ĐỖ LUẬT

Hồi Chuông Báo Tử Cho Đà Nẵng

tản mạn

 

Những kỷ niệm vui thì phải lục tìm trong trí nhớ, còn những kỷ niệm buồn thì tự chúng trở về.

Hôm nay, một trong những kỷ niệm buồn tự tìm lấy lối về mà không cần báo trước: ngày mà định mệnh gọi tên tôi với hồi chuông báo tử cho Đà Nẵng.

Và tôi đọc lại định mệnh của mình.

For whom the bell tolls – Hồi chuông báo tử cho ai vậy – Ernest Hemingway – 1940

The bell tolls for Danang – Hồi chuông báo tử cho Đà Nẵng – Olivier Todd – Cruel April – March 29, 1975

Hồi chuông báo tử cho Đà Nẵng vang lên sau nhiều ngày thành phố này hấp hối vào ngày 29 tháng 3 năm 1975.

Cả tuần nay, thành phố Đà Nẵng với dân số 600.000 đã cưu mang thêm 1.000.000 người tỵ nạn từ Quảng Trị, Thừa Thiên,Huế chạy vào từ phía Bắc sau khi Huế bị bỏ ngỏ ngày 23 tháng 3 và người ṭy nạn từ Quảng Ngãi, Quảng Tín, Hội An từ phía Nam chạy ra sau khi Quảng Tín cũng bị bỏ ngỏ vào ngày 24 tháng 3. Cả trăm trường học đã đóng cửa ở Đà Nẵng là nơi tạm trú cho những dân quê chất phác, đã vội vã bỏ lại những tài sản không nhiều nhặn gì cuả mình với hy vọng sống sót, và niềm tin ngây thơ sẽ được tàu đưa vào Nam như cuộc di cư năm 1954.

Ngày 25 tháng 3 Tòa Lãnh Sự Mỹ đóng cửa và di tản nhân viên, chỉ còn lại những nhân vật cao cấp có trách nhiệm sẽ ở lại đến phút cuối cùng. Người Mỹ ra đi làm sự hoảng loạn gia tăng. Những người có phương tiện dồn về phi trường Đà Nẵng, hành lý chất đầy và người ta tụ tập hay đi lang thang trên phi đạo. Ở Sài Gòn, Ed Daly một triệu phú Mỹ chủ nhân hãng Hàng Không World Airways đã bỏ tiền túi lập cầu không vận Đà Nẵng – Sài Gòn để giúp di tản người tỵ nạn. Nhưng đã muộn màng, vì sự mất trật tự trên phi đạo và những viên đạn đại bác bắn thăm dò của Pháo Binh Bắc Việt Nam, đã làm máy bay không thể hạ cánh xuống phi trường Đà Nẵng nữa. Ngay cả Tổng Lãnh Sự Mỹ ở Đà Nẵng là Al Francis cũng phải di tản bằng tàu, sau khi thỉnh cầu Không Lực 7 của Mỹ ở Thái Lan gởi trực thăng đến và được trả lời là không thể, vì như thế vi phạm Hiệp Định Paris 1973 ( có lẽ người Mỹ là bên duy nhất trong Hiệp Định Paris tôn trọng Hiệp Định này),và máy bay trực thăng ở Thái Lan đang túc trực để di tản Nam Vang đang sụp đổ. Và người có chức vụ cao nhất của Quân Đội Nam Việt Nam ở Đà Nẵng là Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn 1 và Quân Khu 1 đã phải bơi ra xuồng, rồi lên một tàu của Nam Việt Nam, trong ngày cuối cùng khi tiếng chuông báo tử Đà Nẵng vang lên.

Bây giờ con đường duy nhất để ra khỏi Đà Nẵng là đường biển.

Lúc đó ngoài khơi Hải Phận Việt Nam đã có một Hạm Đội Quốc Tế gồm những tàu của Nam Việt Nam, Anh, Úc, Đại Hàn, Đài Loan, Phi Luật Tân cam kết sẽ tham dự cuộc di tản, sau khi Phó Thủ Tướng Phan Quang Đán kêu gọi Liên Hiệp Quốc, Phủ Cao Ủy Tỵ Nạn và Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế giúp di tản người tỵ nạn. Ngay cả Thủ Tướng Tây Đức, người có thái độ thù nghịch với Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, cũng lên tiếng tham gia vào chiến dịch di tản hoàn toàn vì nhân đạo này. Tổng Thống Gerald Ford của Mỹ đã gởi tới Việt Nam những tàu của Hải Quân Mỹ nhưng không được vào Hải Phận Việt Nam, và thuê những tàu dân sự để làm công việc di tản nhân đạo. Và để nhấn mạnh sự quan tâm của mình, chính phủ Úc đã gởi đến Malaysia 6 máy bay chở đầy thực phẩm và thuốc men sẵn sàng phân phát cho người tỵ nạn.

Mặc dầu có cả một Hạm Đội Quốc Tế đang chờ đón ngoài Hải Phận Việt Nam, nhưng mơ ước của những người tỵ nạn ở Đà Nẵng trong những ngày cuối tháng 3 năm 1975 đã không trở thành sự thực: Không có cuộc di cư như năm 1954. Sau khi kiểm điểm người ta biết rằng chỉ có 50.000 thường dân và 16.000 quân nhân thoát ra khỏi Đà Nẵng. Như vậy còn lại hơn 1.400.000 người dân ở Quảng Trị, Thừa Thiên, Huế, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi, Hội An và Đà Nẵng đã ở lại vì không có cơ hội ra đi; sau khi đã vội vã bỏ chạy để lại tất cả những tài sản không nhiều nhặn gì mà một gia đình nông dân có thể có trong thời chiến tranh, để đến được Đà Nẵng như niềm hy vọng cuối cùng.

Tôi, Bắc Kỳ di cư 54. Mẹ tôi là người Hà Nội gốc Hà Đông và Bố tôi người Nam Định. Bố Mẹ tôi gặp nhau trên chuyến tàu di cư vào Nam. Không bao giờ hỏi trực tiếp nhưng qua lời kể của Mẹ, tôi biết là Bố Mẹ tôi quen nhau, yêu nhau và lấy nhau, sau khi gặp nhau trên chuyến tàu ly hương chứ không phải hồi hương năm ấy. Và kết qủa của cuộc tình trên chuyến tàu di cư đó là Bố Mẹ tôi có 10 đứa con trai, mà tôi là thứ 3 trong gia đình theo cách gọi của người Bắc.

Là quân nhân nên Bố tôi thuyên chuyển đây đó nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, và Đà Nẵng là nơi Bố tôi ở lâu nhất theo nhu cầu công vụ trong đời binh nghiệp.

Tôi sinh ra và lớn lên ở ̣Đà Nẵng. Ngày định mệnh 29 tháng 3 năm 1975 tôi được 17 tuổi rưỡi. Chiều hôm đó, trên Bến Phà Cầu Đen tôi đã rời Đà Nẵng sau khi nhẩy xuống một chiếc tàu đổ bộ nhỏ của Lực Lượng Giang Thuyền Hải Quân Vùng 1 Chiến Thuật. Tôi vừa nhẩy xuống chiếc tàu đổ bộ và định giúp đỡ Mẹ và các em tôi xuống tàu, thì người chỉ huy chiếc tàu ra lệnh quay mũi ra vì sợ chở quá tải khiến con tàu không thể đi nổi. Con tàu rẽ sóng rời Bến Phà Cầu Đen, rời Đà Nẵng trực chỉ Cam Ranh, và tôi ra đi một mình với chiếc cặp da đựng toàn bộ giấy tờ của gia đình mà tôi được chỉ định là người mang giữ, sau buổi họp quyết ̣định ra đi của cả nhà tôi sáng ngày 29 tháng 3. Suốt đêm nằm co ro trong góc chiếc tàu đổ bộ để tránh nước biển tràn vào mỗi khi sóng đánh, tôi băn khoăn lo lắng cho gia đình mình không biết có đi được không. Mãi sau này sau khi đến Cam Ranh, rồi sau đó được đưa vào trại tỵ nạn ở Vũng Tàu, tôi mới biết gia đình tôi nhờ nỗ lực vô bờ của người anh thứ hai là Đỗ Bình, một người lính Pháo Binh Nam Việt Nam đang đóng ở Bộ Tư Lệnh Pháo Binh Quân Đoàn, đã đưa được cả gia đình lên chiếc tàu Pioneer Commander của Mỹ, đang đậu ngoài khơi Đà Nẵng chờ vớt người tỵ nạn. Lúc đó anh Cả của tôi là Đỗ Tiến cũng là một người lính Pháo Binh Nam Việt Nam, bị bắn vào ngực xuyên qua phổi rồi trổ ra sau lưng, và được đưa vào Bệnh Viện ở Nha Trang điều trị, nên anh Bình đã một mình vượt qua những khó khăn và nguy hiểm, đưa cả gia đình tôi vào đến Vũng Tàu.

Tôi đã bước vào cuộc đời như thế đấy.

Ngày 29 tháng 3 ở Đà Nẵng, và ngày 30 tháng 4 năm 1975 ở Sài Gòn đến trước khi tôi kịp đi thi lấy bằng Tú Tài Toàn Phần để nộp đơn vào Đại Học. Việc học của tôi chấm dứt khi tôi 17 tuổi rưỡi, và tôi đã không có cơ hội hoàn thành bậc Trung Học ở đất nước mình, mà phải đi đến Mỹ để lấy bằng Trung Học khi đã vào tuổi 30. Và vì tôi không hề xem mấy năm theo học để lấy mấy chứng chỉ về Business Management, do công ty nơi tôi làm việc gởi đi học khi tôi nhận lãnh trách nhiệm làm Head Department, là theo học Đại Học đúng nghiã, cho nên tôi vẫn chỉ là một người ít học theo đúng nghiã của chữ ít học. Tất cả kiến thức tôi có được ngày hôm nay, là từ chợ bán sách cũ trên vỉa hè đường Calmette ở Sài Gòn, nơi những tinh hoa của nhân loại, những giá trị muôn đời của con người được vất ra vỉa hè, rồi đem bán ký để làm giấy gói hàng. Bằng tiền dành dụm, mà Mẹ tôi cho sau một lần bán củi hay bán bắp tôi đã lên Sài Gòn, nhặt nhạnh những tên tuổi làm thành lịch sử nhân loại, đem về đọc trong những đêm dài ở một vùng đất nghèo khó gọi là Tân Hiệp, Long Thành với cái tên cũ là Khu Khẩn Hoang Lập Ấp Thái Thiện, do Quốc Vụ Khanh Phan Quang Đán thành lập với mục đích làm vòng đai bảo vệ Sài Gòn trước kia.

Tôi không được học hành đến nơi đến chốn, chưa một ngày bước chân vào trường Đại Học, nên suốt đời và mãi mãi tôi chỉ là một ” sản phẩm chưa hoàn tất của Trung Học Việt Nam Cộng Hoà”.*

Tuổi thanh xuân của tôi là những ngày dài vào rừng chặt tre, đốn củi, đốt than bán lấy tiền mua gạo bắp ăn sống qua ngày; hay là những ngày cũng dài không kém lên rẫy đốt gốc cây, phá đất, cuốc cỏ tranh trồng bắp, trồng khoai, trồng sắn để có miếng ăn.

Và tuổi thanh xuân của tôi cũng là những đêm dài chờ sáng, đọc sách dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu nhỏ – vì không có tiền mua dầu thắp ngọn đèn lớn. Tôi đọc tất cả những gì có chữ mà tôi vớ được : Nietzsche, Rimbaud, Đức Phật, Đức Chúa, Hermann Hesse, Daisetsu Teitaro Suzuki, Nguyễn Du, Phạm Công Thiện, Henry Miller, Platon, Aristote, Khổng Tử, Lão Tử, William Faulkner, André Gide, Schopenauer, Emerson, Rainer Maria Rilke, Dostoyevski, Boris Pasternak, Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Alexander Solzhenitsyn, Hemingway, Duyên Anh, Phan Nhật Nam, Nikos Kazantzakis, Thomas Wolfe, Kierkegaard, Jean Paul Sartre, Constantin Virgil Gheorghiu, Albert Camus, Francoise Sagan, John Steinbeck, Eric maria Remarque, Krisnamurti, Tagore, Leon Uris, Doãn Quốc Sỹ, Nhã Ca…

Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, ban ngày tôi làm việc quần quật như một tên tù với cuộc hành trình kiếm cơm ăn áo mặc; và ban đêm tôi lặng lẽ một mình làm cuộc hành trình đi lên của tâm thức, với gót chân nhỏ máu của Niezsche,của Phạm Công Thiện, của Nikos Kazantzakis.

Và kết quả của những tháng năm ban ngày làm việc như tù, ban đêm đọc sách chờ sáng là tôi bị bội thực tư tưởng, và đầu óc tôi bị hư hỏng vô phương cứu chữa từ đó cho đến bây giờ.

Tôi không kể về mình như một lời than vãn, vì tôi nghĩ sự may mắn của con người trên trần gian này như một chiếc bánh khổng lồ, mà Thượng Đế – nếu có, phải tự mình cắt ra chia cho từng người; thì Thượng Đế cũng mỏi tay nên khi cắt bánh có miếng to miếng nhỏ. Tôi được miếng nhỏ thì ăn ít, người được miếng to thì ăn nhiều, chứ Thượng Đế nào muốn có chuyện không công bằng khi chia phần may mắn cho tất cả chúng ta.

Và tôi cũng nghĩ rằng những nghịch cảnh mà chúng ta phải chịu, cũng giống như là chích thuốc ngừa bệnh đậu mùa, một khi đã được chích ngừa rồi thì chúng ta sẽ trở thành miễn nhiễm, những khó khăn nào có đến nữa thì cũng không làm cho chúng ta ngã gục, mà chỉ làm cho chúng ta mạnh mẽ thêm để tiếp tục đi cho hết cuộc đời này.

Đã bao nhiêu nước chẩy qua cầu từ ngày định mệnh 29 tháng 3 năm 1975 gọi tên tôi, đã trải qua những dâu bể cuộc đời, nhưng tôi chưa bao giờ hối tiếc với những gì mình đã làm. Chỉ có một điều, không phải là hối tiếc nhưng luôn làm tôi băn khoăn, là đã không từ giã Đà Nẵng một cách đàng hoàng theo cách chúng ta từ giã những người mình yêu quý nhất, khi hồi chuông báo tử cho Đà Nẵng vang lên 40 năm về trước.

Đà Nẵng, thành phố nơi tôi sinh ra và lớn lên với những Thầy, Cô, Bạn Bè mà tôi kính trọng và yêu thương, đáng được hưởng một từ giã xứng đáng hơn cách tôi đã làm khi bỏ ra đi. Không biện minh cho mình, nhưng trong lúc vội vã và sợ hãi ” Tất cả mọi người đều sợ hãi, Jean Paul Sartre đã viết. Tất cả. Người không biết sợ là không bình thường. Và điều này không liên quan gì đến sự can đảm.”, tôi đã xử sự không đúng cách, là chỉ nhẩy lên tàu và ra đi không một lời từ biệt.

Tôi đã trở lại Đà Nẵng một lần sau khi đi định cư ở Mỹ, nhưng không gặp bất cứ một Thầy, Cô và Bạn Bè nào của mình. Đâu rồi Thầy Mai Xuân Châu người đã ngâm bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng cho chúng tôi nghe trong giờ Quốc Văn lớp 8, đâu rồi Thầy Trần Toàn người đã đọc bài thơ Hồ Trường của Nguyễn Bá Trạc cho chúng tôi nghe trong giờ Quốc Văn lớp 9, đâu rồi Cô Lê Thị Phú Phương đã giảng cho chúng tôi nghe về Chinh Phụ Ngâm cuả Đặng Trần Côn mà Đoàn Thị Điểm đã diễn Nôm trong giờ Cổ Văn lớp 10, và cũng chính Cô Lê Thị Phú Phương đã giảng thật hay cho chúng tôi nghe về Đại Thi Hào Nguyễn Du người làm đẹp cho tiếng Việt qua tác phẩm Truyện Kiều trong giờ Cổ Văn lớp 11. Những Thầy Cô của tôi ngày tôi mới lớn, với lương tâm của một nhà giáo theo nghĩa hay nhất, đã dạy cho chúng tôi những bài học đạo đức căn bản để làm người, đã chắp cho chúng tôi đôi cánh chim Bằng để bay vào những phương trời viễn mộng, đã hy vọng chúng tôi thành những người có tài năng để phụng sự xã hội nay ở đâu. Và đâu rồi những bạn thân ngày còn đi học, một Lê Tự Nhạn tài hoa mà khinh bạc, một Nguyễn Hường tay toán cự phách nhất Đà Nẵng, một Nguyễn Kình nhà nghèo nhưng giỏi trên mọi phương diện, một Kiều Văn Lũy đa tài đa cảm, một Trần Thị Minh Nguyệt tài sắc mà cả hai người bạn tôi Nguyễn Kình và Kiều Văn Lũy cùng thầm yêu. Trong những người bạn cùng nhóm tôi chỉ biết có một Hoàng Liệu trở thành Dược Sĩ và Mai Thị Thanh Hồng trở thành Bác Sĩ, còn tất cả những chàng trai, những cô gái tài giỏi đã một lần ước mơ lấp biển vá trời bây giờ đang ở đâu, có còn mơ mộng đem tài năng ra giúp mình giúp đời, hay bây giờ cũng như tôi với mái tóc không còn xanh màu xanh viễn mộng nữa, và cũng đang khóc cho giấc mơ xa không bao giờ đến của mình.

Tôi đã trở lại Đà Nẵng và tôi biết rằng tôi sẽ còn trở lại Đà Nẵng ít nhất là một lần nữa.

Trở lại nơi mà mình đã sinh ra và lớn lên, nơi mà ước mơ lấp biển vá trời của mình được ươm trồng ngày mới lớn, là cách từ biệt xứng đáng mà tôi phải làm với Đà Nẵng, dù ước mơ lấp biển vá trời của tôi đã không vá nổi định mệnh của mình.

 

Đỗ Luật

http://www.gio-o.com/DoLuatQuyCoHuong.htm

 

© gio-o.com 2019