PHẠM CHU THÁI
Thảo Đâu Dám Sánh
tản mạn
Nó được mời đến nhà dùng cơm . Mỗi năm nó đến đây , trước nhất là để nhìn mảnh vườn xanh um đầy bóng mát của giàn bầu mướp , su su , khổ qua , góc vườn rau thơm , góc vườn rau cải , những chậu ớt , chậu mai , giàn phong lan , khóm trúc . Tất cả đều toát lên màu xanh , sự sống , yên bình , bầu không gian tràn đầy thanh khí . Nó biết , đó là nhờ thành quả chăm bón của nữ chủ nhân , mỗi sớm thức dậy ra vườn tận tụy xới đất , bón phân , chiết cành , gieo hạt , vun xén , tưới cây , từ sáng đến trưa ; đói bụng thì vào nhà ăn nắm xôi vừng , bát cháo đậu đen , tô mì hoành thánh , uống bát chè xanh . Nó khen chị nom dáng còn rất trẻ , rất thanh , rất nhanh nhẹn . Chị mỉm cười , tay vin chiếc nón lá , nửa đùa bảo nó là nhờ chị siêng năng tập “gym” , mảnh vườn này đã hơn 20 năm là phòng tập “gym” của chị , đến nay người đàn bà tuổi đã 80 . Mỗi năm , vợ chồng chị cũng đều còn khả năng lái xe vượt qua 2 cây cầu đến thăm nhà nó , xa tít vùng quê mùa đầm lầy ngoại ô , để ngắm dòng sông yên bình trong cảnh chiều tà sau mảnh vườn nhà nó , gợi nhớ chiều buông trên dòng sông Cửu-Long , biết bao thương nhớ kỷ niệm căn nhà xưa kia nơi quê nhà của mấy đời Tổ Tiên để lại nay đã mất , bát ngát nhìn ra triều nước , nơi dòng sông gặp gỡ biển khơi , chốn tỳ-hải , xóm Cầu Đúc ngả ba Đầu Doi tỉnh Rạch Giá . Năm nay nó đến chơi nhà anh chị , hơi bỡ ngỡ vì khá đông quan khách . Chuyện trò thì mới biết , anh chị đãi tiệc , mừng quyển tiểu thuyết đầu tay của cô con gái , đã được quay thành phim , nay vừa hoàn tất . Tất cả ngồi vào bàn , nâng ly vang đỏ , chúc mừng vợ chồng chủ nhân và ái nữ , rồi mọi người hân hoan cầm đũa nhập tiệc . Nó gắp món gỏi đu đủ khô bò , lấy thêm vào vài lá húng quế xắc nhỏ , chan chút xì dầu tương ớt cho vào bát , chưa kịp và , thì một vị khách ngồi bên đối diện , bất ngờ hỏi nó : Xin được phép hỏi anh , trong bài văn anh viết , ai là tác giả câu thơ Thảo đâu dám sánh kẻ cầy Voi ? Nó buông đũa , im lặng , đắn đo , và không trả lời . Thế là rất kém xã giao , thiếu giao tế , nó biết . Nhưng trong bữa tiệc vui thì chẳng nên nhắc lại chuyện tình buồn .
*
Không ít người đã viết về Tôn Thọ Tường (1825-1877) . Đa phần đều bài xích thậm tệ . Các cây bút miền Bắc đồng loạt kết tội ông là theo giặc , tay sai Tây , bán nước ; khen Phan Văn Trị là yêu nước , tuy trình độ tư duy còn hạn chế , chưa được thừa hưởng ánh sáng văn minh chỉ đạo soi đường của hệ tư tưởng Mác-Lênin . Một vài cây bút miền Nam , bào chữa cho ông , nhưng cái giọng trường ốc , mô phạm , đóng vai kẻ cả , khách quan , nên đâm tẻ nhạt , thiếu nồng nàn , không để lại dư âm . Việt Nam chỉ duy nhất có 1 người , bênh vực Tôn Thọ Tường vô cùng sâu sắc chân thành thiết tha sôi nổi , nhỡn quan như soi thấu đáy lòng trăm mối tơ vò của Tôn , như một kẻ đồng hội đồng thuyền , như Thúy Kiều và Đạm Tiên , đó là Bùi Giáng . Ngày nay nhắc đến Bùi Giáng , người ta chỉ nhắc đến Kim Cương , đi tiểu (trên nấm mồ tại hạ) , mẫu thân , Phùng Khánh , Nam Phương , Thu Trang , Hà Thanh , Monroe , Bardo , Dương Quí Phi , Cô Em Mọi , chuồn chuồn , phở tái , mì Quảng , nhà thơ điên , thơ tiên , thơ thiền … và cho là mình đã chia sẻ , hiểu biết ông tỏ tường ; lắm kẻ lại tự hào cho là mình lành lặn tỉnh táo , có trình độ khoa học tâm lý y khoa , có kiến thức dữ liệu hiện đại để đúc kết thành một hồ sơ bệnh lý , thì tỏ vẻ thương hại ngầm người điên , người khùng . Nhưng tất cả chỉ vì , như người xưa nói : nhân gian chỉ thấy ngàn non đẹp , không nghe ra tiếng vượn hú trong rừng sâu . Không nghe ra , vì tiếng vượn hú trong rừng sâu kia có khác gì Tiếng Chày Kình nơi Bầu Trời-Cảnh Bụt , khách tang hải không thể cảm nhận được khi đôi vành tai còn xôn xao thanh âm xa mã phồn hoa công hầu nơi chốn hồng trần Kẻ Chợ . Nghe bằng gì , thấy bằng gì , đó là cả một bí cấp công phu ẩn mật tâm truyền mà con chồn đã trao tặng Hoàng Tử Bé trước khi chia tay : On ne voit bien qu’avec le coeur . L’Essentiel est invisible pour les yeux (Le Petit Prince-Saint Exupéry) . Quyển sách Bùi Giáng viết về Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị , nó chỉ được đọc lần đầu , là sau tháng Tư 75 . Là một thanh niên , lớn lên đã 20 năm tại Sàigòn , các hiệu sách và hàng quán vỉa hè , nó nằm lòng . Sau 75 , nó bỏ ngang Đại học , không chịu nộp sách báo cho chính quyền , nó gom sách báo trong nhà , bỏ trong bị , sáng sớm đạp xe lên phố , trải miếng ny-lông ra bày bán vỉa hè , khu Passage Eden đường Lê Lợi . Tưởng rằng chỉ bán vài hôm là xong , chẳng ngờ vô tình trở thành tên lái sách một thuở . Thuở đó , tác giả Con Đường Sáng Tạo (Chơn Pháp-Nguyễn Hữu Hiệu , em trai nhà thơ Viên Linh , anh em thuộc nòi Mỹ Nam Tử) vừa cởi áo cà-sa , để tóc , cũng bán sách nơi đó , cửa hàng số lượng sách đại học Vạn-Hạnh hằng hà muôn vẻ , sầm uất , dập dìu khách xem , quang cảnh gấp muôn nghìn so với cửa hàng nó , xấu , nghèo nàn , ế ẩm . Một hôm , có cô gái , tuổi chừng 16 , mang bị đến rụt rè hỏi nó có muốn mua sách báo cũ không . Nó tội nghiệp , trả lời muốn . Cô mở bị ra : Trời ơi ! Toàn là sách Bùi Giáng , loại sách qúy hiếm , in năm 1957-1960 , nó lớn lên chưa hề được thấy bán trong hiệu sách . Nó lẹ làng mua hết . Cô lại hỏi có muốn mua nữa không ngày mai cô mang lại . Nó vội vã đáp muốn muốn muốn . Ngày mai cô gái lại , trên vai đeo bị sách , mở ra : Trời ơi Trời ! Lại cũng là toàn sách Bùi Giáng , trong đó có bộ Martin Heidegger và Tư Tưởng Hiện Đại , in năm 1963 , khổ lớn , chủ nhân đóng bìa cứng mạ chữ vàng tuyệt đẹp , dày cộm và nặng như bộ tự điển Pháp-Việt của Đào Duy Anh . Tất cả sách Bùi Giáng đó , nó không bán , giữ lại trong nhà , giấu kín trên gác , đêm về ngấu nghiến đọc . Nó đọc Tôn Thọ Tường & Phan Văn Trị của Bùi Giáng viết , là trong hoàn cảnh hiểm nghèo đó . Nó không bao giờ quên tình cảnh Tôn Thọ Tường chấp tay lạy đem mạng mình ra thế chấp với quan Tây để cho Nghĩa binh tù nhân không bị xử chém được thả về quê quán . Nó liên tưởng đến Bà Mẹ trong Kinh Thánh cũng chấp tay lạy vị vua Salomon xin đừng xử chém con mình . Phải cao thượng lắm , phải có tình thương yêu sâu đậm lắm với tha nhân mới có thể hạ mình xuống rửa chân cho kẻ khác . Nó cũng không bao giờ quên hình ảnh Bà Vú Già đọc thơ Lục Vân Tiên cho Bùi Giáng nghe lúc tuổi ấu thơ , Cô cháu gái ngâm câu thơ Kẻ chốn Chương đài , người lữ thứ của Bà Huyện nơi mái trường Tiểu-học cất lên trong cảnh chiều vàng xanh rêu phế tích Chàm nơi vùng duyên hải khi Bùi Giáng xuống sân ga Ninh Thuận thăm gia đình người Chị Cả . Nó đọc Martin Heidegger , cũng là trong hoàn cảnh đó . Nó còn nhớ mãi trong quyển sách Martin Heidegger này , đoạn văn Bùi Giáng viết gửi Tố Hữu vào đầu thập niên 60 nhắn lại Hồ Chí Minh không nên tính chuyện xua quân vào Miền Nam gây chiến tranh , hãy chăm lo kiến thiết Miền Bắc , sau này Bắc Nam có cơ duyên đoàn tụ , 2 Miền sẽ cùng nhau mang phúc lợi về cho Đất Nước , đem mồ hôi tưới đồng lúa xanh . Lời nhắn ấy rồi ra sẽ như đàn gảy tai trâu nước đổ đầu vịt trước những con người tam vô , nuôi thân bằng bạo lực , chiến tranh là tiền đồ , là quy luật phát triển khách quan của duy vật biện chứng pháp , đang nuôi tham vọng xóa bỏ biên cương , đưa nhân loại bốn bể đến chung một thế giới đại đồng . Con đường đó phải được lót đầy máu Vô Sản và Tư Sản để tiến lên viễn cảnh hoa vẫn nở trên đường quê hương của thiên đường Cộng Sản . Bởi biết tâm địa Caligula là thế , nên lại càng phải khuyên nhủ khuyên can . Cũng bởi vì biết thế , không phải tự bây giờ , cái căn nguyên bi kịch ngày hôm nay đã manh nhúm khởi đi , là đã khởi đi manh nhúm từ hơn 100 năm trước .
Thuở ấy , vào Bán Thế Kỷ 19 , trên vũ đài tư tưởng chính trị Việt Nam , có 2 trường phái , Sử ghi : chủ HÒA và chủ CHIẾN . Nó muốn gọi đó là 2 con đường : con đường Tôn Thọ Tường và con đường Nguyễn Trung Trực .
Con đường Tôn Thọ Tường : là con đường thế nào ? Dẫn dắt về đâu ? Đó là con đường HÒA TÂY và HỌC TÂY .
Tại sao phải HÒA TÂY ? Vì không thể thắng Tây . Sự thất thủ chóng vánh thành Gia Định và sau đó là thành Hà Nội , cùng với cái chết của danh tướng Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương , là thảm cảnh đau lòng . Tại sao Tây thắng , Ta thua ? Vì võ khí đôi bên quá chênh lệch , cách biệt cả hơn 2 thế kỷ . Kiếm không thể so bì với Súng . Thanh trường kiếm uy vũ nghìn năm Võ sĩ đạo của đất Phù Tang kia The Last Samurai , cùng với búi tóc , cũng còn phải nhỏ lệ buông rơi xuống trước nòng súng Tây phương . Xưa kia , Hội Nghị Diên Hồng có vang vang lời “QUYẾT CHIẾN” , cũng bởi vì : Tầu có ngựa , Ta có voi ; Tầu có đao , Ta có kiếm ; Tầu có khiên , Ta có mộc ; Tầu có cung , Ta có nỏ ; Tầu có trường thương , Ta có giáo nhọn ; Tầu có chiến xa , Ta có trâu lửa ; Tầu có Cờ Đen , Ta có Cờ Vàng ; Tầu ra trận thị uy bằng loa kèn đồng thiếc , Ta khiển tướng điều binh bằng trống trận da trâu ; Tầu có thuyền lớn kiêu khí liên hoàn căng buồm vũ bão tiên phong , Ta có ghe nhỏ bè sậy tên lửa ẩn mình kham nhẫn kiên chờ mực nước . Có cân bằng võ khí , thì mới tính đến chuyện giao tranh . Gươm rựa đã không thể bì với súng đạn , Hỏa mai đã không thể bì với Thần công , thì phải hòa Tây , tránh gây thêm tổn thất nhân mạng , tránh gây thêm tóc tang cho nòi giống . Hòa với kẻ mạnh , mình phải chịu lép vế , thì phải nằm gai để nuôi chí phục thù , phải vác Thánh Gíá trên chặng đường thương khó để đón chờ Phục Sinh , nóng nảy là rách việc.
Tại sao phải HỌC TÂY ? Học Tây để đánh Tây . Có học Tây thì Việt Nam không phải chỉ có một Nguyễn Trường Tộ , mà sẽ có dăm ba . Có học Tây thì Việt Nam không phải chỉ có Nguyễn Mạnh Tường có 2 bằng Tiến sĩ , mà sẽ có hàng trăm Tiến sĩ , hàng ngàn Kỹ sư , đủ mọi ngành nghề , cần nhất phải học tinh hoa chế biến súng ống đạn bom của mọi nước Tây phương , để phòng lo hậu sự . Tiến sĩ để làm gì ? Kỹ sư để làm gì ? Để được hưởng bổng lộc lợi danh , ở ngôi biệt thự có tường rào , nuôi chó berger trong nhà , đặt bình hoa Géranium đỏ tươi nơi cửa sổ , ăn thịt bò , uống Bordeaux , tắm Piscine , chơi Tennis ? Học hành như thế thì cũng chỉ là phường giá áo túi cơm , trung nhân dĩ hạ , chết đi chỉ có sa Địa Ngục . Học Tây là để phục thù , sửa soạn lâm trận . Học với tinh thần như thế thì không nhất thiết phải có bằng Tiến sĩ , kẻ nhân cách xuất chúng đều tự học , không vì tiếc miếng trầu cay mà lỡ làng đại sự , không vì miếng đỉnh chung mà bỏ cuộc chơi , nuối tiếc xuân thì . Một khi thời kỳ mang nặng đẻ đau đã chín : Văn đã thâm sâu quảng bác , Võ đã tinh nhuệ cơ mưu , đó mới chính là thời điểm lâm bồn khởi đầu xuống núi , sanh đẻ , hồi xuân . Ta sẽ thong thả nhàn hạ dằn mặt đi nước pháo đầu “Toi , suis-Moi” “Ngươi , theo Ta” (La Bible) , nhắm thẳng vào Bộ Chỉ Huy Trung Tâm Văn hóa : Triết lý , Thi ca , Văn chương , Hội họa , Lời Ca , Tiếng Hát , Dung Nhan mà trường kỳ nã đạn ngữ ngôn , dựa vào Thánh Kinh từ Cựu Ước đến Tân Ước làm Cổ thành Chiến lũy mà bắc loa la toáng lên với tứ hải cho ra lẽ thị phi phải trái công bằng bác ái như theo lời Chúa dạy ; bên cạnh đó Ta sẽ ngấm ngầm kéo viện binh từ Cổ Đại-Trung Đại về đây với Hiện Đại để mai phục chung sức giáp công , Ta sẽ nhiếp dẫn Thần thoại Hy Lạp Homère Eschyle Sophocle Shakespeare Racine Molière Jeanne d’Arc Saint-Just Ropespierre Victor Hugo Van Gogh Cézanne Da Vinci Beethoven Bach Mozart Tchaikovsky Stravinsky Édith Piaf Sous Le Ciel De Paris Thiếu Phụ Nam Xương Câu Hò Mái Đẩy Ngàn Thu Áo Tím Đàn Bầu Thanh Nga-Thành Được Tiếng Hạc Trong Trăng Dương Cầm Thái Thanh-Anh Ngọc Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi Sông Đào Xinh Xắn Có Con Trâu Lành ra làm chứng nhân nhập cuộc khai thị răn đời , bắn liên thanh mũi tên hòn đạn siêu hình thánh sủng như Thiên Nữ Tán Hoa tám vạn bốn ngàn pháp môn vào công phá đường hầm địa đạo kinh mạch trí óc đối phương ; André Gide St-Exupéry Simone Weil Albert Camus René Char Martin Heidegger luôn được xem là những người bạn tri âm đồng hành cùng Đại Nghĩa , từ Les Nourritures Terrestres đến Si Le Grain Ne Meurt , từ Le Petit Prince đến Terre Des Hommes , từ L’Enracinement đến La Pesanteur Et La Grâce , từ La Peste đến L’Homme Révolté , từ Fureur Et Mystère đến Recherche De La Base Et Du Sommet , từ Qu’Appelle-T-On Penser đến Chemins Qui Ne Mènent Nulle Part , từ Đường Thi Thiên Thượng Lai Bôn Lưu Đáo Hải đến Đinh Lê Lý Trần Nhạn Quá Trường Không Ảnh Trầm Hàn Thủy , từ Kim Cang-Duy Ma Cật đến Hoa Nghiêm-Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa , từ Tam Giáo Đồng Nguyên đến Tứ Giáo đồng qui nhi thù đồ , từ Lettres À L’Âshram đến nụ cười chân không diệu hữu Gandhi , từ Apollinaire Sous Le Pont Mirabeau đến Ôn Như Hầu Quán Thu Phong Đứng Rũ Tà Huy , từ Nhất Thiên Minh Nguyệt Giao Tình Tại đến Bách Lý Hồng Sơn Chính Khí Đồng , từ Sống Trong Lòng Người Đẹp Tô Châu đến Con Gái Tắm Mưa Mau Trổ Mã/Con Gái Nhà Giầu Ít Tắm Mưa Gánh Nước , từ You Don’t Bring Me Flowers Barbra Streisand-Neil Diamond đến Tình Lúa Duyên Trăng Ngọc Cầm-Nguyễn Hữu Thiết , từ Nụ Tầm Xuân nồng nàn của Brigitte ửng hồng trêu ngươi đến Khe Rãnh thiên hương đầy ma lực của Marilyn ngạt ngào chiết tỏa , từ Trăm Năm Trong Cõi Người Ta ngậm ngùi đến Nghe Trời Đổ Lộn Nguyên Khê viên đề thâm xứ thâm . Nước pháo đầu Hình-nhi-Thượng bát ngát mênh mông kỳ ảo : Đạo mà Đời , Đời mà Đạo , Tây mà Đông , Đông mà Tây , không mà có , hư mà thực , xưa mà nay , xa mà gần , mười quan san mà gom lại chỉ là trong gang tấc , đánh mà chơi , chơi mà đánh , nhẹ tợ lông Hồng : Vous êtes le Sel de la Terre … mà nặng như non Thái , thoảng qua như vi tiếu niêm hoa : Khổ hải vô biên , hồi đầu thị ngạn … mà khai ngộ vi diệu thậm thâm tận cùng ngũ uẩn ; thì tâm can phế phủ Tây-thực-dân phải bàng hoàng kinh hãi vì trình độ suy tư ngữ ngôn bác học uyên thâm đáo-bỉ-ngạn xuất chiêu từ nơi chốn nhà tranh vách đất bán khai lạc hậu nước phèn kinh rạch bùn lầy u linh Bà Chúa Xứ-Mẫu Thượng Ngàn-Thần Tản Viên-Đầm Nhất Dạ của An-Nam Giao-Chỉ . Nếu lỗ tai chúng vẫn còn điếc , chưa thủng , giả nai , giả vờ không thấy không nghe không biết không hiểu , ánh sáng lời Chúa không chiếu dội được vào trong cái lòng lang tối tăm tham lam vét vơ lợi của , lời Phật ngôn vạn-pháp-giai-không thâm huyền không liễu ngộ vào được ngũ tạng lục phủ cái xác thân tứ đại pho-mát sữa bơ , câu văn bằng Pháp ngữ của Simone Weil (1909-1943) , nàng tiểu thư Parisienne , tốt nghiệp Thủ khoa môn Triết trường lớn L’École Normale Supérieure rue d’Ulm , người con gái như Thánh Nữ , rất yêu thương nước Pháp và Nhân Loại (21 tuổi , buổi sáng hôm ấy , bước ra khỏi nhà , đi bộ qua Vườn Luxembourg đối diện , ghé mua tờ báo , vào quán cà-phê vỉa hè gọi ly cà-phê và chiếc bánh Croissant , tình cờ đọc trên tờ báo ngày hôm ấy bài phóng sự và hình ảnh 13 chiếc đầu Vụ xử chém 13 Liệt sĩ Yên-Bái , nàng bất động ngồi lặng im , hai giòng nước mắt lăn xuống đôi gò má , chiếc bánh và ly cà-phê để đó nguội tanh nàng không đụng đến ; để rồi lớn lên khi rời ghế nhà trường , trong cuộc đời đầy giông bão của nàng , có dịp nàng viết lá thư gửi cho chúng ta , nhắc lại kỷ niệm đau thương đó , lời lẽ vô cùng cảm động chân thành : Lettre aux Indochinois : C’est avec douleur et honte que moi , jeune Française … Depuis plus de cinq ans , cette douleur cette honte , elles n’ont pas cessé de me peser sur la poitrine … Je n’ai jamais pu penser à L’Indochine sans avoir honte de mon pays … Je n’oublierai jamais .) , tháng 11 năm 1942 , từ New-York Mỹ-Châu yên bình , nàng khấu đầu từ biệt song thân , lén lút xuống tầu vượt Đại-Tây-Dương quay ngược về hải cảng Liverpool , Xứ Sở Sương Mù đang oằn mình trong bom đạn , ghi tên xung phong tình nguyện trở về Pháp Quốc làm người Nữ Cứu Thương nơi tuyến đầu chiến địa , nhưng bị khước từ vì lấy cớ thể chất mong manh , De Gaulle giam nàng trong căn phòng kín , muốn dùng nàng viết ra những sách lược giải pháp cho Nước Pháp sau thời hậu chiến ; trong căn phòng nhỏ đóng kín cửa sổ nơi khu phố thật nghèo Notting Hill ở ngoại ô Luân Đôn , nàng viết ngày đêm , nghìn nghìn trang giấy , bên ngoài đang là binh lửa chiến chinh , âm thanh tiếng đạn bom rung trời của Đức-Quốc-Xã trên bầu trời Anh quốc , vào đầu năm 1943 , vài tháng trước khi tay buông bút , từ bàn viết ngã xuống vào Tháng Tư , sau nhiều ngày nhường phần ăn của mình cho các chiến binh , vĩnh biệt trần gian ở tuổi còn rất thanh xuân , cảnh báo một trong những nguyên nhân sâu xa gây ra cuộc chiến ngày nay là bắt nguồn từ nền văn minh văn hóa khoa học Thực Dân Tây Phương : “La perte du passé , collective ou individuelle , est la grande tragédie humaine , et nous avons jeté le nôtre comme un enfant déchire une rose … Qui est déraciné déracine . Qui est enraciné ne déracine pas .” mà võ biền máu thực dân De Gaulle khi đọc lại , đã bỉ thử cho là ý tưởng kém tiến bộ , lý luận của “con khùng” , như Thực Dân Anh đã gọi đầu óc Gandhi là đầu óc của “thằng khùng” , thì Ta cũng đành phải buộc lòng , có nói cũng không cùng , phải đánh bồi nước pháo trùng hợp bích thứ hai để kết liễu , trước khi gà gáy , thanh âm rung chuyển đại ngàn , đó là lối đánh úp Mahatma Gandhi nhắm vào Hình-nhi-Hạ : phong tỏa hàng hóa , tẩy chay đồ dùng , công nhân bãi thị , đình công toàn quốc vô hạn định . Đến nước nông nỗi này , thì Thực Dân phải tởn , phải bán thân bất toại , ngậm bồ hòn làm ngọt , qùy xuống hướng về mẫu quốc trời Tây kinh đô ánh sáng hoàng hôn đang ngả dần vào đêm tối nấc lên 3 lần thanh âm trăn trối “Allelujah” mà buộc nhả Thuộc Địa , như Thực Dân Anh nhả Ấn . Điều đó chắc như bắp , không cần phải động binh . Đó là chiến thắng của một kẻ học võ cả đời nhưng cả đời không dụng đến võ . Đó mới đích thực là chiến thắng siêu việt vinh quang (chiến cuộc Đông Dương không cần phải có Điện-Biên-Phủ sặc máu , tổn hao sanh mạng Việt , vay mượn súng ống đạn bom đánh Thực-Dân-Tây để rồi nô lệ Thực-Dân-Xô-Tầu , để rồi Vòng-Kim-Cô-Đỏ-Tầu-Xô bày bố thế trận đồ Giải-Phóng : dùng Việt giết Việt trong suốt 20 năm) .
Đánh thắng Tây rồi , ly dị Tây rồi , rồi sao nữa ? Thắng Tây rồi , ly dị Tây rồi , Ta không xem là cừu thù không đội trời chung , mà lại thâm tình thương Tây : chúng cũng là chúng sanh , chúng chẳng qua chỉ là lũ ong trẻ dại háo sắc rời đàn bay đi thám hiểm kiếm tìm mật nhụy hương hoa ở những phương trời viễn mộng trinh nguyên rồi say mật kỳ hoa Đông Á mà quên đường về mái nhà xưa . Giờ đây , thủy triều rút đi , phù sa ở lại , bao nhiêu bách niên kỷ vật Lang Sa để lại Ta đều trân quí lưu niệm , dù sao chăng nữa 12 bến nước dun dủi duyên Trời đã kết thành 100 năm phối ngẫu Pháp-Việt , đã từng có với nhau những giây phút mặn nồng : Quốc ngữ , Thánh Đường , Nhà Thương , Phong cảnh , Kiến trúc , Đường xá , Bưu điện , Nhà in , Sách vở , Tân nhạc , Cà phê , Bánh mì , Con đường lá me …. Dân Tộc ta phải là quốc gia NHÂN ÁI , không tranh bá đồ vương , xem tứ hải là huynh đệ tỷ muội , xem năm châu là rừng hoa muôn sắc , yêu quý THIÊN NHIÊN , kính trọng THẦN LINH , ra công kiến tạo một giang san thái hòa tràn đầy thanh khí điển của tình thương quảng đại để làm nền tảng gìn giữ HÒA BÌNH . Muôn dân sống đơn sơ mà đắc đạo , đúng tiết điệu mùa màng , phù hợp với thổ ngơi nhà nông dân chài : ăn cơm , ăn cà , ăn mắm , ăn rau , xôi vừng , bún ốc , khoai vùi , bắp nướng , lạc rang , cơm tấm , trái chuối , trái na , trái ổi , trái xoài , trái chôm-chôm , trái sầu riêng , trái măng cụt , nồi cà bung , canh cá rô , lẩu bún mắm , cơm hến , canh hẹ , gỏi sứa , tré chộn , mực nhảy , lươn um , rượu làng Vân- Bàu Đá , đế Gò Đen-Ông Già , bát canh rau đay cua đồng , tô canh chua bông điên điển , cá lòng ròng kho tiêu , cá bông lau kho tộ , bún đậu phụ kinh giới mắm tôm chanh , tắm suối , tắm hồ , tắm tràng giang , tắm đại hải , như cá trong nước , cởi trần nằm võng , mắt nhắm mà tương tư , đong đưa mà viễn du kim cổ , khói lam chiều , gáo mù-u , mực tím giấy nhặm , lưng trâu sáo đậu , mấy nhịp cầu tre , bìm-bịp kêu chiều , lạy trời mưa xuống , Thu ăn măng trúc , Xuân tắm hồ sen , hút rượu cần , ngắm giàn bầu bí , phong lan , hàng cau , hàng dừa , hàng tre , bóng đa , bụi chuối , nghe sáo diều , gà gáy , chim hót , dế ru … Đạo không xa Người : lòng Người lòng Đất cảm thông nhau . Niềm cảm thông ấy chính là châu báu thanh điển chan chứa lộc Trời trì ngự trong nội thức . Giàu sang là thế , Đạo mầu là thế . Pourtant c’est poétiquement / Que l’Homme demeure sur cette Terre (Hölderlin 1770-1843) . Poétiquement , là thế . Ariane , Je t’aime , câu nói cuối cùng trong cuộc đời tâm tư giông bão của Nietzsche nhắc tên nữ nhân vật trong Thần Thoại Hy Lạp , là trong con tim trẻ thơ hoài vọng nguyên thủy đồng xanh như thế . Martin Heidegger cả đời cặm cụi viết Triết lý , con đường suy tư của một kẻ suy tư trong một thời đại đáng để suy tư , cũng chỉ mong Nhân loại sống như thế : Bâtir-Habiter- Penser … Poétiquement . Chúa-Phật cũng chỉ mong Nhân loại sống như thế : Hãy Ngó Chim Trời … Hãy Nhìn Bông Huệ …Hãy Xem Ngón Tay Và Mặt Nguyệt… . Khổng Phu tử cùng vài tiểu đồng tắm sông hóng gió ca hát rồi về , cũng chỉ mong Nhân loại sống như thế , như chí Tăng Điểm khi gảy đàn . Tâm nguyện Lão Đam khi cỡi trâu tiêu dao cũng vỏn vẹn là như thế : Kiến Tố bão Phác … . Tố Như , 2 chữ nói lên nỗi lòng Nguyễn Du , cũng là thế . Một Dân Tộc sống thơ mộng , chuộng đơn sơ , chan chứa tình , không sa chước cám dỗ tranh giành bạc vàng tiền của trên đời là mục đích thành công , thì đó là một Dân Tộc thành nhân , đại biểu đích thực đời đời của nền văn minh . Hai Bà Trưng , Lý Thường Kiệt , Hưng Đạo Vương , Ức Trai và Quang Trung rất hả dạ với cách đánh Tâm Công tân kì điệu nghệ nhân bản triết lý văn chương thi ca chi đạo của đàn hậu-sinh khả úy , sẽ rất hoan hỉ ngồi cùng mâm tâm đắc tri âm với các danh tướng văn hóa yêu thương nòi giống : Nào ! Cạn ly ! Dzô , Nguyễn Trường Tộ , Tôn Thọ Tường , Trần Trọng Kim , Phạm Quỳnh , Phạm Duy Khiêm , Bùi Kỷ , Nam Phương Hoàng Hậu ; nhưng lại không thể ngồi so đũa cùng bàn với Phan Văn Trị , Hồ Chí Minh , Phạm Văn Đồng , Võ Nguyên Giáp , Trường Chinh , Lê Duẩn , Nguyễn Thị Bình , vì chúng ác , thí dân , lùa trăm họ Bách Việt vào tròng Kim Cô Đỏ làm nhiên liệu đốt cháy Trường Sơn : Đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào / Đánh cho chết mẹ đồng bào Miền Nam .
Con đường Nguyễn Trung Trực : là con đường thế nào ? Dẫn dắt về đâu ? Đó là con đường khởi đi từ lúc tan chợ : Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây / Một bàn cờ thế phút sa tay / Bến Nghé cửa tiền tan bọt nước / Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây / Hỡi trang dẹp loạn rày đâu vắng / Nỡ để dân đen mắc nạn này (Chạy Giặc-Đồ Chiểu) . Thưa Cụ Đồ , trang dẹp loạn của Nam Kỳ Lục Tỉnh không vắng . Cái cá tánh làm nên bản ngã Nam Kỳ : Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả , thêm vào cái máu giang hồ anh chị sông nước Cửu Long : Chơi Chết Bỏ , đã thể hiện trọn vẹn câu nói thời danh của vị Anh Hùng : Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ Nước Nam , thì mới hết người Nam đánh Tây . Từ Tân An Gò Công đến Cần Giờ Cai Lậy , từ Thất Sơn An Giang đến Mỹ Tho Chợ Gạo , từ Rạch Giá Cổ Chiên đến Hóc Môn Bà Điểm , từ Hòn Chông Kiên Giang đến Ba Giồng Đồng Tháp , từ Nga Sơn Thanh Hóa đến Hương Khê Hà Tĩnh , từ Ba Đình Cầu Giấy đến Bãi Sậy Hưng Yên , từ Yên Báy Bắc Giang đến Hỏa Hồng Nhựt-Tảo Oanh Thiên Địa , từ 18 Thôn Vườn Trầu đến Đố Ai Ve Được Con Đò Thủ-Thiêm , cuốc xẻng cũng xuất trận , tầm vông cũng phất cờ tiến công : Ngoài cật có một manh áo vải , nào đợi đeo bao tấu bầu ngòi/Trong tay cầm một ngọn tầm vông , chi nài sắm dao tu nón gõ / Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi / Gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay (Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc - Đồ Chiểu) .
Tất cả cuộc khởi nghĩa trong 100 năm ấy , đều là đi theo con đường Nguyễn Trung Trực , đều thể hiện mình là Cỏ Nước Nam , từ Trương Công Định đến Thủ Khoa Huân , từ Thiên Hộ Dương đến Phan Tôn-Phan Liêm , từ Đinh Công Tráng đến Nguyễn Thiện Thuật , từ Phan Đình Phùng đến Hoàng Hoa Thám , từ “Tiếng Bom Sa Điện” Phạm Hồng Thái đến “Khởi Nghĩa Yên Bái” Nguyễn Thái Học , và định mệnh trớ trêu đều trở thành những viên gạch lót đường cho bạo lực hệ thống đại quy mô thế giới vô sản vô thần : triệt để , giết sạch , giết lầm hơn bỏ sót , Giết ! Giết nữa ! Bàn tay không phút nghỉ , không khoan nhượng chùn tay trước kẻ thù giai cấp , dưới sự chỉ đạo thiên tài của Xít , vĩ đại của Mao , những thủ lãnh đồ tể bạo chúa đại ca , được tận tụy thừa hành bởi Hồ , bởi Giáp , quyết đấu trận binh pháp ai thắng ai lực chọi lực của Hồng Kỳ-Đại Pháo : những đạn bom hỏa tiễn súng cối tiểu liên đại liên nòng thép 37-75-105-120 ly từ biên giới Côn Minh-Vân Nam-Lưỡng Quảng bí mật mũ nan lá rừng ngụy trang vượt qua biên ải Lào Cai-Lai Châu-Hà Giang-Cao Bằng-Lạng Sơn-Đồng Đăng-Kỳ Lừa-Ải Nam Quan đã đêm ngày băng rừng trèo non vượt suối thồ lên nay trở thành những khẩu cao xạ phòng không sơn pháo nã liên tục 57 ngày đêm xuống lòng chảo Điện Biên , mặt ngoài là hiện tượng : giải phóng 100 năm khai hóa bảo hộ của Thần Công-Đại Pháp , mặt trong là bản chất : đưa lá cờ máu giai cấp vô sản vô thần duy vật lên đài thắng lợi vinh quang , từng bước nhuộm đỏ tiến lên một thế giới đại đồng . Dân tộc Việt Nam từ thời Vua Hùng dựng nước đến nay mới đầu tiên được bước vào đại kỷ nguyên độc lập-tự do-hạnh phúc . Cái độc lập-tự do-hạnh phúc mà đi đến đâu thì muôn triệu người cố bám lấy đất nước bằng sức người vô hạn để ở lại đây cũng đành phải không ngừng di cư , di tản , bỏ Hà-Nội , bỏ Hải-Phòng , bỏ Huế , bỏ Đà-Nẵng , bỏ Nha Trang , bỏ Cam Ranh , bỏ Sàigòn , bỏ Lục-Tỉnh , kết bè , giăng buồm , đóng ghe , vượt biển , thuyền nhân , nước non nghìn dặm ra đi , đối đầu bão táp phong ba mười chết một sống nơi Thủy Mộ . Cái độc lập-tự do-hạnh phúc mà Nguyễn Chí Thiện đã cảm nhận rất sớm và rất sâu sắc Hoa Địa Ngục trong ngục tù Hỏa Lò-Cổng Trời nơi thiên đường xã hội chủ nghĩa . Và phải đến khi thân tàn ma dại , xanh xương mét máu , chàng sinh viên thanh xuân thoát ly lên xanh Trần Vàng Sao khi về già diện bích 9 năm câm miệng hến trước song nhãn trừng trừng vô úy của Đạt Ma Bồ Đề mới có đởm lược buông được 2 câu giác ngộ tố giác bọn côn đồ các đảng thiên tinh dịch vật cờ đỏ vàng sao : TAU CHƯỞI !
*
Em về mấy Thế Kỷ sau
Nhìn Trăng có thấy nguyên mầu ấy không
Anh đi gửi lại đôi giòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù
( Bùi Giáng )
*
Nó đến thăm ông trong Nhà Dưỡng Lão , vị Giáo sư Đại học Huế và Sư Phạm Sàigòn , chuyên về Việt-Hán , Cổ văn và chữ Nôm . Ông hơn nó gần 30 tuổi , nó chưa từng học ông xưa kia nơi Quê Nhà . Nơi Quê Người , nó có duyên được gặp và rồi quen ông . Ông cùng Quê với Mẹ nó , Kim Sơn-Ninh Bình . Ông biết rất rõ gia đình Ông Bà Ngoại nó , cửa hiệu thuốc Bắc nổi tiếng vùng Phát Diệm . Quen ông , nó trước sau gọi ông Dạ thưa Giáo sư , Vâng thưa Giáo sư . Ông gọi nó cậu nên làm điều này , Thái nên viết về cái kia , Sầu Thoan Nghê hùng khí lắm , Nở Giữa Vườn Chanh ví von văn chương tuyệt tác , căn nhà cậu ở xinh xắn , nên thơ lắm , đó là Chúa ban ơn , cậu phải năng mời bè bạn đến nhà chung vui , đó là ý Chúa … Cuối tuần , nó hay mời ông đi ăn phở , đặt mua bánh cuốn Thanh Trì , giò lụa , heo quay , vịt quay , rồi về nhà nó chuyện trò đến khuya cùng dăm người bạn , dăm chai rượu . Trên bàn ăn , mọi người lắng nghe , chỉ mình ông nói , giọng Bắc , mạnh và rõ , nói điều gì ra là bố ai dám cãi , ông bảo không phải là không phải , vì có dẫn chứng minh chứng đến nơi đến chốn , Hán Nôm Hà-Nội cũng kiêng dè ông , không dám phản bác . Mỗi lần ghé ông , căn hộ sous-sol đường Bouchette trên vùng Côte-des-Neiges , nó muốn ngộp thở , vì số lượng sách , từ dưới sàn lên đến trần nhà , kín 4 bức tường . Ông rất chăm học , suốt đời chăm học , viết sách , cần mẫn tra cứu Cổ ngữ , kể tên vanh vách bản văn cổ này thời kỳ nào của ai , Hoàng Xuân Hãn đã nhận xét sai rất nhiều điều và đã sai khi bảo Phan Huy Ích là dịch giả Chinh Phụ , Chinh Phụ Ngâm diễn Nôm là đích thực của Đoàn thị Điểm , Lĩnh Nam Chích Quái phải viết là Chích , Chích ý nghĩa khác Trích , chữ Nôm này mang cái ý thế nào trong thơ Đoạn Trường của Nguyễn Du , chữ Hán này mang cái nghĩa ra sao trong câu văn Bình Ngô của Nguyễn Trãi … Lần này , đến thăm ông trong Nhà Dưỡng Lão trên đường Côte St-Luc thành phố Montréal , nhác thấy nó đến đứng lặng im bất động trước cửa phòng , ông nhận ra , nhìn nó ông mỉm nụ cười buồn ; thấy ông dáng đã gầy hẳn đi , ngồi trên ghế trong tay là trang giấy ố vàng chữ Nôm trong căn phòng hẹp , nó rơm rớm nước mắt , bước tới cúi xuống dang 2 tay ôm lấy ông vào lòng . Cả 2 làm thinh , không nói một lời . Ông buồn , đôi mắt nhìn xa xăm sau cặp kính lão , khẽ hát : Về đây trong hoa lá , Hỡi cánh chim.. hum.. giang hồ ; nó cũng buồn , đôi mắt nhìn quanh 4 bức tường phòng ông trong Nhà Dưỡng Lão giờ đây trống không , trắng toát , không còn gì , chỉ còn sót lại duy nhất Chuỗi Mân Côi và bức tượng Đấng-Cứu-Thế dang 2 tay ra thọ nạn mà ông luôn mang theo trên mình từ thuở Sông nước biệt ly , người xa kinh kỳ . Bất chợt , tác giả bài ca “Hẹn Một Ngày Về” ngưng hát , hỏi nó : Thái có biết nơi con Thúy Kiều , cái gì là đẹp nhất ? Nó bối rối vì câu hỏi bất ngờ không lường trước , đỏ mặt , ngại ngùng không tiện nói ra điều thầm kín . Ông phá lên cười , tiếng cười sang sảng của bậc lão thành thông suốt , như rộng lượng phá chấp thứ tha đi cái ý nghĩ thầm kín rạo rực nguyệt hoa hoa nguyệt dung tục của phường tiểu tử hậu bối , vị Giáo sư uyên thâm Hán Nôm lúc ấy mới lên giọng thầy thanh cao , gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn : Con Thúy Kiều đẹp nhất là ở Đôi Mắt .
Ngày nay bản thân nó cũng đã già , gầy
đi . Những kỷ niệm dư hương trong đời người hiện về khôn nguôi , nhớ thương bạc trắng mái đầu . Nó cũng muốn bắt chước vị Tiền
bối Giáo sư-Học giả Hán Nôm nay đã về Nước Chúa , mà tự đặt câu hỏi cho chính
mình : Nơi Bùi Giáng , cái gì là đẹp nhất ? Và nó cũng sẽ tự trả lời cho một
mình mình biết một mình mình hay : Bùi Giáng đẹp nhất là ở Đôi Mắt . Đôi Mắt xanh
đã nhìn thấu suốt Mê Cung Thế Kỷ 20 trong nỗi Sầu Thoan Nghê , nơi con quái vật
vô sản vô thần duy vật hung tàn Minotaure tân thời đã nắm được “sợi chỉ Ariane”
được chuyền tay bởi thằng con buôn quốc tế gian hiểm đại cường Iago hiện đại , rồi
cùng hè nhau đi vào cuộc đời , cùng hè nhau đeo cái mặt nạ da người kiều diễm
thiên hương của nàng công chúa Ariane . Đôi Mắt ấy cũng đã nhìn ra Phiếm Oan
Thanh : bi kịch u uất nhất của một bậc Nho sĩ trong Bán Thế Kỷ 19 , kẻ rất sáng
suốt và yêu Dân Tộc mình vô cùng lại bị chính Dân Tộc mình nguyền rủa , ném đá
, đóng đinh . The strongest steel is forged in the hottest fire . Đó là
: Tôn Thọ Tường , đứa con đã hạ mình quì xuống rửa chân cho Đất Mẹ nặng tình
khi dâng hiến cả cuộc đời bước vào Khung Cửa Hẹp (La Porte Étroite-La Bible) thể
hiện ẩn mật xót xa qua câu thơ rất khiêm cung hiếu thuận : Thảo đâu dám sánh
kẻ cầy Voi .
Phạm Chu Thái
Hiver 2024 - Canada