nhận được và giới thiệu
cùng một tác giả
TRẦN HỮU THỤC tức TRẦN DOÃN NHO
TRẦN HỮU THỤC
ẨN DỤ
“cuộc phiêu lưu của chữ”
biên khảo
Người Việt xuất bản
Amazon phát hành
có thể mua sách qua Amazon ở đây:
http://www.amazon.com/NguyenHuuThuc
Lời giới thiệu cuốn “Ẩn dụ, cuộc phiêu lưu của chữ” của Trần Hữu Thục
Cuốn sách này của Trần Hữu Thục, trên một khía cạnh, là một cuốn sách nặng tính lý thuyết. Và người đọc hẳn sẽ nhận thấy điều đó qua sự trình bày rất nhiều lý thuyết, liên hệ đến triết học, xã hội học, ngôn ngữ học, nhân chủng học, v.v. Đặc biệt là những lý thuyết về tu từ học, về dụ pháp học, về ngôn ngữ học, với những tên gọi cụ thể như "lý thuyết tương tác" của Max Black, lý thuyết "đối nghịch ngôn từ" của Monroe Beardsley, "lý thuyết căng thẳng" về sự "căng thẳng ngữ nghĩa" của Paul Ricoeur, v.v., cùng những khái niệm về sự dịch chuyển ngữ nghĩa (từ metaphora trong tiếng Hy Lạp cổ, sang métaphore của tiếng Pháp cổ thế kỷ thứ XVI, đến metaphor trong tiếng Anh), sự lệch nghĩa (écart), ý tưởng ẩn lặn (tenor/the underlying idea) và tính chất tưởng tượng (vehicle/the imagined nature), tính đồng vị (isotopie) và tính biệt vị (allotopie) của từ, v.v. Rồi "sự đổ vỡ tính đồng vị", "sự nghịch thường ngữ nghĩa", "sự bất tương hợp ngữ nghĩa", "sự xáo trộn ngữ nghĩa". Vân vân. Tất cả những điều này, tuy phần nào để lộ ra mặt khá khô khan, đôi khi khó nắm bắt, của lý thuyết (chẳng hạn như trong tư tưởng và những lý giải tuy sâu sắc nhưng khá phức tạp của triết gia Paul Ricoeur), cũng cho thấy sự phong phú của những cái nhìn, những diễn giải của con người từ thời Cổ Đại Hy Lạp cho đến ngày nay về ẩn dụ.
Nhưng, ở một khía cạnh khác, cuốn sách này của nhà nghiên cứu, biên khảo Trần Hữu Thục cũng cho thấy tác giả, ngoài công phu tìm tòi nghiên cứu sâu và kỹ về đề tài của mình, qua việc tra cứu, tìm hiểu, giới thiệu nhiều tài liệu bổ ích, với những thí dụ dẫn chứng về cách dùng ẩn dụ trong tiếng Anh, tiếng Pháp, còn giúp cho người đọc có được một cái nhìn rất gần và sinh động về đủ cách sử dụng ẩn dụ của rất nhiều người cầm bút Việt Nam. Những người viết ấy có thể là nhà thơ, có thể là nhà văn, mà cũng có thể là những nhà biên khảo, lý luận, phê bình. Tất cả những thí dụ được trưng dẫn trong các chương sách đã giúp cho cuốn sách về một đề tài có tính rất lý thuyết này trở nên một tài liệu nhiều màu sắc, ghi nhận lại được cách nhìn cuộc đời, nhìn thế giới, nhìn những hiện tượng con người của chúng ta một cách tươi mới và có chiều sâu. Ở một góc độ nào đó, nó cũng có thể được xem là một cuốn cẩm nang trình bày và ghi chép lại cái phương cách chạm mặt thế giới của con người. Chạm mặt và xây dựng thế giới. Qua ẩn dụ.
Về mặt hình thức, với mười chương sách, sau khi đã trình bày những khuôn mặt và dấu vết của ẩn dụ qua mọi thứ lý thuyết chằng chịt nhưng với rất nhiều thí dụ sinh động, đa dạng và nhiều mầu sắc, tác giả đã đóng cuốn sách lại bằng một câu chuyện ở chương cuối. Giống như một truyện ngắn. Qua câu chuyện rất đặc biệt của nhân vật chính, du hành vào cuộc phiêu lưu của chữ, Trần Hữu Thục tìm lại được con người nhà văn của mình. Câu chuyện thú vị của ông cho ta thấy rõ sự liên hệ của Chữ, Nghĩa và Đời sống. Và Văn minh của con người. Nó cho ta thấy sự quý giá của chữ, nghĩa. Và ý nghĩa cuộc hiện sinh của nhân loại. Chữ và Nghĩa, và Cuộc sống, và Văn minh loài người, tất cả, quy chiếu trở lại những gì đã được trình bày ở mười chương sách trước, đều có những gắn bó xa gần với ẩn dụ, ở những mức độ khác nhau. Nó khiến ta ý thức rõ hơn sự quý giá của những gì mà chúng ta không để ý đến, hoặc không để ý đủ, khi tiếp cận với những con chữ, những ký hiệu của loài người, trong cuộc sống mỗi ngày.
(Trích Lời Tựa)
Bùi Vĩnh Phúc
(Nhà nghiên cứu văn học)
Từ tư duy đến diễn đạt, con người cần ngôn ngữ làm trung gian. Ngôn ngữ đồng thời là cây cầu chữ nghĩa nối chúng ta vào thế giới. Xuyên qua cầu đôi khi rực chói một hiện tượng lạ - một năng lượng sáng tạo đặc biệt biến cây cầu thành mống trời lấp lánh các sắc màu của thi ca, văn chương, tín ngưỡng…ẨN DỤ là tên của phép mầu ấy và là đề tài học thuật của cuốn sách do nhà văn - học giả Trần Hữu Thục biên soạn. Từ Aristotle qua Fontanier, Richards, Black, Ricoeur…cho đến Lakoff và Johnson, tác giả đã tra lại nhiều chương về triết học cùng tu từ pháp phương Tây để soi sáng các bí mật xoay quanh ẩn dụ và dụ pháp, vừa chứng minh rằng ẩn dụ không chỉ là các thao tác ngữ nghĩa mà còn là một phương thức tự nhiên gắn liền với hoạt động tu duy và nhận thức. Ưu điểm đáng kể của khảo luận này là nỗ lực tổng hợp những phát kiến của triết học ngôn ngữ cùng khoa học về tri giác của thế kỷ 20 chung quanh vấn đề ẩn dụ. Đây là một công trình công phu, với nghệ thuật hành văn sáng tỏ, mạch lạc, rất hữu ích cho các môn Văn, Triết đang cần thêm các chuyên khảo lý thuyết về ngữ nghĩa học và dụ pháp học (tropology) nói chung.
Chân Phương (Nhà thơ)
TRẦN DOÃN NHO
DẶM TRƯỜNG
“viết là bịa”
truyện dài
Tái bản và nhuận sắc
Hoa Kỳ Mùa hạ 2018
Bìa: Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi
Layout: Trần Hoài Thư
Kỹ thuật in ấn: Thư Ấn Quán
In hạn chế
dành tặng thân hữu