuất phát từ nước Đức, và báo động về vấn đề an ninh, nhưng báo động trong cô đơn vì vào thời đó khuynh hướng chủ hòa rất mạnh. Kết quả là chẳng ai nói đến vấn đề phòng thủ, võ trang nữa.

 

Nhưng Đức lặng lẽ chuẩn bị việc tái võ trang, bằng cách bí mật hợp tác với Liên Xô. Đức giúp Liên Xô những kiến thức khoa học hiện đại, và được Liên Xô giúp lại bằng cách cho mượn đất để luyện quân, chế tạo võ khí, tàng trữ khí giới, vượt rào cấm đoán của Thỏa Ước Versailles. Ngay từ năm 1922, Đức và Liên Xô đã hòa giải cùng nhau qua Hiệp Ước Rapallo, trong đó, ngoài những điều khoản xóa bỏ các khoản nợ cũ còn có những mật ước hợp tác quân sự.

 

Vào đầu thập niên 1920, Liên Xô vừa hoàn tất vụ cướp chính quyền và bị kiệt quệ về kinh tế nên đưa ra kế hoạch "Tân Chính Sách Kinh Tế" (NEP), tỏ dấu hòa dịu và vận động Tây phương cứu nạn đói, viện trợ thực phẩm. Nhưng, quan trọng hơn, Liên Xô chậm tiến về khoa học kỹ thuật nên cần tới nguồn viện trợ kỹ thuật của Đức. Nước Đức cũng cần một "hậu phương" nằm ngoài tầm quan sát của Tây Âu để xây dựng lại bộ máy chiến tranh. Trong vụ hợp tác này, Liên Xô thủ lợi hơn nước Đức vì được tới 2000 kỹ sư lẫn quản trị gia Đức qua giúp cho việc thiết lập các nhà máy, hướng dẫn cách quản lý và sản xuất kỹ nghệ, chế tạo võ khí, làm tiềm thủy đĩnh, và cả máy bay.

 

Khai thác tinh thần chủ hòa cầu an của các nước Âu Châu, Hitler lên cầm quyền ở Đức, hợp tác với Stalin ở Nga, để phân chia ảnh hưởng tại Trung Âu, xoay ra tấn công Âu Châu, đưa tới Thế Chiến Thứ Hai. Giai đoạn đầu, Liên Xô và Đức Quốc Xã ký thỏa ước bất tương xâm, để khi Đức tiến về Tây tấn công Anh-Pháp-Bỉ, thì Liên Xô cũng tiến về phía Bắc năm 1940 biến 3 nước vùng Baltic thành những "Cộng Hòa Xô Viết". Vào cuối cuộc chiến, từ năm 1944 đến 1948, Liên Xô cũng tiến về phía Tây theo đà tan rã của Đức Quốc Xã để thiết lập chế độ Cộng sản lên các nước Ba Lan, Đông Đức, Romania và Bulgaria. Các nước này không theo chủ nghĩa Cộng sản, nhưng thực sự bị kéo vào "cách mạng vô sản" do sự chiếm đóng của Hồng Quân Liên Xô.

 

Hoa Kỳ lại nhập cuộc và khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, Đức Quốc Xã tan rã, hai siêu cường Hoa Kỳ và Liên Xô gặp nhau trên vùng đất Âu Châu. Lằn ranh hai bên được vẽ ra, Đông và Tây Âu thành hình từ đó, với nước Đức bị chia hai, bảy nước Đông Âu khác bị nhuộm đỏ, đó là Ba Lan, Hung Gia Lợi, Nam Tư, Tiệp Khắc, Romania, Bulgaria và Albania.

 

Trong tám nước Đông Âu bị nhuộm đỏ bởi Hồng Quân Liên Xô sau Đệ Nhị Thế Chiến, có bốn nước rơi vào trường hợp ngoại lệ, đó là Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Nam Tư và Albania. Trước khi Hồng Quân chiếm đóng và cuộc nổi dậy vào năm 1956 bị đè bẹp, Hung Gia Lợi đã có một giai đoạn cộng sản rất ngắn năm 1919, do đồng chí của Lênin là Béla Kun áp dụng.

 

Sau chiến tranh, Tiệp Khắc có đảng Cộng sản liên hiệp cùng bốn đảng khác, và cũng bị Hồng Quân chiếm đóng, nhưng Tiệp Khắc không bị nhuộm đỏ bởi Hồng Quân Liên Xô mà bởi những kỹ thuật chính trị và quân sự do đảng Cộng sản Tiệp Khắc tiến hành sau khi Liên Xô rút quân về. Nói cách khác, dân Tiệp Khắc bị cộng sản hóa bởi người Tiệp, không bởi một vụ chiếm đóng của Liên Xô. Sau đó, Tiệp Khắc rập khuôn theo mẫu mực Xô Viết và rơi vào tình trạng không khác gì các nước Đông Âu kia, kể cả tình trạng bị Hồng Quân tiến qua đàn áp một vụ cải cách chính trị trong khuôn khổ cộng sản năm 1968.

 

Nam Tư là nước Đông Âu có tham dự vào cuộc chiến chống Đức Quốc Xã và trong kháng chiến chống Hitler cũng có liên minh các phe quốc cộng. Sau Thế Chiến, phe cộng tiêu diệt phe quốc gia, nắm chính quyền, biến Nam Tư thành nước cộng sản từ cuối năm 1945. Nhưng, khác với Tiệp Khắc, lãnh tụ Josip Broz Tito của Nam Tư chủ trương một mô hình xã hội chủ nghĩa riêng biệt, không giống kiểu Xô Viết.

 

Albania là nước nằm ở vùng Đông Nam Âu Châu, bị nước Ý Đại Lợi chiếm đóng trong Thế Chiến Thứ Hai từ năm 1939 đến năm 1944. Năm 1944, cộng sản địa phương nắm chính quyền, theo Stalin và trung thành với đường lối Stalinist đến mức đoạn giao với Liên Xô vào năm 1960 khi Nikita Khrushchev hạ bệ Stalin, kết thân với Trung Cộng. Albania vẫn là nước cộng sản cực đoan và khép kín nhất Âu Châu, nhưng vì quá nhỏ, dân số chỉ có 3 triệu người, nên không gây biến động nhiều.

 

*

 

Từ năm 1917 đến năm 1936, trong vòng 20 năm đầu của cuộc cuộc cách mạng vô sản, Lênin chủ trương tiến hành cách mạng cải tạo xã hội, để tiến tới việc hình thành một cộng đồng thế giới theo chủ nghĩa xã hội. Kể từ năm 1936, Stalin (kế thừa Lênin từ năm 1924), minh định chủ trương của mình trong bản hiến pháp mới, rằng Liên Xô là một nước xã hội chủ nghĩa, tức Liên Xô là nơi cách mạng đã thành công, và là nơi đầu tiên bước qua chủ nghĩa xã hội.

 

Từ Thế Chiến Thứ Hai, Hồng Quân tiến vào Đông Âu, nhưng Liên Xô chưa trực tiếp chi phối chế độ kinh tế và chính trị của Đông Âu mà dùng phương pháp "thảo luận" để từng bước thiết lập ảnh hưởng, kéo dài cho đến năm 1948. Nhưng từ giữa năm 1947, để đối phó với kế hoạch Marshall của Hoa Kỳ có mục tiêu giúp đỡ các nước Tây Âu tái thiết sau Thế Chiến, Stalin bắt đầu giới hạn chặt chẽ sự tiếp cận của Liên Xô cùng các nước Cộng sản tại Đông Âu đối với thế giới bên ngoài. Vì muốn giữ ảnh hưởng độc nhất lên các nước Đông Âu, Liên Xô ép buộc các nước này không được nhận viện trợ của Hoa Kỳ, thay thế vào đó, Stalin gom các nước cộng sản để thành lập tổ chức Comecon (Hội Nghị Tương Trợ Phát Triển Kinh Tế) vào đầu năm 1949, để bắt đầu chi phối về kinh tế, chính trị lên các nước Đông Âu.

 

Stalin khẳng định rằng xã hội chủ nghĩa tại Liên Xô là mẫu mực cho các nước xã hội chủ nghĩa. Stalin chỉ thị các nước phải áp dụng khuôn mẫu của Liên Xô trong việc tổ chức đảng và nhà nước. Đảng cộng sản là đảng duy nhất độc chiếm quyền lực, lãnh đạo nhà nước và xã hội, cưỡng chế tập thể hóa nông nghiệp và quốc hữu hóa công nghiệp. Ngoài ra, nền kinh tế áp dụng mô hình kế hoạch tập trung và ưu tiên cải tạo xã hội để xây dựng nền kinh tế công nghiệp theo hướng công nghiệp nặng. Về chính trị, Liên Xô chủ trương xóa bỏ tất cả những xu hướng chính trị ngoài chủ nghĩa Mác-Lê và triệt để cải tạo cũng như tẩy não những ai đã bị ảnh hưởng bởi tư tưởng "phản động" ngoài khuôn khổ của tư tưởng Mác-Lê.

 

Đang là một nước bình thường, Liên Xô tiến lên thành đàn anh, thành bá chủ. Liên Xô huấn luyện người bản xứ ở các nước chư hầu trở về thi hành chính sách cộng sản kiểu Xô Viết tại Đông Âu. Các lãnh tụ cộng sản ở Đông Âu đều từ trong lò huấn luyện này mà ra. Có thể nói là từ thập niên 30, khi Stalin nắm quyền cai trị Liên Xô, mô hình chủ nghĩa xã hội của Stalin đã bao trùm lên mọi sinh hoạt của người dân các nước cộng sản. Đối nghịch với thể chế này, trong 8 nước Đông Âu chỉ có Nam Tư dưới sự lãnh đạo của Tito là muốn đi đường lối riêng và theo đuổi chính sách phi đồng minh (nhưng trong thực chất đối nội cũng áp dụng kỹ thuật cai trị kiểu Stalin).

 

Sự chống đối mô hình chủ nghĩa xã hội Stalin bắt đầu bộc phát mạnh từ năm 1956 ở Hung Gia Lợi và Ba Lan. Cuộc nổi dậy chống Liên Xô, đòi cải cách chính trị và kinh tế của nhân dân Ba Lan kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10, nhưng bị dập tắt bởi Hồng quân Liên Xô tiến vào theo lời cầu cứu của nhóm lãnh đạo cộng sản Ba Lan thời đó. Sau đó, tháng 10 và 11, cuộc nổi dậy ở Hung Gia Lợi chống lại chính sách độc tài của đảng cộng sản, cũng đã bị Hồng quân Liên Xô dập tắt tương tự.

 

Tuy hai cuộc nổi dậy ở Ba Lan và Hung Gia Lợi bị Liên Xô trấn áp, nhưng mối căm thù Liên Xô và khát vọng tự do dân chủ vẫn tiềm ẩn trong lòng người dân nhất là trong thành phần trí thức, luôn chờ cơ hội bùng nổ. Sau hai biến cố Ba Lan và Hung Gia Lợi, một số nước Đông Âu điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế, cho xí nghiệp tự quản trong khuôn khổ của nền kinh tế hoạch định và áp dụng nguyên tắc lợi nhuận. Trong đó, Tiệp Khắc là quốc gia đi đầu, đưa ra chủ trương "xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa nhân bản" "hệ thống thị trường có qui hoạch", nhưng những nỗ lực này chưa thực hiện được thì đã bị 500 ngàn quân của 5 nước trong khối Warsaw, đứng đầu bởi Liên Xô, dập tắt vào mùa Thu năm 1968. Từ đó bức màn sắt đóng kín trở lại, chiến tranh lạnh chia hai khối Đông và Tây làm thành hai thế giới biệt lập, kéo dài đến thập niên 80.

 

*

 

Cho đến khi bùng nổ vụ khủng hoảng dầu hỏa (năm 1974 và năm 1979), sau đó Liên Xô xua quân xâm chiếm A Phú Hãn (12-1979), các nước Đông Âu vẫn bị trói buộc trong vòng kềm tỏa của Liên Xô. Tuy nhiên, vụ khủng hoảng dầu hỏa xảy ra vào thập niên 70 đã ảnh hưởng trầm trọng đến tiềm lực kinh tế của các nước Đông Âu. Mô hình cai trị của Liên Xô (người ta gọi là mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực) đã không theo kịp sự tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới, và kinh tế luôn luôn ở trong tình trạng trì trệ, đặt cho các nước cộng sản ở Đông Âu ở trong tình thế là không cải tổ thì không thể sống còn.

 

Nhưng mọi nỗ lực cải tổ kinh tế vào thời đó đã dẫn đến thất bại vì những trở lực bắt nguồn từ sự độc quyền của các đảng cộng sản. Lý do là những chế độ này đã áp đặt các ràng buộc giáo điều của chủ nghĩa Mác-Lê lên việc khai triển mô thức cải tổ kinh tế, bằng thái độ khư khư duy trì sự kiểm soát của đảng Cộng sản trên mọi lãnh vực, đưa đến hậu quả là các hoạt động xã hội bị rối loạn.

 

Ngay cả những nước mà tầng lớp lãnh đạo sẵn lòng hy sinh một số quan điểm quan trọng trong ý thức hệ Cộng sản để cải tổ kinh tế như Hung Gia Lợi, Ba Lan... việc cải tổ vẫn không thực hiện được vì quán tính cưỡng chế của tầng lớp cán bộ quan liêu đã ăn sâu vào hệ thống quyền lực mà chính nó phải duy trì vì nhu cầu "cộng sinh". Hơn nữa, các chế độ này không được sự công nhận của người dân, vì vậy, luôn luôn phải đối đầu với sự nổi dậy của quần chúng có thể xảy ra trước những chấn động không thể tránh khỏi của những đòi hỏi cải tổ kinh tế trên đời sống hàng ngày.

 

Vào thập niên 80, các nước Đông Âu đều quảng bá mục tiêu cải tổ kinh tế của họ là: "tách rời kinh tế khỏi chính trị". Nghĩa là xây dựng lại hệ thống kinh tế vận hành theo các quy luật của thị trường, chứ không theo những áp đặt, thường là vô lý về kinh tế, của hệ thống qui hoạch tập trung. Sự can thiệp của nhà nước vào kinh tế, vì thế phải được thay đổi bằng cách điều hướng thay vì trấn áp, bởi những quy luật kinh tế này. Sự can thiệp của chính quyền vào các hoạt động kinh tế bị giới hạn, chấp nhận cho dân chúng tự do tham gia vào hoạt động cạnh tranh kinh tế, trong khung của "nhà nước pháp quyền".

 

Mô thức mà các nước áp dụng là "hệ thống thị trường có quy hoạch" hay còn gọi là "cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước", và nhà nước vẫn làm chủ quản trên hầu hết đất đai cũng như tư liệu sản xuất. Mục tiêu của mô thức này là để gia tăng hiệu năng sản xuất, chứ không để loại bỏ hẳn lối qui hoạch tập quyền trung ương. Theo mô hình này, nhà nước sẽ không còn phải lo hoạch định chỉ tiêu hàng năm cho các xí nghiệp mà chú trọng đến những kế hoạch trung và dài hạn để phát triển nền kinh tế, trong khi đó, các xí nghiệp được giao cho một số quyền tự quản và phục hồi vai trò thị trường ở tầm mức vi mô. Xí nghiệp được phép lập ra kế hoạch sản xuất và phát triển dựa trên những đòi hỏi của thị trường. Họ có quyền chọn người cung cấp nguyên vật liệu, định giá mua bán và khen thưởng công nhân bằng lương phụ trội. Tuy nhiên nhà nước vẫn kiểm soát các xí nghiệp một cách gián tiếp để bảo đảm chiều hướng phát triển kinh tế của xí nghiệp phù hợp với các mục tiêu của đảng.

 

Mô thức này trong thực tế vẫn là loại kinh tế qui hoạch tập quyền với một chút sửa đổi. Ngay trong việc cho các xí nghiệp tự quản, các giám đốc vẫn phải dựa vào những liên hệ bán chính thức vào các giới chức có thẩm quyền của đảng và nhà nước, vì những người này nắm quyền bổ nhiệm, thăng thưởng các giám đốc xí nghiệp. Những giám đốc này, hẳn nhiên phải chiều theo những đòi hỏi bán chính thức của các cán bộ đảng và nhà nước, ngay cả trong trường hợp những đòi hỏi này đi ngược lại quyền lợi kinh tế của xí nghiệp.

 

Vì nhà nước vẫn là chủ các xí nghiệp và nguyên vật liệu sản xuất, cho nên để có sự trợ giúp tiền đầu tư từ ngân hàng nhà nước, hoặc để được tài trợ sản xuất những mặt hàng phải cạnh tranh với hàng hoá ngoại quốc, và để được miễn giảm những qui định giá cả và lương bổng, các giám đốc xí nghiệp vẫn phải duy trì mối thâm giao riêng lẻ với các giới chức của nhà nước và đảng ở cấp liên hệ. Một hệ thống kinh tế mà xưa nay được vận hành bằng những mặc cả về chỉ tiêu (đơn đặt hàng), nay được thay thế bằng hệ thống mặc cả về luật lệ. Các xí nghiệp thay vì được quyền tự quản, nay lại lệ thuộc cả hai tròng áp lực: tròng thứ nhất là hệ thống hành chánh theo chiều dọc, và tròng thứ hai là khách hàng cũng như các nơi cung cấp nguyên vật liệu theo chiều ngang. Hậu quả là nền kinh tế cải tổ đó chẳng theo qui hoạch mà cũng chẳng phải thị trường, nó là một quái thai được sản sinh trong hoàn cảnh của một nền kinh tế được hoạch định theo kiểu"đầu voi đuôi chuột".

 

Một điểm nổi bật khác trong quá trình cải tổ kinh tế ở các nước Đông Âu vào thời đó là yếu tố chính trị vẫn chi phối nặng nề trên các quyết định kinh tế. Lý do là các đảng Cộng sản sợ bị vuột mất quyền lực. Ngoài ra, quyền lợi hỗ tương giữa các giám đốc xí nghiệp và tầng lớp thư lại nhà nước dẫn đến những rào cản làm hạn chế tầm hoạt động của kinh tế thị trường và phá ngầm trách nhiệm điều hành và quyền tự trị của các xí nghiệp. Quyền lợi đan chéo chằng chịt trong giới cán bộ quan liêu được cột chặt với cơ chế quyền lực của đảng Cộng sản, phát sinh ra nạn tham nhũng và sứ quân đầy dẫy ở mọi cơ chế từ trung ương đến địa phương. Đây là vấn nạn cốt lõi của mô thức cải tổ theo "cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước", hay còn gọi là "thị trường xã hội chủ nghĩa". Chính những cải tổ nửa vời này đã làm nặng nề thêm những vấn đề đã có sẵn, và tăng thêm những yếu tố tản lực trong xã hội, khiến cho chính quyền các nước Đông Âu lúng túng, phải nhượng bộ, thoái lui, rồi tan rã theo một chuỗi những áp lực đấu tranh của quần chúng và trong nội bộ đảng mà người ta đã chứng nghiệm ở các nước này trong thời gian qua.

 

*

 

Nhưng, sở dĩ biến cố Đông Âu xảy ra trong một thời gian kỷ lục, một phần là do Liên Xô tung ra chính sách tự cứu vào năm 1985, khi Gorbachev lên làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô. Khi mẫu mực cộng sản của mình bị phá sản, đến nỗi mất luôn khả năng bành trướng và phải quay sang cầu cạnh Tây phương để tìm cách cứu nguy kinh tế, Liên Xô không thể nào tiếp tục chi viện cả quân sự lẫn kinh tế và ép buộc các nước Đông Âu trôi theo đà phá sản đó nữa. Song song vào đó, vì không thể duy trì liên minh quân sự để trấn áp thế giới tự do, và vì không thể tiếp tục bao cấp cho các nước chư hầu trước tình trạng đói loạn ngay tại mẫu quốc, Liên Xô đã buông tay thả lỏng cho các nước chư hầu với chính sách "mạnh ai nấy lo" để mỗi chế độ phải xoay trở tự cứu lấy mình trong cơn khủng hoảng chung của thế giới cộng sản.

 

Chính sách tự cứu này đã khiến Liên Xô không còn khả năng chi phối các nước Đông Âu khi những chế độ tại đây cũng bất lực trước những đòi hỏi chính đáng của người dân về việc cải thiện cuộc sống và thay đổi chính trị ở nước họ. Kết quả là những cuộc biểu tình rầm rộ của quần chúng đã đưa đến sự sụp đổ của hàng loạt các nước cộng sản tại Đông Âu, biến thành mũi dao đâm ngược vào chế độ Liên Xô sau đó.

 

Thực ra, sự thay đổi nhanh chóng ở Đông Âu tự bản chất là một sự kết hợp của "phong trào quần chúng nổi dậy" với những xoay chuyển chính trị bất khả kháng của từng chế độ. Ngoài ra, khi Liên Xô thú nhận là từ nay các nước chư hầu muốn tự cứu ra sao cũng được thì các đảng cộng sản Đông Âu không chỉ mất điểm tựa quần chúng mà còn mất luôn đích đi tới. Cuối cùng mỗi đảng cộng sản giải quyết theo cách riêng, căn cứ trên những điều kiện thực tế của từng nước và căn cứ trên mối tương quan địa lý và lịch sử của mình với Liên Xô. Những thay đổi này không có tính chất dứt khoát quyết liệt, vì là kết quả của một tiến trình thoái lui từng bước của chính quyền cộng sản, và tiến trình tiến chiếm từng bước của phía quần chúng, trước sự làm ngơ của Điện Cẩm Linh. Do đó, sự thoái lui và tan rã của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu đã diễn ra mỗi nơi một khác. Tuy nhiên, trên tổng thể, biến cố Đông Âu đã xảy ra vào hai thời kỳ, trong năm 1989 như sau.

 

Thời kỳ thứ nhất có thể tính từ tháng 2 đến tháng 6 năm 1989

 

Trước tiên ở Ba Lan, Công Đoàn Đoàn Kết được công nhận là tổ chức hợp pháp, tham dự Hội Nghị Bàn Tròn với chính quyền Cộng sản tổ chức từ tháng 2 đến tháng 4-1989, để bàn về những cải cách kinh tế và chính trị. Căn cứ trên những đồng ý chung của Hội nghị, đảng Cộng sản Ba Lan đã tổ chức bầu cử tự do, và Công Đoàn Đoàn Kết đã thắng lợi một cách vẻ vang. Mặc dù Tổng thống là người của đảng cộng sản, nhưng Thủ tướng là người của Công Đoàn Đoàn Kết, chính quyền liên hiệp ra đời, trong đó phe cộng sản chỉ chiếm một số ghế tượng trưng.

 

Tại Hung Gia Lợi, lực lượng cải cách trong đảng cầm quyền càng lúc càng lớn mạnh, đòi hỏi phải tái thẩm định cuộc chính biến năm 1956. Tháng 2-1989, đảng cầm quyền thừa nhận chế độ chính trị đa đảng, tháng 6-1989 tổ chức Hội Nghị Hiệp Thương giống như hình thức hội nghị bàn tròn của Ba Lan. Cũng trong tháng 6-1989, đảng cộng sản Hung phế bỏ vai trò Tổng bí thư, coi như mô hình tổ chức đảng của Stalin bị dẹp bỏ.

 

Trong thời gian này tại Trung Quốc, hàng ngàn sinh viên và trí thức đã lấy cớ tưởng niệm cựu Tổng bí thư Hồ Diệu Bang (người được mô tả là có tinh thần xây dựng dân chủ nhưng bị thất sủng), tổ chức cuộc biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn vào ngày 16-4-1989. Sau đó, gần 100 ngàn người đã biểu tình chống tham nhũng và đòi dân chủ hóa tại Thiên An Môn kéo dài từ ngày 21 đến 23-4-1989. Từ ngày 13-5-1989, hơn 3 ngàn sinh viên chiếm quảng trường Thiên An Môn, tuyệt thực và yêu cầu đảng và nhà nước Trung Quốc giải quyết vấn đề tham nhũng và chấp nhận dân chủ hóa. Chính quyền Trung Quốc vào lúc đó rất lúng túng. Thủ tướng Lý Bằng (phe giáo điều) chủ trương không đối thoại, trong khi Tổng bí thư Triệu Tử Dương (phe cải cách) đã đến thăm sinh viên tuyệt thực và hứa sẽ thay đổi chính sách theo đường hướng xây dựng dân chủ. Đến ngày 19-5-1989, có trên 1 triệu sinh viên, công nhân biểu tình và họ đã căng lều chiếm quảng trường Thiên An Môn, trong khi ở những thành phố khác như Thượng Hải, Vũ Hán... sinh viên, công nhân cũng đã tổ chức biểu tình đòi dân chủ hóa. Trước tình thế đó, Thủ tướng Lý Bằng ra lệnh thiết quân luật, nhưng khí thế đấu tranh mỗi lúc một lên cao. Cuối cùng, Đặng Tiểu Bình cùng Dương Thượng Côn đưa lộ quân 27 tiến vào chiếm đóng quảng trường Thiên An Môn, với lực lượng gần 300 ngàn quân và xe thiết giáp. Cuộc đàn áp bắt đầu từ 3 giờ chiều ngày 3-6-1989 với lựu đạn cay và dùi cui, đến nửa đêm thì bắt đầu nổ súng: Quân đội được chỉ thị bắn thẳng vào những người đang biểu tình, tuyệt thực. Cuộc tấn công, ruồng bắt và tàn sát kéo dài cho đến gần 5 giờ sáng ngày 4-6-1989, khiến cho gần 3 ngàn người thiệt mạng, nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc thông báo chỉ có 120 người.

 

Từ ngày 4-6-1989 đến ngày 1-8-1989, nhà cầm quyền Trung Quốc đã bắt giữ gần 120 ngàn người có liên hệ đến biến cố và có nhiều người vẫn còn bị giam giữ trong tù cho đến nay. Một số sinh viên lãnh đạo biến cố này đã bí mật trốn sang Hồng Kông và tỵ nạn tại Hoa Kỳ, tiếp tục đấu tranh cho phong trào dân chủ hóa Trung Quốc. Ngày 23-6-1989, Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã cách chức Tổng bí thư Triệu Tử Dương, đưa Giang Trạch Dân, lúc đó đang là Thị trưởng Thượng Hải lên thay thế. Cuộc cách mạng dân chủ tại Trung Quốc tuy bị đàn áp dã man, nhưng vẫn còn tiềm ẩn và chờ cơ hội bộc phát trở lại, với kết quả gián tiếp là tinh thần đấu tranh cho dân chủ lan mạnh sang Đông Âu.

 

Thời kỳ thứ hai tính từ tháng 10 đến tháng 12 năm 1989.

 

Sau khi chấp nhận chế độ chính trị đa đảng, đảng Công Nhân Xã Hội Hung Gia Lợi đổi tên thành đảng Xã Hội, và thông qua Cương Lĩnh mới đề cao chủ nghĩa xã hội dân chủ. Quốc hội cải sửa hiến pháp, loại bỏ vai trò lãnh đạo của đảng Công Nhân Xã Hội Hung, sửa tên nước từ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa thành Cộng Hòa Hung Gia Lợi, đồng thời công bố một số luật lệ công nhận quyền sinh hoạt chính trị tự do cũng như luật bầu cử tự do.

 

Tại Đông Đức, từ tháng 9-1989 có làn sóng người dân bỏ nước chạy qua Hung Gia Lợi và qua Áo để xin tỵ nạn tại Tây Đức, làm cho tình hình chính trị nước này bắt đầu chuyển động. Tháng 10-1989, Honecker từ chức Chủ tịch đảng cộng sản Đông Đức. Tháng 11-1989, bức tường Bá Linh sụp đổ. Cùng thời gian này, Tổng bí thư Todor Zhivkov của đảng Cộng sản Bulgaria và Tổng bí thư Milos Jakes của đảng Cộng sản Tiệp Khắc từ chức. Đương nhiên mỗi nước có một số hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm đặc biệt chung là thành phần trí thức đã đứng trên tuyến đầu, vận động quần chúng tham gia đấu tranh tạo áp lực lên thành phần lãnh đạo cộng sản.

 

Đến tháng 12-1989, cuộc cách mạng ở Romania bùng nổ, đưa đến cái chết của vợ chồng nhà độc tài Ceausescu, chấm dứt một triều đại "gia đình độc tài toàn trị". Trong khi đó, Liên Minh Những Người Cộng Sản Nam Tư tuyên bố chấp nhận chế độ đa đảng vào tháng 12-1989, giúp các Cộng hòa trong Liên bang Nam Tư nương theo đà này bắt đầu tìm cách thoát ra khỏi Liên bang, tiến tới độc lập.

 

Tóm lại, năm 1989 là năm định mệnh của các chế độ Cộng sản tại Đông Âu, rơi vào chu kỳ sụp đổ hàng loạt trong một thời gian kỷ lục nằm ngoài dự tưởng của thế giới.

 

*

 

Khảo sát những diễn biến dân chủ hóa xảy ra ở các nước Đông Âu trong năm 1989, người ta có thể rút ra một số nhận xét:

 

Trước hết, trong lãnh vực chính trị, các đảng cộng sản đã có những cải cách mang tính cách đối phó. Từ hình thức độc chiếm quyền lực chi phối mọi sinh hoạt quốc gia, với nguyên tắc tập trung dân chủ, các đảng cầm quyền đã phải loại bỏ chế độ độc đảng và chấp nhận hình thức sinh hoạt đa đảng dưới áp lực đòi hỏi của quần chúng. Kết quả là các đảng cộng sản đã phải thay đổi tên đảng, nội bộ chia ra nhiều hệ phái khác nhau và từ đó dẫn đến việc chấm dứt vai trò của tổ chức đảng trong chính quyền, xí nghiệp, học đường... Cũng trong lãnh vực chính trị, vì đảng cộng sản đã thay đổi nên cơ cấu quốc gia cũng thay đổi bằng sự xuất hiện của những chính quyền liên hiệp, tiến tới các cuộc bầu cử tự do. Nhờ vậy quyền lực của các cơ chế nhà nước từng bước được tháo gỡ khỏi sự chi phối của các đảng ủy cộng sản. Đặc biệt, nhân quyền là một vấn đề vốn được coi nhẹ trong các chế độ cộng sản nay đã được đề cao, và các nguyên tắc tự do căn bản của người dân đã được luật pháp bảo vệ như quyền tự do lập hội, tự do di trú, tự do tín ngưỡng và tự do hành đạo. Ngoài ra, các cơ quan truyền thông báo chí được tôn trọng và độc lập hơn, nên quyền công dân cũng được nâng cao.

 

Trong lãnh vực kinh tế, hệ thống qui hoạch trung ương và quốc hữu hóa đã bị dẹp bỏ, các nước Đông Âu bắt đầu áp dụng cơ chế thị trường xã hội chủ nghĩa, tức công nhận tư doanh, mặc dù quốc doanh vẫn còn nắm vị trí quan trọng trong sinh hoạt quốc gia. Các nước Đông Âu thừa nhận quyền tư hữu và chấp nhận nguyên tắc cạnh tranh trong sinh hoạt kinh tế, chấm dứt hình thức nhà nước đề cử vai trò thủ trưởng, hay ở cấp thấp hơn trong các ban giám đốc xí nghiệp mà việc tuyển chọn căn cứ theo khả năng chuyên môn và cho tự quản thực sự.

 

Trong lãnh vực đối ngoại, các nước Đông Âu tự bung ra vận động đầu tư từ bên ngoài để phát triển nền kinh tế trong nước mà không còn hoàn toàn lệ thuộc đơn thuần vào một nước nào.

 

Tuy nhiên để phân tích về cuộc cách mạng dân chủ ở các nước Đông Âu cũ, người ta có thể nhìn ở hai góc độ khác nhau. Thứ nhất là đứng trên góc độ thành phần quần chúng nào trong xã hội đã tạo ra động lượng cho cuộc cách mạng dân chủ vừa qua. Thứ hai là đứng trên góc độ ý thức hệ nào đã chủ đạo để tạo ra cuộc cách mạng đối đầu với ý thức hệ Mác-Lê.

 

Về yếu tố thành phần quần chúng tạo ra động lượng xoay chuyển:

 

Tại Ba Lan, lực lượng lao động là thành phần nòng cốt. Lực lượng công nhân này, từ năm 1980, đã được tổ chức và đấu tranh không ngừng nghỉ cho đến khi giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử tự do vào năm 1989. Tuy nhiên, trong lực lượng lao động của Công Đoàn Đoàn Kết, thành phần trí thức tuy tiềm ẩn, nhưng có một vai trò rất quan trọng. Trên thực tế, lực lượng lao động làm bùng nổ các cuộc đình công, nhưng việc hoạch định ra những sách lược tranh đấu, từng bước tấn công chế độ cầm quyền, phần lớn là do nhóm trí thức và nhóm này là đại biểu được bầu vào quốc hội vào năm 1989. Cuộc cách mạng của Ba Lan là sự kết hợp hài hòa giữa lực lượng lao động và giới trí thức. Lao động là lực lượng tạo ra sự rối loạn xã hội, trí thức là thành phần khai thác những khủng hoảng xã hội thành các áp lực chính trị để đẩy chế độ cầm quyền rơi vào thế phải nhượng bộ, thoái lui.

 

Ngược lại, ở Hung Gia Lợi không có lực lượng lao động đấu tranh như trường hợp Ba Lan. Thành phần trí thức Hung Gia Lợi cũng không đóng vai trò quan trọng như trường hợp Tiệp Khắc và Ba Lan vào lúc đầu. Tuy cuộc nổi dậy năm 1956 thất bại, nhưng thành phần trẻ trong đảng Cộng sản Hung Gia Lợi luôn luôn muốn tách ra khỏi vòng khống chế của Liên Xô. Họ nuôi dưỡng ý chí cải cách và họ đã trưởng thành nắm giữ một số vị trí quan trọng trong đảng vào các năm sau đó. Cho đến khi Liên Xô đưa ra chính sách tái phối trí, thành phần này đã nương theo ngọn cờ cải cách của Liên Xô, bắt đầu vận động ráo riết trong nội bộ đảng. Tức là ngay trong đảng cầm quyền đã có một số đông thành phần đảng viên cải cách ở những vị trí quan trọng, từng bước tạo áp lực đòi đảng thay đổi. Nhờ vậy, các lực lượng đối lập với chính quyền cộng sản có cơ hội hình thành. Và trong quá trình đấu tranh tiệm tiến, lực lượng đối lập đã từng bước loại dần ảnh hưởng của phe cầm quyền, và chiếm ưu thế trong cuộc tổng tuyển cử.

 

Tại Đông Đức và Tiệp Khắc, thành phần trí thức đóng vai trò quan trọng trong lúc khởi động và sau đó được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của thành phần dân sự và lao động, đẩy cuộc cách mạng dân chủ bùng nổ trong mọi tầng lớp quần chúng. Tuy nhiên cũng giống như các quốc gia khác, thành phần đảng viên có tinh thần cải cách đã tham dự sau đó, kích động để sự tan rã trong nội bộ đảng cầm quyền xảy ra nhanh hơn.

 

Riêng cuộc cách mạng dân chủ ở Bulgaria thì không có các cuộc đấu tranh của quần chúng. Thành phần đảng viên chủ trương cải cách trong đảng nhìn thấy sự bế tắc nên đã sớm chấp nhận thay đổi trước. Đây có thể coi như hình thức đảng tự tan rã từ bên trong. Tuy nhiên, tổ chức Liên Minh Nông Dân có cơ sở khắp toàn quốc và thành phần cấp tiến nắm giữ một vị trí quan trọng, nên có thể là một động lực đưa đến sự thay đổi riêng tại Bulgaria tại nông thôn và một số đô thị.

 

Tại Romania, cuộc đàn áp sắc tộc đã được cánh tướng lãnh và đảng viên thân Liên Xô khai thác trọn vẹn thành cuộc đảo chánh lật đổ Ceausescu, cùng lúc với phong trào dân chủ vừa chớm nở của dân chúng Romania. Cuộc cách mạng dân chủ của người dân trở thành cuộc đảo chánh của phe cộng sản thân Liên Xô. Vì vậy, lực lượng trí thức và lao động ở Romania hoàn toàn bị hụt hẫng khi Mặt Trận Cứu Quốc xuất hiện và giành thế chủ đạo vào lúc vợ chồng Ceausescu bỏ trốn.

 

Qua một số nhận định sơ khởi, người ta thấy là lực lượng khởi động cuộc cách mạng dân chủ ở mỗi nước khác nhau, tùy theo điều kiện tiến hành các cuộc cải cách của đảng cầm quyền. Nhưng mẫu số chung về yếu tố quần chúng là thành phần trí thức và những đảng viên có xu hướng muốn cải cách trong đảng đã là lực lượng nòng cốt, kết hợp cùng với các tổ chức quần chúng dưới nhiều hình thức, làm bùng nổ những cuộc đấu tranh đúng thời điểm, đưa đến việc nhượng bộ, thoái lui của đảng cầm quyền càng nhanh thêm.

 

Về yếu tố ý thức hệ chủ đạo tạo ra cuộc cách mạng tại Đông Âu, thì có ba khuynh hướng đáng chú ý. Nhóm A, có khuynh hướng giữ chủ nghĩa Mác-Lê bằng mọi giá; Nhóm B, có khuynh hướng phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lê nhưng muốn quay về truyền thống dân tộc; Nhóm C, có khuynh hướng loại bỏ ý thức hệ Mác-Lê, tiến sang nền dân chủ và kinh tế thị trường một cách nhanh chóng.

 

Trường hợp Hung Gia Lợi: Nhóm A bao gồm đảng Công Nhân Xã Hội Chủ Nghĩa (cựu Cộng sản giáo điều), đảng Xã Hội (cựu Cộng sản cải cách), và đảng Xã Hội Dân Chủ. Nhóm này muốn duy trì một hình thái xã hội chủ nghĩa dân chủ như các nước Bắc Âu hay như các đảng cộng sản Tây Âu. Nhóm B, bao gồm nhóm Diễn Đàn Dân Chủ, đảng Những Người Tiểu Nông Độc Lập, đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, không phủ định xã hội chủ nghĩa, cũng không theo tư bản, nhưng chọn con đường thứ ba, muốn tái lập giá trị theo lối truyền thống dân tộc riêng. Nhóm C, bao gồm các Liên Minh Tự Do Dân Chủ, Liên Đoàn Thanh Niên Dân Chủ, không chủ trương phải đi hẳn theo mẫu mực tư bản của các nước Tây phương, nhưng chọn con đường tư bản chủ nghĩa để nhanh chóng đưa nước Hung ra khỏi khung cảnh nghèo nàn lạc hậu.

 

Phân tích hai nhóm B và C của trường hợp Hung Gia Lợi, thì nhóm B nhấn mạnh đến lập trường nông dân chủ nghĩa, có thể coi như ngả về phía đối tượng là quần chúng nông dân, trong khi nhóm C thiên về thành phần dân sự ở đô thị, nên cả hai nhóm đã có sự tranh luận về phương cách vận động quần chúng trong tiến trình làm tiêu vong đảng cầm quyền. Nhìn vào thực chất vận động của các đảng ở hai nhóm này, người ta thấy Diễn Đàn Dân Chủ mạnh nhất, được sự ủng hộ của mọi thành phần, nhất là ở các vùng nông thôn và trong giới trung lưu, nhưng lại ít được thành phần trí thức ở Thủ đô ủng hộ. Diễn Đàn Dân Chủ là lực lượng cầm quyền sau cuộc Tổng tuyển cử tự do. Trong khi đó, đảng Những Người Tiểu Nông Độc Lập thì được sự ủng hộ của giới nông dân và đảng Thiên Chúa Giáo Dân Chủ chiếm nhiều sự hậu thuẫn của giới trí thức công giáo, nhưng không mạnh. Liên Minh Tự Do Dân Chủ và Liên Đoàn Thanh Niên Dân Chủ được nhiều sự hậu thuẫn của giới trí thức thủ đô, nhất là giới trẻ, nhờ vậy mà hai nhóm này lôi kéo được thành phần chuyên gia tham dự khá đông. Nhờ ưu thế này mà khi đảng Xã Hội (cựu Cộng sản) lên cầm quyền trở lại sau cuộc Tuyển cử vào tháng 5 năm 1994, họ đã phải mời Liên Minh Tự Do Dân Chủ ra thành lập nội các liên hiệp. Riêng đảng Xã Hội thu hút được sự hậu thuẫn của giai cấp trung lưu.

 

Tại Ba Lan, nhóm A chỉ có đảng Liên Minh Dân Chủ Tả Khuynh (hậu thân của đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan). Nhóm B lúc đầu không xác định rõ ràng, nhưng đến khi Ba Lan tổ chức bầu cử Tổng thống, thì nhóm trí thức ủng hộ Lech Walesa đã thành lập ra Liên Minh Trung Ương, theo chủ nghĩa dân túy (Populist), tôn trọng truyền thống dân tộc và ngả về khuynh hướng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo. Trong khi một nhóm trí thức khác của Công Đoàn Đoàn Kết ủng hộ Luật sư Tadeusz thành lập Phong Trào Dân Sự Dân Chủ Hành Động hoàn toàn theo chủ nghĩa tự do gần với các nước Tây phương, tức theo khuynh hướng của nhóm C.

 

Tại Tiệp Khắc, nhóm A là đảng Cộng sản. Nhóm B có một số tổ chức như đảng Xanh Lục, đảng Nhân Dân. Nhóm C thì do tổ chức Diễn Đàn Dân Sự (Czech) và Phong Trào Công Chúng Chống Bạo Động (Slovak) giữ phần trọng yếu trong giai đoạn phát động cuộc cách mạng dân chủ. Riêng Diễn Đàn Dân Sự do giới trí thức, văn nghệ sĩ thành lập, có nhiều ảnh hưởng trong xã hội nên đã tạo sự ủng hộ đông đảo và đa dạng của mọi giới quần chúng. Sau khi Tiệp Khắc chia đôi, Diễn Đàn Dân Sự vẫn còn tiếp tục chiếm ưu thế chính trị ở tại Cộng hòa Czech. Trong khi Phong Trào Công Chúng Chống Bạo Động bên Slovakia bị giải thể, biến thành đảng Dân Chủ Slovak.

 

Tại Bulgaria, nhóm A lúc đầu là đảng Cộng sản, nhưng sau đó, trước sự lớn mạnh của lực lượng chống đối, phải đổi tên thành đảng Xã Hội Bulgaria và thay đổi đường lối để hy vọng thắng cử trong cuộc Tổng tuyển cử nên mới ngả về nhóm B. Vì lúc đầu đảng Cộng sản chủ động thay đổi nên tạo một số ảnh hưởng trong giới trung lưu và nông dân ở các vùng nông thôn, so với các đảng chống đối khác chỉ tập trung ở Thủ đô và một số đô thị lớn, nên đảng Xã Hội đã chiếm đa số trong Quốc hội trong cuộc tuyển cử đầu tiên. Nhóm B lúc đầu không rõ ràng, coi như không hiện hữu. Trong khi đó, nhóm C, lúc đầu có tổ chức "Hội Ủng Hộ Dân Chủ Chủ Nghĩa", sau đó có thêm Liên Minh Các Thế Lực Dân Chủ. Nhóm này tương đối được sự ủng hộ rất đông của giới trí thức, sinh viên và dân sự ở thủ đô.

 

Tại Đông Đức, nhóm A có đảng Dân Chủ Xã Hội (cựu Cộng sản phe cực tả, sau này liên kết với đảng Dân Chủ Xã Hội bên Tây Đức) và đảng Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa Đức (cựu Cộng sản phe cải cách). Hai đảng này chỉ ảnh hưởng vào một số công nhân ở những xí nghiệp công nghiệp và giới trí thức thủ đô. Nhóm B, lúc đầu do một số văn nghệ sĩ chủ xướng trong "Diễn Đàn Mới", nhưng cho đến khi có Tổng tuyển cử tự do và chuẩn bị thống nhất thì khuynh hướng này không còn tồn tại. Thay thế vào đó xu hướng cực hữu, tức nhóm có tinh thần bài ngoại của Phát Xít Đức bắt đầu xuất hiện. Trong khi đó, nhóm C, vào lúc đầu khi cuộc cách mạng bùng nổ không hiện diện, nhưng đến khi có tổng tuyển cử tự do thì có đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, được sự hậu thuẫn của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo bên Tây Đức, và sau khi thống nhất, đảng này bên Đông Đức sáp nhập vào đảng bên Tây Đức. Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo thu hút được sự ủng hộ đông đảo của thanh niên và thành phần trung lưu nên liên tục chiếm ưu thế trong chính quyền trong nhiều năm.

 

Tại Romania, nhóm A lúc đầu là Mặt Trận Cứu Quốc nhưng sau đó ngả dần qua khuynh hướng của nhóm B. Nhóm B có đảng Dân Tộc Thống Nhất cực hữu và Liên Minh Dân Chủ Người Hung. Nhóm C gồm có tổ chức Hội Nghị Dân Chủ, Mặt Trận Cứu Quốc Dân Chủ, chủ trương cải cách kinh tế nhanh để sớm đưa Romania ra khỏi khủng hoảng, nhưng chủ trương này lại gặp những trì lực của Mặt Trận Cứu Quốc.

 

*

 

Cuộc cách mạng Đông Âu đã đưa đến nhiều thay đổi khác nhau ở hàng ngũ lãnh đạo, tùy theo sự khôn ngoan và nhanh chóng thoái lui nhượng bộ của họ trước những phản ứng đấu tranh của quần chúng. Chỉ riêng trường hợp vợ chồng Ceausescu, cựu Chủ tịch nhà nước Romania đã bị xử tử hình sau phiên tòa đặc biệt kéo dài không quá 1 giờ đồng hồ vào ngày 25-12-1989. Cựu Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng nhà nước Bulgaria là Todor Zhivkov, bị đưa ra tòa vào năm 1992, vì tội biển thủ tài sản quốc gia trong 35 năm cai trị, lãnh án 7 năm cấm cố; nhưng vì tuổi quá già nên được miễn thọ án. Cựu Tổng thống Wojciech Jaruzelski (Chủ tịch đảng Cộng sản Ba Lan, người đã ra lệnh đàn áp dã man Công Đoàn Đoàn Kết vào đầu thập niên 80), đã về hưu năm 1990, viết hồi ký. Ngày 14-11-1994, Jaruzelski đang ngồi ký tên lưu niệm cho quan khách tham dự buổi ra mắt quyển hồi ký của mình tại một tiệm sách ở phía Tây thành phố Brotswarf, thì bị một thanh niên ném đá làm sưng mặt. Thanh niên này sau đó bị cảnh sát bắt, và cung khai là từng bị ở tù dưới thời Jaruzelski đàn áp Công Đoàn Đoàn Kết.

 

Tại Tiệp Khắc, cựu Tổng bí thư đảng Cộng sản Tiệp Gustav Husak nổi tiếng về vụ cầu cứu Hồng quân Liên Xô vào đàn áp cuộc nổi dậy của quần chúng Tiệp vào năm 1968, đã bị thất sủng năm 1989, nhưng vẫn không bị chính quyền mới làm khó khăn. Gustav Husak chết vì bệnh vào tháng 1 năm 1991. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Adamec và cựu Tổng bí thư đảng Cộng sản Tiệp Khắc sau cùng là Milos Jakes đã về hưu, sống với tiền trợ cấp hưu bổng. Cả hai người này đã từng ra trước Quốc hội để trả lời về một số vấn đề liên quan đến các cuộc đàn áp trong quá khứ nhưng không bị buộc tội.

 

Tại Hung Gia Lợi, cựu ngoại trưởng Gyula Horn dưới thời nội các Miklos Nemeth đã giúp cho dân Đông Đức băng qua Áo xin tỵ nạn tại Tây Đức vào mùa hè năm 1989, trở thành Chủ tịch đảng Xã Hội (cựu đảng Cộng sản đổi tên) và giữ chức vụ Thủ tướng Hung từ ngày 22-6-1994 đến năm 1998. Còn cựu Thủ tướng Miklos Nemeth thì cộng tác với Ngân Hàng Phục Hưng và Phát Triển Âu Châu trong một thời gian.

 

Tại Đông Đức, cựu Tổng bí thư Honecker, tuy bị tòa án Liên bang Đức truy tố 49 tội trạng liên quan đến các vụ khủng bố, ám sát các nhân vật đối lập... nhưng vì sức khoẻ quá suy yếu nên tòa đã đình chỉ vô hạn định vụ xử. Sau đó, Honecker được chính quyền Thủ tướng Kohn cho xuất ngoại sang sống lưu vong với gia đình người con gái ở Chili, và chết già tại đây vào ngày 29-5-1994.

 

Ngoài ra những nhân vật lãnh đạo khác trong các chế độ cộng sản ở các quốc gia Đông Âu cũ, ngoại trừ một số vì có liên hệ đến các tội ác khủng bố và biển thủ thì bị truy tố, còn hầu hết đều trở về đời sống dân sự bình thường, hoặc tiếp tục là cán bộ cao cấp trong chính quyền mới. Nói chung, đã không xảy ra cái gọi là "trả thù" như người cộng sản vẫn tuyên truyền dọa dẫm trong thời gian xảy ra cuộc cách mạng vào năm 1989 để giữ yên hàng ngũ. Trái lại, những người nào có khả năng và có tinh thần phục vụ đất nước thì vẫn được quần chúng ủng hộ. Đây là sự khác biệt giữa thể chế chính trị đa đảng và độc tài đảng trị.

 

Tuy nhiên, điểm đáng nói là sự tan rã của khối cộng sản tại Đông Âu và Liên Xô cũ đã đưa đến hai thay đổi quan trọng. Thứ nhất là trong tương quan kinh tế, các nước Tiệp, Slovenia, Ba Lan, Hung Gia Lợi đã hội nhập vào khối Tây Âu qua việc gia nhập vào Cộng Đồng Âu Châu (EC) năm 2004. Thứ hai là trong tương quan an ninh khu vực, từ khi khối Quân sự Warsaw tan rã, các nước Đông Âu cũ đã vận động xin gia nhập vào khối Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong chương trình Tham Gia Vì Hòa Bình (PFP). Mục tiêu của chương trình này nhằm gìn giữ hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ của các nước thành viên. Các nước tham gia sẽ phải đóng góp một ngân khoản để lập ra những chương trình cứu trợ nhân đạo, gìn giữ hòa bình, thao diễn quân sự.... Mặt khác, từ ngày 1-1-1995, Tổ Chức Hợp Tác An Ninh Toàn Âu Châu (OSCE) chính thức ra đời quy tụ 53 quốc gia tham gia, trong đó có 16 nước trong Khối NATO, 6 nước trong Tổ Chức Hiệp Ước Warsaw (Warsaw Treaty Organization) cũ, những quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ và ở ngoài Âu Châu. Đây là tổ chức biến thể của Hội Nghị Hợp Tác An Ninh Toàn Âu Châu (CSCE) được thành lập từ tháng 7 năm 1975 giữa đại diện của 35 quốc gia thời đó như 16 nước trong khối NATO, 6 nước trong khối Warsaw và Hoa Kỳ, Gia Nã Đại... có mục tiêu giảm thiểu tình trạng căng thẳng của chiến tranh lạnh bấy giờ.

 

Nói chung, từ năm 1990, các nước trong khối Đông Âu cũ đã bắt đầu mở rộng cánh cửa tiếp cận, đặc biệt là đến gần hơn với các nước Tây Âu và thế giới bên ngoài, nhờ đó, đã thúc đẩy khá nhanh chương trình dân chủ hóa trong nước, tuy cũng gặp nhiều nan đề rất phức tạp từ di sản xã hội chủ nghĩa.

 

*

 

Mười bảy năm trôi qua (1989-2006), các quốc gia Đông Âu hậu cộng sản đã không chỉ thành công trong việc cải cách nền kinh tế theo hướng thị trường tự do mà còn tạo dựng được một nền tảng chính trị dân chủ đa đảng vững chắc, từ những khởi điểm khác nhau. Đông Đức và Nam Tư, Tiệp Khắc, nhờ sự cân bằng kinh tế trong nước và nợ ngoại trái ít hơn, nên được coi là nước có nhiều ưu thế hơn Ba Lan, Hung Gia Lợi, Romania và Bulgaria trong việc ổn định tình hình và trở thành một nước có nền kinh tế phát triển nhanh tại Đông Âu. Nhưng nếu không kể những khác biệt này, người ta thấy là những nan đề căn bản mà mỗi quốc gia phải đối đầu rất giống nhau, kể cả những thách đố về chính trị. Các nước đều áp dụng một số chương trình ổn định để đối đầu với nạn thâm thủng ngân sách và chỉnh đốn lại guồng máy, một việc đáng lẽ đã phải làm từ lâu.

 

Trong 10 năm đầu sau khi thoát khỏi ách cộng sản, các quốc gia đã được sự cố vấn tích cực từ những định chế tài chánh quốc tế như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), Ngân Hàng Thế Giới (WB)... để chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Cho tự do định giá và cho phép trao đổi ngoại tệ trong nước là những phương cách được ứng dụng để mở rộng nền kinh tế ra với thị trường quốc tế, cũng như để thiết lập hệ thống giá cả thực sự trên thị trường nhằm buộc các xí nghiệp phải dùng các nguồn nguyên liệu và nhân công một cách hữu hiệu hơn. Nhiều kế hoạch đã được chuẩn bị và bắt đầu ứng dụng để phá bỏ sự độc quyền trong một số ngành công nghiệp của hệ thống quốc doanh, đồng thời tích cực nâng đỡ tư doanh, cũng như tổ chức lại hoặc bán hẳn những xí nghiệp quốc doanh lỗ lã lâu năm.

 

Bên cạnh đó, các nước Đông Âu cũ còn phải trực diện trước những thách đố chính trị đến từ nhiều phía, một phần từ hệ thống nhà nước cũ chỉ mới tháo gỡ được một phần ở cấp trung ương, và một phần lớn hơn từ sự kỳ vọng của quần chúng. Mọi người đều muốn cải tổ lại cơ cấu, nhưng họ nghĩ rằng sự cải tổ đó không "được" đụng đến quyền lợi của họ mà họ đã thụ hưởng từ chế độ cũ. Đối với phần lớn dân chúng, sự hiểu biết và chấp nhận những qui luật thị trường dừng lại ở mức kỳ vọng sự thành công nhanh chóng và vươn tới tiêu chuẩn sống của Tây phương. Những kỳ vọng này quả là điều không thực tế, nhưng họ vẫn chờ đợi các tân chính quyền phải đáp ứng với những nhu cầu của họ nhậm lẹ hơn các nhân vật cộng sản cũ. Lần hồi, những kỳ vọng trở thành thói quen, đòi hỏi trực tiếp chính quyền (như những người có khả năng và trách nhiệm) phải đáp ứng, hơn là chính họ tự kiếm cách để thích nghi hay nắm lấy cơ hội làm ăn trong những điều kiện kinh tế mới.

 

Sau khi chuyển đổi sang thể chế sinh hoạt đa đảng, hàng loạt các loại nghiệp đoàn, đảng phái chính trị ra đời, cạnh tranh lẫn nhau để tìm hậu thuẫn của quần chúng, bằng cách tấn công chính quyền ngày một gay gắt, tạo ra một số phân hóa trong cơ cấu chính trị. Ở nhiều nước, sự phân chia vai trò Tổng thống, Quốc hội, Thủ tướng chưa được rõ ràng, dẫn đến sự tranh giành quyền lực nhiều lúc rất gay gắt, khiến cho một số quần chúng mất niềm tin. Trong bối cảnh đó, để tồn tại và có thể tiếp tục đấu tranh trong hoàn cảnh mới, các đảng cộng sản Đông Âu cũ đã đổi tên, thay đổi cương lĩnh và điều lệ, theo khuynh hướng trung tả. Những đảng này đã tích cực khai thác những khó khăn của các chính quyền dân chủ, tranh giành ảnh hưởng trong một thiểu số quần chúng vốn mang một số bất mãn vì những thay đổi do chính sách cải tổ đưa đến.

 

Vì thừa hưởng một di sản kinh tế rã nát, chính trị hỗn loạn, cộng thêm quán tính trì trệ của chế độ Cộng sản cũ, các tân chính quyền dân chủ của những nước Đông Âu cũ khá vất vả trong việc ổn định tình hình. Trong vòng 5 năm đầu sau khi từ giã ách độc tài cộng sản, hầu hết các nước này tuy thoát ra khỏi những trì lực về kinh tế, nhưng lại đối diện với rất nhiều bất ổn về chính trị lẫn xã hội. Chính trong bối cảnh này, khi các quốc gia tái tổ chức bầu cử Quốc hội hay Tổng thống sau giai đoạn chuyển tiếp vào các năm 1994 và 1995, một số đảng tả phái cựu cộng sản đã trở lại vị trí cầm quyền như tại Ba Lan, Hung Gia Lợi, Romania. Nhưng sự hồi sinh của các đảng cựu cộng sản chắc chắn không thể nào đảo ngược được tình hình để quay trở lại thể chế cai trị như trước năm 1989. Hơn nữa, dù những đảng cựu cộng sản như đảng Xã Hội ở Hung Gia Lợi, Liên Minh Dân Chủ Tả Khuynh ở Ba Lan... chiếm ưu thế so với các đảng khuynh hữu, nhưng vẫn không thể đơn độc cầm quyền mà phải liên hiệp với một hay nhiều đảng phái khác, và phải hành xử quân bình với các đảng đối lập. Đây là ưu điểm của nền chính trị dân chủ đa đảng. Nó vừa phản ảnh phản ứng chính trị của quần chúng trong từng giai đoạn, vừa thúc đẩy mọi thế lực chính trị phải thay đổi, sáng tạo để đáp ứng nguyện vọng của người dân. Đây cũng chính là khát vọng làm bùng nổ cuộc cách mạng dân chủ tại Đông Âu.

 

Tóm lại, những biến cố chính trị xảy ra ở các nước cựu Cộng sản tại Đông Âu trong các năm cuối thập niên 80 đã để lại cho nhân loại những kinh nghiệm đáng ghi nhớ:

 

Một là những chế độ đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân sớm muộn gì cũng bị sụp đổ. Nguyễn Trãi đã nói rất rõ trong câu "Nước chở thuyền cũng có ngày nước lật thuyền".

 

Hai là sức mạnh toàn dân là sức mạnh vạn năng. Chính sức mạnh này khi được huy động đúng lúc và đúng hướng sẽ tạo nên lịch sử.

 

Hai yếu tố này sẽ xuất hiện bàng bạc trong các chương kế tiếp khi trình bày về những diễn biến của các cuộc cách mạng dân chủ tại Ba Lan, Hung Gia Lợi, Đông Đức, Nam Tư... Người ta có quyền tin tưởng rằng cuộc cách mạng dân chủ tại Việt Nam cũng sẽ diễn ra trong thời gian tới, bởi khát vọng dân chủ và sức đối kháng mạnh mẽ của các thành phần dân tộc chống lại thiểu số lãnh đạo độc tài Hà Nội.

 

Lý Thái Hùng

 

(Trích Chương I,  Đông Âu tại Việt Nam, xuất bản tháng 1 năm 2007)

 

Xem phần giới thiệu sách Đông Âu Tại Việt Nam, bấm vào đây